Tổng hợp nội dung đáng chú ý về bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện từ 01/01/2025

Chính phủ đã ban hành Nghị định 143/2024/NĐ-CP về bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Theo đó, có 7 lưu ý người lao động cần phải biết khi tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện từ 01/01/2025.

Theo khoản 5 Điều 4 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, một trong những chính sách được Nhà nước quan tâm về an toàn, vệ sinh lao động là phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện nhằm xây dựng cơ chế đóng, hưởng linh hoạt, giúp phòng ngừa, giảm thiểu, khắc phục rủi ro cho người lao động.

Nếu có hợp đồng lao động, trong thời gian làm việc, nếu người lao động gặp tai nạn sẽ được xem xét là tai nạn lao động. Người lao động sẽ được hưởng đầy đủ các quyền lợi như tiền bồi thường, chi phí khám chữa bệnh, và trợ cấp theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, những lao động tự do như thợ xây, người bán hàng rong, tài xế xe ôm hay lao động mùa vụ trong nông nghiệp... thường không ký hợp đồng lao động và không thuộc diện bắt buộc tham gia bảo hiểm tai nạn lao động.

Do đó, khi xảy ra tai nạn lao động, những người không có hợp đồng lao động không chỉ phải gánh chịu chi phí điều trị mà còn đối mặt với sự giảm sút nghiêm trọng về thu nhập.

Chính sách bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 chắc chắn sẽ giúp giảm bớt khó khăn phần nào cho những lao động không được ký hợp đồng, mang lại sự hỗ trợ cần thiết trong các trường hợp rủi ro.

1. 7 quyền lợi khi tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện

Căn cứ khoản 1 Điều 2 Nghị định 143/2024/NĐ-CP quy định, người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động được tham gia tham gia bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện nếu:

  • Từ đủ 15 tuổi trở lên
  • Không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Theo đó, quyền lợi của người lao động khi tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện từ 01/01/2025 được quy định tại Điều 32 Nghị định 143 gồm:

(1) Được tham gia và hưởng các chế độ BHXH theo quy định của Nghị định này.

(2) Được cấp và quản lý sổ BHXH.

(3) Nhận các chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện đầy đủ, kịp thời, theo một trong các hình thức chi trả sau:

- Trực tiếp từ cơ quan BHXH hoặc tổ chức được cơ quan BHXH ủy quyền;

- Thông qua tài khoản ngân hàng của người lao động.

(4) Ủy quyền cho người khác nhận trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.

(5) Được cơ quan BHXH cung cấp thông tin về việc đóng, hưởng BHXH.

(6) Được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện

(7) Khiếu nại, tố cáo và khởi kiện về bảo hiểm xã hội theo quy định.

2. Điều kiện được hưởng bảo hiểm TNLĐ tự nguyện

Căn cứ Điều 5 Nghị định 143/2024/NĐ-CP, người lao động đang tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Bị suy giảm khả năng lao động ≥ 5% do tai nạn lao động xảy ra trong thời gian tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.

- Không phải trường hợp bị tai nạn do một trong 03 nguyên nhân sau:

  • Mâu thuẫn với người gây ra tai nạn mà không liên quan tới công việc, nhiệm vụ lao động.
  • Người lao đông cố ý tự hủy hoại sức khỏe bản thân.
  • Sử dụng ma túy, chất gây nghiện trái quy định.

3. Mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện

Theo khoản 2 Điều 11 Nghị định 143/2024/NĐ-CP, người lao động có thể đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện qua 2 phương thức:

- Đóng 06 tháng một lần

- Đóng 12 tháng một lần.

Theo đó:

3. Mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện như sau:

a) Mức đóng 06 tháng bằng 6% tháng lương tối thiểu vùng IV;

b) Mức đóng 12 tháng bằng 12% tháng lương tối thiểu vùng IV.

Hiện nay, theo Nghị định 74/2024/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng IV áp dụng từ ngày 1/7/2024 là 3.450.000 đồng/tháng.

Như vậy:

- Trường hợp 06 tháng đóng 1 lần: Người lao động phải đóng 207.000 đồng.

- Trường hợp 12 tháng đóng 1 lần: Người lao động phải đóng 414.000 đồng.

Người đang tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được thay đổi phương thức đóng. Việc thay đổi phương thức đóng được thực hiện sau khi đã hoàn thành chu kỳ đóng đã đăng ký trước đó.

* Thời điểm đóng:

- Lần đầu là ngay sau khi đăng ký tham gia bảo hiểm, từ các lần tiếp theo là trong 10 ngày trước khi hết chu kỳ đóng.

