Thủ tục pháp lý doanh nghiệp Thủ tục pháp lý doanh nghiệp

Thành lập công đoàn trong Công ty TNHH 2 thành viên trở lên

Có thể nói công đoàn công ty là cơ sở đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Vậy thủ tục thành lập công đoàn trong Công ty TNHH 2 thành viên trở lên được thực hiện như nào?

1. Có bắt buộc thành lập công đoàn trong Công ty TNHH 2 thành viên?

Theo khoản 1 Điều 6 Luật Công đoàn 2012, công đoàn được thành lập trên cơ sở tự nguyện, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ.

Ngoài ra, công đoàn được tổ chức và hoạt động theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam, phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước.

Theo đó, công đoàn trong công ty được thành lập dựa trên sự tự nguyện của người lao động. Nếu người lao động có nhu cầu thành lập công đoàn cơ sở thì người sử dụng lao động có trách nhiệm tạo điều kiện thành lập công đoàn cho họ còn nếu không có nhu cầu thì cũng không bắt buộc doanh nghiệp phải thành lập.

Như vậy, việc thành lập công đoàn là tự nguyện, công ty không bắt buộc phải thành lập công đoàn.
 

2. Điều kiện thành lập công đoàn trong Công ty TNHH 2 thành viên trở lên

Căn cứ khoản 1 Điều 13 Điều lệ Công đoàn Việt Nam, công đoàn cơ sở là tổ chức cơ sở của Công đoàn Việt Nam và được thành lập khi đáp ứng đủ hai điều kiện sau:

- Công đoàn cơ sở được thành lập ở một hoặc một số đơn vị sử dụng lao động hoạt động hợp pháp;

- Có từ 05 đoàn viên hoặc 05 người lao động trở lên, có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam.

thanh lap cong doan trong cong ty tnhh 2 thanh vien
Hướng dẫn thành lập công đoàn trong Công ty TNHH 2 thành viên trở lên (Ảnh minh họa)

 

3. Thủ tục thành lập công đoàn trong Công ty TNHH 2 thành viên trở lên

Căn cứ theo Điều 14 Điều lệ Công đoàn Việt Nam và mục 12 Hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam thủ tục thành lập công đoàn trong Công ty TNHH 2 thành viên trở lên gồm những bước sau:

Bước 1: Thành lập Ban vận động thành lập Công đoàn cơ sở 

- Những nơi chưa có công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở, người lao động tự nguyện lập ban vận động thành lập công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở (gọi tắt là ban vận động).

- Ban vận động thực hiện tuyên truyền, vận động, tiếp nhận đơn xin gia nhập công đoàn của người lao động.

- Trong quá trình ban vận động tiến hành vận động người lao động gia nhập công đoàn, liên kết thành lập công đoàn cơ sở các thành viên ban vận động cử trưởng ban vận động và liên hệ công đoàn cấp trên gần nhất để được hướng dẫn, giúp đỡ, hỗ trợ.

Khi có đủ điều kiện thành lập công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở theo quy định, thì ban vận động tổ chức đại hội thành lập công đoàn cơ sở và đăng ký với công đoàn cấp trên xem xét, công nhận công đoàn cơ sở.

Xem thêm: Mẫu đơn xin gia nhập công đoàn

Bước 2: Tổ chức đại hội thành lập công đoàn cơ sở

- Thành phần dự đại hội gồm:

+ Ban vận động thành lập công đoàn cơ sở.

+ Người lao động đang làm việc tại đơn vị sử dụng lao động đã là đoàn viên hoặc chưa là đoàn viên có đơn xin gia nhập Công đoàn Việt Nam.

+ Đại diện công đoàn cấp trên, người sử dụng lao động và các thành phần khác (nếu có) cùng dự, chứng kiến đại hội thành lập công đoàn cơ sở.

