Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Tờ trình 422/TTr-CP 2024 Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam
- Thuộc tính
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
- Báo lỗi
- Gửi liên kết tới Email
- In tài liệu
- Chia sẻ:
- Chế độ xem: Sáng | Tối
- Thay đổi cỡ chữ:17
- Chú thích màu chỉ dẫn
thuộc tính Tờ trình 422/TTr-CP
Cơ quan ban hành: | Chính phủ | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 422/TTr-CP | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Tờ trình | Người ký: | Phan Văn Giang |
Ngày ban hành: | 12/09/2024 | Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | An ninh quốc gia |
tải Tờ trình 422/TTr-CP
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
CHÍNH PHỦ ________ Số: 422/TTr-CP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ________________________ Hà Nội, ngày 12 tháng 9 năm 2024 |
TỜ TRÌNH TÓM TẮT
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam
___________
Kính gửi: Quốc hội.
Ngày 04/9/2024, Chính phủ đã có Tờ trình số 403/TTr-CP trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (sau đây viết gọn là dự án Luật), Chính phủ báo cáo tóm tắt một số nội dung cơ bản như sau:
I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT
1. Cơ sở chính trị
Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập và lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt. Để xây dựng đội ngũ sĩ quan QĐND Việt Nam vững mạnh đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, hiện đại, sẵn sàng chiến đấu và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận có nội dung liên quan đến xây dựng đội ngũ sĩ quan QĐND, như: Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 17/01/2022 của Bộ Chính trị về tổ chức QĐND Việt Nam giai đoạn 2021- 2030 và những năm tiếp theo giao: “Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo phối hợp với các cơ quan tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến công tác quốc phòng, quân sự; sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật có liên quan đến cơ cấu, chức vụ, trần quân hàm của sĩ quan cấp tướng”', Kết luận số 35-KL/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; Nghị quyết số 44-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới xác định: “Xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng... Đến năm 2025, cơ bản xây dựng QĐND tỉnh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng QĐND chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, làm nòng cốt trong sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Kết luận của Bộ Chính trị tại Văn bản số 10809-CV/VPTW ngày 06/8/2024 của Văn phòng Trung ương Đảng, trong đó Bộ Chính trị đồng ý chủ trương trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV theo quy trình một kỳ họp và theo trình tự, thủ tục rút gọn và một số cơ chế, chính sách đặc biệt đối với sĩ quan QĐND Việt Nam.
2. Cơ sở pháp lý
Từ khi Luật Sĩ quan năm 1999 được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2008 và năm 2014 có hiệu lực thi hành đến nay, nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, như; Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Bộ luật Lao động, Luật Nhà ở, Luật Bảo hiểm xã hội..., nên cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Sĩ quan để bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của Quân đội “là ngành lao động đặc biệt ”.
3. Cơ sở thực tiễn
Thứ nhất, Luật Sĩ quan hiện hành (Điều 11) chỉ quy định 11 chức vụ cơ bản của sĩ quan là cấp trưởng, không quy định chức vụ cơ bản là cấp phó, nên chưa cụ thể hóa các chức danh, chức vụ theo quy định của Bộ Chính trị; chưa quy định đầy đủ các chức danh, chức vụ có thẩm quyền chỉ huy, quản lý trong Quân đội nên chưa khẳng định được vị trí, vai trò, chức trách, nhiệm vụ của chức vụ có thẩm quyền và phân định quyền hạn cấp trên, cấp dưới trong chỉ huy, chấp hành điều lệnh, điều lệ, kỷ luật Quân đội. Mặt khác, cũng không quy định chức vụ, chức danh tương đương đối với cấp phó nên việc xác định chức vụ, chức danh tương đương đối với cấp phó và sĩ quan không giữ chức vụ chỉ huy, quản lý gặp khó khăn.
Thứ hai, Điều 13 Luật Sĩ quan quy định hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của sĩ quan (cấp úy 46; Thiếu tá 48; Trung tá 51; Thượng tá 54; Đại tá nam 57, nữ 55 và cấp tướng nam 60, nữ 55) chưa tận dụng được nguồn nhân lực có bản lĩnh, năng lực, kinh nghiệm, sức khỏe; chưa bảo đảm chế độ, chính sách cho một bộ phận sĩ quan khi nghỉ hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.
Thứ ba, khoản 1 Điều 15 Luật Sĩ quan quy định cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp tướng; tuy nhiên, một số đơn vị đã có sự điều chỉnh, phát triển về quy mô tổ chức, biên chế, bổ sung chức năng, nhiệm vụ và được điều chỉnh chức danh, chức vụ nhưng chưa được quy định cụ thể trong Luật; do đó, cần phải rà soát, bổ sung, điều chỉnh, bảo đảm cân đối giữa các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, thể hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của Quân đội là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất.
Khoản 4 Điều 15 quy định cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp tướng của đơn vị thành lập mới do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định; tuy nhiên, thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, điều chỉnh tổ chức Quân đội, một số đơn vị không thay đổi về tên gọi nhưng có sự điều chỉnh, phát triển về quy mô tổ chức, biên chế và bổ sung chức năng, nhiệm vụ đã gặp vướng mắc trong đề nghị cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh sĩ quan là cấp tướng, do chưa có sự thống nhất cách hiểu để các đơn vị này được xem là “đơn vị thành lập mới”, nên không thuộc thẩm quyền xem xét, quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định tại khoản 4 nêu trên.
Thứ tư, một số nội dung của Luật chưa giao cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết như tiêu chí, tiêu chuẩn được xét thăng quân hàm vượt bậc và thăng quân hàm, nâng lương sĩ quan trước thời hạn, phong quân hàm sĩ quan dự bị; chế độ nghỉ của sĩ quan và một số chính sách về bảo hiểm xã hội, nhà ở, đất ở, chăm sóc sức khỏe, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương... quy định chưa cụ thể nên hiệu quả triển khai thực hiện Luật chưa cao.
Từ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn nêu trên, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan là cần thiết.
II. MỤC ĐÍCH, QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG DỰ THẢO LUẬT
1. Mục đích ban hành
- Tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về xây dựng đội ngũ sĩ quan.
- Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; bảo đảm bí mật cơ cấu tổ chức của Quân đội.
- Bảo đảm tính khả thi của dự án Luật, phù hợp với điều kiện thực tế công tác cán bộ của Đảng và Quân đội.
2. Quan điểm xây dựng
- Bảo đảm QĐND Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, thống lĩnh của Chủ tịch nước, quản lý của Chính phủ và chỉ huy, quản lý trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, phù hợp với thực tiễn xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, hiện đại.
- Chỉ sửa đổi những nội dung vướng mắc, bất cập.
- Việc sửa đổi, bổ sung Luật Sĩ quan phải giữ được chất lượng, vị thế, uy tín của đội ngũ sĩ quan QĐND Việt Nam; không quy định những vấn đề cụ thể về tổ chức bộ máy và quân hàm cấp Trung tướng trở xuống để bảo đảm linh hoạt, phù hợp với tính chất nhiệm vụ của Quân đội; cân đối giữa các cơ quan, đơn vị trong toàn quân.
- Phải bảo đảm giữ vững sự ổn định, tăng cường sức mạnh tổng hợp, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc,
III. PHẠM VI SỬA ĐỔI CỦA DỰ THẢO LUẬT
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số nội dung gồm: (1) Chức vụ cơ bản và chức vụ, chức danh tương đương của sĩ quan; (2) Hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của sĩ quan; (3) Cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp tướng; (4) Một số nội dung giao cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết như tiêu chí, tiêu chuẩn được xét thăng quân hàm vượt bậc và thăng quân hàm, nâng lương sĩ quan trước thời hạn, phong quân hàm sĩ quan dự bị và quy định cụ thể một số chế độ, chính sách của sĩ quan về bảo hiểm xã hội, nhà ở, đất ở, chăm sóc sức khỏe, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương... để bảo đảm chặt chẽ, có tính khả thi.
IV. QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG DỰ ÁN LUẬT
1. Tổ chức tổng kết, đánh giá việc thi hành Luật Sĩ quan; lập hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
2. Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 48/2024/UBTVQH15 ngày 23/7/2024 về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Bộ Quốc phòng tổ chức nghiên cứu, xây dựng dự án Luật theo quy định của pháp luật.
3. Bộ Tư pháp đã tổ chức hội nghị thẩm định dự án Luật, đánh giá hồ sơ dự án Luật đủ điều kiện trình Chính phủ.
4. Ngày 29/7/2024, Quân ủy Trung ương có Tờ trình số 2987-TTr/QUTW về việc xin ý kiến Bộ Chính trị về nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan, ngày 06/8/2024, Bộ Chính trị đã cho chủ trương về nội dung này (Văn bản số 10809-CV/VPTW của Văn phòng Trung ương Đảng).
5. Bộ Quốc phòng nghiên cứu, quán triệt, cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị và tiếp thu tối đa nội dung thẩm định của Bộ Tư pháp, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật trình Chính phủ.
6. Ngày 01/9/2024, Chính phủ có Nghị quyết số 126/NQ-CP về phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8/2024; hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội dự án Luật.
V. BỐ CỤC VÀ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA DỰ THẢO LUẬT
1. Bố cục
Dự thảo Luật gồm 02 điều:
- Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam số 16/1999/QH10, đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 19/2008/QH12 và Luật số 72/2014/QH13;
- Điều 2. Hiệu lực thi hành.
2. Nội dung cơ bản của dự thảo Luật
Dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở các chính sách và nội dung tại Nghị quyết số 106/NQ-CP, cụ thể:
a) Đối với chính sách về chức vụ, chức danh của sĩ quan: Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định chức vụ cơ bản và chức vụ, chức danh tương đương của sĩ quan tại Điều 11 Luật Sĩ quan.
b) Đối với chính sách về hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của sĩ quan: Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định tuổi phục vụ của sĩ quan tại ngũ và sĩ quan dự bị tại Điều 13 và Điều 38 Luật Sĩ quan.
c) Đối với chính sách về cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan: Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan là cấp tướng, cấp tá, cấp úy tại Điều 15 Luật Sĩ quan.
b) Ngày 06/8/2024, Bộ Chính trị đã có ý kiến kết luận: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam không quy định những vấn đề cụ thể về tổ chức bộ máy và quân hàm cấp Trung tướng trở xuống trong lực lượng vũ trang mà giao Chính phủ và Bộ Quốc phòng quy định cụ thể theo thẩm quyền để bảo đảm linh hoạt, phù hợp với tính chất nhiệm vụ của Quân đội; do đó, đề nghị Quốc hội giao Chính phủ quy định cụ thể vị trí có bậc quân hàm cao nhất là Trung tướng, Phó Đô đốc Hải quân, Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân và cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp tướng của đơn vị thành lập mới, đơn vị được tổ chức lại để thực hiện kết luận của Bộ Chính trị tại Văn bản số 10809-CV/VPTW ngày 06/8/2024 của Văn phòng Trung ương Đảng.
đ) Đối với một số nội dung liên quan đến chế độ, chính sách của sĩ quan, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung theo hướng thống nhất với chế độ, chính sách ở các luật khác nhằm cụ thể hơn về một số chế độ, chính sách như: Quy định về tuổi của sĩ quan tại ngũ xét thăng quân hàm từ cấp bậc Đại tá lên Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân và cấp có thẩm quyền quy định tiêu chí, tiêu chuẩn xét thăng quân hàm sĩ quan vượt bậc; thăng quân hàm, nâng lương sĩ quan trước thời hạn; thanh toán cho những ngày không nghỉ phép; chăm sóc sức khỏe đối với sĩ quan và thân nhân sĩ quan tại ngũ; bổ sung quy định về điều kiện nghỉ hưu đối với đối tượng hết tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất; chế độ an điều dưỡng, chăm sóc khi mắc bệnh hiểm nghèo, chế độ thông tin, hỗ trợ tang lễ khi từ trần đối với sĩ quan nghỉ hưu; phong quân hàm sĩ quan dự bị; trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và bổ sung thẩm quyền của Chính phủ "Ban hành cơ chế, chính sách đặc biệt để thu hút, trọng dụng nhân tài đối với Quân đội” theo kết luận của Bộ Chính trị tại Văn bản số 10809-CV/VPTW ngày 06/8/2024 của Văn phòng Trung ương Đảng.
Chính phủ kính trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Nơi nhận: - Như trên; - Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo); - Các Phó Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo); - Văn phòng Trung ương Đảng; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Văn phòng Quốc hội; - Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; - Ủy ban QP&AN của Quốc hội; - VPCP: BTCN, các PCN, các Vụ: CN, KTTH, NC, NN, TCCV, KGVX, KSTT; - Bộ Quốc phòng; - Lưu: VT, PL(2). | TM. CHÍNH PHỦ TUQ. THỦ TƯỚNG BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG
Đại tướng Phan Văn Giang |
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để xem Văn bản gốc.
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây