1. Cách tính lương hưu khi cải cách tiền lương sẽ thế nào?
Hiện, công thức tính lương hưu được nêu tại Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 như sau:
Lương hưu hằng tháng = Tỷ lệ hưởng x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH
Trong đó, tỷ lệ thấp nhất 45% và cao nhất là 75% tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH).
Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính theo mức lương của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Khi cải cách tiền lương tức là chỉ xóa bỏ mức lương cơ sở trong cơ cấu tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và thay thế bằng cách tính tiên lương mới đảm bảo không thấp hơn mức lương hiện hưởng của cán bộ, công chức, viên chức.
Riêng với người lao động thì mức lương vẫn dựa theo thỏa thuận giữa người lao động với người sử dụng lao động.
Do đó, khi bỏ mức lương cơ sở thì chỉ thay đổi cách tính tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức do đó sẽ thay đổi mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Bởi vậy, công thức tính lương hưu vẫn áp dụng theo công thức ở trên nên về cơ bản cách tính lương hưu khi cải cách tiền lương sẽ không thay đổi mà chỉ ảnh hưởng đến mức hưởng lương hưu do mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH thay đổi.
2. 3 mức tăng lương hưu dự kiến từ 01/7/2024
Tại phiên họp thứ 31 chiều ngày 15/3/2014, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất về ba nhóm đối tượng sẽ chịu ảnh hưởng của việc điều chỉnh lương hưu:
Nhóm thứ nhất: Những người nghỉ hưu thông thường. Đây là nhóm phổ biến nhất hiện nay. Với nhóm này, mức tăng lương hưu sẽ được tính toán hợp lý giữa khu vực đang làm việc và về thời điểm nghỉ hưu trước khi cải cách hay sau khi cải cách giữa những người nghỉ hưu.
Trong đó, Bộ này đề xuất điều chỉnh lương hưu không thấp hơn 50% so với mức tăng lương sau cải cách của các đối tượng được tăng lương để không khiến người nghỉ hưu bị thiệt thòi khi cải cách tiền lương.
Nhóm thứ hai: Nhóm người nghỉ hưu trước 01/7/2024. Với nhóm này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất cần phải bù thêm để giảm phần chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ trước và sau 01/7/2024 - thời điểm cải cách tiền lương.
Nhóm thứ ba: Nhóm những người nghỉ hưu trước năm 1995. Đối tượng này dự kiến sẽ được hưởng chính sách đặc biệt để đẩy mức hưởng lương hưu lên cao hơn nữa. Tuy nhiên, chính sách đặc biệt đó là gì thì hiện tại chưa có thông tin cụ thể.
3. Cải cách tiền lương tác động gì đến lương hưu?
Do việc bỏ lương cơ sở khi cải cách tiền lương nên lương hưu từ 01/7/2024 sẽ có những thay đổi như sau:
- Thay đổi mức hưởng lương hưu: Mức hưởng lương hưu được tính theo hệ số và mức bình quân tiền lương đóng BHXH. Do đó, khi bỏ lương cơ sở và sử dụng cách tính lương mới sẽ tác động đến mức hưởng lương hưu.
Tuy nhiên, căn cứ Nghị quyết 27-NQ/TW, việc xây dựng bảng lương mới đảm bảo không thấp hơn tiền lương hiện hưởng. Theo thông tin mới nhất, bảng lương có thể cao hơn đến 30% so với tiền lương hiện hưởng.
Do đó, vì mức bình quân tiền lương đóng BHXH có thể cao hơn hiện nay nên nhiều khả năng tiền lương hưu cũng sẽ tăng hơn so với bây giờ và tùy vào đối tượng hưởng lương hưu để hưởng mức tiền lương hưu như đề xuất ở trên của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
- Thay đổi mức lương hưu tối thiểu: Theo khoản 5 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, mức lương hưu thấp nhất của người lao động đóng BHXH bắt buộc đủ điều kiện hưởng lương hưu sẽ bằng mức lương cơ sở.
Trong khi đó, khi cải cách tiền lương sẽ bỏ mức lương cơ sở nên chắc chắn, từ 01/7/2024 sẽ phải có hướng dẫn hoặc cách tính cụ thể cho mức lương hưu tối thiểu hằng tháng trong trường hợp này.
Trên đây là quy định về cách tính lương hưu khi cải cách tiền lương. Do sắp đến thời điểm cải cách tiền lương nên các quy định liên quan sẽ sớm được đề xuất và ban hành. LuatVietnam sẽ cập nhật nhanh nhất các quy định về vấn đề này.