- Việc tổ chức điều hành đại hội thành lập công đoàn cơ sở do ban vận động thực hiện; có thể mời thêm đoàn viên, người lao động ngoài ban vận động, có kinh nghiệm, uy tín tham gia điều hành hoặc làm thư ký đại hội.

- Nội dung đại hội thành lập công đoàn cơ sở gồm:

+ Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu.

+ Báo cáo quá trình vận động người lao động gia nhập công đoàn và công tác chuẩn bị tổ chức thành lập công đoàn cơ sở.

+ Công bố danh sách người lao động có đơn tự nguyện gia nhập công đoàn.

+ Tuyên bố thành lập công đoàn cơ sở.

+ Đại diện công đoàn cấp trên phát biểu (nếu có).

+ Người sử dụng lao động phát biểu (nếu có).

+ Bầu cử ban chấp hành công đoàn cơ sở.

+ Bầu cử chủ tịch công đoàn cơ sở.

+ Thông qua kế hoạch hoạt động của công đoàn cơ sở.

- Việc bầu cử tại đại hội thành lập công đoàn cơ sở thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín, theo Mục 8 của Hướng dẫn này. Phiếu bầu cử tại đại hội thành lập công đoàn phải có chữ ký của trưởng ban vận động thành lập công đoàn cơ sở ở góc trái, phía trên phiếu bầu.

- Những nơi do điều kiện sản xuất, kinh doanh, không thể triệu tập toàn thể người lao động có đơn xin gia nhập công đoàn dự đại hội thành lập công đoàn cơ sở thì ban vận động tổ chức lấy phiếu giới thiệu nhân sự và phát phiếu bầu cử ban chấp hành, chủ tịch công đoàn cơ sở cho đoàn viên tại các phòng, ban, tổ, đội, phân xưởng, nhóm công việc; đồng thời thực hiện công tác kiểm phiếu theo quy định và công bố kết quả bầu cử để toàn thể đoàn viên được biết.

- Kết thúc đại hội thành lập công đoàn cơ sở, ban vận động bàn giao toàn bộ hồ sơ đại hội cho ban chấp hành hoặc đồng chí chủ tịch mới được bầu, gồm cả danh sách ban vận động để lưu hồ sơ, tài liệu thành lập công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở.

- Ban vận động chấm dứt nhiệm vụ sau khi tổ chức thành công đại hội thành lập công đoàn cơ sở.

Xem thêm: Mẫu phiếu bầu ban chấp hành công đoàn cơ sở

Bước 3: Hồ sơ đề nghị công nhận công đoàn cơ sở

- Tổ chức họp ban chấp hành công đoàn cơ sở trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi kết thúc đại hội thành lập để bầu ban thường vụ, phó chủ tịch, ủy ban kiểm tra và chủ nhiệm ủy ban kiểm tra công đoàn (nếu đủ điều kiện). Quá trình chuẩn bị cần liên hệ công đoàn cấp trên để được hướng dẫn.

- Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ khi kết thúc đại hội, ban chấp hành phải lập hồ sơ đề nghị công đoàn cấp trên xem xét, công nhận, gồm có:

+ Văn bản đề nghị công nhận đoàn viên, công đoàn cơ sở và kết quả bầu cử ban chấp hành, ban thường vụ, ủy ban kiểm tra và các chức danh của ban chấp hành, ủy ban kiểm tra công đoàn.

+ Danh sách đoàn viên và đơn xin gia nhập Công đoàn Việt Nam của người lao động.

+ Danh sách trích ngang lý lịch ủy viên ban chấp hành, ban thường vụ, ủy viên ủy ban kiểm tra công đoàn cơ sở.

+ Biên bản đại hội thành lập công đoàn cơ sở.

+ Biên bản kiểm phiếu bầu cử tại đại hội thành lập công đoàn cơ sở và biên bản bầu cử tại hội nghị ban chấp hành (nếu có).

