Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Dự thảo Thông tư quy định tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát cơ động
thuộc tính Thông tư
Lĩnh vực: | An ninh trật tự | Loại dự thảo: | Thông tư |
Cơ quan chủ trì soạn thảo: | Bộ Công an | Trạng thái: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về thẩm quyền điều động và phân công, phân cấp tuần tra, kiểm soát; nhiệm vụ, quyền hạn, đối tượng, hình thức, trình tự tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự và trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát cơ động.BỘ CÔNG AN
Số: /2022/TT-BCA | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày tháng năm 2022 |
DỰ THẢO 2
THÔNG TƯ
Quy định quy trình hoạt động tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát cơ động
Căn cứ Luật Công an nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Luật Cảnh sát cơ động ngày 14 tháng 6 năm 2022;
Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13 tháng 11 năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Theo đề nghị của Tư lệnh Cảnh sát cơ động;
Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định quy trình hoạt động tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát cơ động.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Thông tư này quy định về thẩm quyền điều động và phân công, phân cấp tuần tra, kiểm soát; nhiệm vụ, quyền hạn, đối tượng, hình thức, trình tự tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự và trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát cơ động.
2. Việc tuần tra, kiểm soát của lực lượng Cảnh sát cơ động trong trường hợp được huy động phối hợp với Cảnh sát giao thông tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Cảnh sát cơ động (sau đây gọi chung là cán bộ, chiến sĩ) khi thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm soát; Công an các đơn vị, địa phương và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 3. Nguyên tắc của hoạt động tuần tra, kiểm soát
1. Tuân thủ quy định của Thông tư này, các quy định khác của pháp luật có liên quan và Điều lệnh Công an nhân dân; thực hiện đúng kế hoạch, phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật; chủ động trấn áp người có hành vi cản trở, chống người thi hành công vụ.
3. Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động khi thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm soát phải sử dụng trang phục, công an hiệu, cờ hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, giấy chứng minh Công an nhân dân, giấy chứng nhận công tác đặc biệt theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.
4. Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động khi ra quân thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm soát được hưởng chế độ bồi dưỡng theo quy định của pháp luật.
5. Nghiêm cấm lợi dụng hoạt động tuần tra, kiểm soát để sách nhiễu, gây phiền hà Nhân dân, xâm hại lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc thực hiện hành vi trái pháp luật khác.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Mục 1
THẨM QUYỀN ĐIỀU ĐỘNG VÀ PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP TUẦN TRA, KIỂM SOÁT
Điều 4. Thẩm quyền điều động
1. Bộ trưởng Bộ Công an điều động các đơn vị Cảnh sát cơ động thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm soát trên phạm vi toàn quốc.
2. Tư lệnh Cảnh sát cơ động điều động Cảnh sát cơ động thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm soát trong các trường hợp sau đây:
a) Đơn vị Cảnh sát cơ động thuộc quyền thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch, phương án thuộc thẩm quyền phê duyệt;
b) Đơn vị Cảnh sát cơ động thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm soát theo phương án đã được cấp trên phê duyệt, được ủy quyền phê duyệt hoặc khi được giao chủ trì chỉ huy giải quyết các tình huống cụ thể trong tuần tra, kiểm soát;
c) Đơn vị Cảnh sát cơ động thuộc quyền để thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm soát trong trường hợp cấp bách và đồng thời báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an.
3. Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Công an cấp tỉnh) điều động đơn vị Cảnh sát cơ động thuộc quyền thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm soát trong các trường hợp sau đây:
a) Thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch, phương án đã được cấp trên phê duyệt hoặc thuộc thẩm quyền phê duyệt;
b) Thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm soát trên địa bàn quản lý trong trường hợp cấp bách và đồng thời báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an.
4. Chỉ huy đơn vị Cảnh sát cơ động điều động đơn vị thuộc quyền để thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch, phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 5. Trách nhiệm của Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động
1. Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc lực lượng Cảnh sát cơ động thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm soát trên phạm vi toàn quốc.
2. Chủ trì, phối hợp với Công an đơn vị, địa phương tổ chức hoạt động tuần tra, kiểm soát tại các địa bàn, khu vực, mục tiêu, tuyến phức tạp về an ninh, trật tự hoặc khi có sự kiện chính trị quan trọng trong trường hợp cần thiết.
3. Tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công an bố trí lực lượng Cảnh sát cơ động thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm soát tại các địa bàn, khu vực, mục tiêu, tuyến phức tạp về an ninh, trật tựhoặc khi có sự kiện chính trị quan trọng. Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành kế hoạch, phương án tuần tra, kiểm soát trên phạm vi toàn quốc.
4. Tổ chức lực lượng của Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động thực hiện độc lập hoặc chủ trì, phối hợp với Công an đơn vị, địa phương, lực lượng có liên quan thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm soát trong phạm vi toàn quốc trong trường hợp cần thiết.
Điều 6. Trách nhiệm của Công an cấp tỉnh
1. Giám đốc Công an cấp tỉnh có trách nhiệm:
a) Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát cơ động thuộc quyền thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm soát trên phạm vi địa bàn quản lý;
b) Phân công, tổ chức hoạt động tuần tra, kiểm soát của lực lượng Cảnh sát cơ động thuộc quyền.
2. Phòng Cảnh sát bảo vệ, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Công an thành phố Hà Nội, Công an thành phố Hồ Chí Minh và Phòng Cảnh sát cơ động Công an cấp tỉnh có trách nhiệm:
a) Tham mưu giúp Giám đốc Công an cấp tỉnh quyết định bố trí các đơn vị Cảnh sát cơ động thuộc quyền tổ chức hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật theo thẩm quyền;
b) Bố trí lực lượng, tổ chức hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật theo quy định;
c) Chủ trì, phối hợp với Công an cấp huyện thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm soát trên địa bàn, khu vực, mục tiêu, tuyến phức tạp về an ninh, trật tựhoặc khi có sự kiện chính trị quan trọng.
Mục 2
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CẢNH SÁT CƠ ĐỘNG
KHI THỰC HIỆN HOẠT ĐỘNG TUẦN TRA, KIỂM SOÁT
Điều 7. Nhiệm vụ
1. Chấp hành nghiêm sự chỉ huy, chỉ đạo của cấp trên và kế hoạch, phương án tuần tra, kiểm soát đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Bảo đảm an ninh, trật tự trong phạm vi địa bàn, khu vực, mục tiêu, tuyến tuần tra, kiểm soát; phát hiện, ngăn chặn và xử lý hoặc đề nghị người có thẩm quyền xử lý kịp thời, nghiêm minh hành vi vi phạm pháp luật.
3. Phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an nhân dân đấu tranh phòng, chống tội phạm và hành vi vi phạm khác thuộc địa bàn, khu vực, mục tiêu, tuyến được phân công tuần tra, kiểm soát.
4. Báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền kiến nghị với cơ quan, tổ chức liên quan có biện pháp khắc phục kịp thời những sơ hở, thiếu sót trong quản lý nhà nước về an ninh, trật tự.
5. Thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.
Điều 8. Quyền hạn
1. Kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện, đồ vật, tài liệu theo quy định của pháp luật khi thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm soát.
2. Phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm pháp luật theo thẩm quyền.
3. Huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định tại Điều 16 Luật Cảnh sát cơ động.
4. Sử dụngvũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phục vụ hoạt động tuần tra, kiểm soát theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.
5. Thực hiện quyền hạn khác theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.
Mục 3
ĐỐI TƯỢNG, HÌNH THỨCTUẦN TRA, KIỂM SOÁT
Điều 9. Đối tượng tuần tra, kiểm soát
1. Đối tượng tuần tra gồm: Địa bàn, khu vực,mục tiêu,tuyếnđược phân công.
2. Đối tượng kiểm soát gồm: Người, phương tiện, đồ vật, tài liệu.
Điều 10. Tuần tra, kiểm soát công khai
1. Tuần tra, kiểm soát công khai gồm:
a) Tuần tra, kiểm soát cơ động chiến đấu;
b) Kiểm soát tại điểm, chốt trong địa bàn, khu vực, mục tiêu, tuyến tuần tra, kiểm soát.
2. Trường hợp kiểm soát tại một điểm, chốt phải có kế hoạch, phương án được người có thẩm quyền phê duyệt.
3. Khi tuần tra, kiểm soát công khai phải sử dụng trang phục, công an hiệu, cờ hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, giấy chứng minh Công an nhân dân, giấy chứng nhận công tác đặc biệt theo quy định; sử dụng phương tiện giao thông hoặc đi bộ để tuần tra, kiểm soát trong phạm vi địa bàn, khu vực, mục tiêu, tuyến được phân công; sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.
Điều 11. Tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang
1. Tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
a) Phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm khi có yêu cầu;
b) Khi có diễn biến phức tạp về an ninh, trật tự.
2. Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Giám đốc Công an cấp tỉnh quyết định việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang.
3. Việc thực hiện tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang phải có kế hoạch, phương án tuần tra, kiểm soát được Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Giám đốc Công an cấp tỉnh phê duyệt.
Khi tuần tra, kiểm soát phải bố trí cán bộ hóa trang (mặc thường phục) để nắm tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự trong phạm vi khu vực, mục tiêu, tuyến, địa bàn được phân công. Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành kiểm soát, xử lý theo quy định của pháp luật.
Mục 4
TRÌNH TỰ TUẦN TRA, KIỂM SOÁT
Điều 12. Khảo sát địa bàn
Trước khi tiến hành hoạt động tuần tra, kiểm soát, đơn vị Cảnh sát cơ động phải tiến hành khảo sát,nắm tình hình thông tin, tài liệu về địa bàn, khu vực, mục tiêu, tuyến và xây dựng kế hoạch, phương án tuần tra, kiểm soát.
Điều 13. Xây dựng, phê duyệt kế hoạch, phương án tuần tra, kiểm soát
1. Đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động từ cấp Tiểu đoàn trở lên thực hiện tuần tra, kiểm soát có trách nhiệm:
a) Xây dựng kế hoạch, phương án tuần tra, kiểm soát bảo vệ mụctiêu theo quy định;
b) Xây dựng kế hoạch, phương án tuần tra, kiểm soát độc lập theo chỉ đạo của người có thẩm quyền hoặc trong trường hợp cần thiết và thông báo cho Công an các cấp trênđịa bàn, khu vực, tuyến tuần tra, kiểm soát để phối hợp;
c) Xây dựng kế hoạch phối hợp tuần tra, kiểm soát và báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định khi có yêu cầu phối hợp tuần tra, kiểm soát của Công an đơn vị, địa phương trên khu vực, địa bàn đóng quân.
2. Đơn vị Cảnh sát cơ động Công an cấp tỉnh thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm soát có trách nhiệm xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm soát thường xuyên; kế hoạch, phương án tuần tra, kiểm soát theo chuyên đề hoặc trong các đợt cao điểm.
3. Kế hoạch tuần tra, kiểm soát bao gồm các nội dung cơ bản sau: Mục đích, yêu cầu; thời gian, phạm vi; nhiệm vụ, biện pháp, phương pháp thực hiện; công tác chỉ đạo, phân công nhiệm vụ và phối hợp giữa các lực lượng; điều kiện đảm bảo.
4. Phương án tuần tra, kiểm soát bao gồm các nội dung cơ bản sau: Khái quát và dự báo tình hình; phương châm, nguyên tắc; xác định địa bàn, khu vực, mục tiêu, tuyến;dự kiến tình huống, biện pháp giải quyết và công tác tổ chức, sử dụng lực lượng; công tác chỉ huy, thông tin và bảo đảm các điều kiện cần thiết; tổ chức thực hiện.
5. Phê duyệt kế hoạch, phương án tuần tra, kiểm soát
a) Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt kế hoạch tuần tra, kiểm soát do Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động xây dựng trong trường hợp cần thiết khi địa bàn, khu vực, mục tiêu, tuyến phức tạp về an ninh, trật tự hoặc khi có sự kiện chính trị quan trọng liên quan đến phạm vi quản lý của nhiều đơn vị, địa phương;
b) Tư lệnh Cảnh sát cơ động quyết định và phê duyệt kế hoạch tuần tra, kiểm soát do các đơn vị trực thuộc xây dựng. Đối với kế hoạch phối hợp tuần tra, kiểm soát theo đề nghị của Công an các đơn vị, địa phương thuộc địa bàn, khu vực, mục tiêu, tuyến cấp Tiểu đoàn thuộc Trung đoàn, Trung tâm huấn luyện được giao phụ trách phải do cấp Trung đoàn, Trung tâm huấn luyện xây dựng và báo cáo Tư lệnh Cảnh sát cơ động quyết định, phê duyệt;
c) Giám đốc Công an cấp tỉnh quyết định và phê duyệt kế hoạch tuần tra, kiểm soát do Phòng Cảnh sát bảo vệ, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Công an thành phố Hà Nội, Công an thành phố Hồ Chí Minh và Phòng Cảnh sát cơ động Công an cấp tỉnh xây dựng;
d) Thủ trưởng cấp trên trực tiếp phê duyệt kế hoạch, phương án tuần tra kiểm, soát của cấp dưới xây dựng.
Điều 14. Ra quân làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát
1. Căn cứ tình hình thực tế và kế hoạch, phương án tuần tra, kiểm soát, Thủ trưởng đơn vị Cảnh sát cơ động phân công Trưởng ca, Tổ trưởng, số lượng cán bộ, chiến sĩ trong mỗi tổ và vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để tiến hành tuần tra, kiểm soát.
2. Trưởng ca tuần tra, kiểm soát là chỉ huy cấp Đại đội và tương đương trở lên, thực hiện nhiệm vụ quy định tại Điều 7 Thông tư này và có trách nhiệm:
a) Phân công, kiểm tra quân số, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, giao nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ trong ca tuần tra;
b) Kiểm tra công tác chuẩn bị trước khi làm nhiệm vụ; ra mệnh lệnh hành quân đến địa bàn, khu vực, mục tiêu, tuyến làm nhiệm vụ theo đúng kế hoạch, phương án;
c) Tiếp nhận, xử lý thông tin của tổ tuần tra, kiểm soát về các tình huống xảy ra trong tuần tra, kiểm soát, báo cáo cấp có thẩm quyền khi có tình huống phức tạp xảy ra.
2. Tổ trưởng tổ tuần tra, kiểm soát là sĩ quan nghiệp vụ Công an nhân dân, thực hiện nhiệm vụ quy định tại Điều 7 Thông tư này và có trách nhiệm:
a) Quán triệt kế hoạch, phương án tuần tra, kiểm soát, tư thế, lễ tiết, tác phong, quy tắc ứng xử đến cán bộ, chiến sĩ thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm soát;
b) Đôn đốc cán bộ, chiến sĩ thực hiện công tác chuẩn bị tuần tra, kiểm soát, chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và tập trung theo lệnh của Trưởng ca;
c) Nắm tình hình, chỉ huy, điều hành các nhiệm vụ của tổ tuần tra, kiểm soát, theo đúng địa bàn, khu vực, mục tiêu, tuyến và phân công vị trí, nhiệm vụ cho từng cán bộ, chiến sĩ; kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật theo thẩm quyền;
d) Thực hiện chế độ thông tin liên lạc với cán bộ, chiến sĩ, Trưởng ca tuần tra, kiểm soát và các cơ quan liên quan khi cần thiết; báo cáo kịp thời cho Trưởng ca khi có vụ việc đột xuất, phức tạp;
đ) Ghi sổ nhật ký tuần tra, kiểm soát theo quy định tại Điều 17 Thông tư này; tổng hợp tình hình, báo cáo kết quả thực hiện ca tuần tra, kiểm soát.
Điều 15. Kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện, đồ vật, tài liệu
1. Việc kiểm soát người, phương tiện, đồ vật, tài liệu được tiến hành trong các trường hợp sau:
a) Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự;
b) Khi có căn cứ để cho rằng trong người, phương tiện có cất giấu đồ vật, tài liệu, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật, nếu không kiểm tra, kiểm soát ngay thì đồ vật, tài liệu, phương tiện đó bị tẩu tán, tiêu hủy;
c) Khi phát hiện người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã.
d) Khi phát hiện người, phương tiện, đồ vật, tài liệu, tài sản có thông báo truy tìm.
2. Khi phát hiện các trường hợp thuộc khoản 1 Điều này thì cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm soát tiến hành xử lý theo quy định tại Điều 19, Điều 20 Thông tư này.
Điều 16. Hiệu lệnh thực hiện kiểm tra, kiểm soát
Hiệu lệnh thực hiện kiểm tra, kiểm soát của Cảnh sát cơ động được thực hiện bằng các hình thức sau:
1. Bằng tay, gậy chỉ huy.
2. Còi, loa pin cầm tay, loa điện gắn trên phương tiện tuần tra được sử dụng khi tuần tra, kiểm soát trên phương tiện giao thông.
3. Đèn tín hiệu, biển báo hiệu, Barie hoặc rào chắn được sử dụng khi tuần tra, kiểm soát trên khu vực, địa bàn, tuyến mục tiêu phức tạp về an ninh, trật tự.
4. Cán bộ, chiến sĩ tuần tra, kiểm soát lựa chọn vị trí, hình thức ra hiệu lệnh thực hiện kiểm tra, kiểm soát phải đảm bảo khoảng cách an toàn và công khai hiệu lệnh thực hiện kiểm soát theo đúng quy định của pháp luật.
