Chế độ bệnh nghề nghiệp: Điều kiện và mức hưởng

Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 28 nghìn lao động mắc các bệnh nghề nghiệp, tuy nhiên, con số thực tế có thể cao gấp 10 lần. Liệu những lao động này đã biết đến điều kiện và mức hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp để đảm bảo quyền lợi cho mình?

1. Thế nào là bệnh nghề nghiệp?

Trong những năm gần đây, nguy cơ mắc các bệnh nghề của người lao động ngày một gia tăng do thường xuyên phải tiếp xúc lâu dài với điều kiện lao động không tốt như khói, bụi, chất độc, tiếng ồn,…

Hiểu thế nào cho đúng về bệnh nghề nghiệp để bảo vệ quyền lợi cho mình? Theo khoản 9 Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động.

Hiện nay, có tất cả 34 bệnh nghề nghiệp thuộc Danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH theo quy định tại Thông tư 15/2016/TT-BYT.

2. Điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp

Theo quy định tại Điều 44 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp khi đáp ứng đủ điều kiện:

  • Bị bệnh thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp khi làm việc trong môi trường hoặc nghề có yếu tố độc hại;
  • Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh.

Chế độ bệnh nghề nghiệp 2019: Người lao động không nên bỏ qua

Chế độ bệnh nghề nghiệp: Người lao động không nên bỏ qua (Ảnh minh họa)

3. Mức hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp

Để đảm bảo sức khỏe cho người lao động trong suốt quá trình làm việc, nhằm phòng ngừa và phát hiện bệnh nghề nghiệp, hàng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động.

Tuy nhiên, khi đã mắc bệnh nghề nghiệp, người lao động được hưởng:

Từ người sử dụng lao động

Hơn ai hết, người sử dụng lao động là người đầu tiên chịu trách nhiệm khi để người lao động mắc bệnh nghề nghiệp. Theo quy định tại Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, người sử dụng lao động phải:

  • Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định:

+ Khoản đồng chi trả và các khoản không do BHYT chi trả đối với người tham gia BHYT;

+ Phí giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với trường hợp suy giảm dưới 5%;

+ Toàn bộ chi phí y tế đối với người không tham gia BHYT;

  • Trả đủ tiền lương trong thời gian nghỉ việc điều trị, phục hồi chức năng lao động;
  • Bồi thường:

+ Ít nhất 1,5 tháng lương nếu suy giảm từ 5% đến 10%; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng lương nếu suy giảm từ 11% đến 80%;

+ Ít nhất 30 tháng lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết;

  • Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc.

Từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

  • Trợ cấp một lần nếu suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30%:

+ Suy giảm 5% thì hưởng 05 lần mức lương cơ sở.

Từ 01/01/2020, mức trợ cấp là 7.450.000 đồng.

Từ 01/7/2020, mức trợ cấp là 8.000.000 đồng.

Sau đó cứ giảm thêm 1% thì hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở.

+ Hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng BHXH: Từ 01 năm trở xuống được 0,5 tháng, cứ thêm mỗi năm được thêm 0,3 tháng tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.

  • Trợ cấp hàng tháng nếu suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên:

+ Suy giảm 31% thì hưởng 30% mức lương cơ sở.

Từ 01/01/2020, mức trợ cấp là 447.000 đồng/tháng.

Từ 01/7/2020, mức trợ cấp là 480.000 đồng/tháng.

Sau đó cứ giảm thêm 1% thì hưởng thêm 2% mức lương cơ sở;

+ Hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng BHXH: Từ 01 năm trở xuống được 0,5%, cứ thêm mỗi năm được thêm 0,3% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.

  • Trợ cấp phục vụ nếu suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống, mù hai mắt, cụt, liệt hai chi hoặc bị tâm thần:

Mức trợ cấp bằng mức lương cơ sở.

Từ 01/01/2020, mức trợ cấp là 1.490.000 đồng.

Từ 01/7/2020, mức trợ cấp là 1.600.000 đồng.

