Trang /
Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 10299-9:2014 Khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh-Phần 9: Điều tra sự cố bom mìn, vật nổ
- Thuộc tính
- Nội dung
- Tiêu chuẩn liên quan
- Lược đồ
- Tải về
Lưu
Theo dõi văn bản
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
Báo lỗi
Đang tải dữ liệu...
Đang tải dữ liệu...
Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 10299-9:2014
Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 10299-9:2014 Khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh-Phần 9: Điều tra sự cố bom mìn, vật nổ
Số hiệu: | TCVN 10299-9:2014 | Loại văn bản: | Tiêu chuẩn Việt Nam |
Cơ quan ban hành: | Bộ Khoa học và Công nghệ | Lĩnh vực: | An ninh quốc gia |
Năm ban hành: | 2014 | Hiệu lực: | |
Người ký: | Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Ghi chú: Thêm ghi chú cá nhân cho văn bản bạn đang xem.
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 10299-9:2014
KHẮC PHỤC HẬU QUẢ BOM MÌN, VẬT NỔ SAU CHIẾN TRANH - PHẦN 9: ĐIỀU TRA SỰ CỐ BOM MÌN, VẬT NỔ
Addressing the post war consequences of bomb and mine - Part 9: Bomb and mine incident inspection
Lời nói đầu
TCVN 10299-9:2014 do Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn Bộ Tư lệnh Công binh biên soạn, Bộ Quốc phòng đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Bộ Tiêu chuẩn TCVN 10299:2014, Khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh, gồm 10 phần:
- TCVN 10299-1:2014, Phần 1: Quy định chung;
- TCVN 10299-2:2014, Phần 2: Thẩm định và công nhận tổ chức thực hiện hoạt động rà phá bom mìn, vật nổ;
- TCVN 10299-3:2014, Phần 3: Giám sát và đánh giá tổ chức thực hiện hoạt động rà phá bom mìn, vật nổ;
- TCVN 10299-4:2014, Phần 4: Điều tra và khảo sát về ô nhiễm bom mìn, vật nổ;
- TCVN 10299-5:2014, Phần 5: Công tác an toàn trong hoạt động rà phá bom mìn, vật nổ;
- TCVN 10299-6:2014, Phần 6: Công tác rà phá bom mìn, vật nổ;
- TCVN 10299-7:2014, Phần 7: Xử lý bom mìn, vật nổ;
- TCVN 10299-8:2014, Phần 8: Bảo đảm y tế;
- TCVN 10299-9:2014, Phần 9: Điều tra sự cố bom mìn, vật nổ;
- TCVN 10299-10:2014, Phần 10: Thu thập, xử lý, lưu trữ và cung cấp thông tin.
KHẮC PHỤC HẬU QUẢ BOM MÌN, VẬT NỔ SAU CHIẾN TRANH - PHẦN 9: ĐIỀU TRA SỰ CỐ BOM MÌN, VẬT NỔ
Addressing the post war consequences of bomb and mine - Part 9: Bomb and mine incident inspection
1. Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu về báo cáo và điều tra sự cố bom mìn, vật nổ tại các khu vực rà phá bom mìn, vật nổ (RPBM) và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Tiêu chuẩn này áp dụng cho các tổ chức thực hiện hoạt động RPBM sau chiến tranh và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
2. Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn sau rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).
TCVN 10299-1:2014, Khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh - Phần 1: Quy định chung;
TCVN 10299-8:2014, Khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh - Phần 8: Bảo đảm y tế;
TCVN 10299-10:2014, Khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh - Phần 10: Thu thập, xử lý, lưu trữ và cung cấp thông tin.
3. Thuật ngữ và định nghĩa
Tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa được nêu trong TCVN 10299-1:2014 và các thuật ngữ, định nghĩa sau:
3.1. Tai nạn (Accident)
Một sự việc không mong muốn xảy ra gây thiệt hại cho con người (sức khỏe, tâm lý), tài sản hay môi trường.
3.2. Tai nạn bom mìn, vật nổ (Bomb and mine accident) Các tai nạn có liên quan trực tiếp đến bom mìn, vật nổ.
3.3. Sự cố bom mìn, vật nổ (Bomb and mine incident)
Một sự việc làm phát sinh tai nạn trong quá trình RPBM tại công trường RPBM.
