Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước
thuộc tính Nghị định
Lĩnh vực: | An ninh quốc gia |
Loại dự thảo: | Nghị định |
Cơ quan chủ trì soạn thảo: | Bộ Công an |
Trạng thái: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước về xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước; sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước; giao, nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước; mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ; địa điểm tổ chức, phương án bảo vệ và sử dụng các phương tiện, thiết bị tại hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước; chế độ báo cáo về công tác bảo vệ bí mật nhà nước và phân công người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ bí mật nhà nước.Dự thảo này đã được thông qua, xem văn bản chính thức tại đây.
Tải Nghị định
CHÍNH PHỦ Số: /2019/NĐ-CP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc |
DỰ THẢO 2 | Hà Nội, ngày … tháng … năm 2019 |
NGHỊ ĐỊNH
Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Bảo vệ bí mật nhà nước số 29/2018/QH14 ngày 15 tháng 11 năm 2018;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước về xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước; sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước; giao, nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước; mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ; địa điểm tổ chức, phương án bảo vệ và sử dụng các phương tiện, thiết bị tại hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước; chế độ báo cáo về công tác bảo vệ bí mật nhà nước và phân công người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ bí mật nhà nước.
Điều 2. Xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước
1. Người soạn thảo tài liệu, tạo ra vật chứa bí mật nhà nước phải có văn bản đề xuất người đứng đầu cơ quan, tổ chức xác định độ mật của bí mật nhà nước, phạm vi lưu hành, được phép hoặc không được phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước và có trách nhiệm bảo vệ nội dung bí mật nhà nước trong quá trình soạn thảo, tạo ra. Trường hợp tiếp nhận thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, người tiếp nhận được giao xử lý phải có trách nhiệm bảo vệ thông tin và đề xuất người đứng đầu cơ quan, tổ chức xác định bí mật nhà nước, độ mật của bí mật nhà nước; nếu thông tin tiếp nhận không thuộc chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức thì chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để xử lý.
2. Mực dùng để đóng các loại con dấu chỉ độ mật là mực màu đỏ. Mẫu dấu chỉ độ mật, văn bản xác định độ mật và vị trí đóng dấu chỉ độ mật được thực hiện theo quy định của Bộ Công an.
Điều 3. Sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước
1. Việc sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải tiến hành ở nơi bảo đảm an toàn do lãnh đạo của cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý bí mật nhà nước quy định. Việc sao, chụp phải được ghi vào “Sổ quản lý sao, chụp bí mật nhà nước”.
2. Tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước sau khi được sao, chụp phải đóng dấu sao, chụp hoặc có văn bản ghi nhận việc sao, chụp.
3. Mẫu dấu sao, chụp bí mật nhà nước; sổ quản lý sao, chụp bí mật nhà nước và vị trí đóng dấu sao, chụp được thực hiện theo quy định của Bộ Công an.
Điều 4. Giao, nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước
1. Việc giao tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước được thực hiện như sau:
a) Trước khi giao, tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải vào “Sổ quản lý bí mật nhà nước đi”. Đối với tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước có độ “Tuyệt mật” chỉ ghi trích yếu khi người có trách nhiệm xác định bí mật nhà nước đồng ý;
b) Tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải làm bì hoặc đóng gói riêng. Giấy làm bì phải dùng loại giấy dai, bền, khó thấm nước, không nhìn thấu qua được; hồ dán phải dính, khó bóc;
Trường hợp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước thuộc độ “Tuyệt mật” phải được gửi bằng hai lớp phong bì: Bì trong ghi rõ số, ký hiệu của tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước, tên người nhận, đóng dấu Tuyệt mật ở ngoài bì; trường hợp gửi đích danh người có trách nhiệm giải quyết thì đóng dấu “Chỉ người có tên mới được bóc bì”. Bì ngoài ghi như gửi tài liệu thường và đóng dấu ký hiệu chữ “A”;
Tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước độ “Tối mật” và “Mật” được gửi bằng một lớp bì, bên ngoài bì có đóng dấu chữ “B” và chữ “C” tương ứng với độ mật của tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước bên trong;
c) Việc giao tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải được quản lý bằng “Sổ chuyển giao bí mật nhà nước”.
2. Việc nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước được thực hiện như sau:
a) Người nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải vào “Sổ quản lý bí mật nhà nước đến”;
b) Trường hợp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước mà phong bì có dấu “Chỉ người có tên mới được bóc bì”, người nhận vào sổ theo ký hiệu ngoài bì, không được mở bì và phải chuyển ngay đến người có tên trên phong bì. Nếu người có tên trên phong bì đi vắng và trên phong bì có thêm dấu “Hỏa tốc” thì chuyển đến lãnh đạo cơ quan, tổ chức hoặc người được lãnh đạo cơ quan, tổ chức ủy quyền giải quyết;
c) Trường hợp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước được gửi đến mà không thực hiện đúng quy định bảo vệ bí mật nhà nước thì chuyển đến người có trách nhiệm giải quyết, đồng thời phải thông báo nơi gửi biết để rút kinh nghiệm và có biện pháp khắc phục kịp thời. Nếu phát hiện tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước gửi đến có dấu hiệu bóc, mở bì hoặc bị tráo đổi, mất, hư hỏng thì người nhận phải báo cáo ngay người đứng đầu cơ quan, tổ chức để có biện pháp xử lý kịp thời.
3. Trường hợp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước có đóng dấu “Tài liệu thu hồi”, phải thu hồi và gửi lại đúng thời hạn ghi trên văn bản.
4. Tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước có thể được đăng ký bằng cơ sở dữ liệu quản lý trên máy tính và phải được in ra giấy để ký nhận và đóng sổ để quản lý. Cơ sở dữ liệu phải bảo đảm đầy đủ các nội dung theo mẫu sổ quy định tại khoản 5 Điều này.
Máy tính dùng để đăng ký tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước không được nối mạng Internet, mạng máy tính và mạng viễn thông trừ trường hợp thực hiện theo quy định pháp luật về cơ yếu.
5. Mẫu sổ quản lý bí mật nhà nước đến, sổ quản lý bí mật nhà nước đi và sổ chuyển giao bí mật nhà nước được thực hiện theo quy định của Bộ Công an.
Điều 5. Mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ
1. Người mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ để phục vụ công tác trong nước, nước ngoài phải có văn bản xin phép người có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 14 của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước. Khi kết thúc nhiệm vụ phải báo cáo người có thẩm quyền cho phép mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ và nộp lại cơ quan, tổ chức.
2. Văn bản xin phép mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ để phục vụ công tác trong nước, nước ngoài phải nêu rõ họ, tên, chức vụ, đơn vị công tác; độ mật của bí mật nhà nước; mục đích sử dụng; thời gian, địa điểm công tác; biện pháp bảo vệ bí mật nhà nước.
Điều 6. Địa điểm, phương tiện, thiết bị và phương án bảo vệ hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước
1. Địa điểm tổ chức hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước
a) Tổ chức tại địa điểm thuộc trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức hoặc ngoài trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức. Trường hợp tổ chức ở ngoài trụ sở làm việc phải tổ chức kiểm tra an ninh, an toàn trong và ngoài khu vực diễn ra hội nghị, hội thảo, cuộc họp;
b) Nơi tổ chức hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước phải bảo đảm an toàn.
2. Phương tiện, thiết bị sử dụng trong hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước
a) Hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước phải sử dụng micro có dây và các phương tiện, thiết bị có nguồn gốc rõ ràng.
b) Người tham dự không được mang thiết bị có tính năng thu, phát tin, ghi âm, ghi hình vào trong hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước độ Tuyệt mật, Tối mật. Đối với hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước độ Mật việc sử dụng phương tiện, thiết bị được thực hiện theo yêu cầu của người chủ trì;
c) Trong trường hợp cần thiết, cơ quan, tổ chức chủ trì tổ chức hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước có thể sử dụng thiết bị kỹ thuật để ngăn chặn hoạt động xâm nhập, thu tin từ bên ngoài.
3. Phương án bảo vệ hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước
a) Hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước độ Tuyệt mật, Tối mật phải bố trí lực lượng canh gác, bảo vệ bên ngoài; trong trường hợp đặc biệt phải dự kiến các tình huống phức tạp có thể xảy ra, ảnh hưởng đến an ninh, an toàn trong quá trình tổ chức hội nghị, hội thảo, cuộc họp và phương án giải quyết, xử lý;
b) Hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước tổ chức dài ngày, nếu cần thiết có thể niêm phong phòng họp sau mỗi ngày tổ chức hội nghị, hội thảo, cuộc họp;
c) Cơ quan, tổ chức chủ trì tổ chức hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước độ Tuyệt mật phải có biện pháp phù hợp kiểm tra an ninh, an toàn đối với người tham dự.
Điều 7. Phân công người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ bí mật nhà nước
1. Người thực hiện nhiệm vụ chuyên trách bảo vệ bí mật nhà nước được bố trí tại Văn phòng hoặc đơn vị hành chính, tổng hợp thuộc các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương; người kiêm nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước được bố trí tại các đơn vị trực thuộc cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương.
2. Việc bố trí người thực hiện nhiệm vụ chuyên trách, kiêm nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước của lực lượng vũ trang được thực hiện theo quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
3. Người thực hiện nhiệm vụ chuyên trách và kiêm nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước phải đáp ứng tiêu chuẩn sau:
a) Có phẩm chất đạo đức tốt, có đủ tiêu chuẩn chính trị, có kiến thức pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước;
b) Có trách nhiệm giữ gìn bí mật nhà nước; phục tùng sự phân công, điều động của cơ quan, tổ chức và thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao.
4. Người thực hiện nhiệm vụ chuyên trách, kiêm nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước được hưởng chế độ, quyền lợi và phụ cấp ưu đãi theo quy định của pháp luật.
Điều 8. Chế độ báo cáo về công tác bảo vệ bí mật nhà nước
1. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương phải thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo về công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong phạm vi quản lý của mình gửi Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Bộ Công an theo thời hạn như sau:
a) Báo cáo tổng kết năm năm một lần; báo cáo sơ kết một năm một lần;
b) Báo cáo đột xuất được thực hiện ngay sau khi phát hiện vụ lộ, mất bí mật nhà nước.
2. Bộ Công an có trách nhiệm giúp Chính phủ tổng kết năm năm một lần, sơ kết một năm một lần về công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong phạm vi toàn quốc.
Điều 9. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày… tháng… năm…
2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận: - - Lưu: VT,… | TM. CHÍNH PHỦ THỦ TƯỚNG |