Bảo hiểm thất nghiệp: Điều kiện, mức hưởng, thủ tục hưởng

Bảo hiểm thất nghiệp đã và đang có ý nghĩa quan trọng đối với người lao động, giúp chia sẻ gánh nặng tài chính trong lúc chưa tìm được việc làm. Để hiểu rõ hơn về chính sách bảo hiểm thất nghiệp, cùng theo dõi toàn bộ bài viết sau.
Mục lục bài viết

1. Bảo hiểm thất nghiệp là gì?

Trong thời buổi kinh tế khó khăn, bảo hiểm thất nghiệp được xem là phao cứu sinh giải quyết không ít khó khăn cho người lao động.

Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì và tìm kiếm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (theo khoản 4 Điều 3 Luật Việc làm 2013).

Nhờ có các chính sách hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp mà rất nhiều người lao động đã vượt quá khó khăn về kinh tế, giải quyết được vấn đề việc làm để tạo thu nhập ổn định, từ đó góp phần giúp ổn định thị trường lao động, đảm bảo an sinh xã hội.


2. Ai phải đóng bảo hiểm thất nghiệp?

Đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp được liệt kê tại Điều 43 Luật Việc làm bao gồm:

- Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên, trừ người đang hưởng lương hưu, lao động giúp việc gia đình.

Lưu ý: Trường hợp người lao động ký nhiều hợp đồng lao động cùng lúc thì tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo hợp đồng lao động được ký đầu tiên.

- Người sử dụng lao động bao gồm:

  • Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân.
  • Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
  • Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam;
  • Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc có hiệu lực, người sử dụng lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.


3. Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp hằng tháng

Theo khoản 2 Điều 41 Luật Việc làm 2013, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp được tính trên cơ sở tiền lương của người lao động. Hằng tháng, người lao động và người sử dụng lao động sẽ phải đóng bảo hiểm thất nghiệp theo mức sau:

Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động

=

1%

x

Tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp

Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động

=

1%

x

Quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động tham gia bảo hiểm

Trong đó, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, với mức lương đóng tối đa như sau:

- Người lao động theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định:

Mức lương đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa = 20 x Mức lương cơ sở.

- Người lao động theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định:

Mức lương đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa = 20 x Mức lương tối thiểu vùng.


4. Điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Theo Điều 42 Luật Việc làm năm 2013, chính sách bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: Trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Mỗi chế độ lại yêu cầu những điều kiện hưởng nhất định. Cụ thể:

4.1. Điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp

Căn cứ Điều 49 Luật Việc làm năm 2013, người lao động muốn hưởng trợ cấp phải đáp ứng đủ các điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp sau đây:

- Đã chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Trừ trường hợp: Đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật, hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.

- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động.

- Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động.

- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ cho trung tâm dịch vụ việc làm.

Trừ các trường hợp: Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, bị tạm giam, ra nước ngoài định cư, chết,…

4.2. Điều kiện được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm

Theo Điều 54 Luật Việc làm 2013, người lao động chỉ cần đang đóng bảo hiểm thất nghiệp, bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà có nhu cầu tìm kiếm việc làm được thì sẽ được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm.

4.3. Điều kiện được hỗ trợ học nghề

Theo Điều 55 Luật Việc làm 2013, người lao động sẽ được hỗ trợ học nghề khi có đủ các điều kiện sau:

- Đã chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Trừ trường hợp: Đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật, hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.

- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 09 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

- Đã nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

- Chưa tìm được việc sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ tại trung tâm dịch vụ việc làm.

Trừ trường hợp: Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; bị tạm giam; ra nước ngoài định cư; chết,…

4.4. Điều kiện được hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm

Chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động là chính sách dành riêng cho người sử dụng lao động. Để được hưởng quyền lợi này, người sử dụng lao động phải đảm bảo có đủ các điều kiện nêu tại Điều 47 Luật Việc làm năm 2013:

- Đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động liên tục từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ.

- Gặp khó khăn do suy giảm kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng buộc phải thay đổi cơ cấu, công nghệ.

- Không đủ kinh phí để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động.

- Đã có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề và duy trì việc làm được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

5. Bảo hiểm thất nghiệp tính như thế nào?

5.1. Tiền trợ cấp thất nghiệp

Theo Điều 50 Luật Việc làm 2013, tiền trợ cấp thất nghiệp được chi trả hằng tháng cho người lao động. Mỗi tháng, người lao động thất nghiệp phải đi thông báo tình hình tìm kiếm việc làm mới được nhận tiền trợ cấp.

Cách tính tiền trợ cấp thất nghiệp hằng tháng được xác định theo công thức sau:

Trợ cấp thất nghiệp hằng tháng

=

60%

x

Bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp

Thời gian người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp được xác định theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp:

- Đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 - 36 tháng: Được hưởng 03 tháng trợ cấp

- Sau đó, cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ thêm 12 tháng: Được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp

- Thời gian hưởng tối đa bằng 12 tháng.

5.2. Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm

Theo Điều 54 Luật Việc làm 2013, người lao động bị bị thất nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí thông qua trung tâm dịch vụ việc làm.

5.3. Tiền hỗ trợ học nghề

Căn cứ Điều 3 Quyết định 17/2021/QĐ-TTg, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ được hỗ trợ học nghề như sau:

- Khóa đào tạo nghề đến 03 tháng: Mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo.

- Khóa đào tạo nghề trên 03 tháng: Mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa 1,5 triệu đồng/người/tháng.

5.4. Tiền hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho người lao động

Theo Điều 4 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, người sử dụng lao động đủ điều kiện sẽ được hỗ trợ kinh phí cho việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề nhằm duy trì việc làm cho người lao động như sau:

Mức hỗ trợ tối đa = 01 triệu đồng/người/tháng

Trong đó: Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học nhưng không quá 06 tháng.

>> Nếu gặp khó khăn trong việc tính mức hưởng cũng như thủ tục nhận tiền, bạn có thể gọi ngay đến số 19006192 , các chuyên gia pháp lý của LuatVietnam luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn.

6. Thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Trong phạm vi phần này, LuatVietnam chỉ hướng dẫn thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động, trong đó quan trọng nhất là tiền trợ cấp thất nghiệp.

6.1. Nộp bảo hiểm thất nghiệp cần giấy tờ gì?

Theo Điều 16 Nghị định 28/2015/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 61/2020/NĐ-CP), hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp bao gồm các giấy tờ sau:

- Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (theo mẫu);

- Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ:

+ Hợp đồng lao động đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc.

+ Giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động.

+ Quyết định thôi việc.

+ Quyết định sa thải.

+ Quyết định kỷ luật buộc thôi việc.

+ Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

+ Xác nhận của người sử dụng lao động trong đó có nội dung cụ thể về thông tin của người lao động; loại hợp đồng đã ký; lý do, thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.

+ Xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc doanh nghiệp hoặc hợp tác xã giải thể, phá sản hoặc quyết định bãi nhiệm, miễn nhiệm, cách chức đối với các chức danh được bổ nhiệm trong trường hợp người lao động là người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

- Sổ bảo hiểm xã hội.

6.2 Nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp ở đâu?

Để trả lời cho câu hỏi: Nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp ở đâu?”, chúng ta cần căn cứ vào khoản 1 Điều 17 Nghị định 28/2015/NĐ-CP.

Theo quy định này, trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.

Sau 03 tháng, Trung tâm dịch vụ việc làm sẽ không giải quyết thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động sẽ tiếp tục được bảo lưu.

6.3. Thời gian xử lý bảo hiểm thất nghiệp bao lâu?

Thời gian xử lý hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp kéo dài hơn 20 ngày làm việc. Bởi theo Điều 18 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, nếu hồ sơ nộp hợp lệ, Trung tâm dịch vụ việc làm sẽ xem xét, trình Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động trong thời hạn 20 ngày làm việc.