4. Yêu cầu báo cáo và điều tra sự cố bom mìn, vật nổ
4.1. Báo cáo sự cố bom mìn, vật nổ
4.1.1. Yêu cầu chung
4.1.1.1. Tất cả các sự cố bom mìn, vật nổ xảy ra tại khu vực RPBM trong và sau khi thực hiện hoạt động RPBM đều phải báo cáo cho các cơ quan quản lý hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ (KPHQBM) theo phân cấp, gồm:
- Tai nạn do bom mìn, vật nổ gây ra cho người tham gia RPBM hoặc dân cư địa phương tại nơi RPBM;
- Sự cố bom mìn, vật nổ làm hỏng thiết bị hoặc tài sản nơi RPBM;
- Phát hiện bom mìn, vật nổ còn sót lại tại khu vực đã được RPBM;
- Nhân viên RPBM có thể gặp nguy hiểm hoặc nguy cơ xảy ra sự cố bom mìn, vật nổ do việc áp dụng không đúng các tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật, trang thiết bị RPBM;
- Bất kỳ vụ nổ bom mìn, vật nổ tại khu vực RPBM không phân biệt nguyên nhân hay hậu quả.
4.1.1.2. Báo cáo sự cố bom mìn, vật nổ gồm:
- Báo cáo sơ bộ sự cố bom mìn, vật nổ;
- Báo cáo chi tiết sự cố bom mìn, vật nổ;
- Báo cáo quản lý thông tin.
4.1.2. Báo cáo sơ bộ sự cố bom mìn, vật nổ
4.1.2.1. Báo cáo sơ bộ sự cố bom mìn, vật nổ phải được tổ chức RPBM thực hiện ngay sau khi xảy ra sự cố bom mìn, vật nổ.
4.1.2.2. Báo cáo sơ bộ sự cố bom mìn, vật nổ gồm hai phần: Báo cáo bằng điện thoại và báo cáo tường thuật sơ bộ sự cố bom mìn, vật nổ bằng văn bản, bằng fax hoặc qua thư điện tử.
4.1.2.3. Báo cáo sơ bộ cung cấp những thông tin cơ bản về từng sự cố bom mìn, vật nổ giúp cơ quan quản lý hoạt động RPBM: Hỗ trợ kịp thời đối với các trường hợp khẩn cấp; đưa ra cảnh báo cho các tổ chức RPBM về các sự cố bom mìn, vật nổ; đánh giá sơ bộ về sự cố bom mìn, vật nổ.
4.1.2.4. Nội dung báo cáo sơ bộ sự cố bom mìn, vật nổ, gồm:
a) Tên tổ chức thực hiện nhiệm vụ RPBM;
b) Tên và địa điểm dự án (hạng mục) RPBM;
c) Thời gian xảy ra sự cố bom mìn, vật nổ;
d) Thông tin chi tiết thương vong gồm:
- Tên, tuổi, giới tính, công việc được giao của nạn nhân;
- Liệt kê tổn thương, mô tả chi tiết thương tật đối với từng nạn nhân riêng biệt;
- Phương pháp điều trị và điều kiện hiện tại của nạn nhân;
- Phương pháp sơ tán, tuyến đường, các điểm đến, thời gian đến dự kiến;
- Các trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, tài sản bị hư hại, mức độ thiệt hại, tên và địa chỉ liên lạc của chủ sở hữu…;
- Mô tả sự cố diễn ra như thế nào;
- Thông tin liên lạc chi tiết của người bị nạn và những người chịu trách nhiệm trong phối hợp giải quyết các công việc liên quan;
- Các thông tin khác: Khu vực xảy ra sự cố là khu vực bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ hay khu vực đã được RPBM…
4.1.2.5. Mẫu báo cáo sơ bộ sự cố bom mìn, vật nổ được nêu trong Phụ lục A.
4.1.3. Báo cáo chi tiết sự cố bom mìn, vật nổ
4.1.3.1. Báo cáo chi tiết sự cố bom mìn, vật nổ phải được tổ chức hoạt động RPBM thực hiện ngay sau khi báo cáo sơ bộ sự cố bom mìn, vật nổ.
4.1.3.2. Báo cáo chi tiết sự cố bom mìn, vật nổ là kết quả điều tra nội bộ do tổ chức hoạt động RPBM thực hiện.
4.1.3.3. Người trực tiếp liên quan đến sự cố bom mìn, vật nổ không được nằm trong thành phần của bộ phận điều tra.
4.1.3.4. Báo cáo chi tiết sự cố bom mìn, vật nổ phải được hoàn thành chậm nhất sau thời gian 7 ngày kể từ khi xảy ra sự cố.
