Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 10299-5:2014 Khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh-Phần 5: Công tác an toàn trong hoạt động rà phá bom mìn, vật nổ

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiêu chuẩn liên quan
  • Lược đồ
  • Tải về
Mục lục Đặt mua toàn văn TCVN
Lưu
Theo dõi văn bản

Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.

Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.

Báo lỗi
  • Báo lỗi
  • Gửi liên kết tới Email
  • Chia sẻ:
  • Chế độ xem: Sáng | Tối
  • Thay đổi cỡ chữ:
    17
Ghi chú

Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 10299-5:2014

Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 10299-5:2014 Khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh-Phần 5: Công tác an toàn trong hoạt động rà phá bom mìn, vật nổ
Số hiệu:TCVN 10299-5:2014Loại văn bản:Tiêu chuẩn Việt Nam
Cơ quan ban hành: Bộ Khoa học và Công nghệLĩnh vực: An ninh quốc gia
Năm ban hành:2014Hiệu lực:
Người ký:Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Ghi chú
Ghi chú: Thêm ghi chú cá nhân cho văn bản bạn đang xem.
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

TIÊU CHUẨN QUỐC GIA

TCVN 10299-5:2014

KHẮC PHỤC HẬU QUẢ BOM MÌN, VẬT NỔ SAU CHIẾN TRANH - PHẦN 5: CÔNG TÁC AN TOÀN TRONG HOẠT ĐỘNG RÀ PHÁ BOM MÌN, VẬT NỔ

Addressing the post war consequences of bomb and mine - Part 5: Safety procedure in demining operations

Lời nói đầu

TCVN 10299-5:2014 do Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn Bộ Tư lệnh Công binh biên soạn, Bộ Quốc phòng đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

Bộ Tiêu chuẩn TCVN 10299:2014, Khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh, gồm 10 phần:

- TCVN 10299-1:2014, Phần 1: Quy định chung;

- TCVN 10299-2:2014, Phần 2: Thẩm định và công nhận tổ chức thực hiện hoạt động rà phá bom mìn, vật nổ;

- TCVN 10299-3:2014, Phần 3: Giám sát và đánh giá tổ chức thực hiện hoạt động rà phá bom mìn, vật nổ;

- TCVN 10299-4:2014, Phần 4: Điều tra và khảo sát về ô nhiễm bom mìn, vật nổ;

- TCVN 10299-5:2014, Phần 5: Công tác an toàn trong hoạt động rà phá bom mìn, vật nổ;

- TCVN 10299-6:2014, Phần 6: Công tác rà phá bom mìn, vật nổ;

- TCVN 10299-7:2014, Phần 7: Xử lý bom mìn, vật nổ;

- TCVN 10299-8:2014, Phần 8: Bảo đảm y tế;

- TCVN 10299-9:2014, Phần 9: Điều tra sự cố bom mìn, vật nổ;

- TCVN 10299-10:2014, Phần 10: Thu thập, xử lý, lưu trữ và cung cấp thông tin.

KHẮC PHỤC HẬU QUẢ BOM MÌN, VẬT NỔ SAU CHIẾN TRANH - PHẦN 5: CÔNG TÁC AN TOÀN TRONG HOẠT ĐỘNG RÀ PHÁ BOM MÌN, VẬT NỔ

Addressing the post war consequences of bomb and mine - Part 5: Safety procedure in demining operations

1. Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu về bảo đảm an toàn trong hoạt động rà phá bom mìn, vật nổ (RPBM) và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Tiêu chuẩn này áp dụng cho các tổ chức thực hiện hoạt động RPBM và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

2. Tài liệu viện dẫn

Các tài liệu viện dẫn sau rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).

TCVN 10299-1:2014, Khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh - Phần 1: Quy định chung;

TCVN 10299-7:2014, Khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh - Phần 7: Xử lý bom mìn, vật nổ;

TCVN 10299-8:2014, Khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh - Phần 8: Bảo đảm y tế.

3. Thuật ngữ và định nghĩa

Tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa được nêu trong TCVN 10299-1:2014 và các thuật ngữ, định nghĩa sau:

3.1. An toàn (Safety)

Không xảy ra sự cố và tai nạn trong hoạt động RPBM.

3.2. Công tác an toàn (Safe procedure)

Các biện pháp nhằm phòng tránh hoặc ngăn ngừa mọi tình huống dẫn đến mất an toàn trong hoạt động RPBM.

4. Yêu cầu

4.1. Yêu cầu chung

4.1.1. Mọi hạng mục công việc trong hoạt động RPBM đều phải triệt để tuân thủ các quy định, quy tắc an toàn được ban hành bởi cơ quan có thẩm quyền trên cơ sở phương án kỹ thuật thi công và kế hoạch thi công đã được duyệt; các bước triển khai phải được tổ chức chặt chẽ, chỉ huy thống nhất theo đúng trình tự, đúng quy trình. Trong quá trình tổ chức thi công nghiêm cấm tự động thay đổi quy trình kỹ thuật. Khi cần phải thay đổi một số bước trong quy trình đã được duyệt thì phải được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền bằng văn bản.

4.1.2. Khi chưa có đầy đủ các hồ sơ (tài liệu) phương án kỹ thuật thi công được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì không được phép thi công RPBM.

4.1.3. Trong quá trình thi công RPBM phải thực hiện đúng theo phương án kỹ thuật thi công. Tuyệt đối không làm ẩu, làm tắt các bước trong quá trình dò tìm đã được thông qua.

4.1.4. Sau mỗi đợt mưa bão, gió lớn hoặc sau khi ngừng thi công nhiều ngày liền phải kiểm tra lại các điều kiện an toàn trước khi thi công tiếp, nhất là những nơi nguy hiểm có khả năng xảy ra tai nạn.

4.1.5. Phải cung cấp đầy đủ nước uống bảo đảm yêu cầu vệ sinh và các nhu yếu phẩm cần thiết khác cho những người làm việc trên công trường.

4.1.6. Trong quá trình thi công RPBM chỉ huy công trường phải chỉ đạo thực hiện các biện pháp cải thiện điều kiện lao động cho cán bộ, công nhân viên, giảm nhẹ các khâu lao động thủ công nặng nhọc; ngăn ngừa, hạn chế các yếu tố độc hại ảnh hưởng xấu đến sức khỏe hoặc gây ra các bệnh nghề nghiệp.

4.1.7. Không làm nhiệm vụ RPBM trong điều kiện thời tiết mưa, bão, sấm, sét, nóng trên 40oC, lạnh dưới 10oC và trời tối. Các trường hợp đặc biệt do cơ quan có thẩm quyền quyết định.

4.2. Con người

4.2.1. Chỉ huy các tổ chức thi công RPBM, chỉ huy công trường, đội trưởng, nhân viên phụ trách về an toàn phải được quán triệt, thực hiện đầy đủ các nguyên tắc, quy tắc, quy định về công tác an toàn.

4.2.2. Đội trưởng, tổ trưởng thi công, nhân viên phụ trách an toàn lao động... phải thực hiện đúng trách nhiệm và đầy đủ các quy định hiện hành về bảo hộ lao động.

4.2.3. Nhân viên chuyên môn kỹ thuật RPBM phải đáp ứng đầy đủ các quy định về sức khỏe theo TCVN 10299-8:2014, được trang bị đầy đủ trang thiết bị dò tìm và được cấp giấy chứng chỉ hành nghề. Ngoài ra, còn được trang bị các trang thiết bị bảo vệ an toàn lao động trong quá trình làm việc.

4.2.4. Nhân viên kỹ thuật xử lý bom mìn, vật nổ dưới nước phải thành thạo bơi lặn có chứng chỉ là thợ lặn của cơ quan có thẩm quyền cấp, có sức khỏe tốt. Ngoài ra nhân viên chuyên môn kỹ thuật lặn phải được bảo đảm đầy đủ các quy định về chế độ làm việc, bồi dưỡng và bảo vệ sức khỏe.

4.2.5. Chỉ nhân viên chuyên môn kỹ thuật biết bơi mới được làm việc trên sông nước và phải được trang bị đầy đủ các phương tiện bảo vệ an toàn cá nhân và các dụng cụ cấp cứu cần thiết khác theo đúng quy định.

4.2.6. Nhân viên chuyên môn kỹ thuật làm việc ở nơi có độ dốc nguy hiểm phải có đầy đủ các trang thiết bị bảo đảm an toàn.

4.2.7. Nhân viên chuyên môn kỹ thuật làm việc trên công trường phải sử dụng đúng chức năng các trang thiết bị bảo vệ cá nhân được cấp.

4.2.8. Nhân viên làm việc trong những điều kiện chịu ảnh hưởng của các yếu tố độc hại vượt quá tiêu chuẩn cho phép phải được bồi dưỡng tại chỗ bằng hiện vật theo đúng chế độ hiện hành.

4.2.9. Người làm nhiệm vụ RPBM không được mang các vật nhiễm từ như: Điện thoại, đồng hồ, chìa khóa...

4.2.10. Cấm hút thuốc hoặc mang các đồ dùng có nguy cơ gây cháy nổ (diêm, bật lửa, điện thoại di động...), uống các đồ uống có chất kích thích như: Rượu, bia, chất có cồn... trong khi đang làm nhiệm vụ.

4.2.11. Người làm nhiệm vụ dò tìm chỉ đi lại trong khu vực đã được phân công, không tùy tiện đi lại tự do trong khu vực thi công.

4.3. Trang thiết bị

4.3.1. Phải được kiểm định đạt các yêu cầu kỹ thuật và còn thời hạn sử dụng.

4.3.2. Các phương tiện, trang bị bảo vệ cá nhân phải phù hợp với điều kiện làm việc theo quy định.

4.3.3. Phải chuẩn bị đầy đủ trang bị, thuốc men, con người, phương tiện sẵn sàng cho công tác cấp cứu khi sự cố xảy ra.

4.3.4. Các trang thiết bị lặn phải đạt yêu cầu về an toàn kỹ thuật.

4.3.5. Các trang thiết bị xử lý, thiết bị trục vớt, trang bị bảo hộ an toàn, vật tư phải đúng, đủ theo biên chế.

4.3.6. Trước mỗi ca làm việc, các loại trang thiết bị phải được kiểm tra lại tình trạng kỹ thuật đạt yêu cầu mới đưa vào sử dụng.

4.3.7. Tàu thuyền làm nhiệm vụ dò tìm chỉ được đi lại trong khu vực dò theo đúng các vị trí đã được phân công.

4.3.8. Tàu thuyền lạ khi qua lại gần khu vực hoạt động RPBM phải giảm tốc độ và di chuyển cách xa vành đai an toàn ít nhất 50 m.

5. An toàn trong chuẩn bị mặt bằng thi công rà phá bom mìn, vật nổ

5.1. Xung quanh khu vực thi công RPBM phải có biển báo và bố trí các trạm cảnh giới không cho người, súc vật, phương tiện không có nhiệm vụ vào công trường.

5.2. Lán trại và các công trình phụ trợ trong khu vực thi công RPBM phải được bố trí, sắp xếp phù hợp, khoa học.

5.3. Vị trí cất giữ bom mìn, vật nổ tìm được phải bố trí ở nơi phù hợp, xa nhà dân và các công trình liền kề khác. Phải bố trí người canh gác 24 h/24 h.

6. An toàn trong rà phá bom mìn, vật nổ

6.1. An toàn trong phát quang dọn mặt bằng

6.1.1. Khi phát quang dọn mặt bằng bằng thủ công thì khoảng cách giữa hai người gần nhất tối thiểu phải là 25 m.

6.1.2. Khi dọn mặt bằng bằng thủ công kết hợp với đốt bằng xăng, dầu phải có biện pháp đảm bảo không cho cháy lan, phải tổ chức cảnh giới chặt chẽ, mọi người phải ở vị trí ẩn nấp. Sau khi đốt ít nhất 4 h mới được vào khu vực để triển khai các công việc tiếp theo.

6.1.3. Khi dọn mặt bằng bằng thủ công kết hợp với thuốc nổ phải đảm bảo cự ly an toàn cho người, trang thiết bị và công trình xung quanh.

6.1.4. Khi chuẩn bị mặt bằng dưới nước phải có đủ các trang thiết bị an toàn, kiểm tra độ sâu nước, tốc độ dòng chảy, thủy triều trong ngày và các yếu tố khác để không ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ.

6.2. An toàn trong dò tìm

6.2.1. Trước mỗi ca làm việc, các nhân viên RPBM phải làm công tác kiểm tra lại số lượng, tình trạng kỹ thuật của tất các loại trang thiết bị (máy dò bom, máy dò mìn, thuốn, dao nhỏ, xẻng, các loại chốt an toàn, dụng cụ tháo gỡ bom mìn, vật nổ chuyên dụng...) đạt yêu cầu và ở tình trạng kỹ thuật tốt.

6.2.2. Phải làm đúng các bước trong quy trình RPBM.

6.2.3. Phải phát quang dọn mặt bằng sạch sẽ mới được tiến hành dò tìm.

6.2.4. Nhân viên sử dụng máy trong quá trình dò tìm phải giữ đúng khoảng cách an toàn theo quy định.

6.3. An toàn trong đào đất, xử lý tín hiệu

6.3.1. Chỉ những người được đào tạo cơ bản và được cấp chứng chỉ, có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, có tâm lý ổn định, có ý thức tổ chức kỷ luật tốt, có tinh thần trách nhiệm cao, có sức khỏe tốt và tác phong công tác thận trọng tỷ mỷ mới được thực hiện công việc đào đất, xử lý tín hiệu.

6.3.2. Người đào kiểm tra xử lý tín hiệu phải thực hiện theo các bước trong quy trình đã được ban hành.

6.3.3. Trước khi đào đất, nhân viên kỹ thuật phải xem xét trạng thái của đất và kiểm tra tín hiệu để có biện pháp đào thích hợp.

6.3.4. Khi đào xử lý tín hiệu ở những khu vực dễ xảy ra sạt lở, phải có biện pháp đề phòng và kịp thời cấp cứu khi xảy ra tai nạn.

6.3.5. Phải mang đầy đủ trang thiết bị bảo vệ cá nhân.

6.3.6. Các dụng cụ cầm tay phải bảo đảm chắc chắn.

6.3.7. Đất đào dưới đáy hố phải đổ vào vị trí cách miệng hố đào ít nhất là 0,5 m. Đất đổ lên miệng hố đào phải có độ dốc để không sạt lở.

6.3.8. Khi đào đất ở sườn dốc phải có biện pháp chống đất, đá lăn bất ngờ.

6.3.9. Đào hố sâu hơn 2 m phải bố trí ít nhất là hai người cùng làm việc, nhưng phải đứng xa nhau để có thể cấp cứu kịp thời khi xảy ra tai nạn bất ngờ.

6.3.10. Không bố trí người làm việc trên miệng hố đào sâu trong khi đang có người làm việc ở bên dưới hố đào mà đất, đá có thể rơi, lở xuống người ở dưới.

6.3.11. Không ngồi nghỉ ở cạnh hố đào hoặc thành đất đắp.

6.3.12. Các vị trí tìm thấy bom mìn, vật nổ phải được cắm cờ (hoặc biển báo) và chỉ có người làm nhiệm vụ xử lý mới được vào khi được chỉ huy công trường giao nhiệm vụ.

6.3.13. Khoảng cách an toàn tối thiểu giữa hai nhân viên xử lý phải nằm ngoài bán kính sát thương lớn nhất của loại mìn có trong khu vực nhưng không nhỏ hơn 15 m.

6.3.14. Khi tiến hành xử lý tín hiệu chỉ được phép một người thực hiện, nếu phát hiện thấy loại bom mìn, vật nổ lạ thì phải giữ nguyên hiện trường, kịp thời báo cáo người chỉ huy trực tiếp biết để tìm biện pháp xử lý.

6.3.15. Trường hợp bom mìn, vật nổ dò tìm được nhưng chưa thể đào và xử lý ngay trong ngày thì phải cắm cờ, các loại biển báo theo quy định và tổ chức canh gác cho đến khi nào xử lý xong.

6.4. An toàn trong công tác thu gom và vận chuyển

6.4.1. Khi vận chuyển vật tư, máy móc, trang thiết bị và bom mìn, vật nổ tìm được trong RPBM tùy thuộc vào loại phương tiện vận chuyển phải thực hiện nghiêm luật lệ an toàn giao thông đường bộ do Bộ Giao thông vận tải ban hành.

6.4.2. Trước khi bốc xếp vận chuyển các loại vật tư, máy móc, trang thiết bị nào phải xem xét kỹ, kích thước, khối lượng và quãng đường vận chuyển để xác định phương tiện vận chuyển đảm bảo an toàn.

