Là một trong hai trung tâm kinh tế lớn của miền Bắc, Hải Phòng cũng thu hút số lượng lao động đông đảo đây để sinh sống và làm việc. Vậy khi thất nghiệp, những người lao động tại Hải Phòng có thể nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp ở đâu?
1. Nơi nhận hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp tại Hải Phòng
Căn cứ khoản 1 Điều 46 Luật Việc làm năm 2013, trung tâm dịch vụ việc làm là nơi tiếp nhận hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động. Do đó, nếu có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp sau khi nghỉ việc, người lao động tại thành phố Hải Phòng có thể tìm đến trung tâm dịch vụ việc làm của thành phố để làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Hiện nay toàn thành phố Hải Phòng chỉ có 01 địa chỉ nhận hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp đó là Trung tâm dịch vụ việc làm thành phố Hải Phòng.
Địa chỉ: Số 735 đường Nguyễn Văn Linh, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng.
Website: http://vieclamhaiphong.net/
Email: hotro@vieclamhaiphong.net
Số điện thoại: 02253.889.169 hoặc 02253.710.529 (Phòng Việc làm) hoặc 02253.246.879 (Phòng Bảo hiểm thất nghiệp) hoặc 02253.889.169 (Tổng đài CSKH).
Thời gian làm việc: Buổi sáng (7h30 - 11h30/8h00 - 12h00); buổi chiều (13h30 - 17h30) (trừ các ngày Thứ 7, Chủ nhật, nghỉ Lễ, Tết).
2. Làm hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp tại Hải Phòng cần giấy tờ gì?
Dù nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại bất cứ đâu thì người lao động cũng phải nộp đúng và đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 16 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 61/2020/NĐ-CP. Cụ thể bao gồm:
1 - Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.
2 - Giấy tờ chứng minh chấm dứt hợp đồng lao động (có thể là bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao có kèm theo bản chính để đối chiếu):
- Hợp đồng lao động hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng.
- Quyết định thôi việc.
- Quyết định sa thải.
- Quyết định kỷ luật buộc thôi việc.
- Thông báo chấm dứt hợp đồng lao động của doanh nghiệp.
- Thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp và người lao động.
- Xác nhận của doanh nghiệp về việc chấm dứt hợp đồng lao động với các nội dung: Thông tin của người lao động; loại hợp đồng lao động đã ký; lý do, thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động…
3 - Bản chính sổ bảo hiểm xã hội.
Tại Hải Phòng chỉ có 01 địa chỉ tiếp nhận hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp nhưng người lao động có thể chọn một trong cách sau đây để nộp hồ sơ:
- Nộp hồ sơ trực tiếp cho trung tâm dịch vụ việc làm Hải Phòng.
- Nộp hồ sơ qua đường bưu điện.
- Nộp hồ sơ online qua cổng dịch vụ công quốc gia.
Xem chi tiết cách đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp online.
3. Đã nộp hồ sơ đầy đủ, sau bao lâu thì được nhận trợ cấp thất nghiệp?
Theo khoản 1 Điều 46 Luật Việc làm 2013, sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động có thời hạn 03 tháng để nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm.
Sau khi tiếp nhận đủ hồ sơ của người lao động, Trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm xem xét, trình Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định việc hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động trong thời hạn 20 ngày làm việc (theo khoản 1 Điều 18 Nghị định 28/2015/NĐ-CP).
Nếu người lao động đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp thì Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó, quyết định này sẽ được gửi kèm với sổ bảo hiểm xã hội để trả lại lại người lao động.
Trong 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động sẽ được chi trả tiền trợ cấp tháng đầu tiền.
Như vậy, tính từ thời điểm nộp đủ hồ sơ cho trung tâm dịch vụ việc làm, người lao động phải chờ khoảng 25 ngày làm việc để có thể nhận được tiền trợ cấp thất nghiệp tháng đầu tiên.
Từ tháng thứ hai trở đi, người lao động phải đi thông báo tình hình tìm kiếm việc làm hằng tháng đúng hẹn thì mới được thanh toán tiền trợ cấp thất nghiệp của tháng đó.
Trên đây là thông tin về địa chỉ làm bảo hiểm thất nghiệp Hải Phòng. Nếu vẫn còn vấn đề vướng mắc về trợ cấp thất nghiệp, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6192 để được tư vấn chi tiết.