5 chính sách mới về bảo hiểm y tế, có hiệu lực từ 01/7/2021

Từ ngày 01/7/2021, có một số văn bản chính thức có hiệu lực, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi những người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT).

1. Thay đổi khái niệm của “hộ gia đình tham gia BHYT”.

Ngày 01/7/2021 là thời điểm có hiệu lực của Luật Cư trú 2020. Luật này sửa đổi quy định về hộ gia đình tham gia BHYT của Luật Bảo hiểm y tế.

Cụ thể, hộ gia đình tham gia BHYT là những người cùng đăng ký thường trú hoặc cùng đăng ký tạm trú tại một chỗ ở hợp pháp theo quy định của pháp luật về cư trú.

Trong khi trước đây, Luật Bảo hiểm y tế quy định hộ gia đình tham gia BHYT bao gồm toàn bộ người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú.

>> Bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú từ ngày 01/7/2021?


2. Thêm đối tượng được cấp thẻ BHYT miễn phí

Nghị định 20/2021/NĐ-CP về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội cũng sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2021.

Nghị định này bổ sung thêm một số trường hợp được cấp thẻ BHYT miễn phí, như:

Người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo chưa có chồng hoặc chưa có vợ; đã có chồng hoặc vợ nhưng đã chết hoặc mất tích và đang nuôi con dưới 16 tuổi hoặc đang nuôi con từ 16 đến 22 tuổi và người con đó đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất (người đơn thân nghèo đang nuôi con).

Trước đây, chỉ có con của những người này mới được hỗ trợ thẻ BHYT.

Cũng theo Nghị định này, trường hợp một người thuộc diện được cấp nhiều loại thẻ BHYT thì chỉ được cấp một thẻ có quyền lợi cao nhất.


3. Chính sách BHYT với thân nhân của thương binh, bệnh binh

Pháp lệnh Ưu đãi người có công số 02/2020/UBTVQH14 cũng có hiệu lực từ ngày 01/7/2021.

Theo Pháp lệnh, không chỉ thương binh, bệnh binh cũng được hưởng chính sách ưu đãi về BHYT, mà thân nhân của họ cũng được hưởng chính sách này.

Cụ thể:

- Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ đủ 06 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng của thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên;

- Người phục vụ thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, người phục vụ bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên sống ở gia đình.


4. Thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo định suất

01/7/2021 cũng là thời điểm áp dụng Thông tư 04/2021/TT-BYT hướng dẫn thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo định suất.

Theo định nghĩa tại Thông tư này, Quỹ định suất là số tiền được xác định trước, giao cho cơ sở khám, chữa bệnh BHYT để khám, chữa bệnh ngoại trú cho người bệnh có thẻ BHYT trong phạm vi định suất, trong khoảng thời gian nhất định.

Phạm vi định suất đối với các bệnh viện tuyến huyện trở xuống là toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh ngoại trú trong phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT, trừ một số chi phí khác.

Phạm vi định suất đối với các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương áp dụng đối với tất cả cơ sở có thẻ BHYT đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu và toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh ngoại trú trong phạm vi định suất của người bệnh đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu phát sinh tại cơ sở, trừ một số chi phí khác.


5. Phải công khai giá dịch vụ KCB đối với người có thẻ BHYT

Cũng từ ngày 01/7/2021, việc thực hiện dân chủ trong hoạt động khám, chữa bệnh tại các bệnh viện công lập sẽ được áp dụng theo Thông tư 05/2021/TT-BYT.

Thông tư này chỉ rõ, các bệnh viện công lập cần phải công khai giá thu dịch vụ khám, chữa bệnh đối với người bệnh có thẻ BHYT, giá thu dịch vụ khám, chữa bệnh không theo yêu cầu đối với người bệnh không có thẻ BHYT; chế độ miễn, giảm giá dịch vụ khám, chữa bệnh; thực hiện chính sách BHYT; thanh toán giá và chi phí khám, chữa bệnh.

Ngoài ra, người bệnh cũng được quyền tham gia đóng góp ý kiến và giám sát về việc thực hiện các chế độ chính sách y tế liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình, trong đó có chính sách BHYT, thái độ phục vụ của y, bác sĩ…

Trên đây là 05 chính sách mới về BHYT có hiệu lực từ 01/7/2021. Nếu có vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192.  



>> Cách cài VssID để dùng thay BHYT giấy từ 01/6/2021

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(2 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Mức hưởng thai sản khi sinh đôi nhưng 1 bé mất sau sinh

Nhiều trường hợp lao động nữ mang thai đôi nhưng không may sau khi sinh, một trong 02 đứa trẻ lại quá yếu và mất. Vậy trường hợp sinh đôi nhưng 1 bé mất sau sinh thì người lao động được hưởng mức thai sản như thế nào?