6.4.3. Nhân viên bốc xếp vận chuyển phải có đủ sức khỏe theo quy định đối với từng loại công việc.

6.4.4. Bãi bốc xếp phải thuận lợi, quy định tuyến đường cho người và các loại phương tiện bốc xếp đi lại thuận tiện và bảo đảm an toàn.

6.4.5. Việc vận chuyển bom mìn, vật nổ nguy hiểm dễ cháy nổ phải sử dụng các phương tiện vận tải phù hợp với quy định hiện hành.

6.4.6. Bốc xếp trang thiết bị, vật tư không đủ ánh sáng tự nhiên phải được chiếu sáng đầy đủ. Khi bốc xếp bom mìn, vật nổ nguy hiểm dễ cháy nổ phải có đèn chống cháy nổ chuyên dụng.

6.4.7. Bom mìn, vật nổ thu được khi xếp trên phương tiện vận chuyển và mang đi tiêu hủy phải nằm ngang với hướng xe chạy, phải được chèn buộc chắc chắn, tránh để xê dịch trong quá trình vận chuyển, không được xếp quá 2/3 tải trọng của phương tiện vận chuyển.

6.4.8. Khi di chuyển các loại bom mìn, vật nổ to, nặng phải dùng đòn có dây néo bảo đảm chắc chắn không được làm trực tiếp bằng tay.

6.4.9. Thùng xe vận chuyển bom mìn, vật nổ phải được lót một lớp cát dày trên 10 cm.

6.4.10. Không được chở bom mìn, vật nổ cùng với xăng, dầu và nhiên liệu khác dễ cháy nổ.

6.4.11. Xe vận chuyển bom mìn, vật nổ tối đa chỉ gồm 3 người: Lái chính, cán bộ áp tải và lái phụ (khi cần).

6.4.12. Trên phương tiện vận chuyển bom mìn, vật nổ thu được phải được xếp các bao cát xung quanh để bảo vệ an toàn cho người trên ca bin (xếp ở phần thùng tiếp giáp ca bin xe).

6.4.13. Xe vận chuyển bom mìn, vật nổ không được đi qua thành phố, nơi tập trung đông người. Nếu bắt buộc phải đi qua thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của cấp có thẩm quyền, phải đi vào ban đêm, lúc vắng người và phải hợp đồng chặt chẽ về tuyến đường đi với cơ quan có trách nhiệm. Xe không được phép đỗ, dừng ở chỗ đông người hoặc gần khu vực có kho tàng trong vòng bán kính nguy hiểm.

6.4.14. Không được mang các loại bom mìn, vật nổ thu gom được trong khi dò tìm về nhà ở và nơi nghỉ ngơi sinh hoạt.

6.4.15. Đăng ký ghi chép đầy đủ vào sổ theo dõi và nhật ký thi công tránh nhầm lẫn hoặc bỏ sót bom mìn, vật nổ.

6.5. An toàn trong trục vớt bom mìn, vật nổ

6.5.1. Chỉ trục vớt bom mìn, vật nổ đã xử lý an toàn.

6.5.2. Khi trục vớt bom mìn, vật nổ phải dùng thiết bị trục vớt chuyên dụng.

6.5.3. Kéo từ từ vật nổ lên khỏi mặt nước sau đó đưa lên thuyền composit, thuyền cao su hoặc thuyền gỗ, thùng gỗ trên tàu lớn...

6.5.4. Định vị, chèn chặt vật nổ trên thuyền, cố định các vị trí đầu nổ, tránh va chạm.

6.6. An toàn trong xử lý bom mìn, vật nổ

6.6.1. Phải có phương án hủy bom mìn, vật nổ được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

6.6.2. Các phương pháp xử lý phải tuân thủ theo TCVN 10299-7:2014.

6.6.3. Tùy từng loại bom mìn, vật nổ thu được trong dò tìm mà chọn phương pháp hủy.

6.6.4. Khi tổ chức hủy bom mìn, vật nổ phải tuân thủ tuyệt đối quy tắc an toàn, quy trình về tiêu hủy bom mìn, vật nổ đã được ban hành.

6.6.5. Khu vực bố trí bãi hủy bom mìn, vật nổ phải có các trạm cảnh giới an toàn ở các vị trí cần thiết. Phải có các vị trí ẩn nấp bảo đảm an toàn cho lực lượng làm nhiệm vụ, chỉ huy bãi hủy và các vị trí cảnh giới.

6.6.6. Các loại bom mìn, vật nổ không tháo gỡ được thì hủy tại chỗ (nếu điều kiện cho phép).

6.6.7. Việc hủy bom mìn, vật nổ tại chỗ chỉ được thực hiện vào cuối ca mỗi buổi làm việc.

6.6.8. Sau khi kết thúc mỗi đợt hủy phải tổ chức kiểm tra an toàn toàn bộ khu vực bãi hủy trước khi rút quân.

6.7. Thời gian làm việc

6.7.1. Nhân viên dò tìm, đào và xử lý làm việc tổng cộng không quá 6 h/ngày.

6.7.2. Nhân viên lặn xử lý tín hiệu dưới nước làm việc không quá 4 h/ngày.

7. Trách nhiệm của người chỉ huy rà phá bom mìn, vật nổ

7.1. Chỉ huy trưởng công trường là người chịu trách nhiệm trực tiếp trước cấp trên, trước pháp luật về việc tổ chức thực hiện thi công RPBM tại hiện trường. Khi chưa có đầy đủ các hồ sơ tài liệu, phương án kỹ thuật, kế hoạch tổ chức thi công và các biện pháp đảm bảo an toàn lao động thì không được phép thi công.

7.2. Khi triển khai hoạt động RPBM người chỉ huy phải luôn có mặt tại hiện trường thường xuyên nhắc nhở, đôn đốc, kiểm tra và chấn chỉnh việc chấp hành đúng phương án thi công, đúng quy trình kỹ thuật, quy tắc an toàn bảo đảm không bỏ sót bom mìn, vật nổ; không để xảy ra mất an toàn trong khi thi công RPBM.

7.3. Phải nắm chắc phương án sơ tán cấp cứu, các biện pháp xử lý mọi tình huống khi xảy ra sự cố mất an toàn, không để bị động, bất ngờ.

7.4. Quy định người phụ trách, hướng dẫn và giám sát về an toàn lao động một cách chặt chẽ.

7.5. Kiểm tra việc cung cấp các phương tiện bảo vệ cá nhân đúng chế độ quy định.

7.6. Trách nhiệm về thực hiện các yêu cầu an toàn khi sử dụng máy móc, trang thiết bị (dụng cụ, thiết bị thi công) kể cả các phương tiện bảo vệ tập thể và bảo vệ cá nhân cho những người làm việc quy định như sau:

- Tình trạng kỹ thuật của máy móc, trang thiết bị thuộc trách nhiệm của đơn vị quản lý;

- Việc tuân theo các yêu cầu về bảo hộ lao động khi thi công hoạt động RPBM thuộc trách nhiệm của đơn vị tiến hành thi công.

7.7. Các tổ chức cá nhân khác khi có cùng phối hợp hoạt động RPBM phải được phổ biến nội quy an toàn và có người hướng dẫn.

7.8. Công trường thi công RPBM phải có sổ nhật ký an toàn lao động và ghi đầy đủ tình hình sự cố, tai nạn, biện pháp khắc phục và xử lý (nếu có) trong quá trình thi công.

MỤC LỤC

Lời nói đầu

1. Phạm vi áp dụng

2. Tài liệu viện dẫn

3. Thuật ngữ và định nghĩa

4. Yêu cầu

4.1. Yêu cầu chung

4.2. Con người

4.3. Trang thiết bị

5. An toàn trong chuẩn bị mặt bằng thi công rà phá bom mìn, vật nổ

6. An toàn trong rà phá bom mìn, vật nổ

6.1. An toàn trong phát quang dọn mặt bằng

6.2. An toàn trong dò tìm

6.3. An toàn trong đào đất, xử lý tín hiệu

6.4. An toàn trong công tác thu gom và vận chuyển

6.5. An toàn trong trục vớt bom mìn, vật nổ

6.6. An toàn trong xử lý bom mìn, vật nổ

6.7. Thời gian làm việc

7. Trách nhiệm của người chỉ huy rà phá bom mìn, vật nổ

Click Tải về để xem toàn văn Tiêu chuẩn Việt Nam nói trên.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

văn bản mới nhất

×
Vui lòng đợi