Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Báo cáo 1560/BC-BCA 2024 sơ kết công tác phòng, chống ma túy 6 tháng đầu năm, phương hướng công tác trọng tâm 6 tháng cuối năm
- Thuộc tính
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
- Báo lỗi
- Gửi liên kết tới Email
- In tài liệu
- Chia sẻ:
- Chế độ xem: Sáng | Tối
- Thay đổi cỡ chữ:17
- Chú thích màu chỉ dẫn
thuộc tính Báo cáo 1560/BC-BCA
Cơ quan ban hành: | Bộ Công an | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 1560/BC-BCA | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Báo cáo | Người ký: | Nguyễn Văn Long |
Ngày ban hành: | 12/07/2024 | Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | An ninh trật tự, Hành chính |
tải Báo cáo 1560/BC-BCA
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
BỘ CÔNG AN ______ Số: 1560/BC-BCA | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM ____________________ Hà Nội, ngày 12 tháng 7 năm 2024 |
BÁO CÁO
Sơ kết công tác phòng, chống ma tuý 6 tháng đầu năm
và phương hướng công tác trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024
________________
Thực hiện Chương trình công tác năm của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma tuý, mại dâm (Ủy ban Quốc gia), Bộ Công an - Cơ quan Thường trực phòng, chống ma túy báo cáo sơ kết công tác phòng, chống ma túy 6 tháng đầu năm và phương hướng công tác trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024, như sau:
I. TÌNH HÌNH
1. Tình hình tội phạm ma túy
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tình hình ma túy toàn cầu chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tình trạng suy thoái kinh tế, căng thẳng chính trị, xung đột vũ trang tại nhiều khu vực... Bên cạnh đó, sự bùng nổ các dịch vụ trực tuyến và không gian mạng tạo điều kiện để tội phạm ma túy thay đổi phương thức hoạt động, dễ dàng tiếp cận các tiền chất và hóa chất thiết yếu cho việc sản xuất ma túy, mua bán bất hợp pháp các chất ma túy. Các tổ chức, đường dây tội phạm ma túy mở rộng hoạt động sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy tại nhiều quốc gia, khu vực với tính chất ngày càng manh động, khó kiểm soát, làm cho nguồn cung ma túy toàn cầu tiếp tục gia tăng.
Tại Việt Nam, do chịu tác động của tình hình ma túy trên thế giới và khu vực, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ở nước ta tiếp tục diễn biến phức tạp trên các tuyến, địa bàn trọng điểm. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng phạm tội ngày càng tinh vi, liên tục thay đổi1, manh động, sẵn sàng trang bị các loại vũ khí quân dụng, chống trả, gây khó khăn, nguy hiểm cho lực lượng chức năng trong quá trình đấu tranh, bắt giữ. Đáng chú ý:
Tuyến Tây Bắc được xác định là tuyến trọng điểm, phức tạp về tội phạm và tệ nạn ma túy do chịu ảnh hưởng trực tiếp của tình hình tội phạm ma túy từ khu vực Tam giác vàng. Tại địa bàn ngoại biên, ma túy được mua bán, vận chuyển từ khu vực Tam giác vàng về khu vực biên giới của Lào giáp với các tỉnh Sơn La và Điện Biên với số lượng nhiều, giá rẻ, sẵn sàng được các đối tượng lợi dụng điều kiện thuận lợi để vận chuyển vào trong nước.
Tuyến Đông Bắc: Tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy có dấu hiệu phức tạp trở lại; trở thành nơi tập trung các đầu mối tiêu thụ; dễ phát sinh các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy. Thời gian gần đây, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Việt Nam sang Trung Quốc qua biên giới đường bộ có dấu hiệu gia tăng. Các đối tượng thường móc nối với các đối tượng ngoài tỉnh và người Lào, người Trung Quốc, các đối tượng ở vùng giáp biên, hình thành các đường dây vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy khép kín hoạt động liên tuyến, liên tỉnh, xuyên quốc gia.
Tuyến Bắc miền Trung - Tây Nguyên diễn biến phức tạp. Các đối tượng trong nước câu kết với các đối tượng sống ở khu vực giáp biên để điều hành hoạt động mua bán ma túy; đồng thời thuê các nhóm người Lào vận chuyển trái phép ma tuý qua biên giới vào địa bàn các tỉnh giáp biên Việt Nam. Đặc biệt, thời gian gần đây phát hiện số lượng lớn (hàng tấn) ma túy tổng hợp được một số đối tượng người Trung Quốc mở xưởng điều chế, sản xuất ngay tại Lào; sau đó vận chuyển theo đường chính ngạch vào Việt Nam rồi vận chuyển đi nước thứ ba (Đài Loan - Trung Quốc).
Tuyến Tây Nam: Tình hình người Việt Nam phạm tội về ma túy tại Campuchia diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Nhiều đối tượng người Việt Nam thường xuyên qua lại Campuchia làm ăn, sinh sống, cầm đầu hoặc câu kết với đối tượng người Trung Quốc hình thành các đường dây vận chuyển ma túy từ Campuchia và Lào về địa bàn TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh giáp ranh; sau đó được các đối tượng phân phối cho các “đại lý” mua bán và đầu mối tiêu thụ tại các tỉnh, thành phía Nam hoặc để ngụy trang trong các loại hàng hóa rồi dùng các công ty do các đối tượng thành lập đề xuất đi nước thứ 3 như Úc, Đài Loan - Trung Quốc, Nhật Bản...
Tuyến hàng không, bưu điện diễn biến rất phức tạp. Các đối tượng lợi dụng hình thức chuyển phát nhanh, ký gửi hàng hóa qua tuyến hàng không sân bay quốc tế Nội Bài (TP. Hà Nội), Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh), Đà Nẵng (TP. Đà Nẵng) từ các nước Châu Âu, Châu Mỹ để ngụy trang cất giấu ma túy vận chuyển vào trong nước.
Tuyến đường biển tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường. Đáng chú ý, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều vụ ma túy trôi dạt trên khu vực biển miền Trung, miền Nam, trong đó có vụ ma túy gắn thiết bị định vị GPS2. Các đối tượng lợi dụng tuyến đường biển, sử dụng tàu, thuyền đi đến vùng biển quốc tế giáp ranh với Việt Nam để mua bán, giao nhận ma túy hoặc thả các bao, phao cứu sinh cất giấu ma túy, có gắn định vị GPS theo luồng nước hoặc thả trôi ma túy tại các tọa độ, vị trí quy ước trước; sau đó thông báo cho các đối tượng khác theo định vị nhận ma túy. Đặc biệt trên tuyến xuất hiện tình trạng các nhóm đối tượng cung cấp trái phép chất ma túy cho ngư dân, lao động làm thuê trên các tàu cá (chủ yếu trên khu vực biển miền Trung, phía Nam).
Tình hình tội phạm ma túy lợi dụng công nghệ cao, nhất là lợi dụng không gian mạng (thông qua các hội nhóm mạng xã hội như: zalo, facebook, telegram...) để quảng cáo, mua bán, lôi kéo, rủ rê, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ Công an đã phát hiện, đấu tranh ngăn chặn 314 hội nhóm, fanpage, các tài khoản cá nhân trên mạng xã hội facebook có hoạt động quảng cáo, mua bán trái phép chất ma túy với hàng nghìn lượt người theo dõi, hàng trăm bài đăng mỗi ngày.
2. Tình hình người nghiện ma túy và người sử dụng trái phép: Toàn quốc hiện có 220.904 người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy và người bị quản lý sau cai nghiện ma túy (giảm 27.739 người so với cùng kỳ năm 2023); trong đó có: 37.980 người sử dụng trái phép chất ma túy (giảm 9.670 người so với cùng kỳ năm 2023); 165.992 người nghiện ma túy (giảm 17.791 người so với cùng kỳ năm 2023); 16.932 người bị quản lý sau cai nghiện ma túy (giảm 278 người so với cùng kỳ năm 2023). Tổng số người nghiện ma túy ở ngoài cộng đồng là 64.543 người (chiếm 38,9%)3 và hiện có gần 856 người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy có biểu hiện loạn thần “ngáo đá” (giảm 347 người so với cùng kỳ năm 2023). Đây được xác định là “nguồn cầu” tiêu thụ ma túy lớn, gây áp lực cho công tác phòng, chống ma túy, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ cao, gây mất an ninh trật tự tại các địa phương4. Đáng chú ý, tình trạng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, nhất là lái xe tải, xe khách, xe taxi dương tính với chất ma túy tiếp tục tăng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng Công an đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 2.901 trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy (chiếm 0,13% tổng số vi phạm về trật tự an toàn giao thông; tăng 1.742 trường hợp, tương đương 60% so với cùng kỳ năm 2023).
3. Tình hình sử dụng trái phép ma túy: Tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện và dịch vụ nhạy cảm về an ninh trật tự (ANTT). Thời gian gần đây nổi lên tình trạng các đối tượng thuê, sử dụng nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn, căn hộ chung cư, resort nghỉ dưỡng cao cấp để tổ chức sử dụng trái phép ma túy. Hiện cả nước có 138 điểm, 09 tụ điểm phức tạp về ma tuý, 05 điểm phức tạp về ma tuý hoạt động trên không gian mạng, 2.391 cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT được xác định điểm nguy cơ; 2.955 đối tượng bán lẻ ma tuý. Đáng chú ý, xuất hiện vụ việc số cán bộ, công chức nhà nước, văn nghệ sĩ tham gia tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy5. Tình trạng sử dụng “bóng cười” và ma túy “núp bóng”, tẩm ướp, pha trộn vào thực phẩm, đồ uống, thảo mộc, thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử... gia tăng phức tạp, nhất là trong thanh, thiếu niên, tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện và dịch vụ nhạy cảm về ANTT6.
4. Tình hình trồng trái phép cây có chứa chất ma túy: Cơ bản đã được kiểm soát; tuy nhiên tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên vẫn xảy ra tình trạng gieo trồng cây thuốc phiện, cây cần sa xen lẫn với các loại hoa màu, diện tích gieo trồng nhỏ lẻ. Đáng chú ý tiếp tục phát hiện tình trạng trồng cây cần sa tại nhà riêng ở một số thành phố, đô thị lớn.
II. KẾT QUẢ CÁC MẶT CÔNG TÁC
1. Công tác tham mưu, chỉ đạo
a) Ở Trung ương:
Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình Phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên đến năm 2030; chỉ đạo Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham mưu xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 theo chỉ đạo của Bộ Chính trị. Ủy ban Quốc gia tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, ban hành Chương trình công tác năm 2024; chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các chủ trương, giải pháp đồng bộ trên các mặt “giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại” trong công tác phòng, chống ma túy.
Bộ Công an thực hiện có hiệu quả chức năng thường trực trong tham mưu, hướng dẫn, đôn đốc, thực hiện các mặt công tác phòng, chống ma túy, trọng tâm là hướng dẫn sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; sơ kết 02 năm thực hiện Luật Phòng, chống ma túy năm 2021; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025; tham mưu ban hành và triển khai Chương trình phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên đến năm 2030 của Chính phủ; triển khai Chương trình công tác phòng, chống ma túy năm 2024 của Ủy ban Quốc gia; chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan: Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Quốc phòng, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham mưu trình Chính phủ Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030; tham mưu triển khai Tháng hành động phòng, chống ma túy, Ngày quốc tế và Ngày toàn dân phòng, chống ma túy 26/6, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân. Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai hiệu quả các Dự án về phòng, chống ma túy; thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh, các cao điểm tuyên truyền, tấn công trấn áp tội phạm về ma túy trên các tuyến, địa bàn trọng điểm; tăng cường công tác quản lý đối tượng, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, quản lý sau cai, phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự...
Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển tăng cường kiểm soát, mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm ma túy trên các tuyến biên giới và trên biển; đấu tranh triệt phá các tổ chức, đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia.
Bộ Tài chính chỉ đạo ngành Hải quan tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ hàng hóa, loại hình xuất, nhập khẩu tiềm ẩn nguy cơ cất giấu, vận chuyển trái phép ma túy, tiền chất; kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép chất ma túy và tiền chất qua biên giới; ban hành 06 cảnh báo nghiệp vụ toàn Ngành về phương thức, thủ đoạn mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng Thông tư hướng dẫn xếp hạng Cơ sở cai nghiện ma túy công lập và Thông tư quy định định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ cai nghiện ma túy; ban hành văn bản kiểm tra, chấn chỉnh việc tổ chức hoạt động của các cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện.
Bộ Y tế trình Chính phủ Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS trong đó thay thế Nghị định số 108/2007/NĐ-CP và Nghị định số 90/2016/NĐ-CP, phù hợp với Luật phòng, chống ma túy năm 2021; xây định mức kinh tế kỹ thuật đối với công tác xác định tình trạng nghiện ma túy.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn và phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030; tham mưu tổ chức thẩm định cấp nhà nước đối với Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình.
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, triển khai Chương trình công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, HIV/AIDS, ma túy, mại dâm trong Ngành giáo dục năm 2024; Chương trình phối hợp số 03/CTrPHBCA-BGDĐT ngày 22/01/2024 giữa Bộ Công an với Bộ Giáo dục và Đào tạo về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phòng, chống ma túy trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2024 - 2030.
Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội nhà báo Việt Nam và Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan báo chí tăng thời lượng và đa dạng các hình thức, biện pháp, nội dung truyền thông về phòng, chống ma túy trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên không gian mạng; chủ động định hướng, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho báo chí và các phương thức truyền thông khác về công tác phòng, chống ma túy.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện tuyên truyền “Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch” năm 2024 trên phương tiện truyền thông đại chúng; chỉ đạo thực hiện Đề án “Phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch”.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương kiểm tra, phát hiện, triệt phá diện tích cây trồng có chứa chất ma túy; kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, sử dụng thuốc thú y, nguyên liệu thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất.
Bộ Công Thương xây dựng Luật hóa chất sửa đổi, bổ sung, trong đó có nội dung quản lý chặt chẽ từ khâu cấp phép tiền chất công nghiệp đến hậu kiểm việc sử dụng tiền chất công nghiệp, không để thất thoát tiền chất công nghiệp vào các mục đích bất hợp pháp; ban hành Kế hoạch kiểm tra năm 2024 đối với 33 doanh nghiệp và Kế hoạch thanh tra năm 2024 đối với 02 doanh nghiệp có hoạt động hóa chất.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên phối hợp với Bộ Công an triển khai Chương trình phối hợp số 07/CTr-BCA-MTTW về đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới, giai đoạn 2023 - 2033; Đề án “Vận động toàn dân tham gia phòng, chống ma túy”. Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phòng chống ma tuý trong thanh thiếu niên đến năm 2030 và 02 Dự án thuộc Chương trình; ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động phòng, chống ma túy trong thanh thiếu niên. Trung ương Hội Cựu Chiến binh ban hành kế hoạch kiểm tra, khảo sát, nắm tình hình công tác phòng, chống ma túy tại Hội CCB tỉnh Thái Nguyên và Lạng Sơn; phối hợp với Bộ Công an ban hành Kế hoạch tổ chức Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến hội viên Cựu chiến binh trong Phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ giai đoạn 2019-2024. Trung ương Hội Nông dân chỉ đạo các tỉnh, thành Hội tích cực tham gia tuyên truyền, giáo dục, vận động cán bộ, hội viên, nông dân tham gia công tác phòng, chống ma túy. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai Dự án tăng cường phòng, chống ma túy cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất năm 2024 với thông điệp: “Công nhân lao động chung tay xây dựng môi trường sạch ma tuý”.
Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Kế hoạch công tác phòng, chống ma túy năm 2024; chỉ đạo, hướng dẫn Viện kiểm sát các cấp tập trung làm tốt công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và xét xử sơ thẩm các vụ án về ma túy, nhất là các vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, có yếu tố nước ngoài, xuyên quốc gia.
Tòa án nhân dân tối cao ban hành chỉ thị thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác Tòa án; kế hoạch chỉ đạo triển khai các giải pháp nâng cao tiến độ, chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án về ma túy và áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
b) Tại địa phương: 100% Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc các địa phương đã ban hành và triển khai chương trình, kế hoạch công tác phòng, chống ma túy năm 2024; trong đó nhiều địa phương đã ban hành các Đề án, chương trình, kế hoạch chuyên đề về công tác phòng, chống ma túy; chỉ đạo triển khai quyết liệt các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm ma túy; đẩy mạnh công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy; xây dựng xã, phường, thị trấn sạch về ma tuý, tiến tới xây dựng địa bàn cấp huyện, cấp tỉnh sạch về ma tuý; xây dựng mô hình “Công an phường kiểu mẫu về an ninh trật tự và văn minh đô thị”; mô hình “Xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục điển hình về phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ”7; triển khai sâu rộng các hoạt động hưởng ứng tháng hành động phòng, chống ma túy, Ngày quốc tế và Ngày toàn dân phòng, chống ma túy 26/6... Đặc biệt, đến nay toàn quốc đã có 57/63 địa phương ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh về chính sách hỗ trợ kinh phí cho công tác phòng, chống ma túy và cai nghiện ma túy từ nguồn ngân sách địa phương; 06 địa phương hằng năm đều bố trí kinh phí (thông qua các Đề án về công tác phòng, chống ma túy của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) nên không ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân8.
