VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ -------------------- Số: 388/TB-VPCP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------------------- Hà Nội, ngày 29 tháng 10 năm 2013 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI BUỔI LÀM VIỆC
VỚI LÃNH ĐẠO THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH VỀ TÌNH HÌNH VÀ KẾT QUẢ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM TỪ ĐẦU NĂM 2013 ĐẾN NAY VÀ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM THỜI GIAN TỚI
Ngày 15 tháng 10 năm 2013, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP đã làm việc với lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh về tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm từ đầu năm 2013 đến nay và nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới. Tham dự buổi làm việc với Phó Thủ tướng có đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Công an, Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe lãnh đạo Công an thành phố báo cáo kết quả công tác phòng, chống tội phạm 10 tháng đầu năm 2013 và nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới; ý kiến bổ sung của lãnh đạo Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố và ý kiến của lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Kết quả đạt được
Với vị trí là đô thị đặc biệt, trung tâm kinh tế - văn hóa quan trọng của cả nước, dân số lớn nhất cả nước, nên thành phố Hồ Chí Minh là địa bàn trọng điểm của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội. Năm 2013, có nhiều nhân tố tác động làm gia tăng các loại tội phạm, nhưng thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các mặt công tác giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, kiềm chế, làm giảm một số loại tội phạm, nổi bật là:
- Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành chỉ thị, kế hoạch, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và tăng cường chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả công tác đảm bảo an ninh, trật tự.
- Chỉ đạo mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm, tập trung đấu tranh với tội phạm có tổ chức, loại tội phạm nghiêm trọng; phối hợp chặt chẽ với các địa phương giáp ranh và các địa phương trọng điểm phía Bắc trong đấu tranh với các băng, nhóm tội phạm.
- Các cấp, các ngành, đoàn thể thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh công tác truyên truyền, vận động nhân dân tham gia phát hiện, tố giác tội phạm; xây dựng, phát triển nhiều mô hình hiệu quả về tự quản, tự phòng của nhân dân trong phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự ở cơ sở và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
- Lực lượng Công an thành phố đã chủ động triển khai nhiều biện pháp đấu tranh với từng loại tội phạm; tổ chức tuần tra và phối hợp với các đơn vị quân đội và lực lượng Cảnh sát cơ động Bộ Công an tuần tra, mật phục ngăn chặn hoạt động của tội phạm tại các khu vực, tuyến địa bàn trọng điểm, phức tạp, địa bàn giáp ranh. Lực lượng Hải quan thành phố đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ mua bán, vận chuyển ma túy trái phép qua biên giới bằng đường hàng không.
2. Về tồn tại, hạn chế và nguyên nhân
a) Về tồn tại, hạn chế:
- Tình hình tội phạm trên địa bàn Thành phố vẫn diễn biến phức tạp, số vụ phạm pháp hình sự tăng 2,9%, nhất là tội phạm trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, hiếp dâm, bắt cóc trẻ em, bắt giữ người trái pháp luật, tội phạm có tính chất băng nhóm; tỷ lệ điều tra, khám phá tội phạm và xử lý tin báo, tố giác về tội phạm chưa đạt chỉ tiêu Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội đề ra; số vụ án tạm đình chỉ chiếm tỷ lệ cao; việc tấn công trấn áp chưa thực sự đủ mạnh để làm cho tội phạm khiếp sợ, chùn tay.
- Công tác tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, nhất là đối với người dân vào thành phố làm việc, sinh sống nhưng chưa có hộ khẩu thường trú chưa sâu rộng; việc phối hợp quản lý, giáo dục, cảm hóa các loại đối tượng hình sự còn hạn chế, nhất là đối tượng đã chấp hành xong án phạt tù về địa phương, thanh, thiếu niên hư; một bộ phận quần chúng vẫn còn biểu hiện vô cảm với tình hình tội phạm.
b) Nguyên nhân
- Công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự của các cơ quan chức năng còn nhiều bất cập, chưa theo kịp quy mô, tốc độ phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế.
- Một số cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, nhất là ở cơ sở chưa thực sự quan tâm chỉ đạo sâu sát công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; một số cán bộ, đảng viên chưa làm hết trách nhiệm, còn có biểu hiện coi công tác phòng, chống tội phạm là trách nhiệm riêng của lực lượng Công an; phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc còn chưa được đồng đều, mạnh mẽ.
