Thông báo 242/TB-VPCP 2018 Kết luận của Phó Thủ tướng về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
thuộc tính Thông báo 242/TB-VPCP
Cơ quan ban hành: | Văn phòng Chính phủ |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 242/TB-VPCP |
Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Thông báo |
Người ký: | Mai Tiến Dũng |
Ngày ban hành: | 12/07/2018 |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: | An ninh trật tự, Giao thông |
tải Thông báo 242/TB-VPCP
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ Số: 242/TB-VPCP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 12 tháng 7 năm 2018 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG TRƯƠNG HÒA BÌNH - CHỦ TỊCH ỦY BAN AN TOÀN GIAO THÔNG QUỐC GIA TẠI HỘI NGHỊ SƠ KẾT CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG 6 THÁNG ĐẦU NĂM; NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM QUÝ III VÀ 6 THÁNG CUỐI NĂM 2018
Ngày 05 tháng 7 năm 2018, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã chủ trì Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) 6 tháng đầu năm; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm quý III và 6 tháng cuối năm 2018. Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, lãnh đạo và Ủy viên Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, các đồng chí đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, lãnh đạo và thành viên Ban An toàn giao thông 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sau khi nghe lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia báo cáo công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông 6 tháng đầu năm; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm quý III và 6 tháng cuối năm 2018; ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Thay mặt Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, biểu dương các Bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan thông tấn, báo chí và Ban An toàn giao thông các địa phương đã nỗ lực triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong 6 tháng đầu năm 2018; đặc biệt là các Bộ, cơ quan: Công an, Giao thông vận tải, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và 35 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết vì tai nạn giao thông (TNGT) giảm so với cùng kỳ năm 2017, trong đó có 9 tỉnh, thành phố giảm trên 20% là: Vĩnh Phúc, Lào Cai, Bạc Liêu, Yên Bái, An Giang, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Đắc Lắc; đặc biệt các tỉnh: Vĩnh Phúc, Lào Cai, Bạc Liêu giảm trên 30%.
Phê bình lãnh đạo một số Bộ, ngành, địa phương vắng mặt trong phiên họp này mà không báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.
2. Một số hạn chế, tồn tại
- Tình hình tai nạn giao thông diễn biến phức tạp, mức giảm TNGT chưa đạt yêu cầu, số người chết do tai nạn giao thông chỉ giảm 0,75%; vẫn còn 26 địa phương có số người chết vì TNGT tăng so với cùng kỳ 2017. Thay mặt Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, phê bình đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng ban An toàn giao thông 10 tỉnh có số người chết do tăng trên 20% là: Quảng Nam, Kiên Giang, Điện Biên, Hậu Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Cà Mau, Hải Dương, Bắc Giang, Tây Ninh, đặc biệt là 4 tỉnh có số người chết tăng trên 100% là: Cà Mau, Hải Dương, Bắc Giang, Tây Ninh. Trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn về người và tài sản, đã liên tiếp xảy ra các vụ TNGT đường sắt cuối tháng 5, gây bức xúc trong dư luận; còn tồn tại 4200 đường ngang bất hợp pháp qua đường sắt, trong khi ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông còn hạn chế.
- Tình trạng xe ô tô đón, trả khách không đúng nơi quy định, "xe dù, bến cóc" hoạt động vào sâu trong nội đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều địa phương, có diễn ra phức tạp, nhưng lực lượng chức năng của các địa phương chưa có biện pháp căn cơ để xử lý. Tỷ lệ xe chở quá tải trọng vẫn còn tồn tại ở mức cao (từ 10 - 12%), tập trung ở các địa phương có nhiều nhà máy, mỏ vật liệu, bến cảng... tiếp tục là một trong những nguyên nhân gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, mất an toàn giao thông (ATGT); hành vi vi phạm nồng độ cồn khi lái xe vẫn đang là nguyên nhân hàng đầu gây TNGT.
- Ùn tắc giao thông tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và trên các trục giao thông chính kết nối với 2 thành phố vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là trong các đợt nghỉ lễ dài ngày, khi thời tiết xấu hoặc khi có sự cố về giao thông và phương tiện giao thông.
Nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế:
- Nhu cầu vận tải, số lượng phương tiện tiếp tục gia tăng, dẫn đến mật độ tham gia giao thông tăng cao; ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông còn yếu kém, số lượng hành vi vi phạm quy định pháp luật về TTATGT còn cao, đặc biệt là ở khu vực ngoài đô thị, trên các tuyến quốc lộ và khu vực nông thôn.
- Hạn chế về hiệu lực trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực thi công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn ngoài đô thị; chưa đủ lực lượng, phương tiện để khép kín địa bàn tuần tra kiểm soát; còn tâm lý nể nang, thiếu cương quyết trong xử lý những hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Một số địa phương chưa thực sự vào cuộc, hoặc vào cuộc chưa quyết liệt trong việc kiểm soát tải trọng xe; chưa gắn trách nhiệm người đứng đầu chính quyền và công an cấp huyện trong kiểm soát trọng phương tiện; còn thiếu quy định về bắt buộc kiểm tra tải trọng tại đầu mối hàng hóa.
- Tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, hành lang ATGT diễn ra phức tạp, đặc biệt là trên các tuyến quốc lộ; chưa xử lý triệt để tình trạng mất ATGT tại các điểm đen, lối đi tự mở trái phép qua đường sắt.
- Luật giao thông đường bộ và các văn bản pháp luật liên quan tới bảo đảm TTATGT chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới, làm hạn chế trong công tác chỉ đạo, điều hành và thực thi pháp luật bảo đảm TTATGT, đặc biệt là thiếu quy định rõ ràng, minh bạch về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân trong công tác bảo đảm TTATGT.
II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM QUÝ III VÀ 6 THÁNG CUỐI NĂM 2018
1. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia:
a) Chủ động nắm bắt tình hình TTATGT để tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT trong các dịp cao điểm.
b) Kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, đặc biệt là Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về kiểm soát tải trọng phương tiện; Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 19 tháng 01 năm 2018 về nâng cao hiệu quả thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; Kế hoạch năm ATGT năm 2018; Kế hoạch tuyên truyền, vận động và xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ và các địa phương có TNGT tăng cao trong 6 tháng đầu năm 2018.
c) Chủ trì phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Bộ, ngành địa phương tổ chức sơ kết 05 năm thực hiện bộ tiêu chí văn hóa giao thông; ban hành Đề án xây dựng văn hóa giao thông giai đoạn 2018 - 2023 để triển khai trên toàn quốc, trong tổ chức thực hiện cần phát huy mạnh mẽ vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, các loại hình văn hóa nghệ thuật dân tộc, các công cụ truyền thông hiện đại để tạo chuyển biến quan trọng trong văn hóa giao thông trên toàn quốc.
d) Khẩn trương hoàn thiện Quy chế báo cáo và đánh giá kết quả công tác bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông, bao gồm bộ tiêu chí hướng dẫn đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm TTATGT đối với các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân có liên quan, có tiêu chí định lượng cụ thể, ban hành trong tháng 8 năm 2018.
đ) Phối hợp với các Bộ, ngành thành viên xây dựng kế hoạch Năm An toàn giao thông 2019.
2. Bộ Giao thông vận tải:
a) Báo cáo Chính phủ về việc bổ sung Dự án xây dựng Luật sửa đổi Luật giao thông đường bộ 2008 vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa 14. Trình Chính phủ trước ngày 31 tháng 7 năm 2018 Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; trong đó có quy định về điều kiện và lộ trình áp dụng và tiêu chuẩn đối với thiết bị giám sát hành trình, đảm bảo khả năng cung cấp dữ liệu bằng hình ảnh ghi nhận hoạt động của lái xe ô tô chở khách, xe đầu kéo và xe tải nặng.
b) Xây dựng dự thảo Nghị quyết về bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2018 - 2021 (thay thế Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2008 của Chính phủ về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh), trình Chính phủ trước ngày 31 tháng 8 năm 2018.
c) Tổ chức sơ kết thực hiện Chiến lược ATGT đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 để làm cơ sở bổ sung, điều chỉnh chiến lược về ATGT phù hợp với tình hình mới.
d) Tiếp tục ưu tiên sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ để xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ TNGT trên đường bộ, đặc biệt là lắp đặt hộ lan, làm đường lánh nạn tại các đoạn đường đèo, dốc nguy hiểm, mở rộng các vị trí cầu hẹp hơn đường trên các tuyến quốc lộ; chỉ đạo thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng ngừa tai nạn đường sắt, xây dựng Đề án “Bảo đảm trật tự hành lang ATGT và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt”, trình Thủ tướng Chính phủ; tăng cường lực lượng, phương tiện bảo đảm ATGT mùa mưa lũ.
đ) Nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm của nước ngoài về việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý hoạt động vận tải đường bộ; khẩn trương xây dựng và triển khai phần mềm quản lý trực tuyến đối với xe ô tô kinh doanh vận tải nhằm nâng cao hiệu quả quản lý vận tải, tăng cường khả năng giám sát, phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm.
3. Bộ Công an:
a) Tổ chức Hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và chống ùn tắc giao thông.
b) Sớm trình Chính phủ Nghị định quy định về thống kê, báo cáo, chia sẻ dữ liệu tai nạn giao thông.
c) Xây dựng quy chế phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải trong công tác bảo đảm TTATGT, đặc biệt là việc chia sẻ, liên thông dữ liệu xử lý vi phạm TTATGT của ngành Công an và dữ liệu quản lý lái xe của ngành Giao thông vận tải; phối hợp trong kiểm soát chặt chẽ tải trọng phương tiện vận tải hàng hóa đường bộ.
d) Xây dựng cơ chế thông tin phối hợp lực lượng trên tuyến giao thông; thiết lập cơ chế “thông tin nóng” trên toàn tuyến Quốc lộ 1A và các tuyến đường cao tốc để trao đổi, giải quyết tình hình phức tạp về TTATGT.
đ) Chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT trên các lĩnh vực; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là đầu tư hệ thống camera giám sát để phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT kết hợp nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, giảm biện pháp kiểm tra và xử phạt trực tiếp.
4. Bộ Giáo dục và Đào tạo:
a) Phát động "Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh tới trường (tháng 9); chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT cho học sinh, sinh viên.
b) Phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Công ty Honda Việt Nam thực hiện kế hoạch tặng mũ bảo hiểm cho toàn bộ học sinh vào lớp 1 năm học 2018 - 2019.
c) Tiếp tục triển khai bộ tài liệu “Văn hóa giao thông” cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở đến các sở giáo dục và đào tạo trong năm học 2018 - 2019. Nghiên cứu xây dựng bộ tài liệu “Văn hóa giao thông” cho học sinh trung học phổ thông.
5. Bộ Tài chính:
a) Chỉ đạo các Sở Tài chính hướng dẫn các cơ quan chức năng ở địa phương xây dựng kế hoạch ngân sách bảo đảm TTATGT địa phương năm 2019.
b) Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải cân đối các nguồn vốn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để bố trí cho công tác bảo đảm hành lang an toàn giao thông đường sắt, nâng cấp đường ngang, làm đường gom, xóa lối đi tự mở trái phép qua đường sắt theo Nghị định số 65/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2018 và Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ.
c) Báo cáo Chính phủ phương án từ năm 2019 giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chủ động sử dụng nguồn kinh phí xử phạt hành chính về TTATGT được điều tiết từ ngân sách Trung ương về ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm TTATGT, ưu tiên cho lực lượng Công an, Thanh tra giao thông vận tải và xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT.
6. Bộ Tư pháp:
a) Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính đề xuất quy định đơn giản hóa thủ tục xử lý phương tiện bị tạm giữ quá thời hạn mà chủ phương tiện không đến thực hiện quyết định xử phạt (hoàn thành dứt điểm trong Quý III năm 2018); ban hành hướng dẫn thủ tục cưỡng chế thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính về TTATGT (nộp phạt hoặc cung cấp bằng chứng về người sử dụng phương tiện) khi phương tiện được sử dụng trong hành vi vi phạm TTATGT được các phương tiện kỹ thuật, nghiệp vụ ghi nhận và phát hiện. Cung cấp số liệu thống kê người tử vong do tai nạn giao thông từ nguồn dữ liệu đăng ký khai tử hàng quý.
b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải tổ chức nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm quản lý xã hội của các nước tiên tiến, làm cơ sở hoàn thiện các quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, phạt nguội, xử phạt qua hệ thống tư pháp đối với hành vi vi phạm TTATGT.
c) Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo đảm TTATGT.
7. Các Bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan thành viên của Ủy ban ATGT Quốc gia, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật TTATGT để nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông. Tập trung tuyên truyền vào các đối tượng có nguy cơ cao gây TNGT như lái xe khách, thanh thiếu niên trên địa bàn nông thôn; phát huy hiệu quả hệ thống đài truyền thanh tại các xã, phường, thị trấn.
8. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
a) Ban hành quy định về trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp và các cơ quan chức năng có liên quan trong công tác phối hợp bảo đảm TTATGT, trong kiểm soát tải trọng phương tiện, quản lý hành lang ATGT trên địa bàn phụ trách; ban hành chỉ thị yêu cầu toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức nêu gương thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về không uống rượu bia trong giờ làm việc và không uống rượu bia khi lái xe.
b) Chỉ đạo ngành Giao thông vận tải địa phương tăng cường kiểm tra, siết chặt kỷ cương công tác đào tạo sát hạch, cấp giấp phép lái xe; ưu tiên sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ để xử lý điểm đen về TNGT, làm gờ, gồ giảm tốc và biển cảnh báo từ đường phụ ra đường chính và tại giao cắt giữa đường địa phương và đường sắt; xây dựng, công bố các vị trí đón trả khách cho xe ô tô kinh doanh vận tải. Xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn kinh phí từ xử phạt vi phạm hành chính tại địa phương được phân bổ cho địa phương để xử lý dứt điểm các điểm đen, đường ngang bất hợp pháp qua đường sắt.
c) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 21 tháng 7 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về bảo vệ hành lang ATGT đường bộ, đường sắt và Nghị định số 65/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đường sắt; tăng cường cảnh giới ATGT tại điểm giao cắt đường bộ với đường sắt không có rào chắn; không để phát sinh lối đi dân sinh trái phép qua đường sắt, gắn và xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp huyện, xã nếu để phát sinh vi phạm hành lang ATGT, lối đi dân sinh trái phép; xây dựng mô hình tự quản tại các điểm ùn tắc, điểm đen, đường ngang đường sắt.
d) Đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí toàn bộ kinh phí xử phạt vi phạm hành chính về TTATGT do lực lượng Thanh tra giao thông vận tải, cảng vụ đường thủy nội địa, cảng vụ hàng hải của Sở Giao thông vận tải, Công an xã, phường... thực hiện thuộc ngân sách địa phương để chi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT trên địa bàn.
đ) Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị trực thuộc Trung ương:
- Tiếp tục triển khai kế hoạch lập lại trật tự giao thông đô thị; quản lý sử dụng vỉa hè đảm bảo quyền ưu tiên dành cho người đi bộ; sắp xếp hợp lý các hoạt động sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường để trông giữ xe, kinh doanh, buôn bán.
- Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tổ chức lại các tuyến xe khách liên tỉnh trong cự ly khoảng 80 - 100km theo mô hình quản lý xe buýt, kết nối với mạng lưới xe buýt trong nội thành; tổ chức trông giữ xe tại các bến xe, trạm dừng bên ngoài thành phố.
- Thực hiện nghiêm quy định pháp luật về đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe gắn máy tại Thủ đô Hà Nội nhằm tạo thói quen tuân thủ pháp luật, xây dựng văn hóa giao thông.
9. Về việc thực hiện Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông
a) Bộ Công an:
- Khẩn trương hoàn thiện lắp đặt hệ thống cân điện tử cố định tại các Trạm Cảnh sát giao thông; tăng cường công tác trao đổi thông tin về xử phạt vi phạm hành chính trong các hoạt động vận tải, đặc biệt là hoạt động kiểm soát tải trọng phương tiện.
- Chỉ đạo Công an các địa phương tăng cường công tác điều tra cơ bản để kịp thời phát hiện, xử lý phương tiện chở hàng quá tải trước khi lưu thông trên đường; kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ; xử lý nghiêm các hành vi có biểu hiện tiêu cực trong hoạt động kiểm soát tải trọng xe; nắm tình hình, xác minh làm rõ, xử lý nghiêm, nhất là các hành vi gây rối, phá hoại tài sản kết cấu hạ tầng giao thông (nếu các hành vi vi phạm đến mức phải xử lý hình sự thì kiên quyết xử lý, không bao che hoặc xử lý nhẹ).
b) Bộ Giao thông vận tải:
- Đẩy nhanh tiến độ lắp đặt, vận hành các trạm kiểm tra tải trọng xe cố định và hệ thống thiết bị thu phí không dừng tại các trạm thu phí, ưu tiên các trạm trên Quốc lộ 1 và địa bàn lân cận Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Tiếp tục thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm, không đăng kiểm phương tiện vi phạm kích thước thành thùng xe; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về kiểm soát tải trọng phương tiện.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ ban hành quy định bắt buộc kiểm tra tải trọng trước khi xuất hàng tại các đầu mối hàng hóa (nhà máy, kho, bãi, mỏ, nhà máy vật liệu xây dựng); trong tháng 8 năm 2018 báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ trong năm 2018 hoặc năm 2019.
c) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Quy định rõ về trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu chính quyền và Công an cấp huyện trong kiểm soát tải trọng phương tiện.
- Thực hiện kiểm tra và xử lý vi phạm đối với cam kết không chở hàng quá tải, không xếp hàng quá khổ xe ô tô đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, khai thác mỏ, các nhà máy, xí nghiệp, các nông, lâm trường, các cảng, các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, cơ quan có liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây