Không phải người lao động nào tham gia bảo hiểm xã hội cũng được hưởng chế độ thai sản. Sau đây là những trường hợp không được hưởng bảo hiểm thai sản mà ai cũng nên biết để khỏi thắc mắc vì sao cơ quan bảo hiểm không thanh toán tiền.
Trường hợp nào không được hưởng bảo hiểm thai sản?
Theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội sẽ không được hưởng bảo hiểm thai sản nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
(1) Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Theo Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, chế độ thai sản chỉ áp dụng đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Trong khi đó, bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ bao gồm 02 chế độ là chế độ hưu trí và chế độ tử tuất.
Do đó, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ không được hưởng bảo hiểm thai sản.
Tại dự thảo sửa Luật Bảo hiểm xã hội mới nhất, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang đề xuất giải quyết chế độ thai sản cho cả những người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Trong dự thảo nêu rõ, lao động nữ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian vòng 12 tháng trước khi sinh con thì sẽ được hưởng trợ cấp thai sản với mức 03 triệu đồng/con sinh ra. Tiền này sẽ được trả một lần cho người lao động.
Dẫu vậy, đây mới chỉ là đề xuất đang được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lấy ý kiến chứ chưa phải quy định chính thức. Do đó, vẫn cần thời gian để xem quy định này có được áp dụng hay không.
(2) Người tham gia BHXH bắt buộc nhưng không đủ thời gian đóng.
Theo Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ không được giải quyết hưởng chế độ thai sản khi sinh con nếu không đáp ứng điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm.
Cụ thể bao gồm những người lao động sau đây:
- Lao động nữ sinh con mà trước đó đang hoặc đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng không tích lũy từ đủ 06 tháng đóng bảo hiểm trở lên trong 12 tháng trước khi sinh con.
- Lao động nữ khi mang thai từng phải nghỉ dưỡng thai theo chỉ định của bác sĩ nhưng chưa đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ 12 tháng.
- Lao động nữ khi mang thai từng phải nghỉ dưỡng thai theo chỉ định của bác sĩ, đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 12 tháng trở lên nhưng tính trong vòng 12 tháng trước khi sinh con thì chưa tích lũy đủ 03 tháng đóng bảo hiểm xã hội trở lên.
- Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc chưa đủ 06 tháng trong vòng 12 tháng trước khi sinh con.
- Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc chưa đủ 06 tháng trong vòng 12 tháng trước khi nhận nuôi con nuôi.
Trường hợp nào được hưởng thai sản ngay từ khi mới đóng?
Theo Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội, một số quyền lợi thuộc chế độ thai sản chỉ đặt ra điều kiện là đang đóng bảo hiểm. Do đó, dù mới bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng những trường hợp sau đây vẫn sẽ được thanh toán tiền thai sản:
(1) Người lao động đi khám thai.
Theo Điều 32 Luật Bảo hiểm xã hội, lao động nữ được nghỉ làm để đi khám thai hưởng chế độ thai sản 05 lần với 01 ngày/lần. Trường hợp ở xa nơi khám, chữa bệnh hoặc mang thai bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày/lần.
(2) Người lao động bị sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý.
Căn cứ Điều 33 Luật Bảo hiểm xã hội, tùy vào tuổi thai mà người lao động sẽ được nghỉ hưởng chế độ thai sản như sau:
- Nghỉ 10 ngày nếu thai nhi dưới 05 tuần tuổi.
- Nghỉ 20 ngày nếu thai nhi từ 05 - 13 tuần tuổi.
- Nghỉ 40 ngày nếu thai nhi từ 13 - 25 tuần tuổi.
- Nghỉ 50 ngày nếu thai nhi từ 25 tuần tuổi trở lên.
(3) Người lao động thực hiện biện pháp tránh thai.
Theo Điều 37 Luật Bảo hiểm xã hội, người lao động sẽ được hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám, chữa bệnh với thời gian tối đa như sau:
- Lao động nữ đặt vòng tránh thai: Nghỉ 07 ngày.
- Người lao động thực hiện biện pháp triệt sản: Nghỉ 15 ngày.
Trên đây là những trường hợp không được hưởng bảo hiểm thai sản. Nếu còn vấn đề vướng mắc về chế độ thai sản, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được tư vấn cụ thể.