Thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư thực hiện như thế nào?

Nhà đầu tư đáp ứng điều kiện sẽ được hưởng ưu đãi trong thời hạn nhất định. Vậy thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư thực hiện như thế nào?

Thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư mới nhất

Căn cứ Điều 17 Luật Đầu tư năm 2020 và Điều 23 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP, tùy thuộc vào đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư, nhà đầu tư tự xác định ưu đãi và thực hiện thủ tục hưởng tại cơ quan thuế, cơ quan tài chính, cơ quan hải quan… Cụ thể:

Bước 1: Xác định căn cứ áp dụng ưu đãi đầu tư

  • Đối với dự án được cấp:

- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; hoặc

- Quyết định chủ trương đầu tư; hoặc

- Quyết định chấp thuận nhà đầu tư; hoặc

- Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ; hoặc

- Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hoặc

- Giấy chứng nhận dự án ứng dụng công nghệ cao; hoặc

- Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; hoặc

- Giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao.

Trên cơ sở nội dung của giấy tờ này để xác định hình thức, căn cứ, điều kiện áp dụng ưu đãi đầu tư.

  • Đối với dự án không được cấp một trong các loại giấy tờ nêu trên, nhà đầu tư căn cứ đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định để tự xác định ưu đãi cũng như thực hiện thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư.

Bước 2: Nộp hồ sơ áp dụng ưu đãi đầu tư thông qua bưu điện/trực tiếp tại trụ sở cơ quan áp dụng ưu đãi đầu tư

Hồ sơ gồm:

- Kê khai/đề nghị áp dụng ưu đãi đầu tư.

- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chủ trương đầu tư; Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ… đối với trường hợp được cấp một trong số các loại giấy tờ này.

Bước 3: Cơ quan thuế, cơ quan tài chính, cơ quan hải quan, cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng ưu đãi đầu tư về đất đai và ưu đãi khác đối với nhà đầu tư đáp ứng điều kiện

Thời hạn giải quyết:

Tùy thuộc thời hạn giải quyết của từng cơ quan áp dụng ưu đãi đầu tư đối với từng loại ưu đãi đầu tư.

thu tuc ap dung uu dai dau tuThủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư thực hiện như thế nào? (Ảnh minh họa)

2 trường hợp điều chỉnh ưu đãi đầu tư

Theo Điều 22 Nghị định 31/2021 của Chính phủ, ưu đãi đầu tư được điều chỉnh trong trường hợp:

- Dự án đầu tư đáp ứng thêm điều kiện để được hưởng ưu đãi đầu tư ở mức cao hơn; hoặc

- Dự án đầu tư đáp ứng điều kiện được hưởng thêm ưu đãi theo hình thức ưu đãi mới.

Nếu dự án đầu tư không đáp ứng điều kiện hưởng ưu đãi quy định ở Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư, Quyết định chấp thuận nhà đầu tư/không đáp ứng điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư tự xác định thì sẽ không được hưởng ưu đãi.

Trường hợp dự án đầu tư có thời gian không đáp ứng điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư thì nhà đầu tư không được hưởng ưu đãi đầu tư cho thời gian không đáp ứng điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư.

Lưu ý:

Tổ chức kinh tế mới thành lập hoặc thực hiện dự án đầu tư từ việc chuyển đổi loại hình tổ chức kinh tế, chuyển đổi sở hữu, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng dự án đầu tư được kế thừa các ưu đãi đầu tư của dự án đầu tư trước khi chuyển đổi, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng.

Trên đây là hướng dẫn thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư, nếu có thắc mắc liên quan, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được giải đáp.

Đánh giá bài viết:
(2 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục