Dự thảo Thông tư về an toàn PCCC ở cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường lần 2
thuộc tính Thông tư
Lĩnh vực: | An ninh trật tự |
Loại dự thảo: | Thông tư |
Cơ quan chủ trì soạn thảo: | Bộ Công an |
Trạng thái: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn về thực hiện điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy, thiết kế, thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu, kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, trang bị phương tiện, tổ chức hoạt động của lực lượng phòng cháy và chữa cháy; bảo đảm chữa cháy khi xảy ra cháy và trách nhiệm bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường.Tải Thông tư
BỘ CÔNG AN ------------ Số: /2020/TT-BCA DỰ THẢO 2 | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM --------------- Hà Nội, ngày tháng năm 2020 |
THÔNG TƯ
Hướng dẫn về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy
đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường
--------------------------
Căn cứ Luật phòng cháy và chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy ngày 22 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2017 quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy;
Căn cứ Nghị định số .../2020/NĐ-CP ngày ... tháng ... năm 2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;
Căn cứ Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2009 ban hành quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng;
Căn cứ Nghị định số 54/2019/NĐ-CP ngày 19 tháng 6 năm 2019 quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường;
Căn cứ Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện;
Căn cứ Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2018 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;
Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư hướng dẫn về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn về thực hiện điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy, thiết kế, thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu, kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, trang bị phương tiện, tổ chức hoạt động của lực lượng phòng cháy và chữa cháy; bảo đảm chữa cháy khi xảy ra cháy và trách nhiệm bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh (sau đây gọi là cơ sở) kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường.
Điều 3. Nguyên tắc bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy
1. Ngoài việc tuân thủ quy định của Luật phòng cháy và chữa cháy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy và các văn bản quy định chi tiết thi hành, còn phải tuân thủ các quy định tại Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy của cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường; tính mạng, sức khỏe và tài sản của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy
1. Cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường thực hiện điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy quy định tại Điều 5 Nghị định số .../2020/NĐ-CP như sau:
a) Cơ sở cao từ 3 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 1.000 m3 trở lên phải bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số .../2020/NĐ-CP.
b) Cơ sở cao dưới 3 tầng hoặc có tổng khối tích dưới 1.000 m3 phải bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số .../2020/NĐ-CP.
c) Cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường được bố trí trong nhà cao tầng, nhà đa năng bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số .../2020/NĐ-CP.
2. Chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và duy trì thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình hoạt động của cơ sở về điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 5. Thiết kế về phòng cháy và chữa cháy
1. Cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường độc lập cao từ 3 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 1.500 m3 trở lên; trong nhà đa năng có khối tích từ 1.500 m3 trở lên hoặc bố trí từ tầng 3 trở lên trong nhà đa năng; nằm trong nhà, công trình thuộc danh mục quy định tại Phụ lục V ban hành theo Nghị định số .../2020/NĐ-CP phải được thiết kế về phòng cháy và chữa cháy bảo đảm theo quy định tại Điều 11 Nghị định số .../2020/NĐ-CP, cụ thể như sau:
a) Phải bảo đảm có khoảng cách an toàn phòng cháy và chữa cháy với các công trình khác theo quy định của QCVN 06: /BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình (sau đây viết gọn là QCVN 06). Khoảng cách từ cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường tới trường học không được nhỏ hơn 100 m.
b) Bậc chịu lửa của công trình phải phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động của công trình; kết cấu xây dựng của công trình có giới hạn chịu lửa phù hợp với tính chất sử dụng và chiều cao của công trình theo quy định tại QCVN 06. Cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường được xác định thuộc nhóm nguy hiểm cháy theo công năng là nhóm F2.2 theo quy định của QCVN 06;
c) Chiều cao lớn nhất cho phép của cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường độc lập phụ thuộc vào bậc chịu lửa và được xác định tương ứng với nhóm các công trình công cộng, nhưng không vượt quá 16 tầng; không được bố trí quá tầng 16 khi cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường nằm trong nhà công năng theo quy chuẩn QCVN 06; cho phép bố trí trong tầng hầm 1 hoặc tầng bán hầm khi tổng diện tích kinh doanh không lớn hơn 300 m2 và có ít nhất 02 lối thoát nạn trực tiếp ra ngoài nhà.
d) Lối thoát nạn của công trình bảo đảm theo quy định của QCVN 06.
đ) Số người lớn nhất trong một gian phòng, một tầng hoặc của ngôi nhà của cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường được tính toán với hệ số sàn là 1 m2/người.
e) Khi thiết kế, lắp đặt biển quảng cáo của công trình bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật, kết cấu, vật liệu, chiếu sáng được quy định của QCVN 17: /BXD - Quy chuẩn về xây dựng và lắp đặt phương tiện quảng cáo ngoài trời. Vị trí lắp đặt biển quảng cáo không che kín toàn bộ nhà, công trình, che lấp các lối thoát nạn, ban công.
g) Phương tiện chiếu sáng sự cố và chỉ dẫn thoát nạn phải bảo đảm theo quy định của TCVN 3890: Phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho nhà và công trình - Trang bị, bố trí, kiểm tra, bảo dưỡng (sau đây viết gọn là TCVN 3890), trong đó đèn chiếu sáng sự cố và đèn chỉ dẫn thoát nạn được bố trí đến từng gian phòng của cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường.
h) Hệ thống chống tụ khói bảo đảm theo các quy định tại QCVN 06 và TCVN 5687: Thông gió điều hòa không khí - tiêu chuẩn thiết kế.
i) Hệ thống giao thông, bãi đỗ phục vụ cho phương tiện chữa cháy cơ giới hoạt động phải bảo đảm kích thước và tải trọng theo quy định của QCVN 06: /BXD.
k) Hệ thống chữa cháy bảo đảm theo quy định của QCVN 06, TCVN 3890, TCVN 7336 - Hệ thống chữa cháy tự động Sprinkler - Yêu cầu thiết kế, TCVN 5738 - Hệ thống báo cháy tự động - Yêu cầu thiết kế và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về PCCC, cụ thể như sau:
- Phương tiện phòng cháy và chữa cháy bảo đảm số lượng, chất lượng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy, định mức cụ thể quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
- Hệ thống báo cháy tự động bảo đảm theo quy định của TCVN 5738 - Hệ thống báo cháy tự động - Yêu cầu thiết kế (sau đây viết gọn là TCVN 5738), trong đó chuông, đèn báo cháy được bố trí đến từng gian phòng của cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường.
- Thiết kế hệ thống chữa cháy tự động sprinkler bảo đảm cường độ chữa cháy, diện tích chữa cháy đối với cơ sở kinh doanh vũ trường theo nhóm III nguy cơ cháy trung bình, cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke theo nhóm I nguy cơ cháy trung bình. Khi các gian phòng được ngăn cháy với nhau và ngăn cháy với hành lang bằng tường ngăn cháy loại 1 theo quy định của QCVN 06 thì cho phép thiết kế hệ thống chữa cháy tự động sprinkler đáp ứng chữa cháy cho gian phòng có diện tích lớn nhất.
- Hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà bảo đảm theo quy định của TCVN 3890 - Phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho nhà và công trình - Trang bị, bố trí, kiểm tra, bảo dưỡng, trong đó cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường có vị trí cách trụ nước chữa cháy thuộc hệ thống cấp nước của địa phương 100 m hoặc cách 150 m đối với sông, hồ, ao,... có bến lấy nước cho phương tiện chữa cháy thì không bắt buộc phải thiết kế hệ thống trụ cấp nước chữa cháy ngoài nhà.
2. Cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này phải thiết kế về phòng cháy và chữa cháy bảo đảm quy định, cụ thể như sau:
a) Thiết kế về phòng cháy và chữa cháy bảo đảm theo quy định tại điểm b, điểm c điểm đ, điểm e, điểm g và điểm k khoản 1 Điều này.
b) Về khoảng cách an toàn phòng cháy và chữa cháy bảo đảm theo quy định của QCVN 06, trong đó cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường bố trí liền kề với các công trình khác thì tường ngoài tiếp giáp với công trình đó là tường ngăn cháy có giới hạn chịu lửa lớn hơn hoặc bằng REI 45.
c) Về bậc chịu lửa của công trình bảo đảm theo quy định của QCVN 06, nhưng không thấp hơn Bậc IV.
d) Về giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan bảo đảm theo quy định của QCVN 06, cụ thể như sau:
- Tường ngăn giữa hành lang và các gian phòng phải làm bằng vật liệu không cháy hoặc khó cháy với giới hạn chịu lửa ít nhất EI 15.
- Các gian phòng tập trung từ 50 người trở lên hoặc diện tích từ 50 m2 trở lên phải được sử dụng vật liệu trang trí nội thất, vật liệu cách âm, cách nhiệt là vật liệu không cháy hoặc khó cháy.
- Ngăn cách giữa công năng kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường với các công năng khác trong công trình bằng tường ngăn cháy và sàn ngăn cháy có giới hạn chịu lửa không nhỏ hơn EI 45.
đ) Về lối thoát nạn bảo đảm theo quy định của QCVN 06, cụ thể như sau:
- Các gian phòng có mặt đồng thời hơn 50 người phải có không ít hơn 02 lối thoát nạn.
- Mỗi tầng của nhà phải có ít nhất 02 lối thoát nạn. Thang bộ dùng để thoát nạn có thể là loại 1, loại 2, loại 3, buồng thang không nhiễm khói loại N1, N2, N3; cho phép mỗi tầng có 01 lối thoát nạn khi diện tích không lớn hơn 300 m2, số người không vượt quá 20 người và khi lối thoát nạn đi vào buồng thang bộ không nhiễm khói có cửa đi ngăn cháy có giới hạn chịu lửa EI30.