  • Trợ cấp một lần khi chết:

Người lao động chết do mắc bệnh nghề nghiệp khi đang làm việc, trong thời gian điều trị lần đầu hoặc điều trị bệnh tật thì mức trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở.

Từ 01/01/2020, mức trợ cấp là 53,64 triệu đồng.

Từ 01/7/2020, mức trợ cấp là 57,6 triệu đồng.

  • Phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình:

Ngoài các khoản nêu trên, người lao động bị bệnh nghề nghiệp mà tổn thương chức năng hoạt động của cơ thể thì được cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình tùy theo tình trạng bệnh tật.

  • Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị:

+ Trong 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe của người lao động không đảm bảo thì được nghỉ dưỡng sức từ 05 đến 10 ngày:

Tối đa 10 ngày nếu suy giảm từ 51% trở lên;

Tối đa 07 ngày nếu suy giảm từ 31% đến 50%;

Tối đa 05 ngày nếu suy giảm từ 15% đến 30%.

+ Mỗi ngày nghỉ dưỡng sức được hưởng:

25% mức lương cơ sở nếu nghỉ tại gia đình;

40% mức lương cơ sở nếu nghỉ tại cơ sở tập trung.

Người lao động được an tâm khi có chế độ bệnh nghề nghiệp

Người lao động được an tâm khi có chế độ bệnh nghề nghiệp (Ảnh minh họa)

4. Thời điểm hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp

Tương tự như chế độ tai nạn lao động, theo Điều 50 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, người lao động được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp khi điều trị xong, ra viện hoặc khi có kết luận của Hội đồng giám định y khoa trong trường hợp không điều trị nội trú.

Đối với người lao động bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp thì thời điểm hưởng tính từ tháng được cấp Giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.

5. Hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp

Theo Quyết định số 166/QĐ-BHXH, để được hưởng các quyền lợi nêu trên, người lao động phải có hồ sơ gồm các giấy tờ:

  • Sổ bảo hiểm xã hội;
  • Biên bản đo đạc môi trường có yếu tố độc hại do cơ quan có thẩm quyền lập.

Trường hợp bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp thì thay bằng Biên bản tai nạn rủi ro nghề nghiệp theo mẫu quy định tại Quyết định số 120/2008/QĐ-TTg.

  • Giấy ra viện nếu điều trị nội trú sau khi điều trị ổn định; Giấy khám hoặc Phiếu hội chẩn nếu điều trị ngoại trú.

Đối với người bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp thì thay bằng Giấy chứng nhận bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.

  • Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa (bản chính).
  • Văn bản đề nghị giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp do người sử dụng lao động lập (theo mẫu số 05-HSB).

6. Thủ tục hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp

Theo quy định tại Điều 59 và Điều 60 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, thủ tục hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp như sau:

Bảo hiểm bệnh nghề nghiệp

  • Người mắc bệnh nghề nghiệp chuẩn bị đủ hồ sơ gồm các giấy tờ nêu trên.
  • Trong vòng 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH.
  • Trong vòng 10 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ từ đơn vị sử dụng lao động, cơ quan BHXH giải quyết chế độ cho người lao động.

Trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi bị bệnh

  • Trong vòng 10 ngày, kể từ ngày người lao động được xác định chưa phục hồi, người sử dụng lao động lập danh sách và nộp cho cơ quan BHXH.
  • Trong vòng 10 ngày, kể từ ngày nhận danh sách, cơ quan BHXH giải quyết chế độ cho người lao động và chuyển tiền cho đơn vị sử dụng lao động.
  • Trong vòng 05 ngày, kể từ ngày nhận tiền từ cơ quan BHXH, người sử dụng lao động tổ chức chi trả tiền trợ cấp cho người lao động.

Để tránh mắc bệnh nghề nghiệp cũng như tự bảo vệ mình tại nơi làm việc, người lao động cần chủ động trang bị cho mình những kiến thức cơ bản cũng như biết được các chế độ bệnh nghề nghiệp nếu không tránh được bệnh để đảm bảo quyền lợi cho mình.

Thùy Linh

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục