Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Công an nhân dân 2018 về công nghiệp an ninh

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tải về
Mục lục
Tìm từ trong trang
Tải dự thảo
Lưu
Báo lỗi
  • Báo lỗi
  • Gửi liên kết tới Email
  • Chia sẻ:
  • Chế độ xem: Sáng | Tối
  • Thay đổi cỡ chữ:
    17
Ghi chú

thuộc tính Nghị định

Dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Công an nhân dân năm 2018 về công nghiệp an ninh lần 2
Lĩnh vực: An ninh quốc gia Loại dự thảo:Nghị định
Cơ quan chủ trì soạn thảo: Bộ Công anTrạng thái:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Công an nhân dân năm 2018 về công nghiệp an ninh, bao gồm nguyên tắc xây dựng và phát triển công nghiệp an ninh; nhiệm vụ, tổ chức hoạt động công nghiệp an ninh; quy hoạch, kế hoạch, nguồn lực xây dựng và phát triển công nghiệp an ninh; chính sách đối với công nghiệp an ninh; quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý và thực hiện nhiệm vụ công nghiệp an ninh.
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Trạng thái: Đã biết
Ghi chú

CHÍNH PHỦ

Số:             /2019/NĐ-CP

DỰ THẢO 2

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 


NGHỊ ĐỊNH

Hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Công an nhân dân

 năm 2018 về công nghiệp an ninh

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015;

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015;

Căn cứ Luật Công an nhân dân năm 2018;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an,

Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Công an nhân dân năm 2018 về công nghiệp an ninh.

 

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Công an nhân dân năm 2018 về công nghiệp an ninh, bao gồm nguyên tắc xây dựng và phát triển công nghiệp an ninh; nhiệm vụ, tổ chức hoạt động công nghiệp an ninh; quy hoạch, kế hoạch, nguồn lực xây dựng và phát triển công nghiệp an ninh; chính sách đối với công nghiệp an ninh; quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý và thực hiện nhiệm vụ công nghiệp an ninh.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động công nghiệp an ninh của Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Công nghiệp an ninh: Công nghiệp an ninh là một bộ phận của công nghiệp quốc phòng, an ninh, phục vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và xây dựng Công an nhân dân. Nòng cốt của công nghiệp an ninh do Bộ Công an quản lý, bao gồm hệ thống các cơ sở nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, phát triển các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, thiết bị, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ phục vụ yêu cầu công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng Công an nhân dân, các lực lượng thực thi pháp luật khác, đồng thời đáp ứng một phần nhu cầu dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội.

2. Phát triển công nghiệp an ninh: Là việc đầu tư, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ, kỹ thuật để phát triển tiềm lực quốc gia về nghiên cứu, chế tạo, sản xuất vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, thiết bị, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ phục vụ công tác, chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân và các lực lượng thực thi pháp luật khác.

3. Sản phẩm công nghiệp an ninh chuyên dụng: Là những sản phẩm có tính năng đặc thù, được pháp luật quy định việc thiết kế, chế tạo, sản xuất những sản phẩm này để phục vụ các yêu cầu công tác cần giữ bí mật nghiệp vụ, yêu cầu chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân và các lực lượng thực thi pháp luật khác. 

4. Sản phẩm công nghiệp an ninh lưỡng dụng: Là sản phẩm được thiết kế, chế tạo, sản xuất để phục vụ cho các công tác thường xuyên của lực lượng Công an nhân dân, các lực lượng thực thi pháp luật và cho nhu cầu đảm bảo an ninh, an toàn, phòng chống tội phạm và các nhu cầu hợp pháp khác của toàn xã hội.

5. Phương tiện, thiết bị, vật tư kỹ thuật nghiệp vụ:

- Nhóm phương tiện chuyên dụng (bộ, thủy); phương tiện cơ động đặc chủng;

- Nhóm thiết bị cơ khí, vũ khí, công cụ hỗ trợ;

- Nhóm thiết bị, sản phẩm hóa học, sinh học, tài liệu nghiệp vụ;

- Nhóm thiết bị điện tử;

- Nhóm thiết bị quang học, lazer;

- Nhóm thiết bị viễn thông, tin học;

- Nhóm thiết bị đo lường, so sánh;

- Nhóm thiết bị, sản phẩm phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ cứu nạn;

- Nhóm thiết bị vật tư khác.

Điều 4. Nhiệm vụ của công nghiệp an ninh

1. Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, phát triển sản phẩm là vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, thiết bị, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, phương tiện khác phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự.

2. Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, phát triển, kinh doanh các sản phẩm công nghiệp an ninh lưỡng dụng vừa phục vụ yêu cầu công tác chiến đấu, vừa đáp ứng nhu cầu cho thị trường.

Điều 5. Nguyên tắc xây dựng và phát triển công nghiệp an ninh

1. Đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Chính phủ. Tập trung hiện đại hóa trang bị cho các lực lượng An ninh, Tình báo, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn.

2. Góp phần phục vụ mục tiêu, nhiệm vụ, chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, đáp ứng cao nhất yêu cầu trang bị cho lực lượng Công an nhân dân, các lực lượng thực thi pháp luật khác và nhu cầu hợp pháp của thị trường.

3. Tận dụng tối đa năng lực của nền công nghiệp quốc gia và công nghiệp quốc phòng, tránh trùng dẫm, lãng phí. Ưu tiên các sản phẩm có trình độ khoa học, công nghệ tiên tiến, bảo đảm bí mật, an toàn, hiệu quả và bảo vệ môi trường.

4. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh, trên cơ sở phát huy nội lực kết hợp với mở rộng hợp tác quốc tế.

5. Tuân thủ các quy định của pháp luật về sản xuất, quản lý, kinh doanh các sản phẩm là vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và các quy định của pháp luật về những ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự.

Điều 6. Hợp tác quốc tế về công nghiệp an ninh

1. Nguyên tắc hợp tác quốc tế về công nghiệp an ninh bao gồm:

a) Nhà nước tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động công nghiệp an ninh trên một số lĩnh vực theo nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; bình đẳng và cùng có lợi; phù hợp với pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

b) Bảo đảm bí mật nhà nước về an ninh, quốc phòng;

c) Ưu tiên lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến, hiện đại và thân thiện với môi trường;

d) Tuân thủ các quy định của pháp luật về tổ chức, quản lý các hoạt động đối ngoại Nhà nước; quy chế xuất nhập khẩu, mua sắm hàng hóa phục vụ an ninh và các quy định khác liên quan đến công nghiệp an ninh.

2. Nội dung hợp tác quốc tế về công nghiệp an ninh bao gồm:

a) Thiết lập, củng cố và phát triển mối quan hệ hợp tác với Chính phủ, các tổ chức, cá nhân nước ngoài;

b) Trao đổi thông tin, tài liệu kỹ thuật và chuyển giao công nghệ phục vụ xây dựng và phát triển công nghiệp an ninh;

c) Các hoạt động liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư sản xuất, phát triển sản phẩm; nghiên cứu ứng dụng, triển khai sản xuất phục vụ công nghiệp an ninh;

d) Đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp an ninh.

Điều 7. Sản phẩm công nghiệp an ninh chuyên dụng phục vụ công tác công an

1. Những sản phẩm có các tiêu chí dưới đây được xác định là sản phẩm công nghiệp an ninh chuyên dụng phục vụ công tác công an:

a) Là sản phẩm cần thiết phục vụ công tác, chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân, có những tính năng đặc thù phù hợp với tính chất, đặc điểm, yêu cầu nghiệp vụ của các lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội;

b) Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đặt hàng, giao kế hoạch, nhiệm vụ sản xuất theo quy định của nhà nước;

c) Được pháp luật quy định rõ về công tác quản lý và sử dụng (đối tượng được sử dụng; trường hợp sử dụng).

2. Danh mục sản phẩm công nghiệp an ninh chuyên dụng phục vụ công tác công an được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

3. Trong từng thời kỳ, căn cứ vào nhu cầu thực tế, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trình Chính phủ quyết định việc sửa đổi, bổ sung Danh mục sản phẩm công nghiệp an ninh chuyên dụng phục vụ công tác công an.

Điều 8. Các hành vi nghiêm cấm và xử lý vi phạm

1. Các hành vi nghiêm cấm:

a) Tiết lộ bí mật nhà nước về quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp an ninh, kết quả khoa học, công nghệ có liên quan đến công nghiệp an ninh, nhiệm vụ sản xuất sản phẩm phục vụ công tác, chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân;

b) Khai thác, sử dụng trái phép thiết bị và tài sản do Nhà nước giao cho cơ sở công nghiệp an ninh;

c) Mua, bán, tàng trữ, sử dụng trái phép những sản phẩm công nghiệp an ninh chuyên dụng do công nghiệp an ninh sản xuất;

d) Sử dụng và chuyển giao trái phép những thông tin, tài liệu, sáng chế, quy trình và bí quyết công nghệ thuộc bí mật nhà nước về công nghiệp an ninh;

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi trái pháp luật trong hoạt động công nghiệp an ninh.

2. Xử lý vi phạm: Mọi tổ chức và cá nhân vi phạm các hành vi nghiêm cấm tại khoản (1) Điều này phải được phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

 

Chương II

TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG CÔNG NGHIỆP AN NINH

Điều 9. Cơ sở công nghiệp an ninh

1. Cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt:

a) Là các cơ sở nghiên cứu, chế tạo, sửa chữa, sản xuất, phát triển các sản phẩm công nghiệp an ninh chuyên dụng và lưỡng dụng được Nhà nước đầu tư, trực tiếp phục vụ nhiệm vụ công tác, chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân, làm nòng cốt xây dựng và phát triển công nghiệp an ninh do Bộ Công an trực tiếp quản lý;

b) Hệ thống cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt bao gồm:

- Các cơ sở nghiên cứu; cơ sở ứng dụng, thí nghiệm khoa học, công nghệ được tổ chức thành đơn vị sự nghiệp công lập;

- Các cơ sở chế tạo, sản xuất, lắp ráp sản phẩm công nghiệp an ninh được Nhà nước đầu tư toàn bộ, trực tiếp phục vụ nhiệm vụ công tác, chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân và các lực lượng thực thi pháp luật khác do Bộ Công an quản lý;

- Các cơ sở nghiên cứu, chế tạo, sản xuất sản phẩm công nghiệp an ninh được hình thành trên cơ sở kết hợp giữa công nghiệp an ninh do Bộ Công an quản lý và công nghiệp quốc phòng do Bộ Quốc phòng quản lý;

- Các cơ sở nghiên cứu, chế tạo, sản xuất sản phẩm công nghiệp an ninh được thành lập trên cơ cở hợp tác kinh doanh giữa Bộ Công an với các thành phần kinh tế khác (trong đó phần vốn của Nhà nước chiếm trên 50% giá trị hợp tác).

2. Cơ sở công nghiệp an ninh lưỡng dụng: Là các cơ sở sản xuất, phát triển những sản phẩm công nghiệp an ninh lưỡng dụng hoặc sản xuất những chi tiết, bộ phận của sản phẩm công nghiệp an ninh chuyên dụng do các chủ thể kinh tế ngoài ngành Công an đầu tư, quản lý.

3. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan lập danh sách các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng, chế tạo, sản xuất thuộc hệ thống các cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Điều 10. Hoạt động của cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt

1. Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, phát triển các sản phẩm là vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, thiết bị, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ và các sản phẩm chuyên dụng khác phục vụ nhiệm vụ công tác, chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân theo đặt hàng hoặc giao kế hoạch, giao nhiệm vụ sản xuất.

