Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Dự thảo Thông tư về thực hiện dân chủ trong công tác phòng cháy, chữa cháy
- Thuộc tính
- Nội dung
- Tải về
thuộc tính Thông tư
Lĩnh vực: | An ninh trật tự | Loại dự thảo: | Thông tư |
Cơ quan chủ trì soạn thảo: | Bộ Công an | Trạng thái: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về mục đích, nguyên tắc, nội dung thực hiện dân chủ trong nội bộ đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Tải Thông tư
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
BỘ CÔNG AN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: /2025/TT-BCA | Hà Nội, ngày tháng năm 2025 |
DỰ THẢO LẦN 2
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ THỰC HIỆN DÂN CHỦ TRONG CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY,
CHỮA CHÁY, CỨU NẠN, CỨU HỘ
Căn cứ Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở ngày 10 tháng 11 năm 2022;
Căn cứ Luật phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ngày 29 tháng 11 năm 2024;
Căn cứ Luật Công an nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2018; Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Công an nhân dân ngày 22 tháng 6 năm 2023;
Căn cứ Nghị định số 59/2023/NĐ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở;
Căn cứ Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;
Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định về thực hiện dân chủ trong công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về mục đích, nguyên tắc, nội dung thực hiện dân chủ trong nội bộ đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Điều 2. Mục đích thực hiện dân chủ trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
1. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân; huy động cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tích cực tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo phương châm: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát” theo quy định của pháp luật.
2. Góp phần xây dựng lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong mọi tình huống; chống các hành vi, biểu hiện cửa quyền, tiêu cực, sách nhiễu, phiền hà, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.
Điều 3. Nguyên tắc thực hiện dân chủ trong công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ
1. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và các quy định của Bộ Công an về công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
2. Các đường lối, chính sách và quy định về công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ được công khai, minh bạch và thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật.
3. Xử lý nghiêm mọi hành vi lợi dụng dân chủ cản trở hoạt động thực thi pháp luật của Công an, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; lợi dụng, lạm dụng việc thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, nhũng nhiễu, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Những nội dung công khai trong công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và các đơn vị Công an được giao thực hiện nhiệm vụ
1. Nội quy tiếp công dân; lịch tiếp công dân đến làm thủ tục; sơ đồ hoặc biến chỉ dẫn nơi làm thủ tục.
2. Tên và số điện thoại (nếu có) của từng bộ phận, họ tên, cấp bậc, chức vụ và nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ được phân công tiếp công dân đến làm thủ tục liên quan đến phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; số điện thoại “đường dây nóng”.
3. Trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân đến làm thủ tục liên quan đến phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
4. Các loại phí, lệ phí theo quy định.
5. Quy định, hướng dẫn việc gọi điện đến số điện thoại khẩn cấp 114.
6. Danh mục các thủ tục hành chính, quy định, hồ sơ, biểu mẫu, trình tự, thẩm quyền, thời hạn giải quyết đối với từng loại thủ tục về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ:
a) Thủ tục thẩm định thiết kế và kiểm tra kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với dự án đầu tư xây dựng công trình, công trình và phương tiện giao thông;
b) Thủ tục huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ;
c) Thủ tục cấp Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ;
d) Thủ tục cấp phép trước khi lưu thông trên thị trường đối với phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và vật liệu, cấu kiện ngăn cháy, chống cháy.
7. Kết quả xử lý kiến nghị, phản ánh của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
8. Danh sách công trình, phần công trình, hạng mục công trình xây dựng, phương tiện giao thông đưa vào khai thác, sử dụng nhưng chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy của cơ quan quản lý chuyên ngành mà đã đưa vào hoạt động.
Điều 5. Hình thức công khai
1. Niêm yết tại nơi tiếp công dân của đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và các đơn vị Công an được giao thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
2. Thông tin trực tiếp thông qua tiếp dân.
3. Thông báo tại các cuộc họp của Nhân dân, cơ quan, tổ chức, cơ sở.
4. Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
5. Thông báo trên trang thông tin điện tử của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và trang thông tin điện tử của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nếu có).
6. Các hình thức phù hợp khác.
Điều 6. Những việc Nhân dân tham gia ý kiến về công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ
1. Biện pháp để thực hiện các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
2. Phương án, kế hoạch, biện pháp bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại nơi cư trú, nơi làm việc.
3. Việc thành lập và phương thức hoạt động của các tổ chức quần chúng tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
4. Đề nghị biểu dương khen thưởng cơ quan, tổ chức và cá nhân có thành tích trong công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; kiến nghị xử lý các trường hợp vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
5. Tham gia ý kiến dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ (đối với các văn bản phải lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật).
Điều 7. Hình thức Nhân dân tham gia ý kiến
1. Thông qua đơn, thư gửi cơ quan Công an.
2. Thông qua điện thoại, hòm thư góp ý.
3. Thông qua Cổng Thông tin điện tử; Trang thông tin điện tử của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và trang thông tin điện tử của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nếu có); tài khoản mạng xã hội và các phần mềm ứng dụng trên thiết bị điện tử do cơ quan Công an lập và quản lý.
4. Thông qua các cuộc họp tại địa bàn cư trú (gồm: Tổ dân phố, bản, làng, thôn, xóm); nơi làm việc, học tập.
5. Thông qua các cuộc điều tra xã hội học.
6. Thông qua hoạt động tiếp công dân của cơ quan Công an.
Điều 8. Những việc cơ quan, tổ chức, cá nhân giám sát Công an nhân dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ
1. Việc Công an, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thực hiện các quy định của pháp luật và của Bộ Công an về giải quyết các thủ tục và các công việc khác có liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
2. Việc chấp hành Điều lệnh Công an nhân dân; về tác phong, thái độ, lề lối làm việc của Công an, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
3. Việc cơ quan, tổ chức, cá nhân giám sát Công an nhân dân thực hiện các quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này phải khách quan, trung thực, đúng quy định của pháp luật, không được làm cản trở, ảnh hưởng đến việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ, chiến sỹ.
Điều 9. Hình thức giám sát của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ
a) Thông qua các thông tin công khai của Công an nhân dân và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng.
b) Thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật.
c) Thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ.
d) Thông qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
đ) Thông qua quan sát trực tiếp nhưng phải đảm bảo các điều kiện sau:
- Không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi nhiệm vụ;
- Ngoài khu vực chữa cháy, khu vực cứu nạn, cứu hộ (đối với nơi có triển khai hoạt động chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ);
- Tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày … tháng … năm 2025 và thay thế Thông tư số 18/2020/TT-BCA ngày 20 tháng 02 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về thực hiện dân chủ trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Công an nhân dân.
Điều 11. Trách nhiệm thi hành
1. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Công an, Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này. Định kỳ hằng năm hoặc khi có yêu cầu của Bộ Công an, Công an các đơn vị, địa phương tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Thông tư này, báo cáo kết quả bằng văn bản về Bộ Công an (qua Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ) để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ Công an.
2. Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề gì khó khăn, vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phản ánh về Bộ Công an (qua Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ) để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ Công an xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận: - Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - Các đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an; - UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; - Các đơn vị thuộc cơ quan Bộ; - Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; - Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp; - Công báo; - Cổng thông tin điện tử: Chính phủ, Bộ Công an; - Lưu: VT, V03, C07. | BỘ TRƯỞNG
|
văn bản tiếng việt
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!