Theo pháp luật hiện hành, trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, hằng tháng, người lao động phải trực tiếp thông báo về việc tìm kiếm việc làm với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp. Vậy thông báo tìm việc làm trễ hẹn có được hưởng trợ cấp thất nghiệp?
Hằng tháng, phải thông báo tìm kiếm việc làm vào ngày nào?
Theo quy định tại Điều 52 và Điều 53 Luật Việc làm 2013, người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng phải thông báo về việc tìm kiếm việc làm, nếu không sẽ bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Khoản 4 Điều 10 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH đã hướng dẫn cụ thể về ngày mà người lao động phải thông báo tình hình tìm kiếm việc làm hằng tháng như sau:
4. Ngày người lao động thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm được ghi cụ thể trong phụ lục quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động như sau:
a) Ngày của tháng thứ nhất hưởng trợ cấp thất nghiệp là ngày nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp theo phiếu hẹn trả kết quả;
b) Từ tháng thứ hai trở đi người lao động thực hiện ngày thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày đầu tiên của tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Theo đó, việc thông báo tìm kiếm việc làm được thực hiện như sau:
- Tháng đầu tiên hưởng trợ cấp thất nghiệp: Thông báo vào ngày nhận quyết định quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp theo phiếu hẹn.
- Từ tháng thứ hai trở đi: Thông báo trong 03 ngày làm việc kể từ ngày đầu tiên của tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Ví dụ: Ngày nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là: Ngày 07/5/2021.
Ngày thông báo tình hình tìm kiếm việc làm như sau:
- Tháng đầu tiên: Ngày 07/5/2021.
- Từ tháng thứ hai trở đi: Từ ngày 07/6 - 09/6/2021.
Trễ hẹn thông báo tìm việc có được hưởng trợ cấp thất nghiệp?
Theo quy định tại Điều 53 Luật Việc làm, người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp khi không thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng theo quy định. Do đó, nếu thông báo tìm kiếm việc làm chậm so với ngày hẹn, người lao động sẽ bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Khi bị tạm dừng hưởng trợ cấp này, nếu còn thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động mà tiếp tục thực hiện thông báo tìm kiếm việc làm thì sẽ được chi trả trợ cấp thất nghiệp (căn cứ khoản 1 Điều 20 Nghị định 28/2015/NĐ-CP).
Tuy nhiên, nếu thời hạn thông báo tìm kiếm việc làm thuộc một trong các trường hợp tại khoản 3 Điều 10 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH, người lao động sẽ không cần trực tiếp thông báo tại trung tâm dịch vụ việc làm, đó là:
a) Ốm đau nhưng không thuộc trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền;
b) Bị tai nạn có xác nhận của cảnh sát giao thông hoặc cơ sở y tế có thẩm quyền;
c) Bị hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn;
d) Cha, mẹ, vợ/chồng, con của người lao động chết; người lao động hoặc con của người lao động kết hôn có giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
Lưu ý: Trong các trường hợp này, người lao động phải:
- Gửi thư bảo đảm hoặc ủy quyền nộp bản chính hoặc bản sao có chứng thực một trong các giấy tờ chứng minh các lý do trên đến trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
- Trong 03 ngày làm việc kể từ ngày cuối cùng của thời hạn thông báo.
Như vậy, nếu bị ốm đau, tai nạn, hỏa hoạn, lũ lụt… thuộc các trường hợp trên mà đã gửi thư bảo đảm hoặc giấy tờ chứng minh theo đúng thời hạn, thì dù trễ hẹn thông báo tìm kiếm việc làm, người lao động vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trên đây là giải đáp về việc chậm thông báo tìm việc có được hưởng trợ cấp thất nghiệp hay không. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192 để được hỗ trợ.
>> Bảo hiểm thất nghiệp: Điều kiện, mức hưởng, thủ tục hưởng
>> Làm ở thành phố, về quê nhận bảo hiểm thất nghiệp được không?