Sau đó quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ được gửi đến cho người lao động.

Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, tới cơ quan bảo hiểm xã hội nhận trợ cấp thất nghiệp tháng đầu tiên.

Hàng tháng, người lao động phải đến trung tâm dịch vụ việc làm thực hiện thông báo tìm kiếm việc làm theo đúng quy định.


7. Đăng ký bảo hiểm thất nghiệp online thế nào?

Ngoài việc nộp hồ sơ giấy cho trung tâm dịch vụ việc làm để hưởng trợ cấp thất nghiệp, hiện nay, người lao động sau khi nghỉ việc đã có thể nộp hồ sơ online tại Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Chi tiết các bước tham khảo hướng dẫn tại Video sau: 

8. Địa điểm làm bảo hiểm thất nghiệp ở một số địa phương

8.1. Bảo hiểm thất nghiệp Quận 12, TP. Hồ Chí Minh

Người lao động sinh sống ở Quận 12 có thể làm thủ tục nhận bảo hiểm thất nghiệp tại đây, cho dù trước đó làm việc và đóng bảo hiểm ở địa phương khác.

Địa chỉ làm bảo hiểm thất nghiệp ở quận 12 là: Trường Trung cấp Bách Khoa HCM có địa chỉ ở số 802 Nguyễn Văn Quá, phường Đông Hưng Thuận, Quận 12, TP. Hồ Chí Minh.

Số điện thoại: 0283.7153288

Giờ làm việc: Buổi sáng từ 8h đến 12h; buổi chiều từ 13h đến 17h thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

8.2. Bảo hiểm thất nghiệp Quận 4, TP. Hồ Chí Minh

Người lao động sinh sống ở Quận 4, TP. Hồ Chí Minh có thể làm thủ tục nhận bảo hiểm thất nghiệp tại đây, cho dù trước đó làm việc và đóng bảo hiểm ở địa phương khác.

Địa chỉ làm bảo hiểm thất nghiệp Quận 4 là: Trung tâm dạy nghề Quận 4, có địa chỉ tại số 249 Tôn Đản, phường 15, Quận 4, TP. Hồ Chí Minh..

Số điện thoại: 028 39 415 841

Giờ làm việc: Buổi sáng từ 8h đến 12h; buổi chiều từ 13h đến 17h thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

8.3. Bảo hiểm thất nghiệp Quận 9, TP Hồ Chí Minh

Người lao động sinh sống ở Quận 9, TP. Hồ Chí Minh có thể làm thủ tục nhận bảo hiểm thất nghiệp tại đây, cho dù trước đó làm việc và đóng bảo hiểm ở địa phương khác.

Địa chỉ làm bảo hiểm thất nghiệp Quận 9 là: Đường số 9, phường Phước Bình, Quận 9, TP. Hồ Chí Minh;

Giờ làm việc: Buổi sáng từ 8h đến 12h; buổi chiều từ 13h đến 17h thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

Số điện thoại: 028 3743137.

8.4. Bảo hiểm thất nghiệp Quận 6, TP Hồ Chí Minh

Giới làm việc: Buổi sáng từ 8h đến 12h; buổi chiều từ 13h đến 17h thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

Bảo hiểm thất nghiệp Quận 6 có trụ sở chính đặt tại địa chỉ: 743/34 Hồng Bàng, phường 6, Quận 6, TP. Hồ Chí Minh.

Số điện thoại: 028 39600050

Giờ làm việc: Buổi sáng từ 8h đến 12h; buổi chiều từ 13h đến 17h thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.