4.1.3.5. Nội dung báo cáo chi tiết sự cố bom mìn, vật nổ gồm:
a) Thông tin chung sự cố bom mìn, vật nổ (tóm tắt các thông tin trong báo cáo sơ bộ);
b) Thông tin chi tiết sự cố bom mìn, vật nổ gồm: Địa điểm, thời gian, nhân sự RPBM; các nhân viên không trực tiếp RPBM có liên quan; các loại bom mìn, vật nổ; các trang thiết bị liên quan (đính kèm bản đồ vị trí và bản đồ chi tiết hiện trường);
c) Điều kiện hiện trường sự cố:
- Mô tả các điều kiện tại hiện trường vào thời điểm xảy ra sự cố: Bố trí nơi làm việc, các đánh dấu, mặt đất, địa hình, thảm thực vật và thời tiết;
- Các hình ảnh để mô tả điều kiện hiện trường sự cố.
d) Thông tin về đội và nhiệm vụ RPBM:
- Số lượng và thành phần của đội (đội trưởng, nhân viên RPBM, giám sát viên, nhân viên y tế); bằng cấp và kinh nghiệm của các nhân viên tham gia hoạt động RPBM; nội dung huấn luyện bổ sung. Tập trung thông tin vào cá nhân liên quan trực tiếp đến sự cố;
- Tài liệu điều tra, khảo sát; phương án kỹ thuật và kế hoạch tổ chức thi công; khu vực RPBM; độ sâu RPBM; số lượng và chủng loại bom mìn, vật nổ đã dò tìm được và bất kỳ vấn đề nào gặp phải trong quá trình RPBM.
e) Trang thiết bị và quy trình sử dụng:
- Thông tin chi tiết của trang thiết bị được sử dụng tại hiện trường liên quan đến sự cố bom mìn, vật nổ (trang thiết bị RPBM, trang thiết bị bảo vệ cá nhân, thiết bị y tế…);
- Hệ thống các quy trình có liên quan đến sự cố bom mìn, vật nổ;
- Thông tin chi tiết công việc hàng ngày của những người liên quan đến sự cố bom mìn, vật nổ trước khi xảy ra sự cố.
f) Thông tin liên quan đến sự cố, gồm: Tên, loại, kích cỡ, trọng lượng, vị trí của bom mìn, vật nổ; kích thước, chiều sâu hố nổ, các mảnh vỡ hoặc vật nghi ngờ có liên quan đến bom mìn, vật nổ (có hình ảnh kèm theo);
g) Chi tiết thương vong: Tên, tuổi, giới tính, công việc, hồ sơ thương tích được nêu trong Phụ lục E;
h) Hư hại về thiết bị, tài sản, cơ sở hạ tầng;
i) Hỗ trợ y tế và cứu thương;
j) Các vấn đề khác có liên quan.
4.1.3.6. Mẫu báo cáo chi tiết sự cố bom mìn, vật nổ được nêu trong Phụ lục B.
4.1.4. Báo cáo khi phát hiện còn sót bom mìn, vật nổ
- Khi phát hiện còn sót lại bom mìn, vật nổ tại khu vực đã được RPBM, đơn vị quản lý, sử dụng khu đất phải tổ chức bảo vệ hiện trường và báo cáo về Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố (báo cáo ngay bằng các phương tiện thông tin liên lạc và sau đó báo cáo bằng văn bản).
- Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố khi nhận được báo cáo phải tổ chức đoàn cán bộ xuống thực địa kiểm tra và xử lý bom mìn, vật nổ còn sót lại, đồng thời báo cáo các cơ quan quản lý hoạt động KPHQBM theo phân cấp.
- Mẫu báo cáo sự cố còn sót bom mìn, vật nổ được nêu trong Phụ lục C.
4.1.5. Báo cáo quản lý thông tin
Báo cáo quản lý thông tin về sự cố bom mìn, vật nổ thực hiện theo quy định tại TCVN 10299-10:2014.
4.2. Điều tra sự cố bom mìn, vật nổ
4.2.1. Yêu cầu chung
4.2.1.1. Điều tra sự cố bom mìn, vật nổ phải chỉ ra được nguyên nhân gây ra sự cố bom mìn, vật nổ; giúp phòng tránh các sự cố tương tự có thể xảy ra.
4.2.1.2. Các sự cố bom mìn, vật nổ phải tiến hành điều tra gồm:
- Tai nạn bom mìn, vật nổ làm thương tật hay chết người;
- Sự cố bom mìn, vật nổ làm hư hại về tài sản;
- Sự cố bom mìn, vật nổ làm thiệt hại, dẫn đến yêu cầu bồi thường từ người dân;
- Sự cố bom mìn, vật nổ do còn sót lại bom mìn, vật nổ trong khu vực đã được RPBM;
- Sự cố bom mìn, vật nổ do việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật, trang thiết bị RPBM;
- Sự cố bom mìn, vật nổ do bất kỳ một vụ nổ bom mìn, vật nổ nào xảy ra trong khu vực RPBM;
- Sự cố bom mìn, vật nổ được các phương tiện thông tin truyền thông đưa tin.
4.2.1.3. Việc tiến hành điều tra sự cố bom mìn, vật nổ phải đảm bảo:
- Điều tra bắt đầu càng sớm càng tốt;
- Đối tượng được lựa chọn tham gia cuộc điều tra không liên quan đến sự cố và có đủ năng lực, kinh nghiệm và nghiệp vụ cần thiết đáp ứng cho cuộc điều tra;
- Các khu vực xảy ra sự cố bom mìn, vật nổ phải được bảo vệ cho đến khi kết thúc điều tra nhằm tránh mất mát các thông tin có giá trị;
- Khu vực xảy ra sự cố phải được chụp ảnh kịp thời;
- Kết quả điều tra phải được gửi về cơ quan có thẩm quyền theo phân cấp đúng thời gian quy định và đảm bảo rõ ràng, chính xác (bao gồm cả các kết luận và khuyến nghị để cải thiện tình hình nếu có).
4.2.1.4. Điều tra sự cố bom mìn, vật nổ, gồm:
- Điều tra nội bộ sự cố bom mìn, vật nổ;
- Điều tra độc lập sự cố bom mìn, vật nổ.
4.2.1.5. Mức độ sự cố bom mìn, vật nổ để điều tra nội bộ và điều tra độc lập được nêu trong Phụ lục D.
4.2.2. Điều tra nội bộ
- Điều tra nội bộ do một tổ chuyên gia có chuyên môn và kinh nghiệm phù hợp của chính tổ chức RPBM để xảy ra sự cố bom mìn, vật nổ thực hiện nhưng không phải là người trực tiếp liên quan đến sự cố bom mìn, vật nổ đó.
- Kết quả điều tra nội bộ là cơ sở để tổ chức hoạt động RPBM lập báo cáo chi tiết.
4.2.3. Điều tra độc lập
4.2.3.1. Điều tra độc lập được thực hiện bởi tổ điều tra theo chỉ định của Cơ quan quản lý hoạt động KPHQBM quốc gia, gồm các chuyên gia có chuyên môn và kinh nghiệm phù hợp. Tổ điều tra tối thiểu phải có 3 người, trong đó có một người của Cơ quan quản lý hoạt động KPHQBM quốc gia là tổ trưởng và một người của tổ chức RPBM để xảy ra sự cố bom mìn, vật nổ nhưng không phải là người trực tiếp liên quan đến sự cố.
4.2.3.2. Nội dung điều tra độc lập, gồm:
a) Trình độ đào tạo, kinh nghiệm, thời gian và nội dung của chương trình huấn luyện bổ sung của người liên quan đến sự cố (đội thi công và giám sát viên);
b) Phương án kỹ thuật thi công và trang thiết bị được người liên quan đến sự cố sử dụng tại thời điểm xảy ra sự cố;
c) Thời gian làm việc hàng ngày của người liên quan đến sự cố kể cả thời gian nghỉ và việc bàn giao giữa các nhân viên RPBM;
d) Trang thiết bị bảo vệ cá nhân được yêu cầu sử dụng trong quá trình thực hiện công việc và thực tế sử dụng của người liên quan đến sự cố; người đó có sử dụng trang thiết bị bảo vệ cá nhân không, sử dụng có đúng cách không và trang thiết bị bảo vệ cá nhân đó có giúp làm giảm mức độ thương vong của người sử dụng không;
e) Ngày của kỳ nghỉ gần nhất hoặc ngày nghỉ làm của người liên quan đến sự cố;
f) Sự cố có phải do một trong các nguyên nhân sau gây ra không:
- Do trình độ, năng lực của giám sát viên và đội trưởng yếu kém;
- Do nhân viên RPBM thực hiện không đúng theo mệnh lệnh và các quy trình hướng dẫn;
- Do nhân viên RPBM sử dụng rượu, bia, chất kích thích trước và trong quá trình làm việc;
- Do nhân viên RPBM đang bị ốm hoặc gặp một vấn đề tâm lý nào khác;
- Do sử dụng sai trang thiết bị RPBM hoặc trang thiết bị RPBM bị hỏng hóc;
- Do chấp hành không nghiêm các quy định về công tác an toàn;
- Do thiếu sót trong huấn luyện bổ sung đối với nhân viên RPBM;
- Do điều kiện thời tiết không đảm bảo cho quá trình làm việc;
- Do bất kỳ thiếu sót nào trong việc hỗ trợ cho nhân viên RPBM như: Khám sức khỏe ban đầu, nguồn thức ăn, nước uống, chỗ ở…
4.2.3.3. Kết quả điều tra độc lập phải thể hiện các nội dung sau:
- Nội dung sơ bộ của sự cố bom mìn, vật nổ;
VÍ DỤ: Một nhân viên RPBM làm nổ mìn khi đang RPBM bằng thủ công.
- Chi tiết nhiệm vụ được thực hiện vào thời điểm xảy ra sự cố;
- Địa điểm, thời gian xảy ra sự cố;
- Sự cố xảy ra như thế nào: Mô tả về nhân sự, trang thiết bị RPBM, phương án kỹ thuật thi công được duyệt đang áp dụng tại thời điểm xảy ra sự cố;
- Mức độ thương tật đối với người và mức độ thiệt hại đối với trang thiết bị, tài sản, cơ sở hạ tầng do sự cố gây ra;
- Đánh giá nguyên nhân và bản chất của sự cố;
- Những kiến nghị và yêu cầu để ngăn ngừa sự cố tương tự xảy ra.
4.3. Trình tự báo cáo và điều tra sự cố bom mìn, vật nổ
4.3.1. Ngay sau khi xảy ra sự cố bom mìn, vật nổ, người phụ trách tại hiện trường phải tổ chức cứu chữa nạn nhân (nếu có) theo TCVN 10299-8:2014; bảo vệ hiện trường sự cố và chuẩn bị các nội dung báo cáo sơ bộ.
4.3.2. Gửi báo cáo sơ bộ sự cố bom mìn, vật nổ về tổ chức RPBM của mình.
4.3.3. Tổ chức RPBM khi nhận được báo cáo sự cố bom mìn, vật nổ, tiếp tục báo cáo lên cơ quan quản lý hoạt động KPHQBM theo phân cấp. Trong trường hợp cần thiết, thông báo cho cơ quan công an địa phương nơi RPBM và các cơ quan chức năng khác (nếu có liên quan) biết và phối hợp thực hiện.
4.3.4. Cơ quan quản lý hoạt động KPHQBM quốc gia xem xét, phân tích các nội dung báo cáo và xác định sự cố có phải do các tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật hay trang thiết bị RPBM gây ra hay không:
- Trường hợp sự cố do các tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật hay trang thiết bị RPBM gây ra, Cơ quan quản lý hoạt động KPHQBM quốc gia thông báo đến tất cả các tổ chức RPBM đang sử dụng cùng tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật, trang thiết bị RPBM về nguy cơ xảy ra sự cố bom mìn, vật nổ và yêu cầu sửa đổi tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật hay thay thế trang thiết bị RPBM;
- Trường hợp sự cố không do các tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật hay trang thiết bị RPBM gây ra, tùy theo mức độ của sự cố (được nêu trong Phụ lục D), Cơ quan quản lý hoạt động KPHQBM quốc gia ra quyết định điều tra độc lập.
5. Nhiệm vụ các cơ quan, tổ chức
5.1. Cơ quan quản lý hoạt động KPHQBM quốc gia
- Thiết lập và xây dựng nguyên tắc và yêu cầu nội dung cho việc báo cáo và điều tra về sự cố bom mìn, vật nổ.
- Chỉ định nhân sự thực hiện việc điều tra sự cố bom mìn, vật nổ.
- Tiếp nhận và thông báo các kết quả của tất cả các báo cáo và điều tra sự cố về nguyên nhân, khuyến cáo, kiến nghị cho các tổ chức hoạt động RPBM.
- Thông báo kịp thời thông tin về các sự cố bom mìn, vật nổ đến các cơ quan quản lý hoạt động KPHQBM theo phân cấp và các tổ chức hoạt động RPBM sau chiến tranh. Nội dung thông tin gồm:
+ Các trường hợp gây ra sự cố và tác hại phát sinh từ sự cố;
+ Bản phân tích các nguyên nhân thu được trong quá trình điều tra;
+ Các kết luận và đánh giá sau khi kết thúc điều tra.
5.2. Tổ chức hoạt động RPBM
- Báo cáo sơ bộ với các cơ quan quản lý hoạt động KPHQBM theo phân cấp tất cả các sự cố bom mìn, vật nổ theo đúng mẫu biểu và thời gian quy định.
- Tổ chức điều tra nội bộ sự cố để lập báo cáo chi tiết.
- Chuẩn bị mọi mặt sẵn sàng tham gia điều tra độc lập sự cố khi có yêu cầu.
5.3. Nhân viên RPBM
- Tuyệt đối tuân theo các quy trình kỹ thuật, phương án kỹ thuật, kế hoạch thi công để hạn chế xảy ra sự cố khi thực hiện RPBM.
- Báo cáo kịp thời khi có sự cố xảy ra.
- Báo cáo chính xác các vấn đề mà các tổ chức điều tra sự cố yêu cầu.
Phụ lục A
(Tham khảo)
Báo cáo sơ bộ sự cố bom mìn, vật nổ
Tùy thuộc vào dạng sự cố mà báo cáo sơ bộ sự cố bom mìn, vật nổ có thể gồm đầy đủ hoặc không đầy đủ các nội dung dưới đây:
Nơi gửi: Tên tổ chức hoạt động RPBM
Ngày tháng gửi báo cáo:
Nơi nhận:
Tiêu đề: Báo cáo sơ bộ sự cố bom mìn, vật nổ
1. Tên đơn vị, dự án, ký hiệu đội thực hiện.
2. Địa điểm (tỉnh, huyện, xã, nhiệm vụ số).
3. Thời gian xảy ra sự cố.
4. Thông tin chi tiết thương vong gồm:
- Tên, giới tính, công việc được giao của nạn nhân (nhân viên RPBM, đội trưởng, giám sát viên…);
- Liệt kê tổn thương, mô tả chi tiết thương tật đối với từng nạn nhân riêng biệt;
- Phương pháp điều trị;
- Điều kiện hiện tại của nạn nhân.
5. Phương pháp sơ tán, tuyến đường, các điểm đến, thời gian đến dự kiến.
6. Các trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, tài sản bị hư hại; mức độ thiệt hại; tên và địa chỉ liên lạc của chủ sở hữu…
7. Mô tả sự cố diễn ra như thế nào.
8. Thông tin liên lạc chi tiết của người bị nạn và của những người chịu trách nhiệm trong phối hợp giải quyết các công việc.
9. Các thông tin khác: Khu vực xảy ra sự cố là khu vực bị ô nhiễm, khu vực an toàn hay khu vực đã rà phá; trang thiết bị sử dụng…
Phụ lục B
(Tham khảo)
Báo cáo chi tiết sự cố bom mìn, vật nổ
Tùy thuộc vào dạng sự cố bom mìn, vật nổ mà báo cáo chi tiết sự cố bom mìn, vật nổ có thể gồm đầy đủ hoặc không đầy đủ các mục dưới đây:
Nơi gửi: Tên tổ chức hoạt động RPBM
Ngày gửi báo cáo:
Nơi nhận:
Tiêu đề: Báo cáo chi tiết sự cố bom mìn, vật nổ
Phần 1 - Thông tin chung (tóm tắt thông tin trong báo cáo sơ bộ)
1. Tên tổ chức hoạt động RPBM.
2. Tên đơn vị, dự án, ký hiệu đội thực hiện.
3. Tên Giám sát viên.
4. Nơi xảy ra sự cố (tỉnh, huyện, xã, nhiệm vụ số).
5. Ngày và thời gian xảy ra sự cố.
6. Dạng sự cố (xem 4.1.1.1)
Phần 2 - Chi tiết sự cố
Cung cấp mô tả chung về sự cố xảy ra gồm địa điểm, thời gian, nhân sự RPBM, các nhân viên không tham gia RPBM có liên quan, các loại bom mìn, vật nổ, các phương tiện, thiết bị liên quan. Đính kèm hình ảnh, sơ đồ và bản đồ sự cố bom mìn, vật nổ (bản đồ vị trí và bản đồ chi tiết hiện trường).
Phần 3 - Điều kiện hiện trường sự cố
a) Mô tả các điều kiện tại hiện trường vào thời điểm xảy ra sự cố về mặt bố trí nơi làm việc, các đánh dấu, mặt đất, địa hình, thảm thực vật và thời tiết:
- Bố cục và đánh dấu hiện trường: Mô tả bố cục của hiện trường liên quan đến vị trí của sự cố bao gồm khu vực kiểm soát, đánh dấu nơi làm việc nói chung và đánh dấu nơi làm việc cụ thể trong khu vực sự cố. Xem xét những yếu tố như tác động của thời tiết trên khu vực hiện trường;
- Mặt đất và địa hình: Mô tả mặt đất về chất đất, độ cứng và độ ẩm. Mô tả địa hình là bằng phẳng, nhấp nhô hay đồi núi, độ dốc…;
- Thảm thực vật: Mô tả những thảm thực vật về chủng loại, mật độ, kích thước chiều cao của cỏ, cây, bụi rậm và đường kính tối đa của thân thảm thực vật;
- Thời tiết: Mô tả thời tiết vào thời điểm xảy ra sự cố bom mìn, vật nổ.
b) Cung cấp các hình ảnh để mô tả điều kiện tại hiện trường xảy ra sự cố.
Phần 4 - Thông tin về đội và nhiệm vụ
- Thông tin chi tiết về đội: Cung cấp thông tin chi tiết về số lượng và thành phần của đội (nhân viên RPBM, trưởng nhóm, giám sát, nhân viên y tế...); các bằng cấp (chính quy và bồi dưỡng đào tạo); kinh nghiệm (loại công việc đã làm, địa điểm, điều kiện nơi làm việc và các loại bom mìn, vật nổ đã gặp phải); việc đào tạo bồi dưỡng gần đây nhất và nội dung đào tạo. Nếu người bị sự cố thuộc đội thì tập trung thông tin vào cá nhân liên quan đến sự cố.
- Chi tiết nhiệm vụ: Cung cấp thông tin chi tiết về nhiệm vụ, bao gồm các tài liệu điều tra khảo sát, kế hoạch rà phá cho của nhiệm vụ, các khu vực được rà phá, chiều sâu rà phá, chủng loại và mật độ bom mìn, vật nổ dự kiến, thời gian thực hiện, số lượng và chủng loại bom mìn, vật nổ đã dò tìm được và bất kỳ vấn đề nào gặp phải trong công việc.
Phần 5 - Thiết bị và quy trình được sử dụng
- Thiết bị được sử dụng: Cung cấp thông tin chi tiết của thiết bị được sử dụng tại hiện trường liên quan đến vụ việc (thiết bị dò tìm, thiết bị bảo vệ cá nhân, thiết bị y tế, phương tiện và thiết bị cơ khí...).
- Quy trình sử dụng: Cung cấp một bản tổng quan về các quy trình được sử dụng liên quan đến vụ việc.
- Công việc hàng ngày: Cung cấp thông tin chi tiết của công việc hàng ngày theo các nhiệm vụ tại thời điểm xảy ra sự cố, số giờ làm việc của nhân viên và những người liên quan trong vụ việc vào ngày trước khi sự cố xảy ra.
Phần 6 - Thông tin liên quan đến sự cố
- Thông tin về bom mìn, vật nổ có liên quan trong sự cố: Tên, loại, kích cỡ, trọng lượng, vị trí trong hay trên mặt đất…
- Thông tin chi tiết về kích thước, chiều sâu của hố nổ, các mảnh vỡ hoặc vật nghi ngờ có liên quan.
- Cung cấp hình ảnh và chi tiết kỹ thuật của bất kỳ vật nào xác định được hoặc ảnh chụp hố nổ và các mảnh vỡ.
Phần 7 - Chi tiết thương vong
Cung cấp thông tin chi tiết của tất cả những người bị thương (nặng hay nhẹ) do hậu quả của sự cố, bao gồm: Tên, giới tính, tuổi, nghề nghiệp, hồ sơ thương tích (được nêu trong Phụ lục E).
Phần 8 - Hư hại về thiết bị, tài sản, cơ sở hạ tầng
Cung cấp thông tin chi tiết về tài sản, thiết bị, cơ sở hạ tầng bị hư hại:
- Với các thiết bị phải mô tả chi tiết người sở hữu, sử dụng, số năm sử dụng và số seri (nếu có thể), giá trị hiện tại (nếu biết), chi tiết hư hại, bảo hiểm của người, tổ chức sở hữu và nếu có thể khảo sát giá sửa chữa, thay thế;
- Với tài sản và cơ sở hạ tầng, cung cấp thông tin chi tiết của người sở hữu, thiệt hại xảy ra, bảo hiểm tài sản của người chủ sở hữu và giá để phục hồi sửa chữa;
- Đính kèm ảnh của các thiết bị hư hại, tài sản và cơ sở hạ tầng.
Phần 9 - Hỗ trợ y tế và cứu thương
Nhận xét tính hiệu quả sự hỗ trợ về mặt cứu thương và y tế giữa kế hoạch và trên thực tế, thiết bị y tế cung cấp, phương tiện liên lạc, phương tiện vận chuyển, phác đồ điều trị y tế và các trợ giúp bên ngoài với các nạn nhân. Cung cấp chi tiết những thiếu sót và kiến nghị để cải thiện thiếu sót này.
Phần 10 - Các vấn đề khác có liên quan
Phần 11 - Thảo luận, kết luận và khuyến nghị
Kèm theo:
1. Bản sao báo cáo sơ bộ sự cố.
2. Lời kể của nhân chứng.
3. Vị trí sự cố và bản đồ chi tiết hiện trường.
4. Ảnh hiện trường.
5. Kết quả đào tạo, giám sát, báo cáo điều tra, kế hoạch rà phá, các tài liệu RPBM được yêu cầu.
6. Ảnh và các thông tin kỹ thuật về bom mìn, vật nổ, các vật tìm thấy, các hố nổ…
7. Ảnh về tài sản, thiết bị và cơ sở hạ tầng hư hại.
8. Bản sao giấy tờ sở hữu thiết bị, tài sản (giấy chứng nhận sở hữu, văn bản pháp lý về tài sản, giấy tờ bảo hiểm..).
Phụ lục C
(Tham khảo)
Báo cáo sự cố còn sót bom mìn, vật nổ tại khu vực đã rà phá bom mìn, vật nổ
Nơi gửi:
Ngày tháng gửi báo cáo:
Nơi nhận:
Tiêu đề: Báo cáo sự cố còn sót bom mìn, vật nổ
1. Tên dự án khi triển khai RPBM trước đây.
2. Địa điểm (tỉnh, huyện, xã, nhiệm vụ số).
3. Tên tổ chức đã thực hiện RPBM.
4. Tên tổ chức hiện đang quản lý, sử dụng khu đất.
5. Thông tin về sự cố:
- Khu đất đã được RPBM và hiện đang được sử dụng cho mục đích gì;
- Vị trí phát hiện còn sót bom mìn, vật nổ (kinh độ và vĩ độ theo hệ tọa độ WGS84);
- Loại bom mìn, vật nổ phát hiện còn sót lại sau khi đã RPBM (trường hợp không biết loại bom mìn, vật nổ thì gửi kèm theo ảnh trong báo cáo);
- Độ sâu bom mìn, vật nổ còn sót lại sau khi đã RPBM;
- Loại đất tại vị trí phát hiện còn sót bom mìn, vật nổ.
Phụ lục D
(Tham khảo)
Lựa chọn mức độ điều tra nội bộ và điều tra độc lập
| Loại điều tra | |
Điều tra độc lập | Điều tra nội bộ | |
1. Sự cố bom mìn, vật nổ gây ra: |
|
|
- Thương tật nhẹ cho nhân viên RPBM |
| x |
- Thương tật nghiêm trọng cho nhân viên RPBM | x | x |
- Tử vong cho nhân viên RPBM | x | x |
- Thương tật cho nhân viên không làm RPBM | x | x |
- Tử vong cho nhân viên không làm RPBM | x | x |
- Tổn thất trang thiết bị cho tổ chức RPBM dưới 50.000.000 VND |
| x |
- Tổn thất trang thiết bị cho tổ chức RPBM trên 50.000.000 VND | x | x |
- Tổn thất mà người dân yêu cầu bồi thường | x | x |
2. Sự cố bom mìn, vật nổ: |
|
|
- Nhân viên RPBM có thể gặp nguy hiểm do áp dụng tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật hay trang thiết bị RPBM | x | x |
- Còn sót lại bom mìn, vật nổ tại khu vực đã được RPBM |
| x |
- Liên quan đến bất kỳ vụ nổ bom mìn, vật nổ tại hiện trường RPBM | x | x |
- Được phương tiện thông tin truyền thông đưa tin. | x | x |
Phụ lục E
(Tham khảo)
Hồ sơ thương tích
Tên tổ chức hoạt động RPBM:
Tên đơn vị, dự án, ký hiệu đội thực hiện:
Địa điểm (tỉnh, huyện, xã, nhiệm vụ số):
Ngày và thời gian xảy ra sự cố:
Tên nạn nhân:
Giới tính và tuổi:
Nguyên nhân thương tích:
Nội dung thương tích được thể hiện bằng ký hiệu (theo Bảng E.1) và được nêu vào vị trí ô chỉ thương tích trong Hình E.1 và E.2.
Bảng E.1 - Ký hiệu và nội dung thương tích
Ký hiệu | Nội dung | Ký hiệu | Nội dung |
TX | Trầy xước | VR | Vết rách |
B | Bỏng | TK | Trật khớp |
GX | Gãy xương | BV | Bị vỡ |
MBP | Mất bộ phận | XH | Xuất huyết |
XHT | Xuất huyết trong | MCN | Mất chức năng |
Hình E.1 - Hình thể hiện thương tích phía trước của nạn nhân
Hình E.2 - Hình thể hiện thương tích phía sau của nạn nhân
MỤC LỤC
Lời nói đầu
1. Phạm vi áp dụng
2. Tài liệu viện dẫn
3. Thuật ngữ và định nghĩa
4. Yêu cầu báo cáo và điều tra sự cố bom mìn, vật nổ
4.1. Báo cáo sự cố bom mìn, vật nổ
4.2. Điều tra sự cố bom mìn, vật nổ
4.3. Trình tự báo cáo và điều tra sự cố bom mìn, vật nổ
5. Nhiệm vụ các cơ quan, tổ chức
5.1. Cơ quan quản lý hoạt động KPHQBM quốc gia
5.2. Tổ chức hoạt động RPBM
5.3. Nhân viên RPBM
Phụ lục A (Tham khảo) Báo cáo sơ bộ sự cố bom mìn, vật nổ
Phụ lục B (Tham khảo) Báo cáo chi tiết sự cố bom mìn, vật nổ
Phụ lục C (Tham khảo) Báo cáo sự cố còn sót bom mìn, vật nổ tại khu vực đã rà phá bom mìn, vật nổ
Phụ lục D (Tham khảo) Lựa chọn mức độ điều tra nội bộ và điều tra độc lập
Phụ lục E (Tham khảo) Hồ sơ thương tích
Click Tải về để xem toàn văn Tiêu chuẩn Việt Nam nói trên.