Điều 17. Ghi sổ nhật ký tuần tra, kiểm soát
1. Khi giải quyết xong từng vụ việc vi phạm phải ghi ngay nhật ký tuần tra, kiểm soát.
2. Ghi sổ nhật ký tóm tắt theo thứ tự thời gian, gồm: Thời gian (giờ, phút, ngày); địa điểm (vị trí, địa danh, địa bàn, khu vực, mục tiêu, tuyến); nội dung kiểm tra, kiểm soát; biện pháp xử lý: Nhắc nhở, quyết định xử phạt cảnh cáo, phạt tiền (số thứ tự), biên bản đã lập (số thứ tự), việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp khác.
Điều 18. Kết thúc tuần tra, kiểm soát
1. Kết thúc tuần tra, kiểm soát, Tổ trưởng tổ tuần tra phải tổng hợp báo cáo kết quả công tác và kết quả xử lý vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự trong ca tuần tra, kiểm soát.
2. Tổ trưởng tổ tuần tra kiểm tra toàn bộ tài liệu, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ bàn giao cho đơn vị theo quy định.
3.Tổng hợp tình hình có liên quan đến địa bàn, khu vực, mục tiêu, tuyến tuần tra, kiểm soát.
Mục 5
XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 19. Xử lý vi phạm trong tuần tra, kiểm soát
1. Khi phát hiện vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, cán bộ, chiến sĩ tuần tra, kiểm soát phải ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi vi phạm và thông báo hành vi vi phạm cho người vi phạm biết.
2. Trường hợp hành vi vi phạm pháp luật là vi phạm hành chính thì cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm soát ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của mình; trường hợp không thuộc thẩm quyền xử phạt của mình thì lập biên bản, áp dụng các biện pháp ngăn chặn cần thiết và chuyển ngay cho người có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
3. Trường hợp phát hiện người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã thì cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm soát phải ngăn chặn, bắt giữ, vô hiệu hóa hành vi vi phạm và báo cáo ngay người có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật.
4.Trường hợp phát hiện người có thông báo truy tìm thì cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm soát ghi nhận thông tin về người đó(đặc điểm về người, trang phục, phương tiện...), đồng thời báo cáo để Trưởng ca liên hệ, phối hợp với cơ quan thông báo truy tìm hoặc Công an xã, phường, thị trấn xử lý theo đúng quy định.
5.Trường hợp phát hiện phương tiện, đồ vật, tài liệu, tài sản có thông báo truy tìm thì cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm soát bảo vệ hiện trường, thông qua các thiết bị kỹ thuật ghi nhận thông tin về phương tiện, đồ vật, tài liệu, tài sản đó, đồng thời báo cáo để Trưởng ca liên hệ, phối hợp với cơ quan thông báo truy tìm hoặc Công an xã, phường, thị trấn xử lý theo đúng quy định.
Điều 20. Áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với các hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự
1. Trường hợp cần ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự hoặc để bảo đảm cho việc xử lý vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm soát có trách nhiệm áp dụng biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật. Việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn phải đảm bảo đúng thẩm quyền, đối tượng, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
2. Trường hợp người vi phạm có hành vi chống người thi hành công vụ thì áp dụng các biện pháp ngăn chặn quy định tại Điều 14 Nghị định số 208/2013/NĐ-CP ngày 17/12/2013 của Chính phủ quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ.
Điều 21. Giải quyết, xử lý vi phạm hành chính tại trụ sở đơn vị
1. Tổ chức xử lý vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự:
a) Công an các đơn vị, địa phương có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự bố trí cán bộ Cảnh sát cơ động và địa điểm giải quyết, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.
b) Địa điểm giải quyết vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự bố trí ở vị trí thuận lợi, có diện tích phù hợp, trang nghiêm, có chỗ ngồi cho người đến liên hệ giải quyết; niêm yết sơ đồ chỉ dẫn nơi làm việc, lịch tiếp dân; biển chức danh của cán bộ làm nhiệm vụ; số điện thoại; nội quy tiếp dân; hòm thư góp ý và nội dung một số văn bản có liên quan đến xử lý vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự.
3.Trình tự giải quyết vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự tai trụ sở đơn vị, thực hiện như sau:
a) Tiếp nhận biên bản vi phạm hành chính từ người vi phạm và đối chiếu với hồ sơ vi phạm (trường hợp làm mất biên bản vi phạm hành chính, phải đối chiếu kỹ thông tin về nhân thân của người vi phạm với hồ sơ vi phạm); không giải quyết vụ việc đối với người trung gian (trừ trường hợp được ủy quyền theo quy định của pháp luật) hoặc ngoài vị trí quy định giải quyết vi phạm hành chính của đơn vị;
b) Thông báo hình thức, mức xử phạt, biện pháp ngăn chặn, biện pháp khác;
c) Giao quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho người bị xử phạt hoặc người đại diện hợp pháp, người được ủy quyền;
d) Tiếp nhận, kiểm tra, đối chiếu biên lai thu tiền phạt (hoặc chứng từ thu, nộp tiền phạt khác theo quy định của pháp luật) với hồ sơ vi phạm hành chính và lưu hồ sơ.
đ) Trả lại tang vật, phương tiện, giấy tờ bị tạm giữ theo thủ tục hành chính (trừ trường hợp bị tước quyền sử dụng hoặc bị tịch thu) cho người vi phạm hoặc chủ sở hữu có tang vật, phương tiện bị tạm giữ hoặc đại diện tổ chức vi phạm hành chính đã được ghi trong quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Nếu cá nhân, tổ chức nêu trên ủy quyền cho người khác đến nhận lại tang vật, phương tiện, giấy tờ thì phải có văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật. Khi trả lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ phải có quyết định và lập biên bản theo quy định; trường hợp trả lại giấy tờ bị tạm giữ phải lập biên bản theo quy định;
e) Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm thực hiện xử phạt vi phạm hành chính qua tài khoản, dịch vụ bưu chính công ích, Cổng dịch vụ Công quốc gia thì thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành và của Bộ Công an.
Mục 6
TRANG BỊ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụTRONG TUẦN TRA, KIỂM SOÁT
Điều 22. Vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ
1. Vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ trang bị cho Cảnh sát cơ động.
2. Phương tiện gồm: Ô tô, mô tô, xe đặc chủng, các loại tàu thuyền, tàu bay trực thăng và các loại phương tiện khác được lắp đặt đèn, còi phát tín hiệu ưu tiên được quyền ưu tiên theo quy định của pháp luật. Hai bên thành ô tô, xe đặc chủng, các loại tàu thuyền, tàu bay trực thăng tuần tra có in phù hiệu Cảnh sát cơ động phản quang; hai bên bình xăng hoặc ở sườn hai bên thùng phía sau mô tô hai bánh tuần tra có phù hiệu Cảnh sát cơ động phản quang;
3. Thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ gồm:
a) Máy quay phim; máy chụp ảnh, ghi âm;
b) Đèn pin chiếu sáng;
c) Máy bộ đàm;
d) Thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, thông tin liên lạc khác theo quy định của Bộ Công an.
Điều 23. Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ
1. Đèn phát tín hiệu ưu tiên được sử dụng liên tục trong các trường hợp sau:
a) Tuần tra, kiểm soát công khai cơ động;
b) Kiểm soát tại một điểm, chốt trong địa bàn, khu vực trọng điểm; tuyến, mục tiêu phức tạp về an ninh, trật tự hoặc khi có sự kiện chính trị quan trọng.
2. Khi sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụquy định tại Điều 22 Thông tư này phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 24. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2023.
Thông tư số 58/2015/TT-BCA ngày 03/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội của lực lượng Cảnh sát cơ động hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
Điều 25. Trách nhiệm thi hành
1. Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động có trách nhiệm:
a) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai thực hiện Thông tư này;
b) Biên soạn tài liệu tập huấn nghiệp vụ tuần tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự cho lực lượng Cảnh sát cơ động;
c) Tổ chức tập huấn, kiểm tra, đánh giá kết quả tập huấn nghiệp vụ tuần tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự cho các đơn vị trực thuộc và lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị Cảnh sát cơ động trên phạm vi toàn quốc.
2. Giám đốc Công an cấp tỉnh có trách nhiệm:
a) Tổ chức tập huấn nghiệp vụ tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động thuộc địa phương mình theo nội dung tài liệu tập huấn do Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động biên soạn;
b) Chỉ đạo, tổ chức thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự theo quy định của pháp luật và Thông tư này.
c) Chỉ đạo Công an các cấp thuộc quyền kịp thời phối hợp và tạo điều kiện để Cảnh sát cơ động thực hiện có hiệu quả hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự.
3. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này./.
Nơi nhận: - Các đồng chí Thứ trưởng; - Các đơn vị trực thuộc Bộ; - Các học viện, trường Công an nhân dân; - Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: - Lưu: VT, V03, K02(P7). | BỘ TRƯỞNG
Đại tướng Tô Lâm |