2. Công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy
Các Bộ, ngành, địa phương triển khai đa dạng hoá các hoạt động tuyên truyền phòng, chống ma tuý; tập trung vào các địa bàn trọng điểm, phức tạp; các đối tượng có nguy cơ cao như thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, công nhân lao động... Đặc biệt, các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt nam, Thông tấn xã Việt Nam, Trang tin điện tử của Ủy ban Quốc gia (Tiếng Chuông)... đã xây dựng hàng trăm chương trình, phóng sự, tọa đàm, phim tài liệu, bài viết tuyên truyền về hiểm họa ma túy, những tấm gương điển hình, mô hình phòng, chống ma túy; đẩy mạnh tuyên truyền trên các kênh truyền hình, phát thanh, báo in, báo điện tử và trên các nền tảng số; qua đó cung cấp cho khán, thính giả, độc giả thông tin toàn diện, phong phú về hậu quả, tác hại của ma túy, chủ trương, chính sách pháp luật về phòng, chống ma túy, kết quả công tác phòng ngừa, đấu tranh của các cấp, các ngành, lực lượng chức năng.
Bộ Công an tham mưu Chính phủ, Ủy ban Quốc gia chỉ đạo các Bộ, ngành và phối hợp địa phương tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy, đặc biệt là triển khai Tháng hành động phòng, chống ma túy, Ngày quốc tế, Ngày toàn dân phòng, chống ma túy với chủ đề “Chung tay xây dựng xã, phường, thị trấn sạch ma tuý”; tổ chức thành công Lễ Mít tinh và tuyên dương điển hình, tiên tiến trong thực hiện và nhân rộng Đề án xây dựng “Xã biên giới sạch về ma túy” tại tỉnh Nghệ An9; phối hợp với Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội tổ chức các hoạt động tuyên truyền phòng, chống ma túy hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy với chủ đề “Chung một quyết tâm - Vì cộng đồng không ma túy”; phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức chuỗi các hoạt động truyền thông, tuyên truyền phòng, chống ma túy trong đoàn viên, thanh niên tại 03 cụm địa bàn trên toàn quốc10; tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin tới các cơ quan báo chí nhân Tháng hành động phòng, chống ma túy. Phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng các Chương trình giao lưu, tọa đàm, phim tài liệu, phóng sự, chiếu vào các khung giờ có nhiều người theo dõi. Sản xuất, đăng tải hàng trăm tin bài tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử của Bộ, Công an các đơn vị, địa phương và Bản tin phòng, chống tội phạm của Chính phủ...
Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng tăng cường tuyên truyền cho Nhân dân khu vực biên giới, ngư dân vùng biển; đăng tải hàng trăm tin, bài phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức tuyên truyền 6.447 buổi/231.601 lượt người tham gia; cấp phát 41.480 tờ rơi, cuốn sách pháp luật các loại; biểu diễn văn nghệ, sân khấu hóa tuyên truyền 103 buổi; đưa 175 tin bài, hình ảnh về kết quả công tác tuyên truyền, đấu tranh với tội phạm ma túy.
Bộ Tài chính chỉ đạo tổ chức tuyên truyền về công tác đấu tranh phòng, chống mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua tuyến hàng không, chuyển phát nhanh của lực lượng Hải quan; xây dựng nội dung, cung cấp thông tin tuyên truyền về ma túy trên các kênh truyền thông lớn của quốc gia (Chương trình Hải quan Việt Nam định kỳ trên VTV1); phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, mít tinh hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy11.
Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Công an đề nghị các nhà mạng viễn thông gửi 02 lượt tin nhắn tuyên truyền phòng, chống ma túy đến hơn 100 triệu thuê bao di động trong cả nước hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy. Các cơ quan báo chí điện tử trên cả nước đã đăng tải gần 5.509 tin, bài thông tin, tuyên truyền về phòng, chống ma túy (tầng 243 tin, bài so với cùng kỳ năm 2023)12.
Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Công an triển khai xây dựng bộ tài liệu tăng cường năng lực phòng, chống ma túy cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học để tổ chức giảng dạy lồng ghép về kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh, sinh viên trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa và ngoại khóa; phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc thi “Trường học không ma túy” trên kênh truyền hình VTV2.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tuyên truyền qua hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao và du lịch; xây dựng 08 chuyên đề, phim phóng sự; đăng tải 10 tin, bài tuyên truyền trên Báo điện tử Tổ quốc và các chuyên trang của Bộ.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam xây dựng phóng sự, tin, bài tuyên truyền pháp luật phòng, chống ma túy, đặc biệt là phóng sự phản ánh thực trạng, tình hình cơ sở vật chất tại một số Cơ sở cai nghiện ma túy công lập hiện nay đang xuống cấp, quá tải.
Bộ Y tế tổ chức tập huấn, phổ biến chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Y tế; phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền nâng cao nhận thức cho quần chúng nhân dân về tác hại của ma túy và các biện pháp phòng ngừa trong Tháng hành động phòng, chống ma túy. Các trường Đại học Y, dược phát động phong trào thi viết bài về “tác hại ma túy học đường”, lồng ghép việc tuyên truyền phòng, chống ma túy với công tác Hiến máu nhân đạo trong Tháng thanh niên.
Bộ Công Thương chỉ đạo Cục Hóa chất phối hợp Sở Công Thương các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương tập huấn cho các Doanh nghiệp có các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, sử dụng tiền chất công nghiệp với gần 700 lượt người tham gia13; tổ chức 05 hội nghị toàn quốc lấy ý kiến các Bộ, ngành, Trung ương, địa phương, hiệp hội và các tổ chức, cá nhân liên quan về dự thảo Luật Hóa chất sửa đổi, bổ sung, trong đó có các quy định đưa tiền chất công nghiệp vào Danh mục hóa chất cần kiểm soát đặc biệt để quản lý chặt chẽ đến người sử dụng cuối cùng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân không trồng, tái trồng cây có chứa chất ma tuý; tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến về phòng, chống ma túy hưởng ứng Tháng hành động cho các học viên, sinh viên ngành Nông nghiệp.
Bộ Tư pháp tham mưu Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện phổ biến các chủ trương, chính sách pháp luật về phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy; thực hiện công tác trợ giúp pháp lý liên quan đến ma túy khoảng 2011 vụ việc, 1512 vụ việc đã kết thúc, trong đó có 1494 vụ việc tham gia tố tụng, 12 vụ việc tư vấn pháp luật và 03 vụ việc ngoài tố tụng.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tăng cường các hoạt động tuyên truyền; củng cố và duy trì các mô hình phòng, chống ma túy hoạt động hiệu quả gắn với triển khai Đề án “Xã, phường, thị trấn lành mạnh, không có tệ nạn ma túy, mại dâm”, Đề án “Vận động toàn dân tham gia phòng, chống ma túy”... Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức 03 hội nghị tập huấn phòng, chống ma túy cho cán bộ đoàn cơ sở tại tỉnh Tuyên Quang, TP. Hải Phòng, tỉnh Hà Tĩnh; kết hợp thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về phòng, chống ma túy và tổ chức Phiên tòa giả định; tổ chức mít tinh hưởng ứng Tháng hành động phòng chống ma túy kết hợp phát động cuộc thi trực tuyến tìm hiểu kiến thức pháp luật với chủ đề “Tuổi trẻ với pháp luật” tại TP. Hồ Chí Minh. Trung ương Hội Cựu Chiến binh vận động cai nghiện ma túy 192 người; tham gia các tổ quản lý cai nghiện tại gia đình, cộng đồng dân cư 219 người; các tổ tự nguyện cựu chiến binh nhận quản lý sau cai trên 3000 người. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức chương trình trải nghiệm thực tế tuyên truyền phòng, chống ma túy cho công nhân lao động tại cơ sở cai nghiện ma túy Gia Minh, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng.
Tại địa phương: Các sở, ban, ngành chức năng tổ chức các hoạt động tuyên truyền sôi nổi, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia với nội dung, hình thức phong phú; tuyên truyền trực tiếp; trên các phương tiện thông tin đại chúng; hệ thống mạng xã hội; treo băng rôn, khẩu hiệu; tuyên truyền tại các cơ sở cai nghiện; duy trì và nhân rộng các mô hình phòng, chống ma túy hiệu quả14... Công an các địa phương tăng cường tổ chức tuyên truyền tại các địa bàn, xã, phường, thị trấn, nhất là các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy, các địa bàn xã biên giới, vùng sâu, vùng xa, đối tượng thanh, thiếu niên, công nhân lao động15... Đặc biệt, hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy, hầu hết các địa phương đã tổ chức các chương trình mít tinh, ra quân, diễu hành, cổ động, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy tại địa bàn cơ sở16. Tại nhiều địa phương, liên ngành tố tụng Tòa án, Viện kiểm sát và Công an đã lựa chọn các vụ án lớn, được dư luận quan tâm để đưa ra xét xử lưu động hoặc tổ chức các phiên tòa giả định tại các địa bàn trọng điểm, góp phần tuyên truyền, giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung17.
3. Công tác đấu tranh chống tội phạm ma túy
Các lực lượng chuyên trách triển khai quyết liệt, đồng bộ các kế hoạch, phương án nghiệp vụ; xác định tuyến, địa bàn trọng điểm, điểm, tụ điểm phức tạp để tập trung đấu tranh; tổ chức triển khai các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm ma túy; qua đó đã đạt được nhiều kết quả nổi bật:
Bộ Công an chỉ đạo phát hiện, đấu tranh 17.129 vụ, 27.905 đối tượng phạm tội về ma túy; thu giữ, 332,36 kg heroin, 976,59 kg cần sa, 1.717,45 kg và 1.800.840 viên ma túy tổng hợp; 83 khẩu súng (so với cùng kỳ năm 2023, nhiều hơn 14,61% số vụ và 20,13% số đối tượng; vật chứng thu giữ: heroin tăng 8,77%, cần sa tăng 315,94%, ma túy tổng hợp tăng 86,39% số viên và giảm 15,46% số kg). Khởi tố 15.913 vụ, 24.087 bị can (so với cùng kỳ năm 2023, nhiều hơn 14,24%) số vụ và 18,85% số bị can). Xử lý hành chính 9.281 vụ, 13.732 đối tượng, xử phạt 18,84 tỷ đồng (so với cùng kỳ năm 2023, nhiều hơn 32,89% số vụ và 17,18% số đối tượng). Đấu tranh triệt phá: 116 điểm; 4 tụ điểm phức tạp về ma túy; xử lý hình sự 539 đối tượng; xử lý hành chính 277 đối tượng; vô hiệu hoá khả năng hoạt động của 98 điểm phức tạp về ma tuý. Đấu tranh tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT và dịch vụ nhạy cảm: 973 điểm; xử lý hình sự: 1.355 đối tượng; xử lý hành chính: 1.211 đối tượng.
Bộ Quốc phòng chỉ đạo Cơ quan Điều tra hình sự Quân đội tiếp nhận, giải quyết 12 vụ án/66 bị can (11 bị can là quân và 55 bị can là dân). Lực lượng Bộ đội Biên phòng đấu tranh thành công 40 chuyên án; chủ trì, phối hợp bắt giữ 585 vụ/761 đối tượng (tăng 78 vụ/23 đối tượng); thu giữ 1.288,76 kg ma túy các loại (tăng 892,645 kg), gồm: 267 bánh + 1,925 kg heroin, 518,231 kg + 963.319 viên MTTH, 530,19 kg cocain; 35 kg cỏ Mỹ; 04 kg cần sa; 04 khẩu súng, 165 viên đạn; 11 xe ô tô, 109 xe máy, 145 điện thoại di động. Lực lượng Cảnh sát biển chủ trì và phối hợp với các lực lượng chức năng điều tra, đấu tranh 125 vụ/190 đối tượng (trong đó lực lượng Cảnh sát biển đã khởi tố 34 vụ án/41 đối tượng, phối hợp đấu tranh 91 vụ/149 đối tượng); tang vật thu giữ 04 kg heroin; 118 kg MTTH; 21,3 kg cần sa; 21 kg cocain; 04 khẩu súng + 10 viên đạn, 06 xe ô tô; 37 xe máy; 129 điện thoại di động (so với cùng kỳ năm 2023, tăng 22 vụ án/41 đối tượng; tang vật thu giữ MTTH tăng 106 kg).
Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng Hải quan chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ 183 vụ/216 đối tượng (trong đó, lực lượng Hải quan chủ trì 69 vụ). Tang vật thu giữ được gồm: 160 gram thuốc phiện; 191,1 kg cần sa; 62,4 kg heroin; 1,66 gram cocain; 76,1 kg và 900 viên ketamine; 571 kg và 06 viên MTTH; 379,8 kg và 220 viên ma túy khác. Tổng số lượng tang vật thu giữ được khoảng 1,027 tấn ma túy các loại.
Viện kiểm sát các cấp: Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra 20.985 vụ/ 32.748 bị can về ma túy, trong đó khởi tố mới 15.250 vụ/ 22.812 bị can (so với cùng kỳ năm 2023, tăng 1.726 vụ, tương ứng 12,76% và tăng 3.031 bị can, tương ứng 15,32%); đã kiểm sát việc giải quyết đối với: 12.907 vụ/ 19.657 bị can kết thúc điều tra đề nghị truy tố; 22 vụ/ 25 bị can đình chỉ điều tra (không có bị can nào bị đình chỉ vì hành vi không cấu thành tội phạm) và 290 vụ/ 105 bị can tạm đình chỉ điều tra. Thực hành quyền công tố trong giai đoạn truy tố 13.090 vụ/ 20.150 bị can; quyết định truy tố 12.178 vụ/ 18.088 bị can (so với cùng kỳ năm 2023, tăng 1.333 vụ, tương ứng 12,29% và tăng 2.209 bị can, tương ứng 13,91°%); đình chỉ 02 vụ/ 05 bị can; tạm đình chỉ 03 vụ/ 04 bị can. Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm 16.067 vụ/24.938 bị can, bị cáo.
Tòa án nhân dân các cấp: 06 tháng đầu năm 202418 giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 15.994 vụ với 25.424 bị cáo phạm các tội về ma túy (tăng 11,3% số vụ, 16,7% số bị cáo so với cùng kỳ năm 2023); đã giải quyết, xét xử 12.955 vụ/20.003 bị cáo, đạt tỷ lệ 81% về số vụ và 78,7% số bị cáo19. Một số vụ án ma túy lớn, có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, có tổ chức, xuyên quốc gia đã được các Tòa án khẩn trương nghiên cứu, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật, đáp ứng yêu cầu chính trị của địa phương cũng như cả nước20. Qua công tác xét xử cho thấy, địa bàn hoạt động của tội phạm ma túy chủ yếu xảy ra ở các tỉnh, thành phố như: Hà Nội (1.642 vụ/3572 bị cáo), TP. Hồ Chí Minh (1.277 vụ/2.179 bị cáo), Sơn La (652 vụ/882 bị cáo), Đồng Nai (633 vụ/1218 bị cáo), Hải Phòng (525 vụ/831 bị cáo), Nghệ An (440 vụ/594 bị cáo), Thanh Hóa (447 vụ/800 bị cáo)... Trong đó, phần lớn là tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” (9.217 vụ, chiếm 57,6%), tội “Mua bán trái phép chất ma túy” (4.547 vụ, chiếm 28,4%); tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” (1.901 vụ, chiếm 11,9%).
4. Công tác phòng, chống trồng trái phép cây có chứa chất ma túy
Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp ngăn chặn tình trạng trồng trái phép cây có chứa chất ma tuý; thường xuyên tổ chức tuyên truyền, kiểm tra, phát hiện, xử lý, triệt xóa diện tích vi phạm. Lực lượng Công an phối hợp ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương phát hiện, xử lý 55 vụ, 56 đối tượng trồng cây có chứa chất ma túy; khởi tố 8 vụ, 8 bị can; xử lý hành chính 41 vụ, 43 đối tượng; phạt tiền 147,5 triệu đồng; triệt phá 100% diện tích phát hiện21.
5. Công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy
Bộ Công an tham mưu xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 57/2022/NĐ-CP ngày 25/8/2022 quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất; thực hiện tốt chức năng Thường trực Tổ công tác liên ngành phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy cấp Trung ương; báo cáo kết quả công tác phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy năm 2023, Kế hoạch phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy năm 2024; tổ chức 01 đoàn kiểm tra, giám sát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy tại 01 doanh nghiệp; cấp 04 giấy phép (trong đó 03 giấy phép nhập khẩu mẫu ma túy; 1 giấy phép quá cảnh tiền chất); trả lời 363 thông báo tiền xuất khẩu, yêu cầu dừng 61 lô hàng xuất khẩu; gửi 60 thông báo tiền xuất khẩu cho các lô hàng xuất khẩu cho các nước.
Bộ Công Thương kiểm tra 10 doanh nghiệp trong tổng số 33 doanh nghiệp trong Kế hoạch phê duyệt công tác kiểm tra năm 2024 của Bộ, xử phạt vi phạm hành chính 454.630.814 đồng; cấp 6.500 giấy phép phép xuất nhập khẩu tiền chất cho tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu và sử dụng tiền chất công nghiệp. 06 tháng đầu năm có 1.015 tổ chức, cá nhân xin cấp giấy phép nhập khẩu tiền chất công nghiệp và 51 tổ chức, cá nhân xin cấp giấy phép xuất khẩu tiền chất công nghiệp tại 41/63 tỉnh, thành phố22; số lượng tiền chất nhập khẩu đã cấp phép 382.310 tấn các loại; có 51 Công ty thực hiện xuất khẩu tiền chất công nghiệp và hỗn hợp hóa chất có chứa tiền chất; số lượng xuất khẩu 210.000 tấn.
Bộ Y tế thường xuyên kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc gây nghiện, hướng thần, tiền chất; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an tiến hành kiểm tra các cơ sở trong khuôn khổ các đoàn công tác của Tổ công tác liên ngành Trung ương.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức 02 hội nghị phổ biến quy định về quản lý thuốc thú y, trong đó có thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất cho 220 đại biểu đến từ các Chi cục Chăn nuôi và Thú y 63 tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thuốc thú y; cấp 09 giấy phép nhập khẩu thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất cho 06 công ty.
Bộ Tài chính chỉ đạo ngành Hải quan thực hiện tốt công tác quản lý các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy theo chức năng. Trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành Hải quan có 20 Cục Hải quan phát sinh hoạt động xuất nhập khẩu tiền chất, cụ thể: Khối lượng tiền chất nhập khẩu: hơn 290.000 tấn (nhiều hơn gấp hai lần so với cùng kỳ năm 2023) và hơn 2,8 triệu lít (ít hơn gần 2.000 lít so với cùng kỳ năm 2023). Khối lượng tiền chất xuất khẩu là: gần 42 nghìn tấn (nhiều hơn 4.000 tấn so với cùng kỳ năm 2023) và hơn 24,7 lít (nhiều gấp gần 05 lần so với cùng kỳ năm 2023).
Các địa phương kiện toàn, triển khai Tổ Công tác liên ngành phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; tổ chức kiểm tra, giám sát các cơ sở xuất nhập khẩu, kinh doanh thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất nhằm phát hiện và chấn chỉnh những sơ hở, thiếu sót, không để tội phạm lợi dụng để hoạt động phạm tội liên quan đến ma túy23.
6. Công tác cai nghiện ma túy, quản lý người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy
Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương làm tốt công tác rà soát, thống kê, lập danh sách người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện và sau cai nghiện ngay từ địa bàn xã, phường, thị trấn, tổ dân phố, cụm dân cư, đặc biệt là số lao động tự do tại các công trường xây dựng, công nhân các khu, cụm công nghiệp, số đối tượng có biểu hiện loạn thần, “ngáo đá”... để quản lý chặt chẽ, phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, đồng thời phục vụ kịp thời công tác xác định tình trạng nghiện, áp dụng các biện pháp cai nghiện theo quy định; chỉ đạo ban hành Hướng dẫn quy trình thi hành Quyết định của Toà án đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; chỉ đạo các đơn vị, địa phương phối hợp với ngành Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội trong công tác cai nghiện, xác định tình trạng nghiện. Tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh triển khai công tác quản lý người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy và sau cai trên Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; trong đó đã cập nhật dữ liệu lên phần mềm quản lý 74.167 người nghiện ma túy, 22.827 người sử dụng trái phép chất ma túy và 19.583 người bị quản lý sau cai nghiện.
Bộ Y tế chỉ đạo triển khai đồng bộ công tác xác định tình trạng nghiện ma tuý tại 63 tỉnh, thành phố. Hiện nay, cả nước có 12.077 bác sỹ, y sỹ có thẩm quyền xác định tình trạng nghiện; có 7.447 cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện, trong đó: 158 cơ sở cấp tỉnh; 792 cơ sở cấp huyện và 27 cơ sở do ngành Công an quản lý, 31 cơ sở do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý, 10 cơ sở y tế tư nhân và 6.429 cơ sở cấp xã, chiếm 60,67% số xã trong toàn quốc về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu xác định tình trạng nghiện của các địa phương.
Về công tác cai nghiện và điều trị nghiện ma túy: Các cơ sở cai nghiện ma túy công lập trên cả nước đã điều trị, cai nghiện cho 60.975 người, trong đó: số tiếp nhận mới 20.369 người, bao gồm bắt buộc 16.137 người (có 46 người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi), tự nguyện 4.232 người (có 71 từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi); số chuyển từ năm 2023 sang 40.606 người; số tái hòa nhập cộng đồng 19.326 người.
Hiện các cơ sở cai nghiện ma túy công lập đang tổ chức cai nghiện cho 41.649 người, trong đó có 35.586 người thuộc diện cai nghiện ma túy bắt buộc theo quyết định áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính của Tòa án (có 61 người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi); số người cai nghiện ma túy tự nguyện là 3.927 người (có 96 người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi); số người lưu trú tạm thời trong thời gian xác định tình trạng nghiện và trong thời gian lập hồ sơ 2.136 người.
Trong 6 tháng đầu năm, Tòa án nhân dân cấp huyện đã thụ lý 18.864 hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (tăng 5.403 hồ sơ so với cùng kỳ năm trước), chiếm 96,2% trong tổng số hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án; đã giải quyết 17.897 hồ sơ24, đạt 94,9%; thụ lý 151 hồ sơ, giải quyết 143 hồ sơ đưa người nghiện ma túy từ 12 đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định.
Cả nước có 13 cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện do tổ chức, cá nhân thành lập, trong 6 tháng đầu năm 2024 đã điều trị, cai nghiện cho 1.955 người, trong đó số tiếp nhận mới 1.429 người, số chuyển từ năm 2023 sang 526 người, số tái hòa nhập cộng đồng 1.457 người, hiện đang tổ chức cai nghiện cho 498 người.
Công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng có 2.137 người đăng ký tại 27 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng cho 2.011 người, số đơn vị đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng trên cả nước 444 đơn vị tại 36 tỉnh, thành phố, trong đó đơn vị công lập là 439 đơn vị và 05 đơn vị dân lập.
Công tác quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú: 100% các địa phương tổ chức quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú, số người đã cai nghiện và tái hòa nhập cộng đồng được hỗ trợ quản lý sau cai tại cộng đồng là 16.742 người, trong đó có 3.441 người được hỗ trợ tìm việc làm, hỗ trợ sinh kế, vay vốn phát triển sản xuất.
Công tác điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế: Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn triển khai điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế cho 48.847 bệnh nhân tại 343 cơ sở điều trị và 302 cơ sở cấp phát thuốc tại 63 tỉnh/thành phố; triển khai cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày hơn 4.170 bệnh nhân tại 06 địa phương25.
7. Công tác hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy
Bộ Công an tổ chức, tham gia 28 đoàn ra, 04 đoàn vào tham dự các Hội nghị và làm việc về phòng, chống ma túy với các đối tác Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Lào, Campuchia; tiếp nhận, xử lý 16 thông tin; đề nghị cung cấp 05 thông tin liên quan đến các đối tượng phạm tội ma túy và phối hợp điều tra các đường dây phạm tội ma túy xuyên quốc gia, hỗ trợ xác minh, trao đổi thông tin tội phạm ma túy với các đối tác Trung Quốc, Hoa Kỳ, Anh, Úc, Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore... Tăng cường hợp tác với các nước có chung đường biên giới Trung Quốc, Campuchia, đặc biệt là với Lào (Cử đoàn công tác sang Lào để khảo sát các địa điểm xây dựng bổ sung 28 trụ sở công an bản/cụm trọng điểm về an ninh trật tự của Lào; đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ xây dựng Trung tâm cai nghiện ma túy); hợp tác song phương với các nước: Thái Lan, Hoa Kỳ (trao đổi, hỗ trợ xác minh 04 thông tin tội phạm ma túy do Cơ quan phòng chống ma túy Hoa Kỳ yêu cầu), Úc (hợp tác đấu tranh chuyên án chung Ironside; tiếp nhận và trao đổi 05 thông tin liên quan đến tội phạm ma túy), Đài Loan (Trung Quốc) (phối hợp đấu tranh chuyên án chung thu giữ 1,3 tấn ketamine; kiểm tra nghi vấn 02 vụ thuyền cá/cano nghi vận chuyển ma túy trên biển). Đẩy mạnh triển khai hợp tác đa phương trong các khuôn khổ CND, MOU, ASEAN, INCB, UNODC, tiểu vùng sông Mê Công thể hiện vai trò và trách nhiệm của Việt Nam trên các diễn đàn về phòng, chống ma túy của thế giới và khu vực. Xây dựng phi dự án tiếp nhận viện trợ của Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) năm 2024, tổng giá trị khoảng 197.000 USD và Phi dự án Tổ chức các hoạt động hợp tác với Cơ quan phòng, chống ma túy Hoa Kỳ (DEA), trị giá khoảng 48.000 USD cho 03 Hội thảo, tập huấn tổ chức tại Việt Nam.
Bộ Quốc phòng duy trì, mở rộng hợp tác đấu tranh chống tội phạm ma túy với lực lượng chức năng các nước láng giềng; tăng cường trao đổi thông tin, tình hình hoạt động của tội phạm ma túy trên địa bàn hai bên biên giới đất liền và trên biển; đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, tập huấn, tham dự hội thảo, huấn luyện nâng cao năng lực cho lực lượng phòng, chống tội phạm ma túy26.
Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan thực hiện có hiệu quả các dự án của Ủy ban Kiểm soát ma túy quốc tế; trao đổi thông tin với Văn phòng tình báo Hải quan khu vực châu Á - Thái Bình Dương; triển khai Chiến dịch Con rồng Mê-kông giai đoạn 6, Chiến dịch Twin Guardian II về hợp tác song phương trong đấu tranh chung phòng, chống ma túy giữa cơ quan Hải quan Việt Nam và cơ quan Hải quan Hàn Quốc.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Y tế tăng cường mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế để tiếp nhận hỗ trợ về kinh phí, thuốc, kỹ thuật trong công tác cai nghiện ma túy và điều trị nghiện ma túy.
Về công tác tương trợ tư pháp hình sự: Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp nhận, giải quyết 42 hồ sơ ủy thác tư pháp liên quan đến ma túy (so với cùng kỳ năm 2023 tăng 24 hồ sơ). Trong đó: Ủy thác tư pháp nước ngoài gửi đến Việt Nam là 06 hồ sơ27 (so với cùng kỳ năm 2023 tăng 04 hồ sơ); Ủy thác tư pháp của các cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam gửi đi nước ngoài là 36 hồ sơ28 (so với cùng kỳ năm 2023 tăng 20 hồ sơ). Ngoài ra còn có 02 yêu cầu tương trợ tư pháp trực tiếp giữa các tỉnh có chung đường biên giới giữa Việt Nam và Lào. Nội dung yêu cầu chủ yếu là đề nghị xác minh nhân thân, lý lịch tư pháp; thu thập, cung cấp chứng cứ; lấy lời khai; tống đạt tài liệu...
Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo Tòa án nhân dân địa phương khu vực biên giới tiếp tục làm tốt công tác hợp tác chặt chẽ với Tòa án địa phương của nước bạn có chung đường biên giới về chia sẻ thông tin và tương trợ tư pháp trong giải quyết các vụ án ma túy, đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy.
Các địa phương, nhất là các tỉnh biên giới: Lực lượng Công an, Biên phòng tăng cường phối hợp lực lượng chức năng Lào, Campuchia, Trung Quốc duy trì giao ban, trao đổi đoàn các cấp; trao đổi thông tin, phối hợp điều tra, xác lập chuyên án, kết hợp tuần tra, tấn công trấn áp tội phạm ma túy trên tuyến biên giới; phối hợp khám phá, bóc gỡ nhiều đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy xuyên quốc gia. Tổ chức và duy trì hiệu quả hoạt động của các Văn phòng liên lạc qua biên giới. Tiếp nhận và xử lý hàng trăm thông tin liên quan đến tội phạm ma túy do Cảnh sát và Cơ quan thực thi pháp luật các nước cung cấp; qua đó triệt phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn xuyên quốc gia29.
III. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Ưu điểm: 6 tháng đầu năm 2024, Chính phủ, Ủy ban Quốc gia tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, ban hành nhiều chủ trương, giải pháp chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, giải quyết tốt “nguồn cầu” và tấn công mạnh mẽ “nguồn cung” của ma túy, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống ma túy. Bộ Công an đã phát huy vai trò cơ quan thường trực làm tốt công tác tham mưu chiến lược cho Chính phủ chỉ đạo triển khai hiệu quả công tác phòng, chống ma túy; trong đó đã tích cực, khẩn trương, quyết liệt chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện trình Chính phủ Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030. Công tác tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa xã hội được tăng cường, thực chất và thiết thực hơn như tổ chức tuyên truyền, mít tinh, ra quân, diễu hành, tôn vinh điển hình tiên tiến, hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy, góp phần nâng cao nhận thức và hành động của chính quyền các cấp và các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên, công nhân lao động. Công tác đấu tranh được triển khai quyết liệt và đạt được nhiều kết quả nổi bật; trong đó, các lực lượng chức năng đã tổ chức tốt công tác nắm tình hình, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống ma túy, phát hiện, đấu tranh và thu giữ khối lượng lớn chất ma túy, góp phần hạn chế “nguồn cung” ma túy (so với cùng kỳ năm 2023, nhiều hơn 14,61% số vụ và 20,13% số đối tượng; vật chứng thu giữ: heroin tăng 8,77%, cần sa tăng 315,94%, ma túy tổng hợp tăng 86,39% số viên và giảm 15,46% số kg); thực hiện có chiều sâu, hiệu quả thực chất hoạt động hợp tác quốc tế; phối hợp giữa các lực lượng chuyên trách. Công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm về ma túy được tiến hành kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật và đạt tỷ lệ cao (81% về số vụ và 78,7% số bị cáo). Công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy và phòng, chống trồng cây chứa chất ma túy có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác cai nghiện, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy được thực hiện quyết liệt, góp phần hạn chế “nguồn cầu” về ma túy (số cơ sở y tế xác định tình trạng nghiện và lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2023). Việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo, thống kê định kỳ được nhiều Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, có chất lượng, phục vụ hiệu quả công tác tham mưu, chỉ đạo của lãnh đạo các cấp30.
2. Tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân: (1)Tình hình tội phạm ma túy, nhất là trên các tuyến biên giới, tuyến hàng không và trên không gian mạng vẫn diễn biến phức tạp. (2)Số người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy tuy có giảm so với năm trước, nhưng còn ở mức cao; phần lớn ở ngoài xã hội (chiếm 38,9%), làm gia tăng “nguồn cầu” về ma túy. (3)Công tác cai nghiện bắt buộc hiệu quả còn hạn chế do hệ thống cơ sở vật chất, nhân lực các cơ sở cai nghiện chưa đảm bảo theo quy định. (4)Công tác cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng chưa được triển khai hiệu quả do số lượng tổ chức, cá nhân, đơn vị đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện còn hạn chế. (5)Công tác quản lý, tư vấn, hỗ trợ học nghề, tạo công ăn việc làm, hỗ trợ vốn cho người sau cai nghiện còn thiếu nguồn lực hỗ trợ nên thực hiện. (6)Công tác quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực như quản lý ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT ở một số địa phương còn sơ hở, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm, tệ nạn ma túy. (7)Công tác phối hợp liên ngành ở một số Bộ, ngành Trung ương và sở, ngành ở một số địa phương còn thiếu chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. (8)Kinh phí hỗ trợ công tác phòng, chống ma túy, việc xã hội hóa nguồn lực ở một số địa phương còn hạn chế...
IV. CÔNG TÁC TRỌNG TÂM 6 THÁNG CUỐI NĂM 2024
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trong thời gian tới, Bộ Công an - Cơ quan Thường trực phòng, chống ma túy đề nghị các Bộ, ngành và địa phương bám sát nội dung Chương trình công tác năm 2024 của Ủy ban Quốc gia, phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế; chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung chương trình công tác bảo đảm chất lượng, hiệu quả và tiến độ đề ra; trong đó tập trung thực hiện một số nhiệm vụ công tác trọng tâm sau:
1. Tổ chức sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy và sơ kết 02 năm Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 để kịp thời đánh giá kết quả đạt được, nhận diện những vấn đề còn hạn chế, thiếu sót, nguyên nhân và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trong thời gian tới.
2. Xây dựng, hoàn thiện, trình cấp thẩm quyền phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025, nhất là các Dự án thuộc Chương trình.
3. Tiếp tục tham mưu hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống ma túy; tổ chức triển khai Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 57/2022/NĐ-CP của Chính phủ ban hành danh mục các chất ma túy và tiền chất; Nghị định thay thế Nghị định số 90/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế...
4. Tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy; triển khai đa dạng hóa các nội dung, hình thức và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0, Internet và mạng xã hội trong công tác tuyên truyền; tập trung vào các nhóm nguy cơ cao, nhất là thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên, công nhân lao động, quần chúng nhân dân tại các khu vực, địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy, các khu công nghiệp, khu chế xuất, các khu dự án xây dựng đô thị...
5. Triển khai tổng thể, đồng bộ các biện pháp nắm chắc tình hình từ sớm, từ xa, từ cơ sở; tuyệt đối “không để bị động, bất ngờ”, “không đi sau tội phạm”; chủ động phân tích, nhận diện, dự báo chính xác tình hình tội phạm ma túy nổi lên, nhất là các phương thức, thủ đoạn mới, sử dụng công nghệ cao, hoạt động có tổ chức, xuyên quốc gia... để triển khai các kế hoạch, biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với phương châm “không bắt khúc giữa”, khám phá cả đường dây, bắt được đối tượng chủ mưu, cầm đầu, triệt phá tận gốc các đường dây, tổ chức, băng nhóm, ổ nhóm, điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy.
6. Tăng cường kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; quản lý chặt chẽ khí N2O (“bóng cười”) và tiền chất công nghiệp từ hoạt động nhập khẩu đến lưu hành, sử dụng. Thường xuyên kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT, địa bàn giáp ranh, địa điểm công cộng, khu vực tổ chức sự kiện, lễ hội có đông người tham gia, khu công nghiệp, chế xuất, dự án xây dựng đô thị... nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi mua bán, tổ chức, chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy. Chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện, triệt phá diện tích trồng cây có chứa chất ma túy tại các khu vực, địa bàn có nguy cơ cao.
7. Thường xuyên rà soát, thống kê, cập nhật chính xác, đầy đủ, kịp thời số liệu người nghiện ma túy và người sử dụng trái phép chất ma túy để có biện pháp quản lý chặt chẽ. Tập trung triển khai các giải pháp quản lý chặt chẽ đối với số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy đi lao động tự do, làm công nhân trong các công trường xây dựng, khu công nghiệp... Chủ động lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
8. Triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, nhất là cai nghiện bắt buộc; cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng. Ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư nâng cấp, sửa chữa, xây dựng mới cơ sở cai nghiện công lập đảm bảo điều kiện theo quy định, đáp ứng yêu cầu công tác cai nghiện tại các địa phương. Tổ chức đào tạo, tập huấn cho đội ngũ công chức, viên chức và người lao động ở cơ sở về dự phòng, điều trị, cai nghiện ma túy.
9. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ các cơ sở y tế thực hiện việc xác định tình trạng nghiện. Tiếp tục công bố danh sách các cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện, nhất là các trạm y tế cấp xã. Triển khai chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; cấp phát thuốc Methadone cho người bệnh mang về nhà theo quy định. Tiếp tục nghiên cứu các bài thuốc và phương pháp y học trong điều trị và phục hồi chức năng cho người nghiện ma túy, nhất là ma túy tổng hợp.
10. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy; thực hiện có hiệu quả các chương trình, thỏa thuận, biên bản ghi nhớ; tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin tội phạm; phối hợp đấu tranh chuyên án chung; phối hợp xác minh, bắt giữ các đối tượng phạm tội về ma túy đang hoạt động, đối tượng truy nã đang lẩn trốn để chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa các loại tội phạm về ma túy; tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ về tài chính, khoa học, kỹ thuật công nghệ, hỗ trợ đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực phòng, chống ma túy.
11. Tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện công tác phòng, chống ma túy tại các đơn vị, địa phương. Tăng cường các hoạt động giao ban, trao đổi, chia sẻ nhân rộng những kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo, mô hình hiệu quả trong công tác phòng, chống ma túy giữa các Bộ, ngành và địa phương./.
Nơi nhận: - Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo); - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Chủ tịch UBQG (để báo cáo); - Đ/c Bộ trưởng (để báo cáo); - Ủy ban Xã hội của Quốc hội (để theo dõi); - Các Bộ, ngành thành viên UBQG (để phối hợp); - UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW (để chỉ đạo thực hiện); - Công an các đơn vị, địa phương (để thực hiện); - Lưu: VT, V01(P3). | KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG
Trung tướng Nguyễn Văn Long |
________________________________
1 Điển hình như vụ đối tượng sử dụng thiết bị máy bay không người lái (flycam) để giao ma túy và nhận tiền được lực lượng Công an Bắc Ninh phát hiện, đấu tranh tháng 5/2024.
2 Từ ngày 04/01/2024 - 08/4/2024, liên tiếp phát hiện vụ việc ma túy trôi dạt trên khu vực biển các tỉnh Quảng Bình, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận, Tiền Giang, Bến Tre, ngư dân và lực lượng chức năng đã phát hiện, giao nộp, thu giữ 514,62 kg ma túy các loại (512,62 kg cocain, 02 kg ma túy tổng hợp).
3 Bao gồm số chưa thực hiện biện pháp cai nghiện nào; số đang cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và số đang điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.
4 Số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy vi phạm pháp luật: 4.146 đối tượng. Trong đó: (1)Vi phạm pháp luật về tội ma túy: 3.782 đối tượng; xử lý hình sự 2.362 đối tượng; xử lý hành chính 1.420 đối tượng; (2)Vi phạm pháp luật về tội hình sự: 354 đối tượng; xử lý hình sự 146 đối tượng; xử lý hành chính 208 đối tượng; (3)Vi phạm pháp luật về các tội khác: 10 đối tượng.
5 CATP Hải Phong phát hiện nhóm “bay lắc” 12 người, thu giữ 0,13kg ketamin; trong nhóm có 03 người là cán bộ công an đang công tác tại Công an TP Hải Phòng. Công an Thái Bình phát hiện, bắt giữ một số cán bộ làm việc tại Trung tâm cai nghiện, chăm sóc người tâm thần tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy và mua bán trái phép ma túy...
6 Điển hình: Từ ngày 15/12/2022 đến 14/6/2024, lực lượng chức năng tỉnh Khánh Hòa đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 22 vụ, 48 đối tượng có liên quan đến các loại ma túy “núp bóng” và “bóng cười”, trong đó: 15 vụ, 33 đối tượng liên quan ma túy “núp bóng” đồ uống loại Chali, Ferrari, Go Coffee...; 07 vụ, 15 đối tượng liên quan đến ma túy “núp bóng” thảo mộc. Công an Quảng Ngãi phát hiện, xử lý 24 vụ, 56 đối tượng thanh, thiếu niên phạm tội và vi phạm pháp luật về ma túy tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về ANTT. Thái Bình phát hiện tình trạng pha trộn ma túy dạng thực vật (Tobaco) đóng thành thuốc lá điếu (có vụ thu hơn 02 kg). Bình Phước kiểm tra, phát hiện 92/246 đối tượng dương tính với ma túy tại quán Bar New Latin, TP Đồng Xoài, đã khởi tố 07 vụ - 12 bị can; xử lý hành chính 80 đối tượng. Công an Quảng Trị phát hiện 20 vụ/46 đối tượng vi phạm. Công an TP. Hà Nội phát hiện, bắt giữ 28 vụ, 148 đối tượng phạm tội ma túy liên quan đến cơ sở kinh doanh dịch vụ. Công an Tuyên Quang kiểm tra, phát hiện 07 đối tượng đang sử dụng trái phép chất ma túy tại cơ sở kinh doanh Karaoke Ruby, thị trấn Tân Yên, huyện Hàm Yên...
7 Điển hình: Các địa phương: TP. Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Sơn La, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Kon Tum, Gia Lai, Đồng Nai, Bạc Liêu, Đồng Tháp... triển khai xây dựng, nhân rộng các mô hình địa bàn sạch ma túy/ địa bàn không ma túy. Sơn La ban hành văn bản tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm của tổ chức đảng, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý; ban hành tiêu chí và quy trình đánh giá, phân loại, thẩm định, công nhận xác nhận cơ quan, đơn vị, địa bàn liên quan đến ma tuý. Thanh Hóa triển khai Chỉ thị số 06-CT/TU của Ban thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Cần Thơ ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND về tăng cường công tác phòng, chống tệ nạn xã hội trong hoạt động kinh doanh vụ karaoke, dịch vụ vũ trường, hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng trên địa bàn thành phố. Hòa Bình ban hành Kết luận số 987-KL/TU về kết luận tổng kết 10 năm thực hiện 17-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng giải quyết tình hình phức tạp về tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn huyện Mai Châu. Hưng Yên, Quảng Ngãi xây dựng Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên. Quảng Trị tổ chức ký giao ước phối hợp trong công tác phòng, chống ma túy giữa Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và TP. Đà Nẵng...
8 Cần Thơ, Bình Thuận, Vĩnh Phúc, Tây Ninh, Sóc Trăng, Đắk Nông.
9 Tham dự có đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia, đại biểu các Bộ, ngành Trung ương, 09 tỉnh có chung đường biên giới với nước bạn Lào, cùng 1.000 đại biểu các cơ quan, đơn vị, địa phương, lực lượng vũ trang; sự kiện được tiếp sóng truyền hình trực tiếp trên sóng Truyền hình Công an nhân dân.
10 Bao gồm: Cụm các tỉnh Tây Nguyên ngày 20/6/2024 tại Kon Tum; Cụm các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Tiền ngày 24/6/2024 tại Vĩnh Long; Cụm miền núi Tây Bắc ngày 25/6/2024 tại Lào Cai...
11 Điển hình: Cục Hải quan tỉnh Cao Bằng thực hiện 03 cuộc tuyên truyền vận động quần chúng với hơn 200 người tham gia; Cục Hải quan TP Đà Nẵng phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ công tác kiểm soát ma túy, tiền chất cho các cán bộ, công chức; Cục Hải quan tỉnh Hà Giang tuyên truyền tại các thôn, bản vùng biên giới 05 buổi với 200 lượt người tham dự; Cục Hải quan tỉnh Quảng trị tổ chức chương trình tuyên truyền phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy tại xã A Ngo, huyện Đakrông...
12 Các báo có số lượng tin, bài nhiều: Báo Biên phòng: 297 tin, bài; Báo Tin tức: 174 tin, bài; Báo Quảng Trị: 172 tin, bài; Tạp chí Hải quan: 151 tin, bài; Báo Công lý: 149 tin, bài; Báo Công an nhân dân: 146 tin, bài; Báo Quân đội nhân dân: 143 tin, bài; Báo Nhân dân: 129 tin, bài; Báo Tiền phong: 117 tin, bài...
13 Sở Công Thương các tỉnh, thành phố: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Phòng, Trường Đào tạo Hải quan Bắc Ninh - Tổng cục Hải quan.
14 Điển hình: Cần Thơ: Mô hình “Camera phòng, chống tội phạm”; mô hình “Trường học thân thiện không ma túy”. Hà Nội: Mô hình “Tình nguyện viên giúp đỡ người sau cai tái hòa nhập cộng đồng”, mô hình “Quản lý, giáo dục, tư vấn, giúp đỡ người cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng”; mô hình “Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng”. Phú Thọ: Mô hình “5 trong 1” (5 hộ gia đình giúp đỡ 1 hộ gia đình có chồng, con, người thân nghiện ma tuý)...
15 Nổi bật: CATP Hà Nội tổ chức 37 buổi tuyên truyền pháp luật phòng, chống ma túy cho hơn 27.883 học sinh các trường THCS, THPT trên địa bàn; tổ chức Hội thi “Tuyên truyền phòng, chống ma túy” của Tình nguyện viên Đội Công tác xã hội tình nguyện trên địa bàn thành phố. Hưng Yên tổ chức các Hội nghị truyền thông học sinh với công tác phòng, chống tệ nạn xã hội. Đồng Tháp tổ chức 6 chương trình truyền hình thực tế “Đi qua bóng đêm” kể về câu chuyện hoàn lương sau cai nghiện ma túy...
16 Các địa phương tổ chức mít tinh, tôn vinh điển hình tiên tiến, ra quân, diễu hành, cổ động: TP. Hà Nội, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Vĩnh Long...
17 Nổi bật: Sơn La tổ chức xét xử 87 vụ án điểm, 75 phiên toà trực tuyến, 54 phiên toà rút kinh nghiệm, 27 phiên toà lưu động xét xử các vụ án ma tuý. Công an tỉnh Bình Định phối hợp Đoàn thanh niên các Ban Đảng tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Trường Đại học Quy Nhơn tổ chức chương trình Tòa tuyên án giả định phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”. Bình Phước mở 01 phiên tòa giả định với 1.000 học sinh tham dự; 02 phiên tòa trực tuyến. Quảng Trị xét xử lưu động 03 vụ án lớn...
18 Số liệu từ 01/12/2023 đến 31/5/2024
19 Trong 12.483 vụ, 18.667 bị cáo đã xét xử, các Tòa án đã tuyên phạt tù chung thân và tử hình đối với 438 bị cáo (chiếm 2,3%), tù từ trên 15 đến 20 năm đối với 675 bị cáo (chiếm 3,6%), tù từ trên 7 năm đến 15 năm đối với 3.814 bị cáo (chiếm 20,4%), tù từ trên 3 năm đến 7 năm đối với 3.771 bị cáo (chiếm 20,2%); tù từ 3 năm trở xuống đối với 9.920 bị cáo (chiếm 53,1%), còn lại các hình phạt khác.
20 TAND TP. Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm vụ án Nguyễn Hoàng Vĩ và Nguyễn Thành Long, Nguyễn Hữu Ngọc về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” xử phạt bị cáo Nguyễn Hoàng Vĩ tù chung thân, bị cáo Nguyễn Thành Long 15 năm tù, bị cáo Nguyễn Hữu Ngọc 7 năm tù; TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ án Lò Văn Minh và 03 đồng phạm về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”, xử phạt 02 bị cáo tử hình và 02 bị cáo chung thân; TAND tỉnh Kon Tum xét xử sơ thẩm vụ án Mai Trung Quốc về tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy” xử phạt tù chung thân; TAND tỉnh Thừa Thiên Huế xét xử sơ thẩm vụ án Ma Văn Hải Hoàng, Nguyễn Ngọc Huy về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” và “Tàng trữ trái phép chất ma túy”, với tổng mức hình phạt cho các bị cáo là 21 năm tù; TAND tỉnh Quảng Ninh xét xử sơ thẩm vụ án Hoàng Ngọc Sơn, Phùng Văn Quang về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”, Nguyễn Quyết Thắng và 05 đồng phạm về tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” với tổng mức hình phạt danh cho các bị cáo là 68 năm 6 tháng tù giam...
21 Sơn La phát hiện 152 ha trồng cây thuốc phiện; phát hiện 03 vụ, triệt phá 2.423 cây thuốc phiện; xử lý hình sự 02 vụ, 03 đối tượng; xử lý hành chính 01 vụ, 01 đối tượng; Bắc Giang: 11 vụ, 11 đối tượng; Tuyên Quang: 01 vụ, 01 đối tượng; Hà Nội: 01 vụ, 01 đối tượng; Bạc Liêu: 01 vụ; Khánh Hòa: 01 vụ; Thái Bình: 01 vụ; Hưng Yên: 01 vụ; Bình Phước: 01 vụ, 01 đối tượng...
22 TP. Hồ Chí Minh 193, Hà Nội 190, Đồng Nai 111, Bình Dương 107, Bắc Ninh 90, TP. Hải Phòng 38, Vĩnh Phúc 35, Hưng Yên 27, Long An 25 công ty...
23 Điển hình: Hà Nội tổ chức 07 lớp tập huấn, phổ biến các quy định của pháp luật trong hoạt động buôn bán thuốc thú y, hành nghề thú y, quy định về quản lý thuốc thú y có chứa chất ma túy và tiền chất cho 453 người. Bình Định thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất dùng làm thuốc tại 02 đơn vị trực thuộc và 67 cơ sở hành nghề khám, chữa bệnh, kinh doanh thuốc, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng. Hậu Giang kiểm tra các hoạt động hợp pháp có liên quan đến ma túy tại 3 cơ sở. Công an Phú Thọ phát hiện, bắt giữ 03 vụ/06 đối tượng là người nghiện đang điều trị bằng thuốc Methadone có hành vi bán trái phép Methadone, thu giữ 252ml Methadone. Quảng Ngãi kiểm tra tại 05 đơn vị. Sơn La phát hiện, xử lý 01 trường hợp mua bán trái phép thuốc Methadone, thu giữ 166 ml Methadone...
24 Áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc: 17.455; Không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc: 28; Đình chỉ: 396; Chuyển hồ sơ: 18.
25 Hải Phòng, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Bắc Giang, Nghệ An.
26 Tham gia hội thảo về chuyển hướng hóa chất, tiền chất do DEA tổ chức tại Indonesia; Hội nghị quốc tế về phòng, chống ma túy khu vực Viễn Đông tổ chức tại Đà Nẵng; Hội thảo tham vấn quốc gia về tăng cường hợp tác liên ngành trong phòng, chống các chất ma túy nguy hiểm do Ủy ban kiểm soát ma túy quốc tế tổ chức (INCB); làm việc, trao đổi với Giám đốc điều phối Chương trình khu vực Đông Nam Á- Thái Bình Dương/Chương trình toàn cầu về phòng, chống tội phạm trên biển (GMCP) của cơ quan PCMT và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC).
27 Các nước có yêu cầu: Hà Quốc, Nhật Bản, Séc
28 Các nước được ủy thác gồm: Trung Quốc, Lào, Campuchia, Hoa Kỳ, CHLB Đức
29 Nổi bật: Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa, Sơn La, Điện Biên, Quảng Trị...
30 Nổi bật: Hà Nội, Sơn La, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Quảng Trị, Cần Thơ, Thừa Thiên Huế, Ninh Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Lào Cai...