Thông tư 51-TC/TCT của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn việc xác định mặt hàng chịu thuế theo Danh mục Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • VB gốc
  • Tiếng Anh
  • Hiệu lực
  • VB liên quan
  • Lược đồ
  • Nội dung MIX

    - Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…

    - Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.

  • Tải về
Mục lục
Tìm từ trong trang
Tải văn bản
Văn bản tiếng việt
Lưu
Theo dõi văn bản

Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.

Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.

Báo lỗi
In
  • Báo lỗi
  • Gửi liên kết tới Email
  • Chia sẻ:
  • Chế độ xem: Sáng | Tối
  • Thay đổi cỡ chữ:
    17
Ghi chú

thuộc tính Thông tư 51-TC/TCT

Thông tư 51-TC/TCT của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn việc xác định mặt hàng chịu thuế theo Danh mục Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu
Cơ quan ban hành: Bộ Tài chínhSố công báo:Đang cập nhật
Số hiệu:51-TC/TCTNgày đăng công báo:Đang cập nhật
Loại văn bản:Thông tưNgười ký:Vũ Mộng Giao
Ngày ban hành:13/08/1997Ngày hết hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày hết hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Thuế-Phí-Lệ phí, Xuất nhập khẩu

TÓM TẮT VĂN BẢN

Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

tải Thông tư 51-TC/TCT

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Ghi chú
Ghi chú: Thêm ghi chú cá nhân cho văn bản bạn đang xem.
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 51 TC/TCT NGÀY 13 THÁNG 8 NĂM 1997
HƯỚNG DẪN VIỆC XÁC ĐỊNH MẶT HÀNG CHỊU THUẾ THEO DANH MỤC BIỂU THUẾ XUẤT KHẨU, BIỂU THUẾ NHẬP KHẨU

 

Căn cứ thẩm quyền quy định tại Điều 3 - Quyết định số 280/TTg ngày 28/5/1994 của Thủ tướng Chính phủ;

Để đảm bảo thu đúng, thu đủ cho Ngân sách Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng nộp thuế và cơ quan thu thuế, tránh phiền hà cho đối tượng nộp thuế trong việc thực hiện Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu hiện hành (ban hành kèm theo Quyết định số 280/TTg ngày 28/5/1994 của Thủ tướng Chính phủ và các Quyết định sửa đổi bổ sung từ tháng 11/1994 đến nay của Bộ trưởng Bộ Tài chính);

Sau khi trao đổi thống nhất với Tổng cục Hải quan, Tổng cục thống kê, Bộ Thương mại; Bộ KHCN và môi trường, Cục Hải quan TP Hà Nội, Cục Hải quan TP Hải Phòng; Bộ Tài chính hướng dẫn một số nguyên tắc chung nhất để xác định mặt hàng chịu thuế theo Danh mục Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu hiện hành như sau:

 

I. NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG VÀ CẤU TẠO CỦA BIỂU THUẾ XUẤT KHẨU, BIỂU THUẾ NHẬP KHẨU

 

1. Danh mục mặt hàng chịu thuế của Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu hiện hành, về cơ bản được xây dựng dựa trên cơ sở Bảng Danh mục hàng hoá xuất, nhập khẩu của Hội đồng hợp tác hải quan thế giới (Hamorid System), đồng thời có biến đổi một số phần cụ thể cho phù hợp với hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam. Hàng hoá trong Bảng Danh mục Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu hiện hành được phân thành 21 phần, 97 chương (trừ chương 77 được để trống để dự phòng). Trong mỗi chương của Biểu thuế chia ra các nhóm hàng (cấp độ 4 chữ số), trong mỗi nhóm hàng có thể phân chia thành các phân nhóm hàng (cấp độ 6 chữ số), và trong mỗi phân nhóm hàng có thể phân chia thành các mặt hàng (cấp độ 8 chữ số). Tuỳ theo đặc điểm, tính chất, cấu tạo của từng chương, nhóm, phân nhóm và mặt hàng mà một chương có thể được chia thành một hay nhiều nhóm hàng, một nhóm hàng có thể không chia hoặc được chia thành nhiều phân nhóm hàng, một phân nhóm hàng có thể không chia hoặc chia thành nhiều mặt hàng khác nhau.

Để thuận tiện trong việc tra cứu Biểu thuế và làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất, nhập khẩu, về cơ bản tất cả các nhóm hàng, phân nhóm hàng, mặt hàng đều được mã hoá theo số thứ tự của mặt hàng đó trong chương, nhóm và phân nhóm. Trong đó:

a- Mỗi nhóm hàng trong chương được xác định bằng 4 chữ số. Ví dụ nhóm trâu, bò sống được mã hoá bằng mã hiệu 0102, trong đó 2 chữ số dầu (01) là mã hiệu của chương (chương 1), hai chữ số sau (02) là mã hiệu xác định vị trí của nhóm đó trong chương (nhóm thứ 2 của chương). b- Mỗi phân nhóm hàng trong nhóm được xác định bằng 6 chữ số. Ví dụ phân nhóm: "Giấy và bìa sản xuất thủ công", được mã hoá bằng mã hiệu 480210, trong đó 2 chữ số đầu (48) là mã hiệu của chương (chương 48 - giấy và các sản phẩm bằng giấy), 2 chữ số khác nhau (02) là mã hiệu xác định vị trí của nhóm đó trong chương (nhóm thứ 2 của chương), 2 chữ số tiếp theo (10) xác định vị trí của phân nhóm đó trong nhóm (phân nhóm thứ nhất của nhóm). Có 2 cách phân loại và mã hiệu cho các phân nhóm hàng, gọi là phân nhóm cấp 1 và phân nhóm cấp 2. Trong đó:

+ Phân nhóm cấp 1 được ký hiệu là (-) và chữ số cuối cùng của phân nhóm là 0 (ví dụ: phân nhóm 480490, 480260, 847110 v.v...).

+ Phân nhóm cấp 2 được ký hiệu là (--) và chữ số cuối cùng của phân nhóm là 1; 2; 3; 4; 5; 6; 7 8; 9 (ví dụ: 291111, 151119, 650691 v.v...)

c- Một số nhóm hàng không được phân chia thành nhiều phân nhóm hàng khác nhau thì sẽ được thêm 2 chữ số 00 vào sau cùng (ví dụ: nhóm 4905: Bản đồ, biểu đồ được thêm 2 chữ số 00 thành 490500, nhóm 6108: Các loại váy lót ngắn..., được thêm 2 chữ 00 thành 610800...).

d- Một số phân nhóm hàng trong Biểu thuế được phân chia tiếp thành nhiều mặt hàng khác nhau. Mỗi mặt hàng trong phân nhóm được xác định bằng 8 chữ số. Ví dụ: Mặt hàng: Diezel các loại được mã hoá bằng mã hiệu 27100020, trong đó sáu chữ số 271000 là phân nhóm xăng dầu các loại thuộc chương 27, nhóm thứ 10, hai chữ số cuối cùng (20) là vị trí của mặt hàng diezel trong phân nhóm 271000 (vị trí thứ 2).

e- Tuy nhiên cũng có một số trường hợp các phân nhóm hàng được phân chia tiếp thành nhiều mặt hàng khác nhau nhưng không xác định mã số cho chúng (Đại đa số các mặt hàng thuộc chương 84, 85, 87 của Biểu thuế được phân chia theo dạng này). Ví dụ: Nhóm 848310: Trục truyền (Kể cả trục cam và trục khuỷu) và cần khuỷu; được chia thành rất nhiều loại, dùng cho các động cơ khác nhau như: Loại dùng cho động cơ khác nhau như: loại dùng cho động cơ thuộc nhóm 8701; loại dùng cho động cơ thuộc nhóm 8702, v.v... nhưng không xác định mã số cho từng loại trục truyền này.

2) Theo cách sắp xếp Danh mục và mã số của nhóm hàng, Phân nhóm hàng, mặt hàng nói trên thì Biểu thuế xuất nhập khẩu hiện hành được phân thành 3 cột, trong đó:

- Cột thứ nhất là cột mã số của nhóm hàng, phân nhóm hàng và mặt hàng.

- Cột thứ hai là cột mô tả tên nhóm hàng, phân nhóm hàng và mặt hàng.

- Cột thứ ba là cột quy định mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu cho nhóm hàng (Nếu nhóm này không chia thành các phân nhóm tiếp theo mà thêm 2 chữ số 00 vào sau nhóm nêu tại trường hợp a điểm 1 nêu trên); hoặc cho phân nhóm hàng (Nếu phân nhóm này không chia tiếp thành các mặt hàng như nêu tại trường hợp b); hoặc cho mặt hàng (nếu phân nhóm hàng chia tiếp thành mặt hàng như nêu tại trường hợp d). Do đó, khi tra cứu mã số và mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu của mặt hàng cụ thể nào đó cần xem nhóm hàng mà mặt hàng này nằm trong đó được chia chi tiết đến mức độ nào: Nhóm, phân nhóm cấp 1, phân cấp nhóm 2 hay mặt hàng để xác định chính xác mức thuế của mặt hàng này trong Biểu thuế. Trong đó:

* Biểu thuế xuất khẩu: những nhóm, phân nhóm và mặt hàng nào được ghi tên trong Biểu thuế XK mà cột thuế suất có ghi mức thuế xuất khẩu từ 1% trở lên sẽ là nhóm, phân nhóm, mặt hàng chịu thuế xuất khẩu. Trong một nhóm hàng ví dụ: 121100: các loại cây và các phần của cây... chỉ có mặt hàng cụ thể là trầm hương kỳ nam các loại có ký hiệu 12119010 là mặt hàng chịu thuế, còn tất cả các mặt hàng khác thuộc nhóm này không phải chịu thuế xuất khẩu.

* Biểu thuế nhập khẩu: khác với Biểu thuế xuất khẩu, tất cả các nhóm hàng, phân nhóm và mặt hàng của Biểu thuế nhập khẩu đều thuộc Danh mục các mặt hàng chịu thuế nhập khẩu, không phân biệt là mặt hàng đó đã được ghi tên cụ thể trong Biểu thuế nhập khẩu hay chưa. Nếu chưa ghi tên cụ thể thì mặt hàng đó sẽ được xếp vào phân nhóm, nhóm hàng phù hợp với nó nhất.

 

II. NGUYÊN TẮC PHÂN LOẠI HÀNG HOÁ TRONG
BIỂU THUẾ XUẤT KHẨU, BIỂU THUẾ NHẬP KHẨU

 

Để đảm bảo thuận tiện cho việc tra cứu Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu, xác định chính xác một mặt hàng chỉ nằm ở một mã hiệu, 1 phân nhóm, 1 nhóm hàng; 1 chương nào đó mà không thể cùng xếp ở mã hiệu khác, nhóm hàng khác, phân nhóm hàng khác, chương khác của Biểu thuế, việc phân loại hàng hoá trong Biểu thuế tuân theo các nguyên tắc sau đây (theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới).

1- Nếu một mặt hàng, chủng loại hàng đã được ghi rõ tên hoặc mô tả rõ đặc điểm, cấu tạo, mức độ chế biến, công dụng ở 1 chương, 1 nhóm hàng, 1 phân nhóm hàng nào đó của Biểu thuế, thì nhất thiết phải xếp mặt hàng đó vào chương đó, nhóm hàng đó, phân nhóm hàng đó. Ví dụ: Mặt hàng gạch chịu lửa Cr-Mg, Biểu thuế NK hiện hành xếp vào chương 81, nhóm 8113, phân nhóm 811300, mã số 81130010 thì sẽ được xếp vào mã số này để tính thuế NK.

2- Nếu một mặt hàng nào đó đã được phân loại trong một chương, nhóm, phân nhóm nào đó thì các dạng sau dây cũng thuộc chương, nhóm, phân nhóm đó:

+ Dạng chưa hoàn chỉnh hoặc chưa hoàn thiện nhưng đã có đặc trưng cơ bản của thành phẩm.

+ Dạng thành phẩm hay đã có đặc trưng cơ bản của thành phẩm nhưng chưa lắp ráp hoặc không được lắp ráp với nhau.

3- Nếu một vật liệu hoặc một chất liệu được phân loại trong một nhóm thì hỗn hợp hay hợp chất của vật liệu hoặc chất đó với những vật liệu hoặc chất khác cũng thuộc nhóm đó. Hàng hoá làm toàn bộ bằng một loại vật liệu hay một chất, được phân loại trong cùng nhóm. Việc phân loại những hàng hoá làm bằng 2 loại vật liệu trở lên hay 2 chất trở lên, hoặc hàng hoá xếp theo nhập đồng bộ phải theo nguyên tắc 4 và 5.

- Khi áp dụng nguyên tắc 3 hoặc vì một lý do nào khác, hàng hoá thoạt nhìn có thể xếp vào hai hay nhiều nhóm trở lên, thì sẽ phân loại theo thứ tự như sau:

4- Hàng hoá đó được xếp vào nhóm có mô tả đặc trưng nhất sẽ phù hợp hơn xếp vào nhóm có mô tả khái quát. Ví dụ: Một đơn vị nhập mặt hàng: Giấy dầu lợp mái được làm từ 2 loại nguyên liệu cơ bản là giấy và nhựa đường (1 lớp giấy, 1 lớp nhựa đường). Nếu chỉ căn cứ vào mô tả khái quát của mặt hàng có tên gọi là giấy, thì mặt hàng sẽ được xếp vào chương 48. Tuy nhiên, sản phẩm tạo ra đặc trưng cơ bản của mặt hàng giấy dầu lợp mái không phải là lớp giấy mà lớp giấy chỉ là 1 lớp nền, còn lớp nhựa đường là lớp tạo ra đặc trưng cơ bản của mặt hàng này. Do vậy phải xếp vào mã số của nhóm mặt hàng được làm từ nhựa đường là phù hợp nhất (nhóm 6807).

Tuy nhiên, khi hai hay nhiều nhóm mà mỗi nhóm chỉ liên quan đến 1 phần của vật liệu hoặc chất chứa trong hàng hoá là hỗn hợp hay hợp chất hoặc chỉ liên quan đến 1 phần trong 1 bộ đóng gói để bán lẻ thì sẽ xếp vào nhóm có vật liệu hoặc chất liệu chiếm tỷ lệ chủ yếu trong hàng hoá đó.

Ví du:

+ Trường hợp 1: Khi hai hay nhiều nhóm mà mỗi nhóm chỉ liên quan đến 1 phần của vật liệu hoặc chất chứa trong hàng hoá là hỗn hợp hay hợp chất.

