Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Kế hoạch 173/KH-UBND Hà Nội huy động phương tiện, tài sản để chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ
- Thuộc tính
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
- Báo lỗi
- Gửi liên kết tới Email
- In tài liệu
- Chia sẻ:
- Chế độ xem: Sáng | Tối
- Thay đổi cỡ chữ:17
- Chú thích màu chỉ dẫn
thuộc tính Kế hoạch 173/KH-UBND
Cơ quan ban hành: | Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 173/KH-UBND | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Kế hoạch | Người ký: | Lê Hồng Sơn |
Ngày ban hành: | 22/07/2021 | Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | An ninh trật tự |
tải Kế hoạch 173/KH-UBND
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 173/KH-UBND | Hà Nội, ngày 22 tháng 7 năm 2021 |
KẾ HOẠCH
Huy động lực lượng, phương tiện, tài sản của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân để chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thành phố
________
Căn cứ Luật trưng mua, trưng dụng tài sản số 25/2008/QH12 ngày 03/6/2008; Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy; Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy. Để góp phần giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra tình huống cháy, sự cố, tai nạn có quy mô lớn, diễn biến phức tạp trên địa bàn Thành phố, UBND Thành phố xây dựng Kế hoạch huy động lực lượng, phương tiện, tài sản của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân để chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Nhằm chủ động trong việc huy động tối đa lực lượng, phương tiện và tài sản của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để kịp thời xử lý các tình huống cháy, sự cố, tai nạn có quy mô lớn, diễn biến phức tạp xảy ra trên địa bàn Thành phố nhằm làm giảm thiệt hại về người và tài sản do cháy, sự cố, tai nạn gây ra.
- Nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân về trách nhiệm tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; phát huy có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
- Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các đơn vị trong công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các lực lượng.
2. Yêu cầu
- Việc huy động lực lượng, phương tiện, tài sản của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân để chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phải được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục và thẩm quyền theo quy định của Pháp luật.
- Huy động lực lượng, phương tiện tham gia phải căn cứ vào tình hình vụ cháy, sự cố, tai nạn đang xảy ra, cũng như khả năng chi viện về lực lượng, phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của lực lượng, đơn vị phối hợp.
- Các tổ chức, cá nhân khi được cấp có thẩm quyền huy động lực lượng, phương tiện để chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phải khẩn trương tham gia, tổ chức thực hiện.
II. NỘI DUNG HUY ĐỘNG
1. Trường hợp huy động
Khi tình huống cháy, sự cố, tai nạn cần phải huy động lực lượng, phương tiện nhanh chóng, kịp thời mà không thuộc phạm vi quản lý của cơ quan Công an, cần phải có sự hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân tại địa phương để chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
2. Thẩm quyền huy động
- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức và Chủ tịch UBND cấp xã được quyền huy động lực lượng, phương tiện và tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong phạm vi quản lý của mình. Trường hợp cần huy động lực lượng, phương tiện và tài sản ngoài phạm vi quản lý của mình thì phải đề nghị người có thẩm quyền huy động quyết định.
- Chủ tịch UBND cấp huyện được quyền huy động lực lượng, phương tiện và tài sản của cơ quan, tổ chức trong phạm vi quản lý của mình. Trường hợp cần huy động lực lượng, phương tiện và tài sản ngoài phạm vi quản lý của mình thì phải đề nghị người có thẩm quyền huy động quyết định.
- Chủ tịch UBND Thành phố được quyền huy động lực lượng, phương tiện và tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong phạm vi quản lý của mình và lực lượng quân đội đóng ở địa phương (Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội). Sau khi huy động thì thông báo cho người có thẩm quyền quản lý lực lượng, phương tiện đó biết.
3. Trình tự huy động
- Khi tình huống cháy, sự cố, tai nạn cần phải huy động lực lượng, phương tiện và tài sản của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tại xã, huyện nơi xảy ra cháy, sự cố, tai nạn để tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, người chỉ huy chữa cháy của cơ quan Công an phải nhanh chóng đề nghị người có thẩm quyền (Chủ tịch UBND cấp xã, huyện) huy động các lực lượng, phương tiện và tài sản trong phạm vi quản lý của mình.