2. Tổ chức chuyển giao công nghệ, giải mã công nghệ, đào tạo, huấn luyện nhân lực phục vụ cho mục tiêu phát triển công nghiệp an ninh.

3. Chuẩn bị các điều kiện về nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, phát triển sản phẩm mới và yêu cầu dự trữ, dự phòng cho các tình huống đột xuất về an ninh trật tự.

4. Liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để nghiên cứu, chế tạo, sản xuất các sản phẩm công nghiệp an ninh chuyên dụng và lưỡng dụng phục vụ công tác, chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân và tham gia phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của pháp luật.

5. Các cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt được quản lý, hoạt động theo quy định của pháp luật.

Điều 11. Hoạt động của cơ sở công nghiệp an ninh lưỡng dụng

1. Các cơ sở công nghiệp an ninh lưỡng dụng được thành lập và hoạt động bởi nhiều thành phần kinh tế, tuân thủ các quy định của Luật Doanh nghiệp và các quy định khác của pháp luật; được tham gia nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ phục vụ cho nhiệm vụ phát triển công nghiệp an ninh trên cơ sở hợp tác hoặc theo đặt hàng của Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ Công an.

2. Hàng năm, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng rà soát, lập danh mục và năng lực sản xuất của các cơ sở công nghiệp an ninh lưỡng dụng để xây dựng phương án đặt hàng, phương án liên danh, liên kết nhằm tránh đầu tư trùng lặp, lãng phí.

Điều 12. Doanh nghiệp tham gia phát triển công nghiệp an ninh

1. Các doanh nghiệp an ninh được tổ chức và hoạt động theo Nghị định 93/2015/NĐ-CP, ngày 15/10/2015 của Chính phủ tham gia tạo lập, phát triển, quản lý các cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt và các cơ sở công nghiệp an ninh lưỡng dụng do Nhà nước đầu tư toàn bộ hoặc liên doanh, liên kết với các thành phần kinh tế khác.

2. Các loại hình doanh nghiệp khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Chương III

QUY HOẠCH, KẾ HOẠCH XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
CÔNG NGHIỆP AN NINH

Điều 13. Quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp an ninh

1. Quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp an ninh phải tuân thủ nguyên tắc được quy định tại Điều 5 Nghị định này và đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Khai thác, sử dụng có hiệu quả mọi tiềm năng và nguồn lực của đất nước để xây dựng và phát triển công nghiệp an ninh; bảo đảm trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ ngày càng hiện đại, tiên tiến;

b) Bảo đảm cân đối, đồng bộ, có quy mô hợp lý, được bố trí phù hợp tại các địa bàn chiến lược;

c) Phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

2. Căn cứ để xây dựng quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp an ninh bao gồm:

a) Nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước;

b) Chiến lược bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho lực lượng Công an nhân dân;

c) Quy hoạch, kế hoạch phát triển công nghiệp quốc gia, khả năng cân đối các nguồn lực đầu tư của Nhà nước cho xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh.

3. Nội dung quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp an ninh bao gồm:

a) Xác định mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình, dự án trọng điểm;

b) Tổ chức hệ thống cơ sở công nghiệp an ninh;

c) Cân đối các nguồn lực, điều kiện bảo đảm, giải pháp thực hiện.

Điều 14. Phê duyệt và tổ chức quản lý, thực hiện quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp an ninh

1. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp an ninh.

2. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ và tổ chức quản lý, thực hiện quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp an ninh sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Điều 15. Xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện chương trình, dự án đầu tư thuộc quy hoạch, kế hoạch phát triển công nghiệp an ninh

Căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp an ninh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng chương trình, dự án đầu tư về công nghiệp an ninh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư đối với dự án nhóm A. Bộ trưởng Bộ Công an tổ chức thực hiện phê duyệt các dự án còn lại thuộc nhóm B và nhóm C theo quy định của pháp luật.

Điều 16. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư về công nghiệp an ninh

Bộ Công an và các Bộ, ngành có liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư về công nghiệp an ninh theo quy định của pháp luật.

Chương IV

NGUỒN LỰC XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
CÔNG NGHIỆP AN NINH

Điều 17. Nguồn vốn đầu tư phát triển công nghiệp an ninh

1. Nguồn vốn đầu tư phát triển công nghiệp an ninh bao gồm:

a) Ngân sách nhà nước (ưu tiên cho các cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt được đầu tư theo quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt);

b) Quỹ phát triển sản xuất các cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt;

c) Đầu tư, liên doanh, liên kết, tài trợ, hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia xây dựng và phát triển công nghiệp an ninh.

2. Nhà nước ưu tiên bảo đảm ngân sách cho nhiệm vụ nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, phát triển vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, thiết bị, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ phương tiện khác phục vụ công tác công an.

3. Việc quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển công nghiệp an ninh phải thực hiện theo kế hoạch và quy định của pháp luật.

Điều 18. Nhân lực phục vụ công nghiệp an ninh

Nhân lực phục vụ tại cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt bao gồm:

1. Những người có năng lực và trình độ chuyên môn phù hợp với nhu cầu sử dụng, đủ tiêu chuẩn về phẩm chất, đạo đức, sức khỏe, có nguyện vọng và được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tuyển dụng, điều động.

2. Sĩ quan, công nhân viên trong lực lượng Công an nhân dân được cấp có thẩm quyền điều động, bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý các cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt theo quy định về phân công, phân cấp về công tác tổ chức, cán bộ của Bộ Công an.

3. Lao động hợp đồng.

4. Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết Điều này.

Điều 19. Nhập khẩu và dự trữ vật tư kỹ thuật cho công nghiệp an ninh

1. Chính phủ có chính sách miễn, giảm thuế đối với việc nhập khẩu các loại dây chuyền thiết bị, công nghệ, nguyên liệu, vật tư kỹ thuật phục vụ công nghiệp an ninh mà trong nước chưa sản xuất được, thực hiện dự trữ vật tư kỹ thuật đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ an ninh theo quy định của pháp luật.

2. Thủ tướng Chính phủ quyết định Danh mục vật tư kỹ thuật nhập khẩu phục vụ công nghiệp an ninh.

3. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan lập Danh mục vật tư kỹ thuật nhập khẩu trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Điều 20. Đất phục vụ công nghiệp an ninh

1. Đất xây dựng, phát triển công nghiệp an ninh nòng cốt được xác định là đất an ninh theo khoản 5, Điều 61, Luật Đất đai năm 2013. Các tổ chức thuộc Bộ Công an được giao đầu tư, quản lý, vận hành các cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt thực hiện chế độ quản lý, sử dụng đất phục vụ mục đích an ninh theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

2. Các doanh nghiệp an ninh được sử dụng đất an ninh để phục vụ hoạt động sản xuất, cung ứng sản phẩm trực tiếp phục vụ nhiệm vụ an ninh và được áp dụng các chính sách ưu tiên, hỗ trợ về đất an ninh theo quy định tại Điều 6, Nghị định 93/2015/NĐ-CP, ngày 15/10/2015 của Chính phủ.

3. Chính phủ phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phục vụ công nghiệp an ninh.

4. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành và địa phương liên quan lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phục vụ xây dựng và phát triển cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện.

Điều 21. Nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ phục vụ công nghiệp an ninh

1. Chính phủ khuyến khích và có chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ tiên tiến phục vụ nhiệm vụ xây dựng và phát triển công nghiệp an ninh.

2. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, các Bộ, ngành có liên quan xác định, đề xuất và triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ phục vụ công nghiệp an ninh.

