Bảo hiểm y tế học sinh có bắt buộc? Mức thu năm học 2022 - 2023

Với mục đích chia sẻ rủi ro bệnh tật và giảm bớt gánh nặng tài chính cho người dân khi ốm đau, bệnh tật, chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) đã được ra đời. Đối tượng học sinh có bắt buộc phải tham gia loại bảo hiểm này không? Nếu có thì đóng mức phí bao nhiêu?


1. Học sinh có bắt buộc phải mua bảo hiểm y tế không?

Theo khoản 1 Điều 2 Luật BHYT năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014, BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc áp dụng với các đối tượng được quy định trong Luật này để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện.

Trong đó, khoản 4 Điều 12 Luật BHYT hiện hành đã nêu rõ các đối tượng tham gia BHYT thuộc nhóm do ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng:

4. Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng, bao gồm:

a) Người thuộc hộ gia đình cận nghèo;

b) Học sinh, sinh viên.

Theo đó, đối tượng học sinh, sinh viên bắt buộc phải tham gia BHYT. Khi đăng ký tham gia BHYT, học sinh cả nước đều sẽ được nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng.

Trường hợp không tham gia BHYT, cá nhân có thể bị phạtCảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng về hành vi không đóng BHYT của đối tượng bắt buộc tham gia BHYT (theo khoản 1 Điều 80 Nghị định 117/2020/NĐ-CP).


2. Học sinh có buộc phải mua BHYT theo trường học không?

Về vấn đề tham gia BHYT, khoản 6 Điều 19 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 nêu rõ:

Điều 19. Phương thức đóng BHYT theo quy định tại Điều 15 Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như sau:

6. Đối tượng tại Điểm 4.2 Khoản 4 Điều 17: định kỳ 03 tháng, 06 tháng hoặc 12 tháng học sinh, sinh viên đóng phần thuộc trách nhiệm phải đóng cho nhà trường đang học.

Theo quy định này, đối tượng tham gia BHYT là học sinh sẽ thực hiện việc đóng tiền BHYT cho nhà trường nơi đang theo học.

Trên thực tế, có nhiều học sinh còn thuộc nhóm đối tượng tham gia BHYT do ngân sách Nhà nước đóng như người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; con của đối tượng công an, bộ đội đang phục vụ,…

Đối với trường hợp này, khoản 2 Điều 13 Luật BHYT năm 2008, sửa đổi năm 2014 quy định, một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế khác nhau thì sẽ thực hiện đóng bảo hiểm y tế theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự như sau: (1) Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng, (2) Nhóm do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng, (3) Nhóm do ngân sách nhà nước đóng, (4) Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng, (5) Nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình.

Do đó, những học sinh thuộc hộ nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn; con của đối tượng công an, bộ đội đang phục vụ,…thì không phải đóng tiền BHYT cho trường học.


3. Mức thu tiền BHYT học sinh năm học 2022 - 2023

Những trường hợp học sinh thuộc diện tham gia BHYT theo nhóm đối tượng do ngân sách nhà nước đóng như: Trẻ em dưới 06 tuổi; trẻ thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng; trẻ thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng khó khăn; người đang sinh sống tại vùng đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo; con của liệt sỹ; con của công an đang công tác, bộ đội đang tại ngũ,… thì không cần mất tiền tham gia BHYT mà được cấp thẻ BHYT miễn phí.

Còn đối với các học sinh còn lại, căn cứ Điều 18 Quyết định 595/QĐ-BHXH, sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định 505/QĐ-BHXH, mức đóng hằng tháng được xác định như sau:

Mức đóng BHYT tối đa của học sinh, sinh viên

=

70%

x

4,5%

x

Mức lương cơ sở

Trong đó: Mức lương cơ sở hiện đang áp dụng = 1,49 triệu đồng/tháng.

Hiện nay hầu hết các nhà trường đều thực hiện thu tiền BHYT cho cả năm (12 tháng) nên số tiền BHYT mà các bậc phụ huynh phải đóng cho con đầu năm sẽ được tính như sau:

Tiền đóng BHYT = 12 tháng x  70% x 4,5% x 1,49 triệu đồng = 563.220 đồng


4. Quyền lợi về BHYT đối với học sinh khi đi khám, chữa bệnh?

Căn cứ Điều 22 Luật BHYT năm 2008, sửa đổi năm 2014, khi đi khám, chữa bệnh, học sinh sẽ được thanh toán quyền lợi về BHYT như sau:

* Trường hợp khám chữa bệnh đúng tuyến:

- Học sinh là trẻ em dưới 06 tuổi; trẻ thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng; trẻ thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng khó khăn; người đang sinh sống tại vùng đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo; con của liệt sỹ: Được thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh.

- Học sinh là con của công an đang công tác, bộ đội tại ngũ: Được thanh toán 95% chi phí khám, chữa bệnh.

- Các đối tượng học sinh khác: Được thanh toán 80% chi phí khám, chữa bệnh.

Ngoài ra các đối tượng này còn được thành toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong các trường hợp sau:

- Khám, chữa bệnh tại tuyến xã.

- Chi phí khám, chữa bệnh/lần thấp hơn 15% mức lương cơ sở.

- Tham gia bảo hiểm y tế 05 năm liên tục và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh/năm lớn hơn 06 tháng lương cơ sở.

* Trường hợp khám, chữa bệnh trái tuyến:

- Tại bệnh viện tuyến trung ương: 40% chi phí điều trị nội trú của mức hưởng đúng tuyến.

- Tại bệnh viện tuyến tỉnh: 100% chi phí điều trị nội trú của mức hưởng đúng tuyến.

- Tại bệnh viện tuyến huyện: 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh của mức hưởng đúng tuyến.

Trên đây là những thông tin đáng chú ý về bảo hiểm y tế học sinh với mức đóng và mức hưởng mới nhất. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6192 để được tư vấn chi tiết.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(2 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Mức hưởng thai sản khi sinh đôi nhưng 1 bé mất sau sinh

Nhiều trường hợp lao động nữ mang thai đôi nhưng không may sau khi sinh, một trong 02 đứa trẻ lại quá yếu và mất. Vậy trường hợp sinh đôi nhưng 1 bé mất sau sinh thì người lao động được hưởng mức thai sản như thế nào?