Mặt hàng màng phức hợp làm từ 3 loại nguyên liệu là giấy, nhôm và nhựa theo các tỷ lệ: giấy 15%, nhôm 58%, nhựa 27%. Nếu căn cứ vào cấu tạo của từng loại nguyên liệu thì mặt hàng này có thể xếp vào 3 nhóm thuộc 3 chương khác nhau của Biểu thuế, đó là:

+ Nếu căn cứ vào đặc điểm mặt hàng được sản xuất từ nguyên liệu giấy thì có thể xếp vào chương 48: Giấy và các sản phẩm từ giấy; nhóm 4810: Giấy đã tráng...

+ Nếu căn cứ vào đặc điểm mặt hàng này được sản xuất từ nguyên liêu nhôm thì mặt hàng này lại có thể xếp vào chương 76: Nhôm và các sản phẩm từ nhôm, nhóm 7607: Nhôm lá mỏng, đã ép hình hoặc bồi trên giấy, bìa, platic...

+ Nếu căn cứ vào đặc điểm mặt hàng được sản xuất từ nguyên liệu nhựa thì mặt hàng này lại được xếp vào chương 39, nhóm 3921.

Do một mặt hàng chỉ có thể xếp ở 1 mã số trong Biểu thuế cho nên theo nguyên tắc này, phải xếp mặt hàng màng phức hợp vào mã số của loại nguyên liệu có tỷ lệ chủ yếu là: nhôm lá, thuộc mã số 7607: Nhôm lá mỏng đã ép hình hoặc bồi trên giấy bìa, platic... để tính thuế nhập khẩu.

+ Trường hợp 2: Khi hai hay nhiều nhóm mà mỗi nhóm chỉ liên quan đến 1 phần trong 1 bộ đóng gói để bản lẻ.

Đơn vị A nhập mặt hàng đèn nêon bao gồm bóng đèn, chấn lưu, tắc te, máng đèn, điện trở, thì không thể xếp từng mặt hàng vào từng mã số riêng biệt (như bóng đèn vào nhóm 8539, chấn lưu vào nhóm 8504, tắc te vào nhóm 8536, máng đèn vào nhóm 9405) được mà phải xếp vào mã số của đèn nêon hoàn chỉnh tại mã số 9405.

5- Trường hợp khi hai hay nhiều nhóm mà mỗi nhóm chỉ liên quan đến một máy trong một tập hợp các máy móc thuộc chương 84, 85 của Biểu thuế hoặc thiết bị vật tư nhập kèm theo máy chính của thiết bị toàn bộ phù hợp với luận chứng kinh tế kỹ thuật và thiết kế của công trình xây dựng cơ bản nhưng là các vật tư thiết bị ở các chương khác trong Biểu thuế thì sẽ căn cứ vào Thông tư 06 TC/TCT ngày 19/1/1993 và Công văn số 602 TC/TCT ngày 25/9/1995 của Bộ Tài chính quy định và hướng dẫn việc tính, thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với hàng hoá là thiết bị toàn bộ, thiết bị lẻ để giải quyết.

Ví dụ: Một đơn vị nhập hệ thống các máy móc thiết bị máy may công nghiệp, trong đó bao gồm cả máy chải, máy vặt sổ, bàn cắt may. Tất cả các máy móc thiết bị này sẽ được xếp vào mã số máy may công nghiệp nhóm 8452, phân nhóm 845221 (nếu có đủ hồ sơ và đáp ứng các quy định tại Thông tư 06 TC/TCT ngày 19/1/1993, Công văn số 602 TC/TCT ngày 25/9/1995 nói trên của Bộ Tài chính).

6- Hàng hoá là hỗn hợp hay hợp chất của những vật liệu khác nhau tạo thành từ các bộ phận khác nhau hoặc hàng hoá được xếp bộ để bán lẻ, nếu không phân loại được theo các quy tắc 4 và 5 nếu trên thì sẽ xếp vào nhóm với vật liệu hoặc bộ phận tạo ra đặc trưng cơ bản của chúng.

Ví dụ: Một đơn vị nhập khẩu vỏ bao được sản xuất từ 2 loại nguyên liệu là giấy và nhựa (2 lớp giấy, 1 lớp nhựa), trong đó giấy nhiều hơn nhựa và lớp giấy là bộ phận tạo ra đặc trưng cơ bản của vỏ bao còn lớp nhựa chỉ có tác dụng chống ẩm, thì phải xếp vào chương 48: Giấy và các sản phẩm bằng giấy, nhóm 4819... túi và các loại bao bì khác bằng giấy để tính thuế nhập khẩu.

7- Khi hàng hoá không thể phân loại theo quy tắc 4, 5 và 6 nêu trên thì phải xếp vào nhóm cuối cùng theo số thứ tự trong các nhóm tương đương.

Ví dụ:

Một đơn vị nhập bột làm kem, theo giám định bột này gồm sữa, đường, bột ngũ cốc hoặc có thể pha thêm một số chất khác thì sẽ không xếp vào chương 4: sữa và các sản phẩm sữa hoặc chương 17: đường và các sản phẩm có đường hoặc chương 19: sản phẩm chế biến từ ngũ cốc mà phải xếp vào chương 21: các sản phẩm chế biến ăn được khác.

8- Những hàng hoá không thể phân loại theo các quy tắc trên thì phải xếp vào nhóm phù hợp với loại hàng giống chúng nhất.

Ví dụ: Mặt hàng thẻ từ điện thoại công cộng (card ghi số tiền điện thoại công cộng) được làm từ nguyên liệu nhựa, có cấu tạo, đặc điểm, tính chất hoạt động như một băng từ, đĩa từ. Vì vậy theo nguyên tắc này, mặt hàng thẻ từ điện thoại sẽ được xếp vào nhóm 8523: Băng, đĩa chưa ghi (nếu chưa ghi) hoặc nhóm 8524; Băng đĩa đã ghi (nếu đã ghi) để tính thuế nhập khẩu. Trường hợp căn cứ vào gốc nguyên liệu sản xuất ra thẻ từ điện thoại là bằng nhựa để tính thuế nhập khẩu sẽ không phù hợp vì thẻ từ điện thoại tuy được sản xuất từ nguyên liệu nhựa nhưng mặt hàng này không phải là sản phẩm của ngành nhựa, tính chất của sản phẩm có đặc điểm như một thiết bị của ngành điện tử.

9- Những quy định sau đây sẽ áp dụng riêng cho những loại hàng hoá sau đây:

Hộp (box) camera, hộp đựng dụng cụ âm nhặc, bao súng, hộp đựng dụng cụ vẽ, hộp đựng vòng đeo cổ, các loại hộp tương tự, đã tạo hình hoặc sản xuất dành riêng để đựng những sản phẩm hay bộ phận sản phẩm đặc biệt, dùng trong thời gian dài, đi kèm với sản phẩm đã định khi bán sẽ được phân loại cùng với sản phẩm đó. Nhưng các loại bao bì (packing) mang tính bao gói sản phẩm, không dùng cùng với sản phẩm (thải loại khi sử dụng sản phẩm). Ví dụ: túi đựng phân nhập cùng với phân thì không tách riêng để tính thuế nhập khẩu, nhưng nhập riêng thì thu thuế nhập khẩu theo mã số và mức thuế suất thuế nhập khẩu của bao, túi dùng để đựng hàng.

Tuy nhiên, nguyên tắc này không áp dụng đối với các loại bao hộp thuần tuý chuyên dùng, ví dụ: Cặp sách, túi sách, hòm, vali, xắc đựng đồ nữ trang... Nghĩa là các loại bao hộp này không phân biệt có được đóng gói đi kèm với hàng hoá khi bán hay không đều được tính thuế NK theo đúng mã số và mức thuế của chúng.

Để đảm bảo tính pháp lý, việc phân loại hàng hoá trong các nhóm, phân nhóm của Biểu thuế xuất nhập khẩu hiện hành không chỉ tuân theo những nguyên tắc chung nêu trên mà việc phân loại hàng hoá để tính thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu phải đảm bảo được xác định theo nội dung của từng nhóm, phân nhóm và mặt hàng, chú giải từng nhóm, phân nhóm và mặt hàng có liên quan và theo các nguyên tắc nói trên với những sửa đổi về chi tiết tên mặt hàng đã được ghi trong Biểu thuế một cách thích hợp, trong điều kiện là chỉ có những nhóm, phân nhóm mặt hàng cùng cấp mới so sánh được. Theo nguyên tắc này thì các chú giải từng phần, chú giải từng chương ghi tại quyển Danh mục hàng hoá XNK Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 324 TCKT/TMGC ngày 26/12/1995 và chú giải nhóm, phân nhóm về Danh mục hàng hoá XNK của Hội đồng hợp tác Hải quan quốc tế đã được sửa đổi bổ sung năm 1996 sẽ được sử dụng tham khảo để tra cứu Biểu thuế XK, Biểu thuế NK khi mặt hàng đó chưa được ghi rõ tên trong Biểu thuế XK, Biểu thuế NK (Bộ Tài chính sẽ ban hành văn bản hướng dẫn sử dụng chú giải các nhóm, phân nhóm của Biểu thuế XK, Biểu thuế NK trong một văn bản riêng).

 

III- HỒ SƠ LÀM THỦ TỤC TÍNH, THU THUẾ XNK VÀ CÁCH TRA CỨU BIỂU THUẾ XK, BIỂU THUẾ NK

 

Để đảm bảo xác định chính xác một mặt hàng chỉ nằm ở một chương, một nhóm, một phân nhóm hàng và một mã hiệu cụ thể nào đó trong Biểu thuế mà không thể xếp ở chương, nhóm, phân nhóm, mã hiệu khác; việc tra cứu Biểu thuế XK, Biểu thuế NK cần được tiến hành theo đúng các nguyên tắc đã ghi tại mục II của Thông tư này và thực hiện như sau:

1- Về hồ sơ làm thủ tục tính, thu thuế XNK: Để xác định đúng tên, mã số, mức thuế suất của một mặt hàng xuất nhập khẩu theo Biểu thuế, khi làm thủ tục tính thuế xuất nhập khẩu (thủ tục khai báo, tính thuế do Tổng tục Hải quan quy định), Cục Hải quan tỉnh, thành phố yêu cầu đơn vị xuất trình đầy đủ các loại giấy tờ sau đây. Các loại giấy tờ này chỉ làm căn cứ để xác định mã số và mức thuế XNK, không phải là căn cứ để xác định tính hợp pháp của lô hàng nhập khẩu (vấn đề này do Bộ Thương mại và Tổng cục Hải quan quy định).

a- Loại giấy tờ dùng chung cho mọi trường hợp.

- Hợp đồng ngoại hợp pháp, hợp lệ, ghi rõ tên hàng nhập khẩu, chủng loại phù hợp với mô tả trong Biểu thuế (nếu mua bán dưới hình thức Hợp đồng).

- Tờ khai XNK, ghi rõ kết quả kiểm hoá hàng XNK về quy cách, chủng loại, cấu tạo, mức độ chế biến của hàng hoá XNK.

- Giấy phép XNK (Nếu có). - Hoá đơn ngoại (invoice)

- Vận đơn (bill of lading)

- Danh mục chi tiết (packing list) nếu lô hàng nhập khẩu gồm nhiều mặt hàng.

b- Loại giấy tờ dùng riêng cho một số trường hợp đặc biệt.

Đối với một số trường hợp hàng dễ lẫn, khó phân biệt (như dầu cọ đã tinh chế và Shortening) hoặc tên hàng ghi không rõ ràng có thể xếp vào hai hay nhiều mã số (ví dụ: thép ở dạng thanh, thỏi) hoặc mặt hàng có các đặc tính kỹ thuật riêng biệt (ví dụ: ô tô), hoặc những mô tả ghi trên các loại giấy tờ nêu tại điểm a trên đây không giúp cho việc xác định mã số hàng hoá được chính xác (ví dụ: khoai tây giống, trâu bò giống) thì Cục Hải quan tỉnh, thành phố được yêu cầu đối tượng nộp thuế cung cấp thêm các loại giấy tờ sau đây (tuỳ từng trường hợp cụ thể mà lựa chọn việc cung cấp loại giấy tờ phù hợp).

- Bản mô tả cấu tạo, đặc điểm, thông số kỹ thuật, tính chất, hoặc mức độ chế biến, quy trình sản xuất, cách sử dụng theo thiết kế của hàng hoá do nơi sản xuất ra mặt hàng đó cung cấp (1 bản tiếng Việt, 1 bản tiếng Anh).

- Catalogue do nơi sản xuất mặt hàng xuất nhập khẩu phát hành.

- Kết quả giám định của các cơ quan kiểm tra giám định do Hải quan các cấp trưng cầu. Quy cách, trình tự tiến hành giám định và Danh mục mặt hàng cần trưng cầu giám định do Tổng cục Hải quan quy định sau khi trao đổi thống nhất với Bộ Tài chính và các Bộ, Ngành có liên quan.

- Văn bản cho phép nhập sản phẩm cây giống, hạt giống, con giống. .. (nếu là các sản phẩm cây, con, hạt, quả nhập khẩu để làm giống) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp trong đó có ghi rõ số lượng, chủng loại nhập khẩu để làm giống, nơi sử dụng giống; đồng thời phải kèm theo văn bản về vệ sinh phòng dịch do Bộ Y tế cấp hoặc văn bản đã xử lý đảm bảo các tiêu chuẩn để làm giống do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp. Hàng năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải đăng ký kế hoạch nhập khẩu các sản phẩm cây, con, hạt giống với Hải quan và nêu rõ số lượng giao cho từng đơn vị nhập khẩu để Hải quan địa phương nơi làm thủ tục nhập khẩu cho các lô hàng này thực hiện trừ lùi số thức nhập, 6 tháng có báo cáo quyết toán số đã nhập và sử dụng. Trường hợp không sử dụng để làm giống sẽ bị truy thu thuế theo mức thuế nhập khẩu của sản phẩm thông thường tại thời điểm truy thu và phạt chậm nộp (nếu có) theo quy định.

- Đối với các hàng hoá là máy móc thiết bị dùng cho chuyên dụng thuộc các nhóm 8518, 8519, 8520, 8521, 8522, 8625, 8527 phải có văn bản cho phép nhập khẩu của Bộ Văn hoá thông tin trong đó ghi rõ số lượng, chủng loại nhập khẩu để phục vụ cho hoạt động văn hoá thông tin diễn ra ở nơi công cộng: Nhà Văn hoá, Nhà hát, Cung văn hoá thông tin phải đăng ký kế hoạch nhập khẩu các máy móc thiết bị này với Hải quan và nêu rõ số lượng do từng đơn vị thuộc ngành nhập khẩu để Hải quan địa phương làm thủ tục nhập khẩu cho các lô hàng này thực hiện trừ lùi số thực nhập, 6 tháng có báo cáo số đã nhập và sử dụng cho ngành. Các trường hợp không sử dụng cho các hoạt động văn hoá thông tin của ngành như nêu ở trên sẽ bị truy thu theo mức thuế nhập khẩu của thiết bị dùng cho dân dụng tại thời điểm truy thu và phạt chậm nộp (nếu có) theo quy định.

- Đối với các hàng hoá là máy móc thiết bị chuyên dùng khác, để tránh gian lận thương mại thì ngoài việc phải có cấu tạo, đặc điểm phù hợp để thực hiện chức năng chuyên dùng như thiết kế của người sản xuất ghi trên catalogue (ví dụ: ôtô cứu thương phải có băng ca, cáng cấp cứu...; ôtô thông tin phải có máy móc thiết bị thông tin v.v...) thì hàng năm Bộ, Ngành chủ quản phải đăng ký kế hoạch nhập khẩu các thiết bị chuyên dùng với Hải quan và nêu rõ số lượng giao cho từng đơn vị nhập khẩu để Hải quan địa phương nơi làm thủ tục nhập khẩu thực hiện trừ lùi số đã nhập và theo dõi việc sử dụng. Các trường hợp nhập khẩu thiết bị chuyên dùng nhưng không sử dụng đúng mục đích thiết kế của người sản xuất (ví dụ nhập xe cứu thương cải tạo thành xe chở khách sẽ bị truy thu thuế theo mức thuế suất, giá tính thuế của loại máy móc thiết bị đã được chuyển đổi, tại thời điểm chuyển đổi mục đích thiết kế.

2) Cách tra cứu Biểu thuế xuất nhập khẩu:

Sau khi đã thu thập đủ các loại giấy tờ nêu trên, kết hợp với kết quả kiểm hoá hàng thực nhập khẩu do kiểm hoá viên ghi (quy cách, trình tự tiến hành kiểm hoá do Tổng cục Hải quan quy định tại văn bản riêng), Hải quan địa phương nơi làm thủ tục xuất nhập khẩu cho lô hàng sẽ xác định mã số, mức thuế xuất nhập khẩu phải nộp và thông báo số thuế phải nộp cho đối tượng nộp thuế.

Để xác định đúng số thuế xuất khẩu thuế nhập khẩu đơn vị phải nộp: trước hết, cần xác định rõ mặt hàng xuất nhập khẩu được làm từ nguyên liệu, vật liệu gì, mức độ chế biến, mục đích thiết kế, cấu tạo, đặc điểm, công dụng của hàng hoá, tên mặt hàng xuất, nhập khẩu được mô tả phù hợp với chương, nhóm, phân nhóm, mã hiệu nào đã ghi trong Biểu thuế. Trường hợp chưa rõ thì có thể xem mẫu hàng nhập khẩu. Vì thực tế hiện nay một mặt hàng có thể có nhiều tên gọi khác nhau như tên gọi theo công dụng, tên gọi theo đặc điểm cấu tạo lý hoá, tên gọi theo thương mại nhưng chỉ có một tên gọi của mặt hàng trong biểu thuế. Do cách gọi khác nhau này nên một mặt hàng có thể xếp vào các mã số khác nhau có mức thuế xuất nhập khẩu rất khác nhau. Ví dụ: Mặt hàng giấy gói kẹo làm từ màng cellophane. Nếu căn cứ nguồn gốc nguyên liệu thì loại màng cellophane này được xếp vào chương 39, nhóm 3920, mã số 392000, có thuế suất thuế NK là 20%. Nhưng nếu căn cứ theo tên thương mại của hàng hoá là giấy bóng kinh, thì mặt hàng này lại có thể xếp vào mã số 4806 có thuế suất thuế NK là 1% hoặc nếu căn cứ theo công dụng của hàng hoá là giấy gói kẹo thì lại có thể xếp vào nhóm 4804, có thuế suất thuế NK từ 10% đến 20% tuỳ theo đã in nhãn hay chưa.

SAU khi đã có đầy đủ những thông tin liên quan đến mặt hàng xuất nhập khẩu, đối chiếu với quy định của Biểu thuế XNK tại thời điểm đăng ký Tờ khai hàng hoá xuất nhập khẩu, tham khảo Danh mục hàng hoá XNK Việt Nam để tính thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu cho lô hàng xuất nhập khẩu.

Trường hợp hàng thực nhập không phù hợp với mô tả hàng hoá ghi trên từng loại giấy tờ. Ví dụ: theo Catalogue thì ôtô thông tin phải có gắn các máy móc thông tin, angten để truyền nhận thông tin, ôtô cứu thương phải có đèn nháy, còi hú, băng ca, cáng cấp cứu, thiết bị truyền dịch..., nhưng hàng thực nhập khẩu không có hoặc có nhưng không đầy đủ các thiết bị đặc trưng này hoặc nội dung ghi trên các loại giấy tờ này không thống nhất (ví dụ: tên hàng ghi trên catalogue là máy đông lạnh nhưng tên hàng ghi trên hợp đồng là tủ bầy hàng đông lạnh...) hoặc một mặt hàng nhưng có 2 kết quả giám định khác nhau thì Hải quan tỉnh, thành phố vẫn tạm thời tính thuế xuất nhập khẩu và ra thông báo số thuế xuất nhập khẩu phải nộp cho đơn vị; đồng thời phải gửi báo cáo Tổng cục Hải quan và Bộ Tài chính để xin ý kiến giải quyết cụ thể (báo cáo phải ghi rõ ý kiến đề xuất, căn cứ đề xuất).

Sau khi nhận được đầy đủ bộ hồ sơ của lô hàng xuất nhập khẩu do Cục Hải quan địa phương gửi (trừ những trường hợp có vướng mắc cần trao đổi với các cơ quan quản lý cấp trên hoặc các cơ quan chức năng có liên quan khác nhau như Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê, Bộ Công nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tổng cục Hải quan phải có văn bản trả lời cho Cục Hải quan địa phương và báo cáo kết quả cho Bộ Tài chính.

 

IV. GIẢI QUYẾT CÁC KHIẾU NẠI VÀ XỬ LÝ
CÁC TRƯỜNG HỢP VI PHẠM

 

1- Giải quyết khiếu nại.

a) Quyền và trách nhiệm của đối tượng nộp thuế trong việc khiếu nại về thuế

Trong trường hợp đối tượng nộp thuế không đồng ý với thông báo chính thức về số thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu của Cục Hải quan tỉnh, thành phố đối với một mặt hàng, lô hàng xuất, nhập khẩu cụ thể nào đó thì vẫn phải chấp hành nộp đủ số thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đã được Cục Hải quan địa phương thông báo trong thời hạn quy định, đồng thời có quyền gửi khiếu nại lên Tổng cục Hải quan, hoặc khởi kiện đến toà án theo quy định của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính được UBTVQH thông qua ngày 21/5/1996.

b) Trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan thu thuế XNK trong việc giải quyết khiếu nại về thuế xuất nhập khẩu:

- Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại với đầy đủ các căn cứ cho việc giải quyết khiếu nại, Tổng cục Hải quan phải giải quyết xong và báo cáo kết quả giải quyết khiếu nại cho Bộ Tài chính. Nếu đối tượng nộp thuế không đồng ý với quyết định xử lý của Tổng cục Hải quan thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài chính. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại với đầy đủ các căn cứ cho việc giải quyết khiếu nại, Bộ trưởng Bộ Tài chính phải giải quyết xong. Quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Tài chính là quyết định cuối cùng.

Trường hợp đơn khiếu nại đã được gửi lên Tổng cục Hải quan và Bộ Tài chính nhưng các căn cứ để giải quyết khiếu nại chưa đầy đủ thì tuỳ từng trường hợp cụ thể Tổng cục Hải quan hoặc Bộ Tài chính sẽ yêu cầu đối tượng nộp thuế cung cấp thêm 1 số hồ sơ cần thiết hoặc trao đổi thêm với các ngành chức năng có liên quan trước khi có Quyết định xử lý chính thức.

Trong trường hợp Cục Hải quan tỉnh, thành phố thấy các Quyết định giải quyết khiếu nại về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu của Tổng cục Hải quan hoặc Bộ Tài chính còn có điều vướng mắc, thì trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử lý của cơ quan cấp trên, Cục Hải quan địa phương phải có ý kiến với cơ quan đã giải quyết khiếu nại về những vấn đề vướng mắc để có biện pháp xử lý kịp thời.

2- Xử lý các trường hợp vi phạm

Việc xử lý các trường hợp vi phạm về tính, thu nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được thực hiện theo đúng những quy định tại Điều 20, Điều 22 - Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được Quốc hội thông qua ngày 26/12/1991; Điều 17, Điều 20 của Nghị định số 54/CP ngày 28/8/1993 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Thông tư này có hiệu lực thi hành và được áp dụng thống nhất trong phạm vi cả nước từ ngày 1/9/1997. Trong quá trình thực hiện có vấn đề gì vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để kịp thời giải quyết.

Ghi chú
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Nội dung văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực

văn bản mới nhất

×
×
×
Vui lòng đợi