- Đóng ngay tại thời điểm đăng ký lại bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.

4. Mức hưởng trợ cấp khi bị tai nạn lao động 

Đóng bảo hiểm tai nạn lao động được hỗ trợ bao nhiêu khi bị tai nạn? (Ảnh minh họa)

Theo Điều 7 Nghị định 143/2024/NĐ-CP, mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động tự nguyện một lần từ năm 2025 được quy định như sau:

(1) Công thức tính trợ cấp tai nạn lao động một lần

Theo quy định, trường hợp bị giảm khả năng lao động từ 5% - 100%:

Mức trợ cấp một lần

=

Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động

+

Mức trợ cấp tính theo số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện

=

{3 + (m - 5%) x 0,3} x Lmin

+

{0,5 + (t-1) x 0,3} x Lmin

Trong đó:

  • Lmin: Tháng lương tối thiểu vùng IV tại thời điểm hưởng trợ cấp (hiện nay là 3.450.000 đồng/tháng)

  • m: Mức suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động (lấy số tuyệt đối 5 ≤ m ≤ 100).

  • t: Tổng số năm đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.

Để cho dễ hiểu thì mức hưởng trợ cấp lao động với người bị tai nạn suy giảm 5% được tính như sau:

- Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động: Bằng 03 lần mức lương tối thiểu tháng tính theo vùng IV.

Hiện nay, mức lương tối thiểu vùng IV là 3.450.000 đồng/tháng. Theo đó, nếu bị suy giảm 5% khả năng lao động thì người lao động được hưởng 10.350.000 đồng.

(Sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,3 lần tháng lương tối thiểu vùng IV)

- Mức trợ cấp tính theo số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện: Được tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm như sau:

  • Từ 01 năm trở xuống: Tính bằng 0,5 lần tháng lương tối thiểu vùng IV.
  • Cứ thêm 01 năm đóng vào quỹ: Tính thêm 0,3 lần tháng lương tối thiểu vùng IV.

Lưu ý: Thời gian làm căn cứ tính hưởng chế độ tai nạn lao động là tổng thời gian người lao động đóng vào Quỹ bảo hiểm tính đến tháng trước liền kề tháng bị tai nạn. Trường hợp không đóng liên tục thì được cộng dồn, 01 năm chỉ được tính khi đủ 12 tháng đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm.

Ví dụ: T8/2024, khi tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được 01 tháng, ông A bị tai nạn lao động lần thứ nhất. Sau khi điều trị ổn định, ông A đi giám định lần thứ nhất. Hội đồng giám định y khoa kết luận mức suy giảm khả năng lao động của ông A do vụ tai nạn lao động này là 30%. Lương tối thiểu vùng IV vào tháng 8 năm 2024 là 3.450.000 đồng. Số tiền trợ cấp lần thứ nhất cho ông A được tính như sau:

Mức trợ cấp một lần

=

{3 + (m-5%) x 0,3} x Lmin

+

{0,5 + (t-1) x 0,3} x Lmin một lần

=

{3 + (30-5) x 0,3} x 3.450.000

+

{0,5+ (1-1) x 0,3} x 3.450.000

=

37.950.000 đồng

(3) Trường hợp người lao động chết do tai nạn lao động, thân nhân người lao động được hưởng mức trợ cấp 1 lần bằng 31,5 lần tháng lương tối thiểu vùng IV là 108.675.000 triệu đồng nếu thuộc 01 trong các trường hợp sau:

- Người lao động đang làm việc bị chết do tai nạn lao động.

- Người lao động chết trong thời gian điều trị thương tật do tai nạn lao động mà chưa được giám định mức suy giảm khả năng lao động.

Lưu ý: Trợ cấp tai nạn lao động thực hiện theo nguyên tắc tai nạn xảy ra lần nào trợ cấp luôn lần đó, không thực hiện cộng dồn từ các vụ tai nạn đã xảy ra trước đó.

5. Thời điểm được hưởng trợ cấp

Theo quy định tại khoản 5 Điều 7 Nghị định 143/2024/NĐ-CP, thời điểm được hưởng trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được:

- Tính tại tháng người lao động đã điều trị ổn định xong, ra viện hoặc vào tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa (nếu không điều trị nội trú).

- Trường hợp bị tai nạn mà không xác định được thời điểm điều trị ổn định xong, ra viện nhưng có giấy ra viện ghi chỉ định hẹn khám lại, tháo bột, nẹp, vít: Tính vào tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa.

- Trường hợp người lao động bị chết do tai nạn lao động: Tính tại tháng người lao động chết.

- Trường hợp giám định lại có kết quả tăng mức suy giảm khả năng lao động so với mức suy giảm khả năng lao động đã được hưởng trợ cấp: Tính tại tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa

Ví dụ: Năm 2027, thương tật do vụ tai nạn lao động lần thứ nhất tái phát, ông A (được nêu ở Ví dụ 1) đi giám định lại. Tháng 3 năm 2027, Hội đồng giám định y khoa kết luận mức suy giảm khả năng lao động của ông A do vụ tai nạn lao động này là 40% (mức suy giảm khả năng lao động tăng so với lần giám định lần thứ nhất là 10%). Lương tối thiểu vùng IV vào tháng 3 năm 2027 là 3.850.000 đồng. Mức trợ cấp một lần bổ sung cho ông A được tính như sau:

Mức trợ cấp một lần bổ sung

=

(m1 - m) x 0,3 } x Lmin

=

(40 - 30) x 0,3 x 3.850.000

=

11.550.000 (đồng)

6. Mức tiền Nhà nước hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm 

Nhà nước hỗ trợ bao nhiêu khi NLĐ đóng bảo hiểm TNLĐ tự nguyện? (Ảnh minh họa)
Theo Điều 12 Nghị định 143/2024/NĐ-CP, người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động như sau:

- Bằng 30% đối với người tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện thuộc hộ nghèo theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn;

- Bằng 25% đối với người tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện thuộc hộ cận nghèo theo mức chuẩn hộ cận nghèo khu vực nông thôn;

- Bằng 10% đối với người lao động khác.

7. Hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện

Theo Điều 22 Nghị định 143/2024/NĐ-CP, khi bị tai nạn lao động, để được hưởng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, người lao động cần chuẩn bị một bộ hồ sơ gồm:

- Sổ BHXH

- Giấy ra viện/trích sao hồ sơ bệnh án sau khi đã điều trị tai nạn lao động

- Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động

- Bản sao giấy chứng tử, trích lục khai tử hoặc giấy báo tử, bản sao quyết định tuyên bố là đã chết của Tòa án với trường hợp chết do tai nạn lao động

- Biên bản điều tra tai nạn lao động

- Đơn đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động của người lao động hoặc thân nhân người bị nạn với trường hợp tai nạn lao động chết người

- Bản chính hóa đơn, chứng từ hợp pháp liên quan về phí giám định suy giảm khả năng lao động.

Trường hợp giám định lại có kết quả tăng mức suy giảm khả năng lao động so với mức suy giảm khả năng lao động đã được hưởng trợ cấp thì làm hồ sơ đề nghị bổ sung chế độ bảo hiểm tai nạn lao động gồm:

- Sổ BHXH

- Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa

- Đơn đề nghị giải quyết bổ sung chế độ tai nạn lao động

- Bản chính hóa đơn, chứng từ hợp pháp liên quan về phí giám định suy giảm khả năng lao động

Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, người lao động bị nạn nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH đã đăng ký tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện:

- Trong 30 ngày kể từ thời điểm nhận được Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa.

- Trong 90 ngày kể từ ngày người lao động đang đóng bảo hiểm bị chết.

Theo đó, trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ, cơ quan BHXH có trách nhiệm giải quyết chế độ cho người bị tai nạn. Trường hợp không giải quyết, người lao động có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

* Lưu ý:

- Nếu vượt quá thời hạn nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm: Phải nêu được rõ lý do tại sao nộp muộn, giải trình bằng văn bản kèm theo trong hồ sơ.

- Nếu quá thời hạn mà cơ quan bảo hiểm vẫn chưa giải quyết: Phải giải trình bằng văn bản cho người nộp hồ sơ và nêu rõ lý do.

- Trường hợp giải quyết và chi trả tiền trợ cấp chậm hơn so với thời hạn: Bồi thường theo quy định, trừ trường hợp là do lỗi của người lao động hoặc của thân nhân người bị tai nạn lao động.

(Căn cứ: Điều 23, Điều 24 Nghị định 143/2024/NĐ-CP).

Trên đây là Tổng hợp nội dung đáng chú ý về bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện từ 01/01/2025 mà LuatVietnam cập nhật đến người lao động.

Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Mức hưởng thai sản khi sinh đôi nhưng 1 bé mất sau sinh

Nhiều trường hợp lao động nữ mang thai đôi nhưng không may sau khi sinh, một trong 02 đứa trẻ lại quá yếu và mất. Vậy trường hợp sinh đôi nhưng 1 bé mất sau sinh thì người lao động được hưởng mức thai sản như thế nào?