9. Hướng dẫn tự tra cứu bảo hiểm thất nghiệp

Hiện nay có rất nhiều cách tra cứu bảo hiểm thất nghiệp giúp bạn dễ dàng biết được các thông tin đóng và hưởng bảo hiểm thất nghiệp của mình. Sau đây là một số công cụ hỗ trợ tra cứu bảo hiểm thất nghiệp mà bạn đọc có thể tham khảo:

Cách 1: Tra cứu online tại Cổng thông tin điện tử của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Ấn chọn đường link: https://baohiemxahoi.gov.vn/tracuu/Pages/dang-nhap-tra-cuu.aspx

Cách 2: Tra cứu qua ứng dụng VssID.

Cách 3: Tra cứu bằng tin nhắn điện thoại (phí 1000 đồng/tin nhắn).

BH QT {mã số bảo hiểm xã hội} gửi 8079

BH QT {mã số bảo hiểm xã hội} {từ năm} {đến năm} gửi 8079

Cách 4: Gọi tổng đài bảo hiểm 19006068.


10. Giải đáp thắc mắc thường gặp về bảo hiểm thất nghiệp

10.1. Bảo hiểm thất nghiệp có được cộng dồn không?

Câu hỏi: Tôi đóng bảo hiểm thất nghiệp 03 năm ở công ty cũ, sau đó nghỉ việc nhưng không làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp. Hiện nay, tôi đang làm việc ở công ty mới được 06 tháng. Vậy thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp trước đây của tôi có được cộng dồn không? - Minh Thu (Hà Nội)


Theo khoản 1 Điều 45 Luật Việc làm năm 2013, thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng cho đến khi chấm dứt hợp đồng lao động.

Bởi vậy, dù đóng bảo hiểm thất nghiệp không liên tục do chuyển nhiều nơi làm việc thì người lao động vẫn sẽ được hưởng quyền lợi về bảo hiểm thất nghiệp trên tổng thời gian mà mình đã tham gia.

10.2. Bảo hiểm thất nghiệp có từ năm nào?

Câu hỏi: Tôi tham gia bảo hiểm xã hội từ năm 2000, cũng là thời điểm tôi bắt đầu đi làm. Vậy, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của tôi có giống như thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Bảo hiểm thất nghiệp bắt đầu có từ năm nào? - Vũ Loan (Hải Phòng)








Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 lần đầu tiên ghi nhận chế độ "bảo hiểm thất nghiệp". Luật này chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2007, nhưng thời điểm bắt đầu áp dụng bảo hiểm thất nghiệp là từ 01/01/2009. Như vậy, bảo hiểm thất nghiệp chính thức có từ năm 2009.

Hiện nay, bảo hiểm thất nghiệp được quy định riêng tại Luật Việc làm năm 2013, không còn quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội như trước đây.

Do đó, thời gian người lao động tham gia hợp đồng lao động trước năm 2009 thì không được tính là thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

10.3. Nhận bảo hiểm thất nghiệp 1 lần được không?

Câu hỏi: Tôi năm nay đã hơn 50 tuổi, nay nghỉ việc chờ nghỉ hưu không đi làm đâu nữa thì có nhận trợ cấp thất nghiệp 1 lần luôn được không? - Thanh Minh (Vùng Tàu)

Hiện nay, theo Điều 50 Luật Việc làm năm 2013, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp đang được tính theo từng tháng.

Cùng với đó, khoản 2 Điều 18 Nghị định 28/2015/NĐ-CP cũng quy định, cơ quan BHXH sẽ thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp theo từng tháng cho người lao động.

Chính vì vậy, người lao động sẽ không thể lấy trợ cấp thất nghiệp một lần cho toàn bộ thời gian mà mình được hưởng.

10.4. Bảo hiểm thất nghiệp không lấy có mất không?

Câu hỏi: Tôi nghỉ việc hơn 1 năm chưa lấy tiền trợ cấp thất nghiệp thì liệu thời gian đóng trước đó có mất không ạ? - Hải Nam (Hòa Bình)

Căn cứ khoản 1 Điều 46 Luật Việc làm năm 2013, thời hạn nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động. Nếu để quá thời hạn này, trung tâm dịch vụ việc làm sẽ không nhận hồ sơ nữa.

Lúc này, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động sẽ được tự động bảo lưu để tính cho lần hưởng tiếp khi có đủ điều kiện.

Bởi khoản 1 Điều 45 Luật Việc làm 2013 đã nêu rõ, thời gian đóng bảo hiểm để xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp là tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.

10.5. Bảo hiểm thất nghiệp được lấy mấy lần?

Câu hỏi: Cách đây mấy năm tôi từng nhận trợ cấp thất nghiệp rồi. Sau đó quay lại đi làm 3 năm, giờ nghỉ việc có lấy tiền thất nghiệp nữa được không? - Vân Nguyễn (Thái Bình)

Luật Việc làm 2013 hiện không giới hạn số lần hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Người lao động chỉ cần đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 49 Luật Việc làm là được giải quyết hưởng thất nghiệp.

Các điều kiện gồm có:

- Đã chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Trừ trường hợp: Đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật, hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.

- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động.

- Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động.

- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ cho trung tâm dịch vụ việc làm.

Trừ các trường hợp: Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, bị tạm giam, ra nước ngoài định cư, chết,…

10.6. Bảo hiểm thất nghiệp có ủy quyền được không?

Câu hỏi: Có việc bận nên không đi làm hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp được, nhờ người thân đi nộp hồ sơ được không? - Hà Chi (Thái Nguyên)

Theo khoản 3 Điều 29 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, người lao động hoàn toàn có thể ủy quyền cho người khác nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp trong các trường hợp sau đây:

- Người lao động bị ốm đau, đang trong thời gian thai sản.

- Người lao động bị tai nạn.

- Người lao động gặp phải hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh.

Ngày nộp hồ sơ được tính là ngày người được ủy quyền đến nộp trực tiếp cho trung tâm dịch vụ việc làm.

Nếu không thuộc một trong các trường hợp đặc biệt kể trên, người lao động bắt buộc phải đi nộp hồ sơ trực tiếp cho trung tâm dịch vụ việc làm thì mới được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp.

10.7. Bảo hiểm thất nghiệp có làm thứ 7 không?

Câu hỏi: Các ngày hành chính tôi bận việc không đi nộp hồ sơ thất nghiệp được. Cho hỏi cuối tuần các trung tâm dịch vụ việc là có làm việc không? - Hồng Loan (Quảng Bình)

Theo Điều 37 và Điều 38 Luật Việc làm năm 2013, Trung tâm dịch vụ việc làm là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp tỉnh/thành phố được thành lập nhằm thực hiện các nhiệm vụ tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; cung ứng và tuyển lao động;… và thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp để trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.

Đối với thời gian làm việc của các đơn vị sự nghiệp công lập, Quyết định 14/2010/QĐ-TTg đã nêu rõ, tùy vào nhu cầu thực tế của công dân, tổ chức và điều kiện của cơ quan hành chính nhà nước mà sẽ tổ chức kàm việc 1/2 ngày hoặc cả ngày thứ bảy hàng tuần (trừ ngày lễ, ngày tết và ngày nghỉ khác theo quy định của pháp luật).

Như vậy, thực tế sẽ có trung tâm dịch vụ việc làm làm việc cả thứ Bảy nhưng cũng có nhiều nơi thì chỉ làm việc từ thứ Hai đến thứ Sáu.


Trên đây là toàn bộ thông tin đáng chú ý liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp. Nếu cần giải đáp thêm các vấn đề liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được tư vấn chi tiết.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(7 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Mức hưởng thai sản khi sinh đôi nhưng 1 bé mất sau sinh

Nhiều trường hợp lao động nữ mang thai đôi nhưng không may sau khi sinh, một trong 02 đứa trẻ lại quá yếu và mất. Vậy trường hợp sinh đôi nhưng 1 bé mất sau sinh thì người lao động được hưởng mức thai sản như thế nào?