Tại lễ bế mạc Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam ngày 19/9/2023, Chủ tịch Quốc hội đã nhấn mạnh, nếu không có gì thay đổi, thời điểm cải cách tiền lương sẽ là từ 01/7/2024. Với việc bỏ mức lương cơ sở, chế độ BHXH sẽ thay đổi như thế nào khi cải cách tiền lương?
1. Các khoản trợ cấp BHXH thay đổi thế nào khi cải cách tiền lương?
Theo phát biểu bế mạc Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam 2023 của Chủ tịch Quốc hội, nếu không có gì thay đổi, chính sách cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27/NQ-TW năm 2018 sẽ được thực hiện từ 01/7/2024.
Điểm nổi bật của chính sách cải cách tiền lương lần này là bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, thay vào đó sẽ xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.
Tuy nhiên, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 hiện đang quy định rất nhiều khoản trợ cấp gắn với mức lương cơ sở bao gồm: Trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau; trợ cấp 1 lần khi sinh con, nhận nuôi con nuôi; trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản; trợ cấp mai táng; trợ cấp tuất hằng tháng.
Để đảm bảo thực hiện thống nhất các quy định pháp luật sau khi cải cách tiền lương, Mục 6 Phần III Nghị quyết 27/NQ-TW đã đặt ra nhiệm vụ sửa đổi, hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm xã hội và pháp luật có liên quan đến chính sách tiền lương trong khu vực công và khu vực doanh nghiệp.
Theo đó, các khoản trợ cấp BHXH đang gắn với lương cơ sở chắc chắn sẽ được sửa đổi để phù hợp với chính sách tiền lương mới sau khi cải cách tiền lương.
Hiện nay, tại dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Chính phủ cũng đã chủ trương sửa đổi các quy định gắn với tiền lương khu vực nhà nước phù hợp với định hướng của Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Căn cứ Tờ trình 527/TTr-CP của Chính phủ về Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) ngày 10/10/2023 cho thấy, Chính phủ đang đề xuất sửa đổi các trợ cấp gắn với mức lương cơ sở theo hướng quy định bằng số tiền cụ thể (bằng với mức tuyệt đối của hiện hành), đồng thời quy định các mức này được điều chỉnh khi Chính phủ điều chỉnh lương hưu và trợ cấp BHXH.
Như vậy, sau khi cải cách tiền lương, các khoản trợ cấp BHXH đang gắn với lương cơ sở sẽ được ấn định số tiền cụ thể. Số tiền này sẽ được điều chỉnh tương ứng khi Chính phủ điều chỉnh lương hưu và trợ cấp BHXH.
2. Đề xuất mức hưởng trợ cấp BHXH mới sau khi bỏ lương cơ sở
Theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội mới nhất, sau khi bỏ lương cơ sở, các khoản trợ cấp BHXH được đề xuất áp dụng theo mức sau:
(1) Trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau = 540.000 đồng/ngày.
(2) Trợ cấp 1 lần khi sinh con, nhận nuôi con nuôi = 3,6 triệu đồng/con.
(3) Trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản = 540.000 đồng/ngày.
(4) Trợ cấp mai táng = 18 triệu đồng.
(5) Trợ cấp tuất hằng tháng:
- Trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng: Trợ cấp tuất hằng tháng = 1,26 triệu đồng/tháng.
- Trường hợp còn lại: Trợ cấp tuất hằng tháng = 900.000 đồng/tháng.
Các khoản trợ cấp BHXH kể trên sẽ được điều chỉnh khi Chính phủ thực hiện điều chỉnh lương lưu và các khoản trợ cấp BHXH hằng tháng dựa trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội.
3. Lương hưu có tăng sau cải cách tiền lương ngày 01/7/2024 không?
Hiện nay, lương hưu được tính dựa trên số năm đóng bảo hiểm xã hội và khoản tiền lương đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng.
Căn cứ theo quy định tại Mục 2 Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, chính sách cải cách tiền lương sẽ điều chỉnh, thay đổi cơ cấu tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; người lao động trong doanh nghiệp.
Theo đó, tiền lương sẽ được thiết kế theo cơ cấu mới: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).
Hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo sẽ được xây dựng để thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới nhưng bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.
Thêm vào đó, mục tiêu của chính sách cải cách tiền lương đến năm 2025 là đảm bảo lương công chức thấp nhất phải cao hơn lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp và bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất trong khu vực doanh nghiệp khi đến năm 2030.
Như vậy, nhiều khả năng khi thực hiện chính cải cách tiền lương năm 2024, lương của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong doanh nghiệp nhà nước sẽ tăng. Điều này khiến cho mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của những người này tăng theo.
Kéo theo đó, mức hưởng lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong doanh nghiệp nhà nước thuộc diện được tăng tiền lương cũng sẽ tăng.
Còn với những người lao động làm việc tại doanh nghiệp ngoài khối nhà nước do không chịu tác động của chính sách cải cách tiền lương nên mức lương hưu từ 01/7/2024 sẽ không có gì thay đổi.
Trên đây là thông tin giải đáp cho câu hỏi: “Chế độ BHXH sẽ thay đổi như thế nào khi cải cách tiền lương?” Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ tư vấn chi tiết.