 

Chương V

CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI CÔNG NGHIỆP AN NINH

Điều 22. Chính sách đối với cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt

1. Chính sách đối với cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt bao gồm:

a) Được Nhà nước ưu tiên, hỗ trợ về nguồn vốn, đất phục vụ mục đích an ninh, nhân lực, thuế, phí và các cơ chế, chính sách đặc thù khác về đầu tư, xây dựng  theo quy định của pháp luật để đầu tư xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, đầu tư các cơ cở nghiên cứu, chế tạo, sản xuất các sản phẩm công nghiệp an ninh chuyên dụng và phát triển công nghệ lưỡng dụng chất lượng cao vừa phục vụ công tác công an, vừa phục vụ phát triển kinh tế, dân sinh.

b) Được hưởng các chính sách ưu đãi và hỗ trợ theo quy định của pháp luật khi đầu tư đối với lĩnh vực sản xuất vật liệu mới, sản phẩm công nghệ cao; nghiên cứu và phát triển; chuyển giao công nghệ; sản phẩm xuất khẩu và sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu.

2. Chính sách đối với người lao động trong cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt bao gồm:

a) Được hưởng chế độ, chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hộ lao động và các chế độ ưu đãi khác theo quy định của pháp luật;

b) Được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề tại các trường trong, ngoài ngành Công an và ở nước ngoài;

c) Được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật trong trường hợp bị thương hoặc bị chết khi đang thực hiện nhiệm vụ.

3. Bộ Công an chủ trì ban hành hoặc phối hợp với các Bộ, ngành đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ cụ thể dành cho xây dựng và phát triển các cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt.

Điều 23. Chính sách đối với cơ sở công nghiệp an ninh lưỡng dụng

1. Được hưởng các ưu đãi về thuế và các chế độ, chính sách hỗ trợ theo quy định của pháp luật khi tham gia sản xuất hàng trực tiếp phục vụ nhiệm vụ công tác, chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân hoặc đầu tư vào các lĩnh vực được hưởng chế độ ưu đãi, hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật.

2. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ cụ thể dành cho xây dựng và phát triển các cơ sở công nghiệp an ninh lưỡng dụng.

Điều 24. Đặt hàng, giao kế hoạch hoặc giao nhiệm vụ sản xuất hàng phục vụ an ninh

1. Hàng năm, Bộ trưởng Bộ Công an tổ chức đặt hàng, giao kế hoạch, giao nhiệm vụ sản xuất và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ an ninh hoặc nhiệm vụ an ninh cho các cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt đảm bảo điều kiện và năng lực theo quy định của pháp luật.

2. Cơ chế đặt hàng, giao kế hoạch, giao nhiệm vụ, giá hoặc phí sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ an ninh và nhiệm vụ an ninh thực hiện theo quy định của pháp luật.

3. Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết điều này.

 

Chương VI

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CÔNG NGHIỆP AN NINH

Điều 25. Nội dung quản lý nhà nước về công nghiệp an ninh

1. Ban hành, tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về công nghiệp an ninh.

2. Xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, quy hoạch, kế hoạch, nhiệm vụ về công nghiệp an ninh.

3. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệpvụ về công nghiệp an ninh.

4. Tổ chức, quản lý hợp tác quốc tế về công nghiệp an ninh.

5. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về công nghiệp an ninh.

Điều 26. Trách nhiệm quản lý nhà nước về công nghiệp an ninh

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công nghiệp an ninh.

2. Bộ Công an có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công nghiệp an ninh; tổ chức hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Nghị định này và các văn bản hưỡng dẫn thực hiện.

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 27. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày   tháng   năm 20….

Điều 28. Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành

Bộ Công an quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị định này./.

 

Nơi nhận:
Ban Bí thư Trung ương Đảng;
Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
Các bcơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trungương;
Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
Văn phòng Tổng Bí thư;
Văn phòng Chủ tịch nước;
Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
Văn phòng Quốc hội;
Tòa án nhân dân tối cao;
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
Ngân hàng Chính sách xã hội;
Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
Lưu: VT, TCCV(2b).QH.

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG



Nguyn Xuân Phúc

Ghi chú

văn bản tiếng việt

văn bản TIẾNG ANH

* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

×
×
×
Vui lòng đợi