- Khi tình huống cháy, sự cố, tai nạn cần phải huy động lực lượng, phương tiện và tài sản của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn cấp huyện khác nơi xảy ra cháy, sự cố, tai nạn để tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, người chỉ huy chữa cháy của cơ quan Công an phải nhanh chóng báo cáo tình hình, tham mưu với Giám đốc Công an Thành phố báo cáo đề xuất Chủ tịch UBND Thành phố huy động lực lượng phương tiện và tài sản của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân tại địa phương khác tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Trường hợp giữa UBND các cấp và cơ quan, tổ chức đã có quy chế phối hợp về việc huy động lực lượng, phương tiện để chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ thì có thể thực hiện theo quy chế đồng thời báo cáo người có thẩm quyền huy động biết.
- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân phải nhanh chóng điều động đủ lực lượng, phương tiện thuộc phạm vi quản lý của mình để chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi nhận được lệnh huy động. Trường hợp tại địa bàn đang xảy ra tình huống cháy, sự cố, tai nạn tương tự hoặc khả năng bố trí lực lượng, phương tiện để chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ít hơn so với yêu cầu huy động thì phải báo cáo ngay cho người có thẩm quyền huy động biết để điều động lực lượng, phương tiện từ địa bàn khác.
- Khi đến hiện trường, người đứng đầu (hoặc người được ủy quyền) lực lượng chi viện phải liên hệ ngay với Ban Chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (hoặc Chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ) để nhận và thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công; thường xuyên duy trì liên lạc với Ban Chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Nếu thời gian thực hiện nhiệm vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ kéo dài, lực lượng chi viện phải chủ động đề xuất Ban Chỉ huy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ bảo đảm công tác hậu cần chiến đấu để việc tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ được liên tục và đạt hiệu quả.
- Trong quá trình triển khai công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, căn cứ tình hình thực tế Ban Chỉ huy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ phân chia khu vực chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ thành các khu vực riêng và có biện pháp đảm bảo thông tin liên lạc liên tục giữa các đơn vị.
- Khi kết thúc nhiệm vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, người đứng đầu (hoặc người được ủy quyền) lực lượng chi viện tổ chức thu hồi lực lượng, phương tiện theo mệnh lệnh của Ban Chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đồng thời báo cáo cấp trên trực tiếp và người huy động về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ theo lệnh điều động.
- Ngay sau khi kết thúc hoạt động xử lý tình huống cháy, sự cố, tai nạn, người chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu người có thẩm quyền huy động ban hành quyết định huy động bằng văn bản, đề xuất hoàn thiện các thủ tục và tổ chức hoàn trả phương tiện, tài sản đã được huy động; trường hợp bị mất, hư hỏng thì được bồi thường theo quy định của Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản.
4. Thủ tục huy động
- Việc huy động lực lượng, phương tiện và tài sản để chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phải được thể hiện bằng Lệnh huy động, điều động lực lượng, phương tiện và tài sản để chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ (theo mẫu số PC20 phụ lục IX Ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020); trường hợp khẩn cấp, lệnh huy động có thể bằng lời nói, nhưng chậm nhất không quá 03 ngày làm việc phải thể hiện lệnh đó bằng văn bản. Người ra lệnh huy động bằng lời nói phải xưng rõ họ tên, chức vụ, đơn vị công tác, đồng thời phải nêu rõ căn cứ huy động và yêu cầu về người, phương tiện, tài sản cần huy động, thời gian, địa điểm tập kết.
- Trường hợp cần huy động lực lượng, phương tiện và tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân ngoài phạm vi quản lý, người chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ báo cáo đề xuất và được người có thẩm quyền huy động đồng ý thì được phép huy động lực lượng, phương tiện, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó để chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ nhưng sau đó phải tham mưu cho người có thẩm quyền huy động ban hành quyết định huy động bằng văn bản.
III. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ
1. Công an thành phố Hà Nội
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức nắm chính xác tình hình vụ việc, tham mưu cấp có thẩm quyền huy động lực lượng, phương tiện của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân để chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; thành lập Ban Chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để quyết định các phương pháp, biện pháp chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và thống nhất chế độ thông tin, chỉ huy, điều hành, phân công nhiệm vụ phù hợp với năng lực, sở trường của các lực lượng được huy động.
- Chỉ huy các lực lượng, phương tiện đảm bảo an ninh trật tự, hướng dẫn, phân luồng, điều tiết giao thông khi có cháy, sự cố, tai nạn có quy mô lớn, diễn biến phức tạp xảy ra trên địa bàn Thành phố; tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu.
- Chủ động tham mưu, đề xuất người có thẩm quyền đáp ứng các điều kiện về hậu cần phục vụ công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ (bổ sung nhiên liệu, hóa chất chữa cháy, phương tiện chiếu sáng, nước uống; thực phẩm và thuốc y tế, ...) để đảm bảo thuận lợi cho công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ được liên tục và đạt hiệu quả cao nhất.
- Kịp thời báo cáo tình hình vụ việc cho lãnh đạo, cấp trên trực tiếp và cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí, truyền thông theo thẩm quyền; phối hợp với các đơn vị chức năng tuyên truyền, khuyến cáo và tổ chức cho người dân sơ tán ra khỏi vùng nguy hiểm nếu cần thiết (trường hợp có nguy cơ phát nổ; phát tán chất khí, hóa chất độc; sạt lở đất đá; ngập lụt, ...); thông tin phổ biến các mối nguy hiểm do cháy, sự cố, tai nạn tác động và hướng dẫn các biện pháp phòng tránh.
- Phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu người có thẩm quyền huy động ban hành Lệnh huy động, điều động bằng văn bản.
- Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hoàn trả phương tiện, tài sản đã được huy động ngay sau khi kết thúc hoạt động xử lý tình huống cháy, sự cố, tai nạn. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng đánh giá thiệt hại về phương tiện, tài sản (trường hợp bị mất, hư hỏng) trong quá trình tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ để tham mưu UBND Thành phố tiến hành hoàn trả, bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng, huy động theo quy định tại Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản.
- Tổ chức khám nghiệm hiện trường, điều tra xác định nguyên nhân vụ cháy, sự cố, tai nạn; tổ chức rút kinh nghiệm vụ cháy, sự cố, tai nạn.
- Tổ chức rà soát, lập danh sách các cơ sở có nguy cơ xảy ra tình huống cháy, sự cố, tai nạn có quy mô lớn, diễn biến phức tạp để xây dựng các phương án chữa cháy, phương án cứu nạn, cứu hộ có huy động lực lượng, phương tiện của địa phương lân cận để đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định; xây dựng kế hoạch bố trí lực lượng, phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của Công an Thành phố sẵn sàng chi viện cho các địa phương khác khi được người có thẩm quyền huy động.
- Chủ động xây dựng quy chế phối hợp với Công an các địa phương lân cận về việc huy động lực lượng phương tiện chi viện xử lý các tình huống cháy, sự cố, tai nạn có quy mô lớn, diễn biến phức tạp.
- Tập hợp, thống kê lực lượng, phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, các phương tiện chuyên dùng (xe cứu thương, xe cẩu, xe xúc, xe ủi, xe chở nước, xe phá dỡ, xà lan, tàu, ca nô, xuồng, thuyền, ...) của các đơn vị phục vụ công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của Bộ Công an và UBND Thành phố.
2. Văn Phòng UBND Thành phố
- Chủ trì, phối hợp với Công an Thành phố truyền đạt Lệnh huy động, điều động của Chủ tịch UBND Thành phố tới các đơn vị, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân được huy động, điều động; theo dõi, nắm tình hình và đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện Lệnh huy động, điều động của Chủ tịch UBND Thành phố; phối hợp Công an Thành phố tham mưu Chủ tịch UBND ban hành Lệnh huy động, điều động bằng văn bản.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của UBND Thành phố.
3. Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội
- Tiếp tục triển khai nghiêm túc, có hiệu quả Quyết định số 99/QĐ-UBND ngày 01/6/2020 của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành Quy chế phối hợp giữa Công an thành phố Hà Nội và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng trên địa bàn thành phố Hà Nội.
- Tổ chức rà soát, thống kê phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, các phương tiện chuyên dùng có thể huy động trong tình huống cháy, sự cố, tai nạn có quy mô lớn, diễn biến phức tạp.
- Xây dựng kế hoạch huy động, sẵn sàng huy động tối đa lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi có tình huống cháy, sự cố, tai nạn có quy mô lớn, diễn biến phức tạp trên địa bàn Thành phố.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của UBND Thành phố và Ban Chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
4. Sở Xây dựng
- Nhanh chóng cử người có thẩm quyền đến hiện trường khi được huy động, tham mưu cho Ban Chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ xác định tình trạng, khả năng sụp đổ công trình do tác động của đám cháy, sự cố, tai nạn để quyết định việc triển khai lực lượng, phương tiện phục vụ công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; tiến hành xác định mức độ thiệt hại khi áp dụng biện pháp phá dỡ cấu kiện xây dựng trong quá trình triển khai các biện pháp chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của UBND Thành phố và Ban Chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
5. Sở Y tế
- Rà soát, thống kê, có kế hoạch huy động tối đa lực lượng, phương tiện khi được điều động đảm bảo công tác cấp cứu, điều trị; thiết lập điểm sơ cấp cứu dã chiến, tiếp nhận nạn nhân; tiến hành sơ, cấp cứu ban đầu khi xảy ra tình huống cháy, sự cố, tai nạn có quy mô lớn, diễn biến phức tạp.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của UBND Thành phố và Ban Chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
6. Sở Tài chính
- Trên cơ sở đề xuất của các cơ quan, đơn vị, Sở Tài chính tham mưu UBND Thành phố bố trí kinh phí để bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng tài sản gây ra theo quy định của Luật trưng mua, trưng dụng tài sản, Luật Ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật có liên quan.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của UBND Thành phố.
7. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị, cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ đảm bảo vệ sinh môi trường, tẩy rửa các hóa chất, chất độc, khắc phục hậu quả khi có yêu cầu.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của UBND Thành phố.
8. Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Nội
- Xây dựng kế hoạch huy động, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi có tình huống cháy, sự cố, tai nạn có quy mô lớn, diễn biến phức tạp trên địa bàn Thành phố.
- Triển khai tăng áp lực và lưu lượng nước trong đường ống cho khu vực quanh khu vực xảy ra cháy.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của UBND Thành phố và Ban Chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
9. Sở Giao thông vận tải
- Chỉ huy lực lượng Thanh tra Sở Giao thông vận tải phối hợp với các lực lượng Công an, Quân đội hướng dẫn, điều hành phân luồng giao thông, giải quyết các chướng ngại vật trên các tuyến đường vào khu vực xảy ra cháy, sự cố, tai nạn đảm bảo giao thông thông suốt phục vụ công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; căn cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp cơ quan chức năng xác định mức độ thiệt hại đối với các công trình hạ tầng giao thông thuộc thẩm quyền quản lý.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của UBND Thành phố và Ban Chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
10. Ban Thi đua - Khen thưởng Thành phố
- Chủ trì, phối hợp với Công an Thành phố và Văn phòng UBND Thành phố đề xuất khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong quá trình tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi có tình huống cháy, sự cố, tai nạn có quy mô lớn, diễn biến phức tạp trên địa bàn Thành phố.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của UBND Thành phố.
11. UBND quận, huyện, thị xã
- Phối hợp chặt chẽ với Công an Thành phố trong việc hướng dẫn, chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về PCCC và CNCH cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn; tổ chức xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC trên địa bàn được phân công phụ trách; nâng cao hiểu biết của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn về trách nhiệm chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
- Chủ động xây dựng phương án, quy chế phối hợp với UBND cùng cấp, các đơn vị liên quan tổ chức hiệp đồng, huy động, bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.
- Rà soát, thống kê, có kế hoạch huy động, sẵn sàng huy động tối đa lực lượng, phương tiện (đặc biệt là các xe chuyên dùng như: xe cứu thương, xe cẩu, xe xúc, xe ủi, xe chở nước, xe phá dỡ, xà lan, tàu, ca nô, xuồng, thuyền, ...) của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn quản lý để xử lý các vụ cháy, sự cố, tai nạn có quy mô lớn, diễn biến phức tạp xảy ra trên địa bàn; khắc phục hậu quả sau khi xảy ra cháy.
- Chủ động tham mưu, đề xuất người có thẩm quyền đáp ứng các điều kiện về hậu cần phục vụ công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ (bổ sung nhiên liệu, hóa chất chữa cháy, phương tiện chiếu sáng, nước uống, thực phẩm và thuốc y tế, ...) để đảm bảo thuận lợi cho công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ được liên tục và đạt hiệu quả cao nhất.
- Theo phạm vi quản lý, đánh giá thiệt hại về phương tiện, tài sản trong quá trình tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ để hoàn trả tài sản, bồi thường thiệt hại về tài sản (trong trường hợp mất, hư hỏng) do việc huy động để chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo quy định tại Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của UBND Thành phố và Ban Chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Căn cứ Kế hoạch này, đề nghị Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã theo chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Hằng năm tổ chức rà soát để tham mưu, đề xuất bổ sung, điều chỉnh kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị. Định kỳ báo cáo (trước ngày 20/11 hằng năm) hoặc đột xuất khi có yêu cầu báo cáo kết quả thực hiện được về UBND Thành phố (qua Công an thành phố Hà Nội) để theo dõi, chỉ đạo.
2. Giao Công an thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch này, tổng hợp kết quả và báo cáo theo quy định./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |