Cách tính lương hưu đối với lao động nam

Trong bài viết trước về chủ đề chế độ hưu trí, Luatvietnam đã đưa ra cách tính lương hưu với lao động nữ. Vì điều kiện nghỉ hưu của lao động nam và nữ khác nhau nên bài viết dưới đây sẽ giải đáp thêm cho bạn đọc về cách tính lương hưu của nam.

Điều kiện hưởng lương hưu của lao động nam

Theo khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019, trong điều kiện lao động bình thường, tuổi nghỉ hưu của lao động nam năm 2021 là đủ 60 tuổi 03 tháng. Sau đó được điều chỉnh mỗi năm tăng 03 tháng cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028.

Vì có sự thay đổi về tuổi nghỉ hưu nên điều kiện hưởng lương hưu của lao động nam từ 01/01/2022 phải đáp ứng đủ từ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) trở lên và đủ tuổi theo quy định sau:

- Lao động nam trong điều kiện bình thường được hưởng lương hưu khi đáp ứng đủ điều kiện đủ từ 60 tuổi 06 tháng; đủ từ 55 tuổi 06 tháng và đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm… (theo Điều 54 Luật BHXH 2014 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019).

- Lao động nam bị suy giảm sức lao động sẽ được hưởng lương hưu khi đáp ứng đủ điều kiện đủ từ 55 tuổi 06 tháng bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến dưới 81%; đủ từ 50 tuổi 06 tháng và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên… (theo Điều 55 Luật BHXH 2014 được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019).

cach tinh luong huu cua nam tu 2022

Cách tính lương hưu của nam từ năm 2021 (Ảnh minh họa)


Cách tính lương hưu của nam thế nào?

Căn cứ quy định tại điểm a khoản 2 Điều 56 Luật BHXH 2014, lao động nam nghỉ hưu từ 01/01/2021 trở đi mức lương hưu được tính như sau:

* Nghỉ hưu trong điều kiện bình thường

Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2022 thì mức lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với 20 năm đóng BHXH. Sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam, mức tối đa bằng 75%.

Ví dụ: Ông M làm việc trong điều kiện bình thường và đến năm 2022 đủ tuổi nghỉ hưu. Tính đến thời điểm nghỉ, ông có 25 năm đóng BHXH.

Lương hưu hàng tháng của ông được tính: 20 năm đóng BHXH = 45%

6 năm đóng BHXH còn lại = 5 x 2% = 10%.

Vậy lương hưu hàng tháng của ông M sẽ bằng 45% + 10% = 55% mức bình quân tiền lương/thu nhập tháng đóng BHXH.

* Trường hợp bị suy giảm khả năng lao động

Căn cứ khoản 3 Điều 56 Luật BHXH 2014, cách tính lương hưu hàng tháng của người lao động khi suy giảm khả năng lao động được xác định như mức hưởng lương của lao động khi về hưu trong điều kiện bình thường. Sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%.

Trường hợp thời gian nghỉ hưu trước tuổi có thời gian lẻ dưới 6 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu, thời gian lẻ từ 6 tháng trở lên thì tính mức giảm là 1%.

Ví dụ: Ông K về hưu tháng 4/2022 khi đó 56 tuổi 11 tháng, suy giảm khả năng lao động 62% theo kết luận của Hội đồng Giám định y khoa, có 26 năm đóng BHXH. Như vậy ông K đủ điều kiện về hưu trước tuổi và được tính mức hưởng lương hưu như sau:

20 năm đầu đóng BHXH = 45%.

Từ năm thứ 21 đến 26 là 6 năm, tính thêm = 6 x 2%= 12%.

Tổng 2 tỷ lệ trên là 45% + 12% = 57%.

Ông K nghỉ hưu khi 56 tuổi 11 tháng (nghỉ hưu trước 60 tuổi 06 tháng là 3 năm 7 tháng) nên tỷ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi là (3 x 2%) + 1% = 7%.

Như vậy, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của ông K sẽ là 57% - 7% = 50%.

Trên đây là cách tính lương hưu của nam. Tùy thuộc vào từng điều kiện nghỉ hưu của lao động nam và số năm đóng BHXH sẽ có mức hưởng lương hưu khác nhau.

>> 3 thay đổi về lương hưu mọi người lao động cần biết

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục