Phụ cấp công tác Đảng, đoàn thể, chính trị, xã hội tính thế nào?

Phụ cấp công tác Đảng, đoàn thể, chính trị, xã hội là một trong những khoản phụ cấp dành cho cán bộ, công chức hiện nay. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết về chế độ phụ cấp này.


Phụ cấp công tác Đảng: Ai được hưởng?

Theo quy định tại Hướng dẫn 05-HD/BTCTW, đối tượng được hưởng phụ cấp công tác Đảng, đoàn thể chính trị, xã hội bao gồm:

- Cán bộ, công chức và người lao động trong biên chế được giao, hưởng lương từ ngân sách Nhà nước gồm:

  • Các cơ quan tham mưu giúp việc của Đảng như văn phòng, tổ chức, dân vận, tuyên giáo, đối ngoại và các Đảng ủy trực thuộc từ Trung ương đến cấp huyện;
  • Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam từ Trung ương đến cấp huyện;
  • Các cơ quan Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.

- Cán bộ, công chức và người lao động công tác ở Ủy ban kiểm tra các cấp chưa được hưởng và không thuộc đối tượng hưởng phụ cấp trách nhiệm nghề và phụ cấp thâm niên nghề;

- Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động có thời hạn từ 01 năm trở lên trong cơ quan của Đảng, đoàn thể chính trị, xã hội được xếp lương theo các bảng lương do Nhà nước quy định thuộc chỉ tiêu biên chế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Ai không được hưởng phụ cấp công tác Đảng?

Bên cạnh các đối tượng được hưởng, Hướng dẫn 05 cũng nêu rõ 06 đối tượng không được hưởng loại phụ cấp này gồm:

- Cán bộ, công chức và người làm chuyên trách công tác Đảng, đoàn thể chính trị - xã hội trong các cơ quan, đơn vị của Nhà nước, lực lượng vũ trang.

- Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong đơn vị sự nghiệp của Đảng; doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp của cơ quan Đảng, đoàn thể chính trị - xã hội.

- Cán bộ, công chức nghỉ chờ đủ tuổi để nghỉ hưu.

- Cán bộ, công chức giữ chức vụ bầu cử, bổ nhiệm có lương chức vụ từ 9,7 trở lên hoặc có hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo từ 1,20 trở lên.

- Cán bộ, công chức công tác ở cơ quan ủy ban kiểm tra các cấp đang hưởng phụ cấp trách nhiệm nghề, hoặc phụ cấp trách nhiệm nghề và phụ cấp thâm niên nghề.

- Người được xếp lương theo cấp hàm cơ yếu.


Mức phụ cấp về công tác Đảng, đoàn thể chính trị, xã hội

Cách tính mức phụ cấp này được hướng dẫn chi tiết tại khoản 2 Điều 1 Hướng dẫn 05 này như sau:

Mức phụ cấp: Bằng 30% của mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)

Căn cứ quy định này, cách tính loại phụ cấp này như sau:

Phụ cấp = 30% của mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)

Trong đó:

1/ Mức lương hiện hưởng

Lương của cán bộ, công chức được tính theo hệ số lương và mức lương cơ sở bằng công thức:

Lương = Hệ số x Mức lương cơ sở

- Hệ số lương: Tùy vào từng đối tượng khác nhau, cán bộ, công chức sẽ được quy định hệ số lương khác nhau. Hệ số này quy định cụ thể tại phụ lục ban hành kèm Nghị định 204/2004/NĐ-CP.

- Mức lương cơ sở: Hiện mức lương cơ sở đang áp dụng là 1,49 triệu đồng/tháng (theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP).

2/ Phụ cấp chức vụ lãnh đạo

Phụ cấp chức vụ lãnh đạo cũng được tính theo công thức:

Phụ cấp chức vụ lãnh đạo = Hệ số x Mức lương cơ sở

Trong đó, hệ số phụ cấp này được quy định cụ thể tại phụ lục kèm theo Nghị định 204 năm 2004. Đồng thời, Hướng dẫn 05 này cũng quy định cụ thể mức hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo của một số chức danh sau đây:

- Phó trưởng đoàn thể chính trị, xã hội ở Trung ương (trừ Bí thư Trung ương Đoàn); phó bí thư các tỉnh ủy, thành ủy (trừ TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh); phó bí thư Đảng ủy trực thuộc Trung ương: Hưởng hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo 1,3.

- Phó trưởng các ban Đảng ở Trung ương đã giữ chức vụ bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương (trừ TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh): Hưởng hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo 1,4.

3/ Phụ cấp thâm niên vượt khung

Loại phụ cấp này được quy định cụ thể tại Thông tư 04/2005/TT-BNV. Theo đó, mức hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung bằng 5% mức lương của bậc lương cuối cùng. Từ năm thứ 4 trở đi, mỗi năm đủ hai tiêu chuẩn hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung được tính hưởng thêm 1%.

Cán bộ, công chức được tính phụ cấp công tác Đảng thế nào?

Chế độ phụ cấp công tác Đảng, đoàn thể chính trị, xã hội (Ảnh minh họa)
 

4 khoảng thời gian không hưởng phụ cấp

Về nguyên tắc, khi cán bộ, công chức làm việc, công tác ở cơ quan Đảng, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp từ Trung ương đến cấp huyện thì sẽ được hưởng loại phụ cấp này.

Tuy nhiên, không phải trong mọi khoảng thời gian, cán bộ, công chức cũng được hưởng phụ cấp này. Bởi theo khoản b Điều 3 Hướng dẫn 05 nêu trên, có 04 khoảng thời gian không tính hưởng phụ cấp sau đây:

- Thời gian đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài từ 30 ngày liên tục trở lên, hưởng 40% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có);

- Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 01 tháng (30 ngày) trở lên;

- Thời gian cán bộ, công chức bị tạm giữ, tạm giam, tạm đình chỉ công tác theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Trong đó, khi thôi công tác ở cơ quan Đảng, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp thì thôi hưởng phụ cấp từ tháng tiếp theo. Loại phụ cấp này được chi trả cùng kỳ lương hàng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Xem thêm…


Sắp bỏ phụ cấp về công tác Đảng, đoàn thể chính trị, xã hội?

Hiện nay, cán bộ, công chức đang có quá nhiều phụ cấp, gây lãng phí cho ngân sách Nhà nước. Đồng thời, các khoản phụ cấp còn được quy định ở nhiều văn bản khác nhau khiến nảy sinh nhiều bất cập, chưa phát huy chất lượng và hiệu quả đối với từng đối tượng cán bộ, công chức.

Vì lẽ đó, ngày 21/5/2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW quy định về cải cách chính sách tiền lương.

Nổi bật tại Nghị quyết này là việc xây dựng bảng lương mới theo chức vụ, vị trí việc làm để phát huy năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức. Đồng thời với đó là bãi bỏ và sắp xếp lại các khoản phụ cấp của nhóm đối tượng này. Cụ thể:

- Bãi bỏ nhiều khoản phụ cấp: Phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu để bảo đảm tương quan tiền lương), phụ cấp công tác Đảng, đoàn thể chính trị, xã hội, phụ cấp độc hại, nguy hiểm…

- Giữ nguyên các loại phụ cấp: Phụ cấp kiêm nhiệm, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp khu vực, phụ cấp trách nhiệm công việc, phụ cấp lưu động…

Như vậy, chế độ phụ cấp này sẽ bị bãi bỏ theo tinh thần của Nghị quyết 27 nêu trên. Cũng theo Nghị quyết 27 này, từ năm 2021, sẽ thực hiện cải cách tiền lương.

Tuy nhiên, do tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp nên tại Hội nghị Trung ương 13 ngày 09/10/2020, Ban Chấp hành đã tán thành lùi thời điểm cải cách tiền lương đến 01/7/2022 thay vì năm 2021.

Do đó, từ 01/7/2022, phụ cấp về công tác Đảng, đoàn thể chính trị, xã hội cũng là một trong những khoản phụ cấp bị bãi bỏ theo tinh thần của Nghị quyết 27.

Trên đây là quy định về phụ cấp công tác Đảng của cán bộ, công chức. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

>> Các bảng lương mới của cán bộ, công chức, viên chức từ 01/7/2022

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục