Dự thảo Thông tư quy định chi tiết Luật PCCC, Luật sửa đổi Luật PCCC lần 2

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tải về
Mục lục
Tìm từ trong trang
Tải dự thảo
Lưu
Báo lỗi
  • Báo lỗi
  • Gửi liên kết tới Email
  • Chia sẻ:
  • Chế độ xem: Sáng | Tối
  • Thay đổi cỡ chữ:
    17
Ghi chú

thuộc tính Thông tư

Dự thảo Thông tư quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy và Nghị định số /2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy
Lĩnh vực: An ninh trật tự Loại dự thảo:Thông tư
Cơ quan chủ trì soạn thảo: Bộ Công anTrạng thái:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định một số nội dung trong công tác phòng cháy, chữa cháy theo quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy... gồm: Hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy và chữa cháy; nội quy an toàn, sơ đồ chỉ dẫn, biến cấm, biển báo, biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy; khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao; phân cấp quản lý về phòng cháy và chữa cháy trong Công an nhân dân; 
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Trạng thái: Đã biết
Ghi chú

BỘ CÔNG AN

------------

Số:         /2020/TT-BCA

DỰ THẢO 2

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

---------------

Hà Nội, ngày          tháng      năm 2020

             

 

THÔNG TƯ

Quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy và Nghị định số        /2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của  Luật Phòng cháy và chữa cháy

-------------------------

Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 22 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số       /2020/NĐ-CP ngày .....tháng.......năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;

Căn cứ Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư Quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy và Nghị định số        /2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định một số nội dung trong công tác phòng cháy, chữa cháy theo quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Nghị định số..../2020/NĐ-CP ngày .../.../2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy, gồm: Hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy và chữa cháy; nội quy an toàn, sơ đồ chỉ dẫn, biến cấm, biển báo, biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy; khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao; phân cấp quản lý về phòng cháy và chữa cháy trong Công an nhân dân; thẩm quyền, thời hạn phê duyệt phương án chữa cháy; thời gian thực tập phương án chữa cháy; hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy và truyền tin báo sự cố; thành lập đội phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành; đối tượng cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy và chữa cháy; nội dung, thời lượng bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy và chữa cháy; tem kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân hoạt động, sinh sống trên lãnh thổ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

 

Điều 3. Hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy và chữa cháy

1. Hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy và chữa cháy của cơ sở quy định tại Phụ lục III, Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số... /2020/NĐ-CP do người đứng đầu cơ sở lập, lưu giữ, hồ sơ gồm:

a) Quy định, nội quy, quy trình, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về phòng cháy và chữa cháy;

b) Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy (nếu có);

c) Bản vẽ mặt bằng bố trí công năng; sơ đồ bố trí công nghệ (nếu có), hệ thống kỹ thuật, vật tư có nguy hiểm về cháy, nổ của cơ sở, vị trí nguồn nước chữa cháy;

d) Quyết định thành lập đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành (đối với cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số... /2020/NĐ-CP); quyết định phân công chức trách, nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy (đối với cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số... /2020/NĐ-CP); quyết định cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của cơ quan Công an có thẩm quyền.

đ) Phương án chữa cháy của cơ sở được cấp có thẩm quyền phê duyệt; kế hoạch, báo cáo kết quả tổ chức thực tập phương án chữa cháy.

e) Biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy; văn bản kiến nghị về công tác phòng cháy và chữa cháy, biên bản vi phạm và quyết định xử lý vi phạm hành chính về phòng cháy và chữa cháy, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động của cơ quan có thẩm quyền (nếu có); thông báo kết luận điều tra nguyên nhân vụ cháy của cơ quan có thẩm quyền (nếu có).

g) Báo cáo về vụ cháy, nổ và báo cáo khi có thay đổi về điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy (nếu có); báo cáo kết quả kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy định kỳ hàng quý của người đứng đầu cơ sở theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 16 Nghị định số…../2020/NĐ-CP (đối với cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số…./2020/NĐ-CP).

h) Thống kê công tác tuyên truyền, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy; sổ theo dõi phương tiện phòng cháy và chữa cháy;

i) Giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc (đối với cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số... /2020/NĐ-CP).

2. Ngoài thành phần hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy và chữa cháy của cơ sở quy định tại khoản 1 Điều này thì đối với cơ sở có kinh doanh vận tải hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ phải có bản sao Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm cháy, nổ và đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy phải có bản sao Chứng chỉ hành nghề phòng cháy, chữa cháy của cá nhân kèm theo hợp đồng lao động và Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy.

3. Người đứng đầu cơ sở có trách nhiệm thường xuyên cập nhật, bổ sung hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy và chữa cháy. Trường hợp cơ sở có thay đổi về điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy phải báo cáo cơ quan quản lý trực tiếp về phòng cháy, chữa cháy.

Điều 4. Nội quy an toàn, sơ đồ chỉ dẫn, biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy

1. Nội quy an toàn về phòng cháy và chữa cháy gồm các nội dung cơ bản sau: Quy định việc quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, chất dễ cháy, nổ, thiết bị, dụng cụ có khả năng sinh lửa, sinh nhiệt; những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy; quy định việc quản lý, bảo quản, bảo dưỡng, sử dụng phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy; những việc phải làm để phòng ngừa cháy, nổ hoặc khi có cháy, nổ xảy ra.

2. Sơ đồ chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy phải thể hiện được các hạng mục công trình, hệ thống đường nội bộ, lối thoát nạn, hướng thoát nạn, vị trí nguồn nước chữa cháy và phương tiện chữa cháy. Tùy theo tính chất, đặc điểm hoạt động cụ thể của cơ sở, sơ đồ chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy có thể tách thành các sơ đồ chỉ dẫn riêng thể hiện một hoặc một số nội dung nêu trên.

3. Biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, gồm:

a) Biển cấm lửa, biển cấm hút thuốc, biển cấm cản trở lối đi lại, biển cấm dùng nước làm chất dập cháy. Đối với những nơi sản xuất, quản lý, bảo quản, sử dụng vật liệu nổ, khí đốt hóa lỏng, xăng, dầu và những nơi có nguy cơ cháy, nổ cao có thể có biển cấm mang, sử dụng diêm, bật lửa, điện thoại di động, thiết bị thu phát sóng và các thiết bị, vật dụng, chất có khả năng phát sinh nhiệt, tia lửa hoặc lửa thì phải có biển phụ ghi rõ những vật cần cấm;

b) Biển báo khu vực hoặc vật liệu có nguy hiểm về cháy, nổ;

c) Biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, gồm: Biển chỉ hướng thoát nạn, cửa thoát nạn, vị trí bố trí bình chữa cháy, trụ nước chữa cháy, nơi lấy nước chữa cháy, phương tiện chữa cháy cơ giới và phương tiện chữa cháy khác.

4. Quy cách, mẫu biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy thực hiện theo quy định của Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4879: Phòng cháy - Dấu hiệu an toàn về mẫu mã, kích thước. Trong trường hợp cần phải quy định rõ hiệu lực của biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn thì phải có biển phụ kèm theo.

5. Nội quy an toàn, sơ đồ chỉ dẫn, biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy phải được phổ biến và niêm yết ở những nơi dễ thấy để mọi người biết và chấp hành.

Điều 5. Khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao

Khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao là khu dân cư quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số……../2020/NĐ-CP khi có một trong những tiêu chí như sau:

1. Có từ 50 cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy trở lên, trong đó có từ 05 cơ sở nguy hiểm cháy, nổ hoặc có cơ sở sản xuất, bảo quản hóa chất nguy hiểm cháy, nổ thuộc Phụ lục II;

2. Có làng nghề sản xuất, kinh doanh hàng hóa dễ cháy.

Điều 6. Phân cấp quản lý về phòng cháy và chữa cháy trong Công an nhân dân

1. Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh quản lý về phòng cháy và chữa cháy đối với khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao (bao gồm hạ tầng kỹ thuật có liên quan đến phòng cháy và chữa cháy của khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và các cơ sở hoạt động bên trong); cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ; cơ sở nằm trên 02 địa bàn hành chính cấp huyện trở lên; phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy;

Căn cứ mô hình tổ chức, biên chế, số lượng, quy mô cơ sở nguy hiểm cháy, nổ và địa bàn hành chính tại từng địa phương, Giám đốc Công an cấp tỉnh quyết định phân cấp cơ sở nguy hiểm cháy, nổ hoặc địa bàn cho Công an cấp huyện quản lý.

2. Công an cấp huyện quản lý về phòng cháy và chữa cháy đối với cụm công nghiệp và những đối tượng khác không thuộc thẩm quyền quản lý của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh; công trình xây dựng thuộc diện thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định số……./2020/NĐ-CP thuộc phạm vi quản lý.

3. Công an cấp xã quản lý về phòng cháy và chữa cháy đối với các cơ sở thuộc phạm vi quản lý do Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phân cấp quản lý và thực hiện các nhiệm vụ quản lý về phòng cháy, chữa cháy đối với cơ sở, hộ gia đình do Ủy ban nhân cấp xã phân công.

Điều 7. Thẩm quyền, thời hạn phê duyệt phương án chữa cháy

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phê duyệt phương án chữa cháy của khu dân cư thuộc phạm vi quản lý; người đứng đầu cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số…./2020/NĐ-CP phê duyệt phương án chữa cháy của cơ sở đối với cơ sở thuộc phạm vi quản lý; chủ phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy phê duyệt phương án chữa cháy của cơ sở đối với phương tiện giao thông cơ giới thuộc phạm vi quản lý.

2. Trưởng Công an cấp huyện phê duyệt phương án chữa cháy của cơ sở và cơ quan Công an đối với các cơ sở được phân cấp quản lý theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư này.

3. Trưởng phòng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh phê duyệt phương án chữa cháy của cơ sở và của cơ quan Công an đối với các cơ sở được phân cấp quản lý theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư này.

4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt phương án chữa cháy của cơ quan Công an cấp huyện có huy động lực lượng, phương tiện của cơ quan, tổ chức, Quân đội thuộc phạm vi quản lý.

5. Giám đốc Công an cấp tỉnh phê duyệt phương án chữa cháy của cơ quan Công an có huy động lực lượng, phương tiện, thiết bị của nhiều lực lượng Công an trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý.

6. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt phương án chữa cháy của cơ quan Công an có huy động lực lượng, phương tiện của cơ quan, tổ chức, Quân đội thuộc phạm vi quản lý.

7. Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phê duyệt phương án chữa cháy của cơ quan Công an có huy động lực lượng, phương tiện của Công an nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

8. Thời hạn phê duyệt phương án chữa cháy

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét, phê duyệt phương án chữa cháy của cơ sở; trường hợp không phê duyệt phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.

Điều 8. Thời hạn thực tập phương án chữa cháy

1. Phương án chữa cháy của cơ sở quy định tại điểm a khoản 3 Điều 19 Nghị định số ……/2020/NĐ-CP phải được tổ chức thực tập ít nhất một lần một năm và thực tập đột xuất khi có yêu cầu bảo đảm về an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với các sự kiện đặc biệt về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội tổ chức ở địa phương. Mỗi lần thực tập phương án chữa cháy có thể thực tập một hoặc nhiều tình huống khác nhau, nhưng phải bảo đảm tất cả các tình huống trong phương án lần lượt được tổ chức thực tập.

2. Phương án chữa cháy của cơ quan Công an quy định tại điểm b, c khoản 3 Điều 19 Nghị định số ……/2020/NĐ-CP được tổ chức thực tập khi có yêu cầu của người có thẩm quyền phê duyệt phương án chữa cháy. Trước khi tổ chức thực tập phương án này, cơ quan Công an có trách nhiệm tổ chức thực tập phương án phải thông báo bằng văn bản cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ sở nơi tổ chức thực tập trước thời điểm thực tập ít nhất 15 ngày làm việc và gửi yêu cầu huy động lực lượng, phương tiện cho các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân được huy động tham gia thực tập phương án trước thời điểm thực tập ít nhất 15 ngày làm việc.

Điều 9. Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy và truyền tin báo sự cố

1. Cơ sở thuộc Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số ..../2020/NĐ-CP phải kết nối truyền tin báo sự cố và cung cấp cơ sở dữ liệu trực tuyến về phòng cháy, chữa cháy, gồm: Thông tin về đặc điểm của cơ sở có liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy; thông tin về công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của cơ sở; thông tin về lực lượng, phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; thông tin về bản đồ phục vụ hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; thông tin về hệ thống giao thông, nguồn nước phục vụ hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và các thông tin khác theo các biểu mẫu hướng dẫn của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

2. Cơ sở dữ liệu trực tuyến về phòng cháy, chữa cháy và thông tin báo sự cố của cơ sở được thực hiện thông qua các thiết bị và đường truyền kết nối từ cơ sở đến cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ do đơn vị cung cấp dịch vụ truyền tin báo sự cố được Bộ Công an cho phép thực hiện.

3. Trách nhiệm của các cơ sở thuộc diện phải lắp đặt thiết bị truyền tin báo sự cố và cung cấp cơ sở dữ liệu trực tuyến

a) Chủ động lựa chọn thiết bị truyền tin báo sự cố phù hợp để đáp ứng được yêu cầu theo quy định tại khoản 2 điều này. Cài đặt tối thiểu 03 số điện thoại thường trực nhận tin nhắn, cuộc gọi cảnh báo cháy từ hệ thống cảnh báo của cơ sở.

b) Thường xuyên bảo dưỡng, bảo trì hệ thống phòng cháy, chữa cháy, truyền tin báo sự cố theo quy định của pháp luật, bảo đảm hệ thống hoạt động ổn định; kịp thời khắc phục tình trạng báo cháy giả do hệ thống tại cơ sở gây ra.

c) Định kỳ cập nhật đầy đủ các thông tin về công tác phòng cháy và chữa cháy theo yêu cầu của cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ quản lý trực tiếp. Cập nhật những thay đổi liên quan đến công tác phòng cháy và chữa cháy tại cơ sở; chịu trách nhiệm về tính chính xác, kịp thời của thông tin.

4. Trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ truyền tin báo sự cố

a) Cung cấp giải pháp, hệ thống phần mềm, phần cứng và các thiết bị truyền tin báo sự cố cháy, nổ đáp ứng yêu cầu quy định trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hoặc quy định của Bộ Công an.

b) Có trung tâm hỗ trợ kỹ thuật, chăm sóc cơ sở trực tuyến 24 giờ/24 giờ; có lực lượng bảo hành, sửa chữa, thay mới thiết bị tại cơ sở trong thời gian 24 giờ kể từ thời điểm cơ sở thông báo thiết bị hư hỏng; bảo mật thông tin trên hợp đồng dịch vụ với cơ sở; công khai trên Trang thông tin điện tử các khoản chi phí có liên quan đến dịch vụ để các cơ sở biết, lựa chọn.

c) Phối hợp với Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng hạ tầng kết nối và thiết bị truyền tin từ cơ sở đến Trung tâm chỉ huy về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của cơ quan Công an.

5. Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tổ chức xây dựng, vận hành hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu và truyền tin báo sự cố về phòng cháy và chữa cháy; hướng dẫn chi tiết nội dung, biện pháp, quy trình triển khai, phân quyền quản lý, khai thác hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về phòng cháy và chữa cháy và truyền tin báo sự cố phục vụ công tác quản lý và phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên toàn quốc.

6. Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với đơn vị cung cấp dịch vụ tổ chức triển khai hệ thống giải pháp quản lý cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy và truyền tin báo sự cố cháy, nổ tại địa phương khai thác, vận hành hệ thống phù hợp với quy định của Bộ Công an và hướng dẫn của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

7. Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy và truyền tin báo sự cố được thực hiện bằng hình thức xã hội hóa; hạ tầng thông tin, các thiết bị của hệ thống tại trung tâm chỉ huy về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc cơ quan Công an được các đơn vị cung cấp dịch vụ đầu tư thực hiện.

Các cơ sở thuộc diện phải lắp đặt thiết bị truyền tin báo sự cố tự trang bị thiết bị truyền tin báo sự cố và sử dụng dịch vụ kết nối, truyền tin báo sự cố để đáp ứng yêu cầu về quản lý, giám sát, bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại cơ sở.

8. Sau 18 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, các cơ sở thuộc Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số ..../2020/NĐ-CP phải hoàn thành kết nối truyền tin báo sự cố và cập nhật cơ sở dữ liệu trực tuyến về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của Thông tư này. Sau 36 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, các cơ sở thuộc Phụ lục IIIban hành kèm theo Nghị định số ..../2020/NĐ-CP phải hoàn thành kết nối truyền tin báo sự cố và cập nhật cơ sở dữ liệu trực tuyến về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của Thông tư này.

Điều 10. Thành lập đội phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành

Ngoài các cơ sở phải lập đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành theo quy định tại khoản 25 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy thì tại các cơ sở là kho dự trữ quốc gia; kho dầu mỏ, sản phẩm dầu mỏ có trữ lượng 100.000 m3 trở lên, kho tồn chứa khí hóa lỏng và các sản phẩm khí hóa lỏng có trữ lượng 10.000 m3 trở lên, cơ sở sản xuất sản phẩm hóa dầu tổng sản lượng 200.000 tấn/năm trở lên; nhà máy thuỷ điện có công suất từ 300 MW trở lên, nhà máy điện hạt nhân, nhà máy nhiệt điện có công suất từ 200MW trở lên; cơ sở sản xuất giấy 35.000 tấn/năm trở lên, cơ sở sản xuất phân đạm 180.000 tấn/năm trở lên; khu công nghiệp có diện tích từ 50 héc ta trở lên và khu công nghệ cao phải lập đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành.

Điều 11. Đối tượng cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy và chữa cháy

1. Người đứng đầu, người đại diện theo pháp luật của cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy.

2. Cá nhân hành nghề kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy, bao gồm: tư vấn thiết kế về phòng cháy và chữa cháy; tư vấn thẩm định về phòng cháy và chữa cháy; tư vấn giám sát về phòng cháy và chữa cháy; tư vấn kiểm tra, kiểm định kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy; chỉ huy trưởng thi công về phòng cháy và chữa cháy.

3. Cá nhân khác có yêu cầu được bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy và chữa cháy.

Điều 12. Nội dung, thời gian bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy và chữa cháy

1. Nội dung bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy và chữa cháy.

a) Pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và pháp luật có liên quan đến hoạt động kinh doanh, dịch vụ về phòng cháy và chữa cháy.

b) Kiến thức cơ bản về phòng cháy và chữa cháy; các kiến thức cơ bản về hệ thống, phượng tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy; biết lựa chọn đúng chất chữa cháy theo các hệ thống phòng cháy và chữa cháy; các kiến thức về tính năng, tác dụng và cách sử dụng phương tiện chữa cháy ban đầu; các kiến thức về tổ chức chữa cháy, thoát nạn, cứu người bị bạn trong đám cháy và xử lý sự cố cháy, nổ ở giai đoạn ban đầu.

c) Kiến thức cơ bản về thiết kế, thẩm định, kiểm tra, kiểm định kỹ thuật, giám sát, thi công, lắp đặt phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy, chuyển giao công nghệ phòng cháy và chữa cháy; kiến thức về tuyên truyền, huấn luyện, hướng dẫn về nghiệp vụ và tự kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy.

d) Kiến thức cơ bản về phòng cháy và chữa cháy trong đầu tư xây dựng; Biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy trong thi công xây dựng.