- Kích thước cửa các gian phòng: chiều cao thông thuỷ của cửa phòng phải không được nhỏ hơn 1,9 m; chiều rộng thông thuỷ của cửa các gian phòng phải không nhỏ hơn 1,2 m khi có số người thoát nạn lớn hơn 50 người và không nhỏ hơn 0,8 m khi có số người thoát nạn nhỏ hơn hoặc bằng 50 người. Cửa của các phòng kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường phải mở theo chiều thoát nạn.
- Kích thước hành lang thoát nạn: chiều cao thông thuỷ của hành lang thoát nạn phải không nhỏ hơn 2 m; chiều rộng thông thủy không nhỏ hơn 1,2 m khi dùng cho số người thoát nạn lớn hơn 50 người và không nhỏ hơn 1 m cho trường hợp còn lại.
- Kích thước thang thoát nạn: chiều rộng của bản thang bộ dùng để thoát người không được nhỏ hơn chiều rộng tính toán hoặc chiều rộng của bất kỳ lối ra thoát nạn (cửa đi) nào trên nó, đồng thời không được nhỏ hơn 0,9 m; độ dốc (góc nghiêng) của các thang bộ trên các đường thoát nạn không được lớn hơn 1:1 (45o); chiều rộng mặt bậc không được nhỏ hơn 25 cm, còn chiều cao bậc không được lớn hơn 22 cm.
Điều 6. Thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy
1. Cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường được quy định tại khoản 1 Điều 5 phải được thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.
2. Hồ sơ, nội dung, thời hạn, trình tự, thẩm quyền thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy thực hiện theo quy định tại Điều 13, Điều 15 Nghị định số .../2020/NĐ-CP.
Điều 7. Bố trí lực lượng phòng cháy và chữa cháy
Việc bố trí lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở tại cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường được thực hiện theo quy định tại Điều 31 Nghị định số .../2020/NĐ-CP.
Điều 8. Kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
1. Cơ quan Công an thực hiện kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường thực hiện theo quy định tại Điều 16 Nghị định số .../2020/NĐ-CP và kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn về cứu nạn, cứu hộ đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 83/2017/NĐ-CP.
2. Chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường căn cứ vào điều kiện, tình hình thực tế có trách nhiệm tự tổ chức kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở thuộc phạm vi quản lý theo nội dung kiểm tra quy định tại khoản 2 Điều 16 Nghị định số .../2020/NĐ-CP và tự kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn về cứu nạn, cứu hộ theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định số 83/2017/NĐ-CP, cụ thể như quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 9. Bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy tại nơi tổ chức hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng có tổ chức hoạt động dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường
Nơi tổ chức hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị định số 103/2009/NĐ-CP có tổ chức hoạt động dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường thực hiện bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy theo quy định tại Thông tư này.
Điều 10. Trách nhiệm của Công an các đơn vị, địa phương
1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy, các biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường.
2. Hướng dẫn, kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường theo quy định của pháp luật.
3. Xây dựng kế hoạch phối hợp với các đơn vị có liên quan trong công tác kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy, tổ chức thực tập phương án chữa cháy đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường.
4. Thống kê, báo cáo Ủy ban nhân dân cùng cấp và cơ quan Công an cấp trên trực tiếp về công tác quản lý phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường thuộc phạm vi quản lý.
5. Thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ... tháng ... năm 2020 và thay thế Thông tư số 47/2015/TT-BCA ngày 06/10/2015 của Bộ Công an hướng dẫn về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở kinh doanh vũ trường, karaoke.
2. Xử lý chuyển tiếp
a) Đối với cơ sở kinh doanh karaoke, dịch vụ vũ trường không thuộc danh mục dự án, công trình quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ, đã đưa vào hoạt động, sử dụng, nay thuộc Khoản 1 Điều 6 Thông tư này thì:
- Trường hợp thời điểm đưa vào hoạt động, sử dụng, cơ sở đã đảm bảo các điều kiện PCCC theo quy định, đến nay không cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng, yêu cầu tiếp tục duy trì đảm bảo an toàn PCCC theo Thông tư số 47/2015/TT-BCA.
- Trường hợp thời điểm đưa vào hoạt động, sử dụng, cơ sở không đảm bảo các điều kiện PCCC theo quy định, yêu cầu tổ chức khắc phục và thực hiện việc đảm bảo an toàn PCCC theo Thông tư này.
b) Đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường thuộc danh mục dự án, công trình quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP đã được cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy thì tổ chức thi công theo đúng hồ sơ thiết kế đã được thẩm duyệt.
Điều 12. Trách nhiệm thi hành
1. Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Thông tư này.
2. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Công an, Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
3. Đề nghị thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với Bộ Công an trong việc quản lý, kiểm tra việc thực hiện các hướng dẫn về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường thuộc phạm vi quản lý.
Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có khó khăn, vướng mắc, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan báo cáo về Bộ Công an (qua Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ) để kịp thời hướng dẫn.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG
Đại tướng Tô Lâm |
Văn bản này có file đính kèm, tải Văn bản về để xem toàn bộ nội dung |