Chế độ hộ sản và hậu sản - Hiểu thế nào cho đúng?

Không ít bà mẹ Việt đang có sự nhầm lẫn giữa hộ sản và hậu sản cũng như chế độ của những khoảng thời gian thai sản. Bài viết dưới đây là những thông tin cơ bản nhất có thể hiểu rõ về vấn đề này.

Pháp luật hiện hành không có bất cứ quy định nào về hộ sản hay hậu sản, tuy nhiên, theo cách nói thông thường trong đời sống thường ngày, có thể hiểu như sau:

Về hộ sản

Hộ sản là cách gọi trước đây của thời gian nghỉ thai sản khi người phụ nữ sinh con.

Với những lao động tự do thì thời gian nghỉ dưỡng này không hạn chế. Tuy nhiên, với người lao động làm việc tại các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, theo quy định tại Điều 157 Bộ luật Lao động 2012, lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con 06 tháng.

Do đó, thông thường, người phụ nữ sẽ được nghỉ hộ sản 06 tháng; nếu sinh đôi trở lên thì từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.

Thời gian nghỉ trước sinh tối đa không quá 02 tháng và nếu như vậy thì thời gian nghỉ sau sinh (nghỉ hậu sản theo phân tích dưới đây) chỉ còn 04 tháng.

Trong thời gian nghỉ hộ sản, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản với mức hưởng hàng tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

Đồng thời, được nhận trợ cấp 1 lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở (mức trợ cấp hiện tại là 2,98 triệu đồng).

Xem chi tiết cách tính tiền thai sản tại đây.

Ngoài ra, khi hết thời gian nghỉ nêu trên, nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ không hưởng lương một thời gian theo thoả thuận với người sử dụng lao động.

Ngược lại, trước khi hết thời gian nghỉ hộ sản, nếu có nhu cầu và có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe và được người sử dụng lao động đồng ý thì lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ được ít nhất 04 tháng.

Trong trường hợp này, ngoài tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả, lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng tiền thai sản như đã nêu.

Chế độ hộ sản và hậu sản

Cách hiểu đúng nhất về chế độ hộ sản và hậu sản (Ảnh minh họa)

Về hậu sản

Dưới góc độ y học, hậu sản bắt đầu ngay sau khi người mẹ sinh con cho đến khi trở về trạng thái bình thường như trước khi mang thai. Thời gian này được chia thành 03 giai đoạn riêng biệt:

- Giai đoạn ban đầu hoặc cấp tính: từ 06 - 12 giờ sau khi sinh;

- Giai đoạn hậu sản sau đó: từ 02 - 06 tuần;

- Giai đoạn hậu sản muộn: có thể kéo dài đến 06 tháng.

Theo số liệu thống kê, hầu hết các trường hợp tử vong mẹ hay trẻ sơ sinh đều xảy ra trong giai đoạn này và có đến 94% phụ nữ báo cáo có ít nhất một vấn đề về sức khỏe.

Chính vì vậy, đây là khoảng thời gian vô cùng quan trọng, người mẹ cần được chăm sóc đặc biệt và có chế độ nghỉ ngơi đúng cách, nếu không rất dễ mắc một số bệnh lý được gọi là bệnh hậu sản.

Để người phụ nữ có thêm thời gian hồi phục sức khỏe, theo Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, ngay sau thời gian nghỉ hộ sản, trong khoảng 30 ngày đầu trở lại làm việc, lao động được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 - 10 ngày (bao gồm cả ngày nghỉ lễ, tết, nghỉ hàng tuần). Cụ thể:

- Tối đa 10 ngày nếu sinh một lần từ hai con trở lên;

- Tối đa 07 ngày nếu sinh con phải phẫu thuật;

- Tối đa 05 ngày với các trường hợp khác.

Ngoài ra, trong thời gian này, mỗi ngày người lao động còn được hỗ trợ một khoản tiền bằng 30% mức lương cơ sở (mức hiện nay là 447.000 đồng/ngày).

Với những thông tin nêu trên, hi vọng độc giả đã có cái nhìn cơ bản nhất về hộ sản và hậu sản, cũng như các chế độ của khoảng thời gian này.

>> Hướng dẫn chi tiết thủ tục hưởng chế độ thai sản mới nhất

Thùy Linh

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Người bệnh được xuất viện khi nào? Ra viện cần giấy tờ gì để hưởng bảo hiểm?

Người bệnh được xuất viện khi nào? Ra viện cần giấy tờ gì để hưởng bảo hiểm?

Người bệnh được xuất viện khi nào? Ra viện cần giấy tờ gì để hưởng bảo hiểm?

Ốm đau là một trong những chế độ thuộc bảo hiểm xã hội. Khi người lao động ốm đau nhập viện sẽ được hưởng chế độ bảo hiểm theo quy định. Vậy khi nào người bệnh được xuất viện và người bệnh cần giấy tờ gì để hưởng bảo hiểm trong thời gian nằm viện?