đ) Các kiến thức về tính chịu lửa của nhà, công trình; các giải pháp ngăn chặn cháy lan; các giải pháp kiến trúc trong thiết kế nhà, công trình đảm bảo an toàn về thoát nạn; các giải pháp bảo vệ chống khói cho nhà, công trình; các kiến thức về phòng cháy thiết bị điện, phòng cháy mạng điện khi thiết kế; các kiến thức về thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy; tư vấn thiết kế các hệ thống kỹ thuật phòng cháy và chữa cháy cho nhà, công trình.

e) Các kiến thức về thẩm định bậc chịu lửa cho nhà, công trình; giới hạn chịu lửa của cấu kiện xây dựng; lối và đường thoát nạn trong nhà, công trình; các giải pháp ngăn chặn cháy lan; bảo vệ chống khói; thẩm định hồ sơ thiết kế hệ thống kỹ thuật phòng cháy và chữa cháy, hệ thống điện và chống sét cho nhà, công trình; biết lựa chọn đúng chất chữa cháy theo các hệ thống phòng cháy và chữa cháy; các kiến thức về tính năng, tác dụng và cách sử dụng phương tiện chữa cháy ban đầy; phương pháp tổ chức thoát nạn và xử lý sự cố cháy, nổ ở giai đoạn ban đầu.

g) Các kiến thức về giám sát thi công các giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan; các giải pháp nâng cao giới hạn chịu lửa của cấu kiện xây dựng; các kiến thức về giám sát trong thi công hệ thống bảo vệ chống khói cho nhà, công trình; giám sát các hoạt động tư vấn thiết kế và thi công các hệ thống kỹ thuật phòng cháy và chữa cháy cho nhà, công trình.

h) Các kiến thức về kiểm định kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy; kiểm tra, kiểm định các hệ thống kỹ thuật phòng cháy và chữa cháy cho nhà, công trình; các kiến thức về quy trình và nội dung kiểm định các vật liệu chống cháy theo yêu cầu của quy chuẩn và tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy; các kiến thức về quy trình và nội dung kiểm định các vật liệu sử dụng trong hệ thống bảo vệ chống khói cho nhà, công trình.

i) Các kiến thức về đảm bảo an toàn về phòng cháy và chữa cháy trên công trường xây dựng; chỉ huy thi công các hệ thống kỹ thuật phòng cháy và chữa cháy cho nhà, công trình; kiến thức về tự kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy trong quá trình thi công xây dựng nhà và công trình; kiến thức bảo đảm an toàn khi thi công hệ thống phòng cháy, chữa cháy và thoát nạn; các kiến thức về sơ cấp cứu người bị nạn trong tai nạn, cháy, nổ.

2. Người đứng đầu, người đại diện theo pháp luật của cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy phải học toàn bộ nội dung chương trình được quy định tại điểm a, b, c, d khoản 1 Điều này, thời gian học là 30 ngày.

3. Cá nhân hành nghề tư vấn thiết kế về phòng cháy và chữa cháy phải học toàn bộ nội dung chương trình được quy định tại điểm a, b, c, d, đ khoản 1 Điều này; cá nhân hành nghề tư vấn thẩm định về phòng cháy và chữa cháy phải học toàn bộ nội dung chương trình được quy định tại điểm a, b, c, d, e khoản 1 Điều này; cá nhân hành nghề tư vấn giám sát về phòng cháy và chữa cháy phải học toàn bộ nội dung chương trình được quy định tại điểm a, b, c, d, g khoản 1 Điều này; cá nhân hành nghề tư vấn kiểm tra, kiểm định kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy phải học toàn bộ nội dung chương trình được quy định tại điểm a, b, c, d, h khoản 1 Điều này; cá nhân bồi dưỡng chỉ huy trưởng thi công về phòng cháy và chữa cháy phải học toàn bộ nội dung chương trình được quy định tại điểm a, b, c, d, i khoản 1 Điều này. Thời gian học của các cá nhân kinh doanh dịch vụ về phòng cháy và chữa cháy là 45 ngày.