Bước 4: Ra quyết định công nhận công đoàn cơ sở

- Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ thành lập công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên có trách nhiệm:

+ Thẩm định quá trình thành lập công đoàn cơ sở đảm bảo tính tự nguyện, khách quan; việc bầu cử tại đại hội thành lập và bầu cử tại hội nghị ban chấp hành theo đúng quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

+ Trường hợp công đoàn cơ sở thành lập đúng quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam thì ban hành quyết định công nhận đoàn viên, công đoàn cơ sở, ban chấp hành và các chức danh của ban chấp hành theo quy định.

+ Trường hợp không đủ điều kiện công nhận đoàn viên hoặc công đoàn cơ sở hoặc các chức danh được bầu, công đoàn cấp trên thông báo bằng văn bản để tập thể người lao động được biết; đồng thời hướng dẫn thực hiện đúng quy trình, thủ tục để được công nhận, hoặc tiếp tục tuyên truyền, vận động người lao động tự nguyện liên kết thành lập công đoàn cơ sở theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

- Khi được công đoàn cấp trên công nhận, ban chấp hành công đoàn cơ sở thực hiện các thủ tục khắc dấu; đồng thời triển khai tổ chức các hoạt động theo quy định của Điều lệ và Hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam; hướng dẫn của công đoàn cấp trên và kế hoạch hoạt động đã được thống nhất tại hội nghị thành lập công đoàn cơ sở.

1. Công văn đề nghị công nhận đoàn viên, công đoàn cơ sở và ban chấp hành công đoàn;

2. Danh sách đoàn viên gia nhập công đoàn trong công ty TNHH hai thành viên trở lên;

3. Đơn xin gia nhập công đoàn trong công ty TNHH hai thành viên trở lên;

4. Biên bản hội nghị thành lập công đoàn cơ sở trong công ty TNHH hai thành viên trở lên;

5. Biên bản kiểm phiếu bầu ban chấp hành công đoàn cơ sở trong công ty TNHH hai thành viên trở lên, kèm theo lý lịch trích ngang của các thành viên Ban chấp hành.

Lưu ý:

- Trình tự thành lập công đoàn ở mỗi địa phương có thể sẽ có sự khác nhau (trong hồ sơ phải nộp); vậy nên, doanh nghiệp và người lao động rất cần phải liên hệ với Công đoàn cấp trên trực tiếp của mình để được hướng dẫn, hỗ trợ việc thành lập Công đoàn.

- "Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở" bao gồm:

+ Liên đoàn Lao động huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Liên đoàn Lao động cấp huyện) nơi doanh nghiệp đặt trụ sở; hoặc

+ Công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế (gọi chung là Công đoàn các khu công nghiệp) nếu doanh nghiệp thuộc các khu vực này.
 

4. Không thành lập công đoàn có phải đóng kinh phí công đoàn không?

Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động (theo khoản 2 Điều 26 Luật Công đoàn 2012).

Do đó, dù doanh nghiệp không thành lập Công đoàn cơ sở thì vẫn phải trích đóng kinh phí Công đoàn, mức đóng bằng 2% quỹ lương làm căn cứ đóng BHXH.

Doanh nghiệp sẽ đóng khoản kinh phí này mỗi tháng một lần cho Công đoàn cấp quận, huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.

Bạn có thắc mắc về nội dung này? Vui lòng gọi 1900.6192

Biểu mẫu sử dụng cho thủ tục này

Quý khách cần đăng nhập tài khoản "Pháp lý doanh nghiệp" để xem Biểu mẫu sử dụng cho thủ tục này. Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Quý khách cần đăng nhập tài khoản "Pháp lý doanh nghiệp" để xem Căn cứ pháp lý. Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Áp dụng tương tự cho doanh nghiệp

Quý khách cần đăng nhập tài khoản "Pháp lý doanh nghiệp" để xem Áp dụng tương tự cho doanh nghiệp. Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

hoạt động cùng chuyên mục

Nhận báo giá ngay
Facebook
0938 36 1919
Vui lòng đợi