- Vai trò của các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể trong phát hiện và giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân chưa kịp thời, triệt để. Công tác quản lý những người chưa đăng ký hộ khẩu thường trú, công nhân, thanh thiếu niên không tham gia sinh hoạt ở các tổ chức đoàn thể còn nhiều hạn chế.
- Công tác quản lý nhà nước và việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực tư pháp hình sự chưa đầy đủ, bất cập, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM THỜI GIAN TỚI
Để tiếp tục giữ vững an ninh, trật tự trên địa bàn Thành phố, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân, trong thời gian tới Thành ủy, Ủy ban nhân dân và Ban Chỉ đạo 138 Thành phố cần tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số việc sau:
1. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội, Nghị quyết số 09/CP và Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm của Chính phủ, không để tình trạng buông lỏng, thiếu trách nhiệm, bảo kê, tiếp tay, dung túng cho tội phạm. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền và thủ trưởng Công an các cấp, thực hiện nghiêm túc Quy định số 181-QĐ/TW ngày 30 tháng 3 năm 2013 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.
2. Đẩy mạnh công tác phòng ngừa xã hội, giải quyết kịp thời các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân từ cơ sở; kết hợp chặt chẽ phòng ngừa xã hội với phòng ngừa nghiệp vụ; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia công tác phòng, chống tội phạm. Tổ chức sơ kết, tổng kết thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW, Chỉ thị số 21-CT/TW, Chỉ thị số 09-CT/TW của Bộ Chính trị để đánh giá, rút kinh nghiệm, đề ra giải pháp triển khai có hiệu quả trong thời gian tiếp theo.
3. Chấn chỉnh, khắc phục ngay những sơ hở, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, nhất là các ngành, lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tội phạm và tệ nạn xã hội; mở rộng các điểm điều trị nghiện ma túy bằng Methadone, làm giảm số người nghiện ma túy; nắm chắc tình hình địa bàn, kiểm soát chặt chẽ số đối tượng tiềm ẩn khả năng phạm tội (những người có tiền án, tiền sự, nghiện ma túy...).
4. Duy trì và nâng cao hiệu quả phối hợp với các địa phương, nhất là các địa bàn giáp ranh và địa phương trọng điểm phía Bắc; phối hợp giữa các lực lượng thuộc Công an thành phố với các đơn vị liên quan của Bộ Công an và quân đội trong tuần tra, kiểm soát phát hiện, ngăn chặn, xử lý tội phạm.
5. Rà soát các băng, nhóm hoạt động có tổ chức, chuyên nghiệp trên địa bàn và hoạt động di động để kịp thời có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh. Tập trung lực lượng tiếp tục mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp với các biện pháp mạnh làm cho tội phạm phải chùn tay, khiếp sợ, giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân, nhất là các dịp lễ, tết. Cần tập trung xử lý các loại tội phạm cướp, cướp của giết người, trộm cắp tài sản, đặc biệt tội phạm có tính chất băng nhóm "xã hội đen"...
6. Quan tâm xây dựng lực lượng Công an thành phố thật sự trong sạch, vững mạnh, đi đầu trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, không làm ngơ, bảo kê, tiếp tay, dung túng tội phạm. Nhân rộng các mô hình hiệu quả về phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Các cơ quan thông tấn, báo chí cần tăng cường tuyên truyền, giới thiệu các mô hình, gương người tốt, việc tốt trong phòng, chống tội phạm, góp phần xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Bộ Công an, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan biết, phối hợp thực hiện./.
Nơi nhận: - Thường trực Ban Bí thư (để b/c); - TTg, các PTTg (để b/c); - Các Bộ, ngành là Thành viên BCĐ 138/CP; - Thường trực Thành ủy và UBND TP. Hồ Chí Minh; - Văn phòng TW Đảng; - Văn phòng Quốc hội; - Ủy ban QP&AN của Quốc hội; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Tòa án nhân dân tối cao; - Viện kiểm sát nhân dân tối cao; - Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Tổng cục VI (Bộ Công an); - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, các Vụ: TH, V.I, V.III, KGVX, Cổng TTĐT; - Lưu: VT, NC (3) | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM PHÓ CHỦ NHIỆM Nguyễn Quang Thắng |