4. Cơ sở đào tạo có trách nhiệm xây dựng nội dung chương trình bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với từng đối tượng và gửi Quyết định cấp chứng chỉ, danh sách học viên được cấp chứng chỉ về Bộ Công an (qua Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ) trong thời gian không quá 07 ngày làm việc kể từ ngày bế giảng khóa học để phục vụ việc quản lý nhà nước về kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy”.

5. Nội dung, hình thức, quy cách của chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy và chữa cháy theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 13. Tem kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy

1. Tem kiểm định được dán trên các phương tiện phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại Phụ lục VII Nghị định số …/2020/NĐ-CP đã được kiểm định và cấp giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy.

Tem mẫu A dùng để dán lên các loại phương tiện phòng cháy, chữa cháy: Xe chữa cháy; xe cứu nạn, cứu hộ; xe thang chữa cháy; xe trạm bơm; xe cung cấp chất khí chữa cháy; xe chở và nạp bình khí thở chữa cháy; xe hút khói; tàu, xuồng chữa cháy; máy nạp khí sạch; quạt thổi khói; máy hút khói; máy bơm chữa cháy; bình chữa cháy các loại; thang chữa cháy; tủ trung tâm báo cháy;tủ điều khiển hệ thống chữa cháy tự động; chai chứa khí chữa cháy; đệm cứu người; ống tụt cứu người; phuy, bình hoặc can chứa chất tạo bọt chữa cháy, chất chữa cháy gốc nước.

Tem mẫu B dùng để dán lên các loại phương tiện phòng cháy, chữa cháy: Vòi chữa cháy; lăng chữa cháy; đầu nối, trụ nước, cột lấy nước chữa cháy; đầu báo cháy các loại; chuông báo cháy; đèn báo cháy; nút ấn báo cháy; chuông, còi, đèn cảnh báo xả chất chữa cháy; nút ấn xả chất chữa cháy; van báo động; van tràn ngập; van chọn vùng; công tắc áp lực; công tắc dòng chảy; ống phi kim loại dùng trong hệ thống cấp nước chữa cháy; ống mềm dùng cho đầu phun chữa cháy; đầu phun chất chữa cháy các loại; đèn chỉ dẫn thoát nạn; đèn chiếu sáng sự cố; quần, áo, mũ, ủng, găng tay chữa cháy chuyên dùng; mặt nạ lọc độc; mặt nạ phòng độc cách ly; dây cứu người; phương tiện, thiết bị phục vụ cứu hộ trên cao; trang thiết bị cá nhân phục vụ cứu hộ dưới nước; bộ phương tiện, thiết bị phục vụ cứu hộ trong không gian hạn chế; bộ phương tiện, thiết bị phục vụ cứu hộ sự cố hóa chất, phóng xạ.

2. Mẫu tem kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tổ chức in, phát hành, quản lý tem kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy.

 

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

Điều 14. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày.…..tháng……năm 2020 và thay thế các Thông tư: Thông tư số 66/2014/TT-BCA ngày 16/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy; Thông tư số 36/2018/TT-BCA ngày 05/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Công an sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 66/2014/TT-BCA ngày 16/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.

Điều 15. Trách nhiệm thi hành

1. Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Thông tư này.

2. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có khó khăn, vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương, cơ quan, tổ chức, cá nhân báo cáo về Bộ Công an (qua Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ) để kịp thời hướng dẫn./.

 

Nơi nhận:
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Các đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ Công an;
- Công antỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp;
- Công báo;
- Công thông tin điện tử Chính phủ,Bộ Công an;
- Lưu: VT, C07, V03.

BỘ TRƯỞNG



Đại tướng Tô Lâm

 
Văn bản này có file đính kèm, tải Văn bản về để xem toàn bộ nội dung
Ghi chú

văn bản tiếng việt

văn bản TIẾNG ANH

* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

×
